HỒ QUÝ LY & SỰ THẤT BẠI CỦA TRIỀU ĐẠI NHÀ HỒ (Phần 2)

    0
    13
    Việt Sử Kiêu Hùng

    Không thể phủ nhận Hồ Quý Ly đã thực thi những đổi dời trong tâm thế vội vàng, khi mà trong lòng mãi đinh ninh giấc mộng gây dựng một đất nước mới trên bề tan hoang, khi mà kẻ dã tâm ngoài biên thùy Bắc Nam luôn chực chờ lăm le cương thổ, khi mỏi mắt tìm trên dưới triều đình cũng không thấy kẻ đồng lòng tận trung. Để rồi, ngần ấy tâm ý cũng theo triều đại non trẻ tan tành dưới vó ngựa quân Minh, bỏ lại cho hậu thế tiếng thở dài “Giá như…” về người kì tài lỡ làng với thời cuộc.

    1/ Chính sách hạn điền, hạn nô

    Muốn triệt để thâu tóm quyền lực về tay mình, Hồ Quý Ly phải đối phó với hệ thống tông tộc họ Trần có thế lực chân rết tỏa rộng trên khắp lãnh thổ với điền trang rộng lớn, thân binh riêng và vây cánh lâu đời. Bằng việc đưa ra chính sách hạn điền, hạn nô, họ Hồ muốn triệt hạ cơ sở vật chất, chia nhỏ quyền hạn của các thế lực đó, chuyển về tập trung vào nhà nước, mà không khó để nhận ra bản chất là vào tay nhà Hồ cùng gia thế đứng sau.

    Việc cải cách ruộng đất tuy ít nhiều có lợi cho người dân nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tư hữu của giai cấp thống trị Trần tộc. Xét thiệt hơn, cái phần lợi của dân đen không bù nổi cơn phẫn nộ khi bị cướp đi quyền lợi của phần đông tầng lớp có địa vị trong xã hội bấy giờ.

    Không chỉ đả kích các chủ điền trang nhà Trần bị tước đoạt đất đai nô lệ, chính sách hạn nô còn gây bất mãn trong tầng lớp nô lệ. Bởi lẽ họ không những không thoát khỏi kiếp nô dịch mà còn bị chuyển hướng phục vụ từ tư sang công theo ràng buộc của pháp luật, bị mất đi vị thế và sự thân thuộc vốn dĩ.

    Các chính sách hạn điền, hạn nô tưởng chừng như có thể đánh quỵ ngay lập tức nền tảng kinh tế, xã hội của tàn dư triều cũ, giúp nhà Hồ nhanh chóng ổn định đất nước, tránh khỏi nguy cơ nội chiến tiềm tàng. Tuy nhiên, việc soán đoạt nóng vội đã đả động đến những nhóm lợi ích cơ bản của xã hội Đại Việt đương thời, làm cho họ Hồ khi lên nắm quyền chủ tể mất đi sự ủng hộ của các tầng lớp uy tín, nắm giữ tài lực – thế lực đất nước, khiến họ trăm phương nghìn kế chống trả để bảo vệ lợi ích riêng mình.

    Bên cạnh chính sách hạn điền hạn nô táo bạo, việc hạ thấp Phật giáo, bắt các nhà sư trẻ hoàn tục xung lính mang tính chất hạn chế quyền lợi của một giai cấp rất gần trong dân chúng. Việc tưởng chừng như nhỏ lại gây nguy hiểm không ít trên mặt trận tuyên truyền.

    2/ Phát hành tiền giấy

    Sự tập trung của cải và quyền bính khiến Hồ Quý Ly càng thêm ảo tưởng với tham vọng xây dựng một thể chế mới. Các công trình bị khai thác ồ ạt, kinh thành được dời về Tây Đô, quân đội chủ động tiến đánh Chiêm hòng chiếm đoạt của cải vật chất,…sự sục sôi đổi dời cùng mối đe dọa sát sao từ phương Bắc khiến Hồ Quý Ly kỳ vọng một binh lực hùng hậu cho giấc mơ vĩ đại của mình: “Làm sao có được 100 vạn quân…”.

    Bằng việc làm sổ hộ tịch, di dân trong cả nước, họ Hồ giải quyết được vấn đề về lượng trước mắt. Tuy nhiên chính sách khắc bạc lại khiến lòng người oán thán, nhân dân bất an, chính sự rối rắm. Để rồi hơn hai mươi năm sau ngày tàn cuộc, nhà Hậu Lê trong lời kể tội có nhắc đến hai sự kiện đặc biệt: “Đặt lệnh bảo sao thì dân đều oán là thiệt thòi nguồn sống; Ban lệnh di dân thì dân đều oán vì phải rời bỏ quê hương.” Tuy nhiên lệnh di dân đã từng có tiền lệ trên những vùng đất được mở rộng, chiếm đoạt trong quá khứ với tầm mức rộng hơn, thi hành khắc nghiệt, tổn thất lớn hơn. Còn việc phát hành Thông hội bảo sao, đưa tiền giấy vào lưu thông là một biến động mới mẻ, một cải cách kinh tế tài chính không tưởng khiến họ Hồ triệt để mất đi lòng người.

