LƯU VONG

0
32
Cộng đồng người Việt đón Blogger Điếu Cày tại sân bay LAX. Dân biểu Liên Bang Lou Correa tặng Blogger Điếu Cày lá cờ Mỹ và chai Coca, hai biểu tượng của nước Mỹ.

Hoang Sy Vu
28 Tháng 10, 2014

Vào ngày 21/10 vừa qua, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải đã được phóng thích ra khỏi tù và được đưa thẳng ra sân bay để sang thẳng Hoa Kỳ mà gia đình anh không được thông báo hay gặp mặt để chia tay. Việc chính quyền đưa Điếu Cày xuất ngoại một cách vội vã và có phần“lén lút” như vậy khiến cho nhiều người bức xúc. Có người cho đó là bị trục xuất, có người cho là đi lưu vong, tỵ nạn chính trị.

Có phải là trục xuất?

Theo Nghị Định 54/2001/NĐ-CP doThủ Tướng Phan Văn Khải ký ngày 23/08/2001 thì: “Trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người khôngcó quốc tịch Việt Nam) buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Như vậy, trục xuất chỉ được áp dụng với đối tượng là người nước ngoài, theo quy định tại Điều 32 của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 234a của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 09/06/2000.

Theo đó, trường hợp của blogger Điếu Cày không thể nào gọi là trục xuất (Removal/ Expel) được. Đơn giản vì anh là công dân Việt Nam,anh có quốc tịch Việt Nam, anh không phải là người nước ngoài. Hơn nữa, phải có “nhập” vào thì mới có“xuất” ra. Anh là người Việt Nam, sống ở Việt Nam nên không thể bị trục xuất ra khỏi đất nước của mình được.

Giả dụ như Điếu Cày là người nước ngoài hoặc người Việt có quốc tịch nước ngoài, phạm tội thì bị trục xuất theo hai trường hợp:

1/ Trục xuất là hìnhphạt chính, tức ngay khi phạm tội sẽ bị trục xuất ngay;

2/ Trục xuất là hình phạt bổ sung, tức là sau khi đã chấp hành hết án phạt thì sẽ bị trục xuất.

Trường hợp của Điếu Cày lại không hề như vậy!

Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái) vào lúc 10:55 sáng ngày 1 tháng 5 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ. AFP PHOTO. Photo: RFA

Chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu chínhphủ Việt Nam phải phóng thích Điếu Cày. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam chỉ cho anh có một lựa chọn duy nhất đó là buộc anh phải đi sang Hoa Kỳ. Blogger Điếu Cày đã quyết định rời khỏi chốn lao tù, mang lấy nhiều trọng trách của anh em bạn tù để thực hiện những tâm nguyện, những hoạt động mà anh không thể thực hiện được trong điều kiện bị giam giữ ở nhà tù.

Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với anh, và cho anh đi ra nước ngoài “vì lý do nhân đạo”. Mặc dù anh không hề viết đơn xin tha tù hay ký bất cứ một giấy tờ nào để được “tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù” và cũngkhông hề nhận được một giấy tờ quyết định nào về việc đó cả. Có thể nói, họ đã áp giải Điếu Cày ra đến tận sân bay để đưa anh rời khỏi quê hương mình và bắt đầu sống đời lưu vong ở một quốc gia khác.

Một trào lưu lưu vong

Lưu đày hay lưu vong (Exile) là một tình trạng người ta phải rời bỏ quê hương mình sống ở nơi đất khách quê người vì lý do chính trị hay trừng phạt. Có cả một truyền thống từ rất xa xưa về lịch sử, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, chính trị… liên quan đến lưu vong. Có thể kể đến một ví dụ nổi tiếng về lưu vong đó là dân tộc Do Thái đã phải sống lưu đày 400 năm bên Ai Cập, 50 năm ở Babylon.

Đa số các nhà chính khách, cácnhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động, các văn nghệ sĩ, … thời nay cũng đang phải sống lưu vong vì không được chấp nhận ở đất nước mình. Như cựu ThủTướng Thaksin Shinawatra (Thái Lan), luật sư mù Trần Quang Thành(Trung Quốc), nhà văn Salman Rushdie (Ấn Độ), Julian Assange (Úc) – người sáng lập trang WikiLeaks, Edward Joseph Snowden (Mỹ) – cựu nhân viên NSA…

Một số khác tuy vẫn đang sống ở trên quê hương, đất nước mình nhưng họ bị bỏ tù, bị kềm kẹp, quản thúc chặt chẽ như nhà hoạt động nhân quyền Lưu Hiểu Ba, nghệ sĩ Ngải Vị Vị (Trung Quốc). Họ đang sống lưu vong ngay chính trên quê hương mình. Tuy vậy, cả thế giới đều thán phục và đánh giá cao những hoạt động của họ. Lưu Hiểu Ba được vinh danh giải Nobel Hòa Bình 2010, cả thế giới quyên tiền giúp Ngải Vị Vị trả tiền thuế.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở nước ta: nhiều văn nghệ sĩ bị tẩy chay vì dám sáng tạo qua ngưỡng kiểm duyệt, nhà báo không được viết điều mình muốn nói, luật sư không được làm theo đúng pháp luật, các nhà bất đồng chính kiến bị bịt miệng, các nhà hoạt động đấu tranh cho quyền tự do – dân chủ – nhân quyền bị đàn áp, sách nhiễu…

Nhìn rộng ra hơn nữa, dường như sự lưu vong đang dần lan tràn khắp cả xã hội: công nhân bị mất việc, nông dân bị mất đất, trí thức mất sĩ diện, nhân cách bị mất giá, văn hóa bị ngoại lai… Tất cả là do đâu? Ai phải chịu trách nhiệm cho tình trạng tệ hại này?

Điếu Cày đang phải sống lưu vong ở bên hải ngoại. Còn chúng ta? Chúng ta đang phải lưu vong ngay chính trên đất nước mình khi chính quyền không chấp nhận những khác biệt của chúng ta, không thừa nhận những nỗ lực của chúng ta nhằm thay đổi xã hội, không tiếp thu những tiếng nói phản biện… Trái lại, họ tìm mọi cách để dập tắt, để loại trừ, để đàn áp, để khống chế, để kiểm soát, để cách ly, để vô hiệu hóa…

Con người Việt Nam đang lưu vong khi không biết đâu mới chính là bản sắc riêng của mình, đâu là những giá trị đích thực cốt lõimình cần có, đâu là lý tưởng sống cao đẹp mình phải theo?

Dân tộc Việt Nam đang lưu vong, khi không thể quyết định được vận mệnh của mình mà phải dựa dẫm vào một thế lực ngoại lai đang khống chế và bào mòn chí khí, lòng tự hào dân tộc, tài nguyên và con người Việt Nam.

Cả một thể chế đang lưu vong khi đang giẫy giụa,mắc kẹt trong một mớ bòng bong không lối thoát của sự ngu muội, tham lam, dối trá, lạm quyền cách tàn bạo.

Thương Điếu Cày và bỗng thấythương mình quá đỗi, đều là phận lưu vong mà thôi! Chợt nghe văng vẳng trong đầu hai câu thơ sau:

“Một mình giữabóng chiều sa,
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha…” – (Phan Vũ)