HỘI ĐỒNG CỪU “QUÁN TRIỆT” TINH THẦN CỦA BAN TUYÊN GIÁO TỐT HƠN CÁC NHÓM PUTINISTAS? 

0
147

Nguyen Quoc Tan Trung

Một trong những thông điệp rõ ràng nhất mà Trung và HDC mong muốn chuyển đến các anh chị và khán thính giả ngay từ đầu cuộc chiến Nga – Ukraine là chúng ta phải tích cực lên án, hay ít nhất là phủ nhận, cái gọi là “trưng cầu dân ý” ở Crimea cũng như sau đó là một phần diện tích của bốn tỉnh thành mà Nga đang chiếm đóng tạm thời dưới danh nghĩa quyền “dân tộc tự quyết”. 

Hiển nhiên, các nhóm Putinistas thì luôn khẳng định đây là “tiền lệ”, là “quyền của dân tộc gốc Nga”… dù nó đi ngược lại nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. 

Song cho đến nay, có thể thấy kiểu lý luận này cũng đã bị Ban Tuyên giáo DCS Việt Nam ghi nhận là nguy hiểm. Như phân tích của định chế này vào tháng Năm năm nay, chúng ta cần hạn chế kiểu tuyên truyền nói trên vì các vấn đề ở cả Tây Bắc, Tây Nguyên, lẫn Tây Nam Bộ.

Ủng hộ tư duy cách làm này của phía Nga chẳng khác nào tự bắn vào chân chính mình trong tương lai. 

Ngoài ra, điểm nhìn chung của HDC và phía BTG cũng cho thấy phần nào các kiến thức cơ bản về công pháp quốc tế vẫn là điểm bắt đầu tốt nhất cho những quốc gia nhỏ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong tương lai lâu dài. 

Nhân dịp được một nguồn quý gửi cho tư liệu tham khảo nội bộ từ Ban Tuyên Giáo, Trung cũng xin gửi đến một số thông tin về công pháp quốc tế đến anh chị và các bạn để chúng ta hiểu rõ hơn về khái niệm “Quyền dân tộc tự quyết”.

***

A. “DÂN TỘC TỰ QUYẾT”: VẤN ĐỀ DỊCH THUẬT VÀ XÁC ĐỊNH CHỦ THỂ SỞ HỮU QUYỀN

Quyền dân tộc tự quyết trong ngữ cảnh Việt Nam được dịch từ thuật ngữ “the right to self-determination”. Cách dịch này, dù có thể nói là tốt nhất trong thời điểm hiện tại, gây nhiều hiểu nhầm cho các nhóm không chuyên. 

Cụ thể hơn, khi đọc “quyền dân tộc tự quyết”, họ nghĩ rằng dân tộc ở đây là “Dân tộc Kinh”, “Dân tộc Nga”, “Dân tộc Hoa”, “Dân tộc Tày”, “Dân tộc Khmer”… hay bất kỳ nhóm dân tộc nào theo cách hiểu của người Việt về “ethinicity” (mà dịch đúng là sắc tộc). 

Tuy nhiên, khái niệm gốc “right to self-determination” không hề nhắc đến những thuật ngữ hay cách hiểu này. 

Thay vào đó, “right to self-determination” là dành cho “the PEOPLES” – tạm hiểu đúng theo lý thuyết là các “cộng đồng chính trị”, “quốc dân” – đơn vị chính của quyền tự quyết trong pháp luật quốc tế. 

Đặc biệt, “right to self-determination” cần được gắn liền với một hoàn cảnh cụ thể – mà rõ ràng nhất là các cộng đồng chính trị bị tước đoạt độc lập vì các hoạt động của đế quốc và thực dân. 

Ví dụ, khi chúng ta nói “người Việt Nam”, “dân tộc Việt Nam” hay “quốc dân Việt Nam” bị đô hộ và có “right to self-determination” để nổi dậy vũ trang chống thực dân Pháp, chúng không nói về từng “dân tộc Kinh”, “dân tộc Hoa”, “dân tộc Jarai”… mà chúng ta nói về toàn bộ cộng đồng chính trị của tất cả các dân tộc nói trên đang sinh sống và cấu thành nên “Việt Nam” hay “Đại Nam” dưới sự quản lý của triều đình nhà Nguyễn trước khi thực dân Pháp xâm chiếm và đô hộ. 