    Tiền giấy nhà Hồ ra đời trong thời loạn thế, lòng người vốn đã hoang mang, lấy đâu ra niềm tin vào giá trị của những tờ giấy được sản xuất dễ dàng để thay cho những đồng bạc, vàng quý hiếm có giá trị hiện kim. Việc đưa tiền giấy vào giao thương là cả một vấn đề lâu dài, triều đình phải đảm bảo được tính lâu dài và quyền lực mới có thể đảm bảo cho giá trị của tờ tiền, cũng như phải có quy định in ấn sản xuất chặt chẽ phòng chống giả mạo. Thế nhưng Quý Ly cưỡng bức đổi giấy lấy đồng, ép tiền giấy lưu thông một cách quá nhanh chóng.

    Sự ra đời không đúng lúc gây ra vô số vấn nạn trong cả nước, kẻ in tiền giả lên núi lập trại làm tướng, người ngấm ngầm lưu giữ tiền đồng trong giao thương mặc đường lối thi hành khắt khe, tờ tiền mất giá trầm trọng. Lòng người vốn đã lao đao bất định từ đó quay lưng, nhà Hồ non trẻ trong thế nước sôi lửa bỏng lại mất đi hậu thuẫn mang tính quyết định: “lòng dân”. Để rồi khi trận chiến vệ quốc đã lửa khói cận kề, Hồ Nguyên Trừng mới bàng hoàng cảm khái: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo.”

    Nguyên nhân thất bại bốn phương tám hướng đổ dồn, nhà Hồ cũng không giữ nghiệp lâu dài để người dân thấm thía cảnh “lấy xe mà chở” đống tiền giấy mất giá, như cảnh người dân Tống triều đã từng điêu đứng buổi thời đất nước suy vong.

    Nhìn nhận lại những vấn đề trên, không thể phủ nhận Hồ Quý Ly đã vội vàng khinh suất. Quý Ly cho cả xã hội mục nát bấy giờ là một cơn bạo bệnh mà nhất định phải dùng bạo phương để chữa trị.

    3/ Chiến lược quân sự

    Sự bài trừ thể chế chính trị tông tộc nhà Trần khiến ông bỏ qua bài học thân dân của tiền triều. Trên lập trường học vấn riêng biệt và mới mẻ, Quý Ly bất chấp lòng người để cưỡng chế đổi dời trên phạm vi toàn chúng. Hàng loạt các cải cách được thực thi trong hơn 10 năm, từ lúc còn dưới một người trên vạn người đến khi đã đạt tới ngai cao cửu đỉnh, hòng đoạt lấy chính quyền, cứu vãn đất nước hoang tàn sau những cuộc xâu xé trong ngoài và ứng phó mối đe dọa xâm lăng từ phương Bắc.

    Nhưng Hồ Quý Ly, trong hoàn cảnh khách quan của thế thời, trong tự phụ chủ quan của tôi tính, đã gieo rắc thù hận oán trách khắp mọi tầng lớp, đánh mất “mệnh trời” ông cho là thuộc về mình.

    Không khó để nhận ra cung cách làm việc của họ Hồ là lấy cứng đối cứng: cưỡng ép thực thi cải cách, thẳng tay đàn áp phản đối, kể cả việc dồn hết tinh lực xây dựng tuyến phòng thủ Đa Bang, đinh ninh trông cậy vận mệnh của cả dân tộc vào một tòa thành được dựng xây gấp rút.

    Dưới các đời vua Trần, Hồ Quý Ly đã nắm giữ binh quyền, với vị thế đó, ông từ lâu chú trọng xây dựng quân đội và xem đó là nấc thang quan trọng để giành lấy quyền lực. Ngay khi nắm giữ quyền lực tối thượng, Hồ Quý Ly chủ trương xây dựng hệ thống quân sự hùng mạnh với số quân đông đảo, vũ khí tân tiến, thuyền lâu hiện đại thành trì vững chắc để đàn áp lực lượng đối kháng trong nước, sự chọc phá từ phương Nam và quan trọng hơn là chống lại thế lực bành trướng phương Bắc.

    Trong trận chiến chống quân Minh, Hồ Quý Ly đã đưa toàn bộ lực lượng chủ lực để chặn địch, một đội quân “trăm vạn người trăm vạn lòng” được “góp nhặt” rời rạc, thiếu đoàn kết thống nhất, tinh thần chiến đấu vốn đã trôi theo những tấm ván “treo bảng kể tội” “phù Trần diệt Hồ” được thả trôi sông của địch.

    Bên cạnh thất bại trong “chính sự phiền hà, để trong nước lòng dân oán giận” không thể không xét đến thất bại trong quyết định sai lầm về chiến lược quân sự cũng như chỉ huy tác chiến. Ỷ vào quân đội đông đảo trên những tòa thành tường đồng vách sắt, Hồ Quý Ly thủy chung cố thủ, kiên trì với chiến lược phòng ngự trước thế công của địch.

