VOA
Ông Lưu Hiểu Ba, nhà tranh đấu cho nhân quyền Trung Quốc bị bỏ tù, vừa qua đời trong một bệnh viện Trung Quốc sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Nhà văn đồng thời là nhà hoạt động 61 tuổi, đã được trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 vì “đấu tranh lâu dài và bất bạo động cho các quyền làm người cơ bản ở Trung Quốc”. Ngay cả những ngày cận kề cái chết, ông vẫn là đối tượng của nhiều tranh luận. Phóng viên Natalie Liu của đài VOA ở Washington cho biết thêm thông tin.
Ông Lưu Hiểu Ba, 61 tuổi, qua đời tại một bệnh viện ở Thẩm Dương, nơi ông được chuyển đến từ nhà tù để được điều trị ung thư giai đoạn cuối. Những ngày cuối cùng của ông gắn liền với một cuộc tranh cãi trong công chúng về việc Bắc Kinh từ chối yêu cầu của gia đình ông, xin phép đưa ông sang Hoa Kỳ hoặc Đức để được chăm sóc.
Từ lâu, ông Lưu đã nổi danh là một nhà bất đồng chính kiến trực ngôn. Là một giảng viên đại học và nhà văn nổi tiếng về phê bình văn hoá Trung Quốc truyền thống, sự nghiệp đầy hứa hẹn của ông đã rẽ sang một bước ngoặt lớn khi ông tham gia cuộc biểu tình quy mô do sinh viên dẫn đầu tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Sau cuộc đàn áp dữ dội của quân đội, trong sự cố được gọi là vụ thảm sát Thiên An Môn, ông bị quy là thành phần tội phạm “bàn tay đen” và bị bỏ tù.
Sau khi được phóng thích năm 1991, ông tiếp tục kêu gọi cải cách chính trị.
Ông Lưu Hiểu Ba nói:
“Nếu có tiến bộ gì về xã hội và chính trị của Trung Quốc trong 20 năm qua, tất cả là nhờ các công dân đã thúc đẩy sự thay đổi. Rốt cuộc, thay đổi sẽ xảy ra khi mà các vấn đề vẫn tồn tại và có đủ những người quan tâm”.
Năm 2008, ông Lưu và các nhà bất đồng chính kiến khác đã công bố một văn kiện có tên Hiến chương 08. Văn kiện kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng của Trung Quốc và thành lập một nước cộng hòa dân chủ mới.
Ông Lưu Hiểu Ba nói:
“Đối với những người trong sô chúng ta trong phong trào chống đối dưới các chế độ độc tài, một phần công việc của chúng tôi là phải đối mặt với cảnh sát, và đi tù. Như vậy, một nhà bất đồng chính kiến không chỉ cần học cách chống lại áp bức, mà còn phải đối phó với các cuộc trấn áp, và bị cầm tù”.
Ông Lưu bị kết án 11 năm tù hồi năm 2009. Một năm sau, tên tuổi của ông được toàn thế giới biết đến.
Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjorn Jagland:
“Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao giải Nobel Hoà bình năm 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba vì đã đấu tranh lâu dài và bất bạo động vì nhân quyền cơ bản ở Trung Quốc”.
Giải thưởng ghi nhận vai trò của nhiều người Trung Quốc ở trong lẫn ngoài Trung Quốc trong việc xác lập nhân quyền phổ quát.
Ông Lưu Hiểu Ba nói:
“Nhà cầm quyền có quyền lực trong tay, họ có thể bắt giữ người, chúng ta không có quyền lực như vậy, nhưng chúng ta có thể nói chúng ta không ủng hộ điều này, chúng ta chống đối điều này”.
Khi ông Lưu qua đời, ông còn 3 năm nữa nữa mới mãn hạn tù. Người vợ chung sống với ông trong 21 năm, bà Lưu Hà, đề cập tới cuộc đời của hai vợ chồng trong một bài thơ:
“Ta thích vẽ cây, vì sao vậy?
Vì thích hình ảnh cây đứng thẳng
Người nói sống mà đứng thẳng hẳn rất mệt mỏi
Ta trả lời đúng thế
Nhưng ta vẫn phải như vậy”