Kết quả chuyến thăm Hà Nội của TT Biden: P1 – Chú trọng kinh tế hơn an ninh quốc phòng?

0
59
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tuyên bố nâng cấp mối quan hệ Reuters
RFA

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam vừa kết thúc vào chiều ngày 11/9. Đây được coi là một cột mốc quan trọng mang ý nghĩa lịch sử khi mối quan hệ hai nước đã được nâng cấp lên thẳng mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Chương mới đó sẽ mở ra những cơ hội hợp tác trong các nhiều lĩnh vực nào? và có thách thức nào phía trước cho cả hai bên?

Bước ngoặc lịch sử

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), đánh giá chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden đã thành công tốt đẹp, hai bên đã đạt được những mục tiêu chính đã đặt ra. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là nâng cấp mối quan hệ song phương nên mức cao nhất là Đối tác Chiến lược Toàn diện:

“Đây là một cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, đánh dấu một đỉnh cao của quá trình hòa giải giữa hai cựu thù thời chiến tranh lạnh. Trải qua gần 50 năm kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hai bên đã vượt qua rất nhiều sóng gió và thử thách để đi từ việc bình thường hóa tới việc phát triển quan hệ song phương.

Kể từ nay, tôi tin rằng mối quan hệ song phương sẽ ngày càng chín muồi và thực chất, hai bên sẽ thoải mái hơn trong mối quan hệ song phương.”

Theo ông Hiệp, việc nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức cao nhất sẽ tạo khuôn khổ, nền tảng mới, mang lại những thỏa thuận, những cam kết hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, khoa học giáo dục, y tế, môi trường, an ninh quốc phòng… Điều này đã được làm nổi bật trong Tuyên bố chung của hai nước sau chuyến thăm của ông Biden.

Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về an ninh quốc phòng, nhận định rằng cái cách mà Việt Nam gọi tên mối quan hệ mới với Mỹ là “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, cho thấy Việt Nam muốn nhấn mạnh rằng quan hệ Đối tác Chiến lược của Việt Nam và Mỹ sẽ tập trung vào yếu tố kinh tế, thương mại và phát triển bền vững, chứ không phải giống như là Đối tác Chiến lược của Việt Nam-Trung Quốc chú trọng vào chính trị và tư tưởng nhiều hơn:

“Nó cũng là một cách để thể hiện cho Trung Quốc biết là tôi chơi với Mỹ, dù cùng là Đối tác Chiến lược Toàn diện, nhưng cái “toàn diện” của tôi là toàn diện về kinh tế, về công nghệ và làm ăn chứ không phải là chúng tôi liên kết về mặt chính trị để chống lại anh.

Nó cũng là một dạng thông điệp, Việt Nam vốn nổi tiếng với việc chơi chữ như vậy. Ví dụ như đối với Nhật Bản là “Đối tác chiến lược sâu rộng”…

Ít đề cập đến an ninh quốc phòng

Trong phần về An ninh và Quốc phòng trong Tuyên bố chung, hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác về thực thi pháp luật và tình báo an ninh; trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác hàng hải… 

Ông Thế Phương cho rằng vấn đề an ninh quốc được đề cập rất ít trong trong Tuyên bố chung. Mặc dù, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu khiến Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ là để cân bằng với Trung Quốc trong mối quan hệ ngoại giao, và nếu Trung Quốc không ngày càng hung hăng trên Biển Đông thì có lẽ Việt Nam và Mỹ sẽ không tiến nhanh như hiện giờ:

“Cái mảng về an ninh quốc phòng không nổi bật bằng những mảng khác như là đầu tư công nghệ chất bán dẫn, giáo dục y tế…

Nó thể hiện rằng Việt Nam xích lại gần Mỹ cái Đối tác Chiến lược Toàn diện này nó chỉ tập trung vào một mảng mà đang rất cần cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, đó là kinh tế, công nghệ và những yếu tố mang tính thực dụng.”

Về quan điểm này, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp lý giải, đối với phía Việt Nam thì các lợi ích kinh tế là mối quan tâm lớn nhất bởi vì nó phù hợp với các mục tiêu trong nước của Việt Nam và nó cũng là vấn đề cấp bách để Việt Nam phát triển kinh tế và tận dụng các cơ hội mà Mỹ có thể mang lại để giúp việt nam phát triển để trở thành một nước có nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 – 2050:

“Điều đấy giải thích cho việc tại sao trong các văn bản tuyên bố chung công bố thì cũng làm nổi bật hơn các vấn đề về mặt hợp tác kinh tế và các lĩnh vực liên quan thay vì an ninh quốc phòng.”

