Mách cho công an (kỳ 2)

0
37
Trường đua Phú Thọ
   

Nguyễn Thông 

Những ai ở Sài Gòn trước năm 1975 và sau đó gần chục năm, không lạ gì một khu thể thao cực kỳ hoành tráng của thành phố này: Trường đua Phú Thọ.

Gọi là trường đua bởi hoạt động thể thao chính của nó là đua ngựa. Ngựa đua được nuôi dưỡng, rèn cặp, huấn luyện từ khắp nơi Hóc Môn, Củ Chi (Sài Gòn), Đức Hòa, Đức Huệ (thuộc Long An bây giờ), Gò Công (thuộc Tiền Giang bây giờ)… được đưa về đua tại trường đua Phú Thọ. Ở giữa thị xã Gò Công (vừa được nâng cấp thành phố) còn có cái ao rõ to do người Pháp đào, gọi là ao tắm ngựa, giờ như cảnh quan đẹp của đô thị. Đua ngựa vừa là môn thể thao, vừa trò cờ bạc công khai, được chính quyền cho phép và quản lý, như chơi xổ số, việt lốt hiện tại. Người Pháp, giới thượng lưu và cả bình dân rất thích món này. Sau 1954, chính quyền Sài Gòn vẫn cho tồn tại, thậm chí còn phát triển hơn. Sau tháng 4.1975, bên thắng cuộc dẹp, bởi theo quan niệm cách mạng vô sản, những trò ăn chơi bị coi là tàn tích thực dân đế quốc, đú đởn, vớ vẩn, không cần thiết, chỉ có lao động xây dựng chủ nghĩa xã hội mới được tôn trọng, đề cao, duy trì. 

Ngay cả ca hát cũng vậy, sau tháng 4.1975, phòng trà, tụ điểm ca nhạc bị dẹp hết, không còn Trịnh Công Sơn, Khánh Ly gì sất, muốn mua băng cassette “Sơn ca 7” phải mắt trước mắt sau lấm la lấm lét, chui nhủi, không khác gì mua ma túy thời nay. Thay vào đó là các nhóm ca khúc chính trị làm mưa làm gió với những giọng ca mới Cẩm Vân, Họa Mi (cô này từng hát chút ít trước 75 nhưng chưa tiếng tăm gì), Ngọc Ánh, Thế Hiển… với những ca khúc của Tôn Thất Lập, Xuân Hồng, Trần Long Ẩn, Trương Quốc Khánh… Bừng bừng khí thế chính trị đàn áp văn nghệ, rất khiếp.

Nhưng trường đua Phú Thọ không chỉ để đua ngựa, nó còn là khu liên hợp thể thao với nhiều môn tập luyện, thi đấu, nhất là đua mô tô, xe máy, bởi nó quá rộng.

Năm 1978, tôi cùng các thầy cô giáo đưa “sinh viên năm 0” (hay còn gọi là học sinh lớp 13) ra đây tập quân sự. Hầu hết các trường đại học đều tổ chức cho sinh viên tập quân sự ở trường đua Phú Thọ, hoặc ra khu bãi cỏ hoang rộng mênh mông trải suốt từ chỗ hồ Kỳ Hòa bây giờ kéo tới tận gần nhà tù Chí Hòa. Các thầy gọi đùa là đi tù. Đôi lần tôi để ý có tới dăm bảy trường cùng đưa sinh viên đến trường đua Phú Thọ tập đội ngũ đi đều, tập bắn súng, ném lựu đạn… mà chỉ hết một góc nhỏ. Một lần ông Đoàn tài xế còn lái chiếc xe Ford cũ cho tôi ngồi ké chạy một vòng sát tường trường đua, phải gần nửa tiếng mới về chỗ xuất phát. Giời ạ, sao mà nó lớn thế, rộng khiếp, mênh mông không thể tả. Và kinh nhất, tới tận năm 1979, khu đất to giữa trường đua vẫn được dùng làm bãi chứa bom, mìn, lựu đạn, vũ khí người ta thu hồi ở khắp nơi gom về, chất một đống khổng lồ, không người trông coi.

Trường đua Phú Thọ, theo hồ sơ được lưu giữ, có diện tích hơn 444.000 mét vuông, tức là gần 44 hecta rưỡi. Cứ hình dung sân vận động Thống Nhất rộng 40.000m2 (4ha), sân Mỹ Đình 175.000m2 (17,5ha) thì biết nó lớn thế nào, gấp 11 lần sân Thống Nhất, gấp gần 3 lần sân Mỹ Đình. Cách nay gần 100 năm, người Pháp đã có tầm nhìn về độ mở, về tương lai phát triển kinh như vậy. Cũng cách suýt soát nửa thế kỷ, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã biết tôn trọng cái nhìn ấy, thậm chí còn củng cố, rộng mở cho nó hoàn chỉnh hơn. Đâu có như thể chế kế tiếp để khu Phú Thọ nham nhở, tan tác, co hẹp da lừa như bây giờ. (còn tiếp)

Nguyễn Thông (điều tra viên hạng ấp)

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here