Với cộng đồng cụ thể này, pháp luật quốc tế công nhận quyền tự quyết để tự thành lập quốc gia riêng hay đưa ra các quyết định chính trị quan trọng khác.

***

Tóm tắt và hiểu đơn giản hơn nữa là: 

Một cộng đồng sắc tộc (ethnic community); cộng đồng ngôn ngữ (linguistic community); cộng đồng tôn giáo (religious community); cộng đồng bộ lạc (tribal community) ≠ cộng đồng chính trị, quốc dân (the peoples). 

Đây là cách xây dựng có ý đồ của các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, để bảo toàn sự ổn định và sự an toàn của đường biên giới lịch sử. 

Như vậy, khi nói về “quyền dân tộc tự quyết” theo nghĩa của công pháp quốc tế, không nên hiểu nhầm rằng bất kỳ nhóm “sắc tộc”, nhóm “ngôn ngữ”, nhóm “tôn giáo” nào cũng có quyền tách ra, thành lập nước riêng, hay sát nhập lãnh thổ mình sinh sống với quốc gia khác.

Nói rằng quyền dân tộc tự quyết là một khái niệm nhân quyền căn bản KHÔNG bao hàm nội dung cho rằng cộng đồng dân tộc Hoa sống ở Chợ Lớn có quyền thành lập quốc gia riêng; dân tộc Nga ở Crimea có quyền sát nhập lãnh thổ của họ với Nga; hay đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có quyền tách lãnh thổ trung phần này khỏi Việt Nam. 

B. “DÂN TỘC TỰ QUYẾT”: ĐỐI NỘI VÀ ĐỐI NGOẠI

Ngoài vấn đề về chủ thể mà chúng ta phân tích ở trên, cũng cần làm rõ rằng nội hàm của “Self-determination” có hai phạm vi chính là “external” và “internal”. 

“External self-determination”: quyền dân tộc tự quyết đối ngoại, bao hàm các nội dung liên quan đến việc cộng đồng đó tự xác lập vị trí và danh nghĩa pháp lý cho chính mình, như thành lập quốc gia, sát nhập, ly khai khỏi một quốc gia đã tồn tại trước đó. 

“Internal self-determination”: quyền dân tộc tự quyết đối nội, bao hàm các nội dung liên quan đến quyền được tạo điều kiện và theo đuổi các quyền lợi kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội tốt nhất… trong điều kiện kinh tế chung của toàn bộ quốc dân.

Việc phân chia các loại quyền này có dụng ý cụ thể để bảo đảm ngay cả khi có các tranh cãi về chủ thể “the People”, việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết cũng không gây ảnh hưởng đến trật tự chính trị nội địa, khu vực và thế giới.

Ví dụ, ngay cả khi có các tranh cãi liên quan đến những vấn đề về cộng đồng dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, vấn đề trước tiên mà giới nghiên cứu pháp luật quốc tế xem xét là các yếu tố bảo đảm “internal self-determination” của cộng đồng ở đây đã được bảo đảm hay chưa

Nếu các quyền lợi về kinh tế, văn hóa, chính trị được bảo đảm, các cơ quan diễn giải công pháp quốc tế sẽ hạn chế tối đa việc áp dụng “external self-determination” cho những cộng đồng này.

Mang cách tiếp cận này đến Crimea, có thể thấy Crimea được chính quyền trung ương Ukraine trao cho quyền tự trị cao, với cả chính quyền riêng và quốc hội địa phương. Các quyền dân sự, chính trị của cộng đồng ở đây gần như không bị ảnh hưởng gì trong suốt giai đoạn tồn tại đến tận 2014. 

Sự kiện quân đội Nga chiếm đóng và sau đó tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea từ năm 2014, vì vậy, là đi ngược lại hoàn toàn với lý thuyết của “right to self-determination”. 

***

#hoidongcuu #ukraine #russia #vietnam #CentralPropagandaDepartment

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here