    Bấy giờ, nhà Hồ chỉ đơn thuần dựa vào quân đội thường trực để cự địch mà không và không thể khai thác sức mạnh chiến đấu rộng khắp, tiến lùi linh hoạt của toàn dân. Vì lẽ đó, quân đội nhà Hồ luôn phải chiến đấu trong thế trận phòng ngự đầy khuyết điểm, bị động trong cả chiến lược và chiến thuật. Mặt trận phòng ngự của quân Hồ không phát huy được sức mạnh vốn có, trái lại còn bộc lộ những điểm yếu trước ưu thế tiến công, tập trung lực lượng đột phá từng mục tiêu phòng tuyến của địch.

    Đến khi thành Đa Bang bị vây hãm, quân thủ thành dù cố lòng chống cự hay tổ chức phản kích cũng không đủ sức cản phá thế công từ bên ngoài, vì vốn dĩ quân Hồ khiếm khuyết lực lượng cơ động sẵn sàng chi viện khi thành lâm nguy. Để rồi Hồ Quý Ly mắc phải sai lầm vạn kiếp bất phục khi mắc kế nghi binh, điều bớt quân từ Đa Bang về Đông Đô, tạo thời cơ cho Trương Phụ tập trung đại quân công hạ Đa Bang. Sự thất thủ của phòng tuyến trọng yếu Đa Bang không chỉ là sự đổ vỡ của một tòa thành trì kiên cố, mà còn là sự thất bại ở lối đánh phòng ngự bị động, mở đầu cho quá trình tan tác không đường lui của phép dụng binh chỉ dựa vào quân đội thường trực trong điều kiện lấy nhỏ đánh lớn của đất nước ta.

    Từ lúc đương đầu với cuộc đổ bộ từ phương Bắc, họ Hồ binh bại như núi đổ chỉ sau 9 tháng chiến tranh, trăm núi nghìn sông tan nát dưới vó ngựa quân Minh.

    KẾT

    Người ta vẫn thường đặt cho những nốt lỡ của lịch sử một từ “Nếu”: Nếu Hồ Quý Ly vệ quốc thành công? Như hy vọng một cái kết cùng tương lai vời xa hơn cho vùng đất này cũng như một cách nhìn nhẹ nhàng hơn cho vị quân vương mất nước.

    Hồ Quý Ly, từ thuở thiếu thời đến khi đầu bạc vẫn đinh ninh một giấc mộng, thế rồi gần trăm năm đời người cũng hóa hư không, vì đâu lại đi đến kết cục bi đát nhường vậy? Dường như, mọi thứ ngẫu nhiên đều là đương nhiên trong cái lẽ của “vận trời”, khi mà tất cả mọi yếu tố bấy giờ cho thấy thất bại là khó tránh .

    Thiên thời địa lợi nhân hòa, cả thảy đều không quy về họ Hồ: Đại Minh thời bấy giờ là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới; khi đất nước Đại Việt đã sớm tan hoang dưới sự cai trị thất bại của họ Trần và những trận cướp phá đến tận kinh đô của giặc Chiêm; khi lòng người không đồng lòng quy thuận vị vua già có lòng nhưng thiếu tầm nhìn quân sự.

    Dẫu cơ nghiệp trăm năm hay mưu đồ vài khắc đều không tránh khỏi thất bại khi bánh xe lịch sử đã quay, với đầy đủ những nhân tiền – quả hậu hiển nhiên đến vậy. Tất thảy gộp lại như một ván cờ đã định sẵn thắng thua từ đầu, mà kì tích lại không dễ dàng xuất hiện như 300 năm về trước. Đỗ vỡ và tang thương cùng cực để chờ những lớp người đứng sau đứng dậy, tỏ rõ vị thế bất phục của mảnh đất phương Nam ngàn năm văn hiến này.

    ► Đọc phần 1 tại: https://bit.ly/HQL-P1
    ► Xem “Đa Bang 2: Sắt”: youtu.be/JVYFlYU2RIQ

    Tụi mình chỉ còn lại 1 ngày gây quỹ cuối cùng tới hết 31/12. Nếu bạn mong muốn đóng góp vui lòng truy cập ► vietsukieuhung.com

    Xem lại các tập phim của dự án:
    ► Đa Bang – Hồi 1: Giấy: youtu.be/_8IJ9bvnitY
    ► Huyết Mạch Trần Gia: youtu.be/WIToAbOD4m4
    ► Lý Thường Kiệt – Phần 1: youtu.be/AbRg5rH6fxo
    ► Lý Thường Kiệt – Phần 2: youtu.be/TQehUlbyp3o
    ► Võ Tánh: youtu.be/ne-pwS4MvXU

    ☣️ Việt Sử Kiêu Hùng là dự án phim dã sử diễn họa đầu tiên của Việt Nam, tái hiện những trang sử kiêu hùng của dân tộc. Được xây dựng bằng tất cả tâm huyết của nhóm hoạt động vì cộng đồng Đuốc Mồi, mang khát vọng truyền cảm hứng sử Việt cho các bạn trẻ Việt.