LÀM THẾ NÀO VIỆT NAM VẪN CÒN LÀ MỘT NƠI BUÔN BÁN NGƯỜI?

0
93

Ba năm sau khi hãng thông tấn Al Jazeera phát hiện ra các hoạt động tội phạm buôn người từ Việt Nam đưa sang Vương quốc Anh, mọi việc “kinh doanh” vẫn diễn ra mạnh mẽ đưa đến cái chết của 39 nạn nhân trong tháng vừa qua. Làm thế nào Việt Nam vẫn còn rầm rộ buôn bán người?

Buôn người ở Việt Nam có hai dạng. Dạng “chính thức”, được nhà nước khuyến khích dưới chiêu bài “xuất khẩu lao động”, là loại buôn bán sức lao động của người dân để bị bóc lột ở nước ngoài một cách hợp pháp, có chỉ đạo và chính sách. Và dạng “đi chui” theo đường dây của các tổ chức tội phạm, được bọn môi giới quảng cáo như một “dịch vụ cung cấp phương tiện” để đi nước ngoài, là một hình thức lường gạt để lấy tiền bất chấp quá nhiều rủi ro đến tính mạng của các nạn nhân.

Buôn người theo dạng “đi chui” thường xuyên và cực kỳ nguy hiểm của người Việt sang Anh đã được tiết lộ trong một phim tài liệu của Al Jazeera từ năm 2016.

Nhiều nạn nhân bị bóc lột lao động, bị lạm dụng tình dục tại châu Âu mà không dám báo cảnh sát. Họ còn bị gọi là “người rơm” (giá trị rẻ như cọng rơm) cư trú bất hợp pháp, lẫn trốn tại Calais, Dunkirk, Zeebrugge và khu rừng ở phía Tây thành phố Lille ở Pháp, chờ cơ hội nhảy vào thùng lạnh của xe tải để trốn sang Anh.

Bộ phim năm 2016 của Al Jazeera, mang tựa đề “Britain’s Modern Slave Trade”, tạm dịch tiếng Việt là “Buôn bán nô lệ hiện đại của Anh”, đã tiết lộ rằng tỉnh Nghệ An là một điểm nóng của những kẻ buôn người. Đó là một trong những khu vực nghèo nhất của Việt Nam, nơi mà các băng đảng tội phạm triệt để khai thác những người trẻ tuổi đang khát khao đến Tây Âu để tìm việc làm và gửi tiền về cho gia đình.

Tại sao các nạn nhân đã chọn lựa tuyến đường sang Anh?

Ngoài nhu cầu đi làm để gởi tiền về trả nợ hoặc giúp đỡ gia đình, và cơ hội kiếm được việc làm tại Anh cao hơn so với các nước khác tại châu Âu, một yếu tố quan trọng không kém có thể vì họ có thân nhân hoặc bạn bè hiện đang cư trú tại Anh,

Sau năm 1975, trong số hàng triệu thuyền nhân tị nạn bỏ nước ra đi, những ghe thuyền vượt biên xuất phát từ miền Nam, phần đông nhắm hướng Thái Lan, Mã Lai Á, Singapore và Indonesia. Từ năm cao điểm 1978 đến 1990, các đợt thuyền nhân xuất phát từ miền Trung thông thường nhắm hướng Philippines hoặc đi về phía nam. Tuy nhiên, những ghe thuyền vượt biên thuộc các tỉnh miền Bắc và một số xuất phát từ Đà Nẵng trở ra, đa số nhắm hướng Hồng Kông.

Vào thời bấy giờ, Hồng Kông vẫn còn thuộc địa của Anh, và đại đa số thuyền nhân miền Bắc Việt Nam đến Hồng Kông không có được quy chế tị nạn chính trị. Họ được chính quyền Hồng Kông cho phép tạm cư thuộc diện nhân đạo. Cuối tháng 6 năm 1990, con số thuyền nhân Việt Nam tại Hồng Kông là 54.341 người, và chỉ có khoảng 20% trong số này được phân loại là người tị nạn, 20% là người không tị nạn và 60% đang chờ được sàng lọc.

Chính phủ Anh đã nhận phần lớn thuyền nhân miền Bắc trong trại tạm cư Hồng Kông sang định cư ở Anh theo diện nhân đạo. Sau khi chương trình định cư thuyền nhân chấm dứt, bản thống kê năm 2001 của Vương quốc Anh (The 2001 UK Census) báo cáo tổng số 23.347 người Việt ở Anh, với hơn 65% có nguyên quán từ miền Bắc và 76% số người này có trình độ học vấn dưới bậc trung học. Vào thời bấy giờ, người Việt định cư ở Anh nói chung đã gặp khó khăn trong việc hội nhập.

Trở lại cuốn phim tài liệu về tệ nạn buôn người.

Năm 2016, hãng thông tấn Al Jazeera đã hợp tác bí mật với phóng viên ở Việt Nam, để giả dạng là một cặp vợ chồng trẻ muốn sang Anh tìm việc làm, đến gặp một kẻ môi giới buôn người ở thành phố Vinh. Bà môi giới này cho rằng có thể sắp xếp cho cặp đôi đi sang Anh với giá 32.000 đô la, và nói với các phóng viên bí mật của Al Jazeera rằng đường dây của bà ta sẽ sắp xếp cho cặp đôi bay từ Hà Nội đến Nga, nơi họ sẽ giả làm sinh viên nước ngoài hoặc tham gia một nhóm du lịch. Từ Nga, sau đó họ sẽ được đưa tới châu Âu và sang Anh.

Bà môi giới đảm bảo sắp xếp cho cặp đôi đến Nga, đi ô tô sang Ba Lan, Đức và sau đó là Pháp. Khi đến Pháp, có người sẽ đón và đưa sang Anh. Bà đảm bảo chuyến đi sẽ thực sự an toàn “không phải đi chân dưới đất” và trấn an cặp đôi rằng cuộc hành trình sẽ dễ dàng và toàn bộ quá trình có thể chỉ mất vài tuần.

Đoạn phim ngắn (4:09 phút) dưới đây là một phần nhỏ của toàn bộ phim tài liệu “Britain’s Modern Slave Trade” dài hơn 47 phút.

Fb Người Đà Lạt Xưa
November 3, 2019
.

https://www.facebook.com/dalatxua.nguoi.7/videos/552885952187936/

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here