Hành trình vạn dặm của ASEAN đi tới Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông

    0
    880
    TIẾNG DÂN

    Maritime Issues

    Tác giả: Carl Thayer

    Dịch giả: Song Phan

    18-7-2017

    Asean và Trung Quốc. Ảnh: Marintime Issues

    Nếu quá khứ là khúc dạo đầu, thì việc Trung Quốc xem thường phán quyết và tiếp tục quân sự hóa các thể địa lí đang chiếm đóng ở biển Đông có nghĩa là hành trình vạn dặm của ASEAN đi tới Bộ Quy tắc ứng xử sẽ vẫn còn là một hành trình kéo dài.

    Giới thiệu

    Trong một phần tư thế kỷ vừa qua, các nước thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dấn bước vào “Hành trình vạn dặm” để có được một Bộ Quy tắc Ứng xử ràng buộc về pháp lý ở Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Tiến độ chậm một cách nhức nhối nhưng đà tiến tới đã tăng lên trong 18 tháng qua. Tháng 5 năm 2017, Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đạt được thoả thuận về một dự thảo khung cho COC tại cuộc họp các quan chức cấp cao lần thứ 14 của họ về việc thực hiện Tuyên bố Ứng xử của Các bên trên Biển Đông (DOC), tổ chức tại Quý Dương, tỉnh Quý Châu. Giai đoạn tiếp theo là mở ra các cuộc tham vấn chính thức về văn bản này và các mốc thời gian để hoàn thành COC.

    Cũng vào lúc các sáng kiến ngoại giao tích cực này đang triển khai, có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng việc cam kết “tự kiềm chế” của Trung Quốc thực tế là đèn xanh cho phép họ tiếp tục xa hơn việc quân sự hóa các đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa và sự hiện diện quân sự ở biển Đông. Chẳn hạn, Sáng kiến minh bạch trên biển châu Á (AMTI) vào ngày 29 tháng 6 năm 2017 cho biết:

    Hình ảnh mới cho thấy rằng, mặc dù Trung Quốc đang tập trung chú ý vào việc đàm phán [sic] với các nước Đông Nam Á về các nguyên tắc cơ bản để quản lý các tranh chấp biển Đông, nhưng họ vẫn tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và lưỡng dụng trên quần đảo Trường Sa. Các chỗ chứa tên lửa, thiết bị radar / thông tin liên lạc, và các cơ sở hạ tầng mới khác đang tiếp diễn trên các đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi, cho thấy rằng trong khi khu vực đang tham gia vào cuộc thảo luận hòa bình, Trung Quốc vẫn dồn hết sức phát triển năng lực triển khai sức mạnh của mình”.

    ASEAN khởi đầu hành trình vạn dặm, năm 1992-2011

    Lần đầu tiên  ASEAN can dự vào các vấn đề biển Đông là vào tháng 7 năm 1992, khi Trung Quốc và Việt Nam vướng vào cuộc tranh chấp về các hoạt động thăm dò dầu mỏ gần bãi Tư Chính (Vanguard bank). ASEAN đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi các bên không nêu tên “thực hiện kiềm chế” và lần đầu tiên kêu gọi “tất cả các bên liên quan áp dụng các nguyên tắc trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, làm cơ sở cho việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử quốc tế biển Đông“.

    Lời kêu gọi tự kiềm chế của ASEAN đã không được chú ý. Vào cuối năm 1994 / đầu năm 1995, Trung Quốc chiếm đá Chữ Thập (Mischief Reef) – một thể địa lý ở quần đảo Trường Sa do Philippines đòi chủ quyền. Ngoại trưởng các nước ASEAN đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi các bên liên quan “ngưng thực hiện các hành động làm mất ổn định tình hình”. Philippines đã vận động các thành viên bạn thông qua một bộ quy tắc ứng xử, giúp chế ngự Trung Quốc xâm lấn thêm.

    Năm năm sau, tháng 3 năm 2000, ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi bản dự thảo Quy tắc Ứng xử cho nhau và đồng ý hợp nhất chúng thành một văn bản cuối cùng. Tuy nhiên, có bốn lĩnh vực bất đồng lớn cho thấy không thể vượt qua được: phạm vi địa lý, hạn chế xây dựng trên các thể địa lý bị chiếm đóng và chưa bị chiếm, các hoạt động quân sự ở vùng biển cạnh quần đảo Trường Sa, và liệu các ngư dân vào các vùng biển đang tranh chấp có thể bị bắt hay không.

    Mời đọc toàn bộ bài viết này của GS Carl Thayer tại đây (bản tiếng Anh): ASEAN’S Long March to a Code of Conduct in the South China Sea

    Carlyle A. Thayer là Giáo sư Danh dự, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, Canberra và là Giám đốc Thayer Consultancy.