Hội Nhà văn phản hồi đơn tố cáo Phó tổng báo Văn nghệ cưỡng hiếp, gia đình Dạ Thảo Phương lên tiếng

    0
    32
    Ảnh minh hoạ

    INFORNET

    ‘Chúng tôi chỉ muốn thức tỉnh lương tri của Lương Ngọc An, hãy có động thái hối lỗi, muốn qua câu chuyện đau lòng của Phương để làm thế nào để ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, ngừng tấn công nạn nhân bị xâm hại tình dục”

    Đây là chia sẻ của nhà thơ Hàm Anh (chị gái nhà thơ Dạ Thảo Phương – người đứng đơn tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng hiếp chị hơn 20 năm trước) sau khi nhận được thư phản hồi từ Hội Nhà văn Việt Nam.  

    Theo chị Hàm Anh, chị nhận được thư phản hồi của BCH Hội Nhà văn Việt Nam gửi đề ngày 10/4/2022.

    Chị Hàm Anh cho biết đã đọc đến thuộc làu tất cả bộ hồ sơ Phương còn giữ, trong đó có bản tường trình thuật lại vụ việc xảy ra ngày 14/4/2000 do anh Lê Tâm đứng ra viết, có chữ ký của anh Thành Chương, chị Tạ Kim Liên, Phong Điệp…; các đơn tố cáo của Phương năm 2000, năm 2003; tường trình của Lương Ngọc An năm 2000, năm 2003; các biên bản làm việc của các bộ phận chức năng, lãnh đạo Báo Văn nghệ…

    “Cá nhân tôi rất biết ơn các anh chị đã đứng tên trong bản tường trình thuật lại vụ việc, biết ơn các anh chị Đỗ Bạch Mai, Đăng Bẩy, Tạ Kim Liên là những người đã thực hiện các buổi phỏng vấn Lương Ngọc An, Dạ Thảo Phương, ghi chép các biên bản. Tôi cảm nhận rằng các anh chị đã cố gắng khách quan, bảo vệ nạn nhân nhưng có thể vì nhiều lý do mà những cố gắng ấy không có kết quả.

    Dạ Thảo Phương – người đứng đơn tố cáo PTBT Báo Văn nghệ Lương Ngọc An đã cưỡng hiếp chị hơn 20 năm trước

    Cách xử lý của lãnh đạo Báo Văn nghệ thời kỳ đó khiến gia đình tôi và dư luận đặt nhiều dấu hỏi.

    Chúng tôi hiểu rằng, Lương Ngọc An mới đẩy Phương của chúng tôi mấp mé bờ vực thôi, nhưng cách xử lý chưa thỏa đáng của lãnh đạo Báo Văn nghệ, những hành xử sau đó và những đàm tiếu ác ý xung quanh Phương ngày đó mới thực sự đẩy hẳn Phương xuống vực sâu”, chị Hàm Anh nhận định.

    Chị Hàm Anh cho rằng, sau hơn 20 năm xảy ra sự việc Phương chỉ gửi đơn tố cáo đến Hội nhà văn và Báo Văn nghệ mà không gửi đi đâu khác là vì “chúng tôi trông chờ ở những cơ quan hội đoàn văn nghệ ấy một tiếng nói của tình người chứ không phải chỉ là một tiếng nói của các quy trình, thủ tục hành chính lạnh lẽo…”.

    Chị Hàm Anh cũng thông tin thêm, quyết định đưa câu chuyện đau lòng của Phương ra công luận là một quyết định vô cùng khó khăn của Phương. Nó không khác gì chấp nhận để bánh xe đoàn tàu nghiến qua tim óc, thân thể mình một lần nữa.

    “Và lần này, tôi và cả gia đình sẵn sàng cùng Phương chịu nỗi đau ấy để sự thật của Phương, nỗi ám ảnh kinh hoàng của Phương được đưa ra công luận.

    Khi Phương đưa vụ việc ra công luận, chúng tôi đã tham khảo luật sư và các chuyên gia về xâm hại tình dục.

    Chúng tôi hiểu vụ việc đã hết thời hạn xử lý về pháp luật và hiểu nhiều vấn đề xung quanh đó nữa.

    Dù căm phẫn, đau đớn trước tội ác của kẻ thủ ác, chúng tôi không hành động vì lòng hận thù. Chúng tôi chỉ muốn giúp Phương nói lên sự thật mà trước đây Phương cố gắng gửi tố cáo lên Ban lãnh đạo Báo Văn nghệ nhiều lần nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

    Kẻ thủ ác đã lợi dụng tâm lý hoảng loạn, sợ bị mang tiếng, thị phi của Phương để khống chế và tung tin ngụy tạo thành một mối quan hệ nam nữ khiến vụ việc bị dìm đi, Phương phải chịu trù dập, miệng lưỡi thế gian – thật biết bao thống khổ với một cô gái còn non nớt kinh nghiệm đời sống và thiếu hiểu biết về cách đối phó khi bị bạo hành, xâm hại tình dục”, chị Hàm Anh cho hay.

    Người chị gái của Dạ Thảo Phương  cũng cho biết, trước khi khơi lại chuyện cũ, chị Phương có trao đổi với chị. Tất cả gia đình ruột thịt, bạn bè thân thích đều có ký ức đau buồn về những năm tháng Phương đột nhiên thay đổi, tính cách như bị biến dạng đi vì nỗi đau đớn.

    Phương từng tự tử nhiều lần không thành vì được mẹ cố gắng theo dõi hết sức. Những lần đưa Phương đi rửa ruột là những ký ức mà giờ đây khi biết toàn bộ lý do vì sao Phương bị khủng hoảng tinh thần đến vậy khiến “chúng tôi như là những con cua bị xé ra làm hai nửa”.

    “Những năm tháng đó là giai đoạn nhận thức của xã hội chưa tiến bộ được như bây giờ. Mà thực ra, như bạn thấy đấy, cho đến tận bây giờ, cùng với gia đình, dư luận xã hội lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ đến thế mà vẫn có những câu hỏi, ý kiến ngầm ý hoặc trực diện ác độc tấn công nạn nhân, thì thử hỏi, nếu ngày ấy nếu Phương nói hết ra liệu Phương có bảo vệ được quyền lợi của mình không hay vẫn sẽ lại phải dùng cái chết để minh oan cho mình?”, chị Hàm Anh đau đớn nói.

    Trả lời câu hỏi “với phản hồi của Hội nhà văn Việt Nam, gia đình sẽ làm gì tiếp theo”, chị Hàm Anh cho biết: “Chúng tôi chỉ biết ở bên nhau, bảo ban nhau giữ cho tấm lòng được trong sáng, tôn trọng sự thật và pháp luật, tin tưởng vào lương tri của con người”.

    “Chúng tôi không đòi Lương Ngọc An phải đền tội, chẳng có gì đền lại được hơn 20 năm qua của Phương và gia đình chúng tôi.

    Chúng tôi chỉ muốn thức tỉnh lương tri của Lương Ngọc An, hãy có động thái hối lỗi, muốn qua câu chuyện đau lòng của Phương để nâng cao nhận thức của tất cả mọi người về tệ nạn xâm hại tình dục, làm thế nào để ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình dục, ngừng tấn công nạn nhân bị xâm hại tình dục”, chị Hàm Anh cho hay.

    N. Huyền