HRW: VN cần hủy cáo buộc mang tính chính trị đối với Nguyễn Thị Tâm và Trịnh Bá Phương

0
8
Ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm FBNV/ RFA edited


RFA


Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch tiếp tục yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam “nên lập tức hủy bỏ các cáo buộc mang động cơ chính trị và phóng thích hai nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai ở Hà Nội.”

Thông cáo báo chí của tổ chức được đưa ra hôm 14/12, trước phiên xử sơ thẩm bà Nguyễn Thị Tâm và ông Trịnh Bá Phương một ngày.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định:

“Chính quyền Việt Nam đang vận dụng luật hình sự để dọa nạt và cấm đoán những người biểu tình ôn hòa phản đối trưng thu đất đai.

Chính quyền nên phóng thích hai nhà hoạt động nói trên và tất cả những người đang bị giam giữ theo điều 117, và hủy bỏ điều luật lạm quyền này.”

Cả hai nhà hoạt động đều bị cáo buộc theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự Việt Nam, trong khi điều luật này đưa ra quy định rất rộng để cấm các hành vi bị cho là “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Chỉ tính riêng trong năm 2021, có ít nhất 16 người – trong đó các blogger độc lập nổi tiếng Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Phạm Chí Thành – đã bị kết tội và xử án tù vì đã vi phạm điều 117.

Có 11 người khác, trong đó có nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thúy Hạnh, đã bị bắt và đang bị tạm giam chờ xét xử cũng theo điều luật nói trên, theo Human Rights Watch.

“Đất đai bị trưng thu đã trở thành một trong những chủ đề nhân quyền nóng nhất ở Việt Nam, và kiểu chính quyền đối phó bằng cách đàn áp càng làm tình hình trở nên xấu đi,” thông cáo dẫn lời ông Robertson nhận định, đồng thời ông này cho rằng, “chính quyền cần công nhận quyền biểu tình của người dân và tìm ra một quy trình công bằng và minh bạch để thương lượng mức đền bù thỏa đáng cho số đất đai bị mất.”

Cáo trạng của Tòa án nhân dân Hà Nội đưa ra để truy cứu bà Tâm và ông Phương thể hiện, các bằng chứng nhằm buộc tội hầu hết được thu thập trên trang Facebook cá nhân của họ, và những nội dung được phía cơ quan công an thu thập được đăng tải giữa khoảng ngày 9 đến ngày 11 tháng 1 năm 2020.

Thời điểm trên diễn ra đúng lúc chính quyền Hà Nội tổ chức cuộc bố ráp vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào lúc rạng sáng ngày 9/1, với hậu quả là ông Lê Đình Kình, người được cho là thủ lĩnh tinh thần của dân Đồng Tâm thiệt mạng, cùng với đó là ba nhân viên công lực theo như báo cáo của phía nhà nước.