Theo ông Hiệp, các biện pháp hợp tác cụ thể về an ninh quốc phòng có thể được bàn thảo nhiều hơn sau khi Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp được mối quan hệ:

“Theo tôi nghĩ đó là một cách tiếp cận hợp lý và nó cũng là một cách để Việt Nam tự tin nâng cấp mối quan hệ song phương mà không phải lo ngại về các phản ứng của các nước khác, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.

Khi nhìn vào các hành động thực chất thì người ta sẽ hiểu rõ hơn là tuyên bố. Bởi vì, Việt Nam rất là kỹ lưỡng và nhạy cảm với các tuyên bố mà có thể gây ra bất lợi về mặt ngoại giao cho Việt Nam và quan hệ đối tác với các nước khác.”

Đảng chủ trì chuyến thăm

Ông Lê Hồng Hiệp cho biết, có một điều mà ông cho là khá thú vị của chuyến thăm lần này đó là việc Mỹ làm việc và trao đổi trực tiếp với kênh Đảng nhiều hơn là Chính phủ. Việc này lâu nay chỉ thường xảy ra khi Việt Nam trao đổi với các nước có thể chế chính trị tương đồng như Trung Quốc:

“Trong chuyến thăm này thì phía Mỹ đã quyết định làm việc trực tiếp với Tổng Bí Thư. Về mặt lễ tân thì nó không phải là điều gì đó chính thống và bình thường lắm, cũng hơi đặc biệt.

Tuy nhiên về hiệu quả thì mình nghĩ là đây là một cách tiếp cận khôn ngoan, bởi vì nó giúp nâng cao niềm tin chiến lược giữa hai bên.

Mỹ hiểu được rằng trong hệ thống chính trị Việt Nam thì Tổng Bí thư là người có vai trò quan trọng nhất, và họ cũng hiểu được là về chính sách đối ngoại thì Tổng Bí thư hay bên kênh Đảng thường có quan điểm là đề phòng hơn trong quan hệ với Mỹ.

Khi Mỹ tiếp cận trực tiếp như vậy có thể giúp xóa nhòa, thu hẹp khoảng cách về nhận thức, cũng như phối hợp chính sách giữa phía Đảng và phía Nhà nước, cũng như phía Đảng với phía Chính phủ. Từ ấy có thể nâng cao được niềm tin chiến lược và kể từ nay thì có thể là phía Việt Nam cũng như là phía Mỹ sẽ thoải mái hơn trong quá trình làm việc với nhau và sẽ không có nhiều sự nghi kỵ như trước đây nữa.”

Diễn biến bất ngờ

Ngoài ra, ông Thế Phương nhận thấy có hai sự kiện bất ngờ diễn ra liên quan đến chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden. Thứ nhất là ông Tập Cận Bình đã không đến Việt Nam trước Biden như lời đồn đoán:

“Bác Tập (Tập Cận Bình – PV) không tới trước mà bác Tập sẽ tới sau. Lúc đầu, ai cũng nghĩ là bác Tập sẽ phải tới trước nhưng mà lần này là Tập sẽ đến sau.

Việt Nam và Trung Quốc sẽ trao đổi lại một lần nữa kết quả của mối quan hệ với Mỹ và phương hướng trong tương lai, cần phải xác định lại một lần nữa về quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Trung…”

Và thứ hai là việc Việt Nam được cho là bí mật mua vũ khí từ Nga. Theo ông Phương, có thông tin cho biết Tổng thống Nga Putin cũng sắp sửa qua Việt Nam để ký kết một hiệp định, trong đó Nga sẽ cung cấp tín dụng cho Việt Nam mua vũ khí của Nga:

“Nó cho thấy một số điều. Thứ nhất là giới lãnh đạo Việt Nam đặc biệt là bác Trọng vẫn muốn duy trì mối quan hệ quốc phòng khăng khít với Nga, mặc cho những gì đang xảy ra ở Ukraine. Cái thứ hai là hiện nay Việt Nam không thể ngay lập tức chuyển từ hệ vũ khí Nga sang phương Tây được, Việt Nam cần phải có một thời gian chuyển giao giữa hệ này sang hệ khác và khi đó vẫn cần phải mua đồ của Nga.

Tôi nghĩ là Việt Nam và Mỹ đã nói chuyện với nhau về vấn đề này rồi, và trong một bài viết trên Reuters thì một ông phụ trách đối ngoại thư ký ổng nói rằng Việt Nam sẽ không mua vũ khí của Mỹ ở thời điểm hiện tại.”

Nguồn : https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/comments-on-the-result-of-president-biden-visit-to-hanoi-1-09122023144448.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here