Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Hình sự hóa một tranh chấp mang tính chất dân sự là điều rất đáng tiếc. Việc chị Trang và chủ quán ai phải đền bù cho ai quả thực là việc có thể tự thỏa thuận hoặc có thể phân xử tại tòa dân sự. Thế nhưng tại sao lại hình sự hóa tranh chấp dân sự này bằng cách truy tố chị Trang?
Công lý là việc áp dụng pháp luật phù hợp với lẽ phải và phù hợp với lương tri. Đây là điều mà có vẻ như phiên tòa xét xử chị Lê Thị Trang về tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” của TAND TP Phủ Lý (Hà Nam) ngày 23/6 vừa qua đã không đạt được.
Trước hết, hình sự hóa một tranh chấp mang tính chất dân sự là điều rất đáng tiếc. Tranh chấp đã xảy ra rõ ràng là do lỗi của chủ quán karaoke. Chị Trang đã gọi điện đặt trước phòng hát karaoke và đã được chấp nhận. Thế nhưng khi chị Trang đưa bạn bầu đến hát thì chủ quán đã không giữ phòng cho chị. Đánh chửi nhau vì sự thất hứa và sự phản ứng thái quá chẳng đẹp mặt gì cho chủ quán và cũng chẳng đẹp mặt gì cho chị Trang. Tuy nhiên, đây quả thật mà một tranh chấp dân sự. Chị Trang đập cốc xuống bàn làm trầy xước bàn của bà chủ quán. Thì bà chủ quán cũng ít nhất là phá hỏng một buổi tối thư giãn của chị Trang. (Nếu chị Trang định mời bạn đi hát karaoke còn để giao kết, để làm ăn thì thiệt hại của chị Trang có thể sẽ lớn hơn rất nhiều). Việc chị Trang và chủ quán ai phải đền bù cho ai quả thực là việc có thể tự thỏa thuận được. Tuy nhiên, nếu không tự thỏa thuận được thì họ có thể đưa nhau ra tòa. Thế nhưng tại sao lại hình sự hóa tranh chấp dân sự này bằng cách truy tố chị Trang?
Hai là, khách thể của pháp luật ở đây là gì cũng là điều rất đáng phải băn khoăn. (Khách thể của pháp luật là giá trị mà pháp luật đứng ra bảo vệ). Bảo vệ quyền tài sản cho chủ quán? Quyền tài sản của chủ quán đã không bị xâm hại vì chủ quán đã được đền bù gấp đôi so với thiệt hại xảy ra. (Thiệt hại do bị trầy xước chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng, nhưng chi Trang đã đền bù 6 triệu đồng cho chủ quán). Bảo vệ trật tự công cộng? Việc gây rối là của cả hai bên. Đã phạt thì phải phạt cả hai bên. Với phương pháp loại trừ như vậy, chúng ta sẽ thấy cuối cùng có vẻ như quyền bội tín của chủ quán là được bảo vệ, mà quyền phản kháng của chị Trang lại bị trừng trị. Có phải pháp luật được sinh ra để làm điều này không?!.
Ba là, sự không tương thích rất quá đáng của hình phạt so với hậu quả của hành vi. Xử phạt một năm tù giam đối với một người chỉ vì hành vi làm xây xước mặt bàn thì rõ ràng là không công bằng (nếu không muốn nói là bất công). Đó là chưa nói tới việc hành vi đó xảy ra trước hết do lỗi của người chủ tài sản đã thất hứa. Đó là cũng chưa nói tới việc người bị phạt tù giam là bà mẹ đơn thân đang phải nuôi con nhỏ.
Hiến pháp năm 2013 đã trao cho tòa án sứ mệnh phải bảo vệ công lý. Cứ xét xử như thế này thì không biết đến bao giờ sứ mệnh thiêng liêng đó mới được thực thi?!
Nguyễn Sĩ Dũng