Góp ý với các “học giả”…

0
13

Báo Tuổi Trẻ hôm kia có đăng bài phỏng vấn tựa đề “Thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là một bước tiến quan trọng”, nhân dịp Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giới thiệu bộ Lịch sử Việt Nam vừa mới xuất bản. Bộ sử này nghe nói là không còn dùng từ “ngụy” để chỉ thực thể chính trị VNCH như những tập sử cũ nữa. Báo chí hải ngoại cũng “ăn theo” rộn rịp, nhứt là RFA, như để “cạnh tranh” với Tuổi Trẻ. RFA cũng phỏng vấn một số “học giả” khác nhằm đóng góp ý kiến về “sự cố” này.

Theo tôi, có nhiều ý kiến của các học giả cần được làm sáng tỏ.
“Bước tiến quan trọng” ở đây là gì ? Và “thừa nhận” cái gì ở Việt Nam Cộng Hòa ?

Theo các “học giả” được phỏng vấn, “quan trọng” ở đây là “quan trọng” cho việc khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa và Trường Sa. Còn “thừa nhận” là thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là một “quốc gia”.

Tôi chưa đọc tập sử này để biết chủ ý của các tác giả trong việc sử dụng cụm từ “Việt Nam Cộng Hòa” thay cho tiếng “Ngụy”. Các tác giả có “nhìn nhận” VNCH là một “quốc gia” như các học giả đã nói hay không ?

Theo tôi, đây mới là điểm “mấu chốt” để VN hôm nay có khẳng định được chủ quyền tại HS và TS hay không.

Bài viết dưới đây tựa đề “Công nhận VNCH vì chủ quyền biển đảo ?” của tôi viết ngày 17 tháng giêng 2013, nhằm “góp ý” với nhóm “học giả thuộc “Quĩ Nghiên cứu Biển Đông” vào thời kỳ đó. Xem ra vẫn còn nguyên giá trị để góp ý với ý kiến của ông Lê Trung Tĩnh trên Tuổi Trẻ (và RFA). Thật là một việc “bất đắc dĩ”. Công cuộc lấy lại HS và TS còn xa vời vợi, thật tức cười khi thấy những học giả này lên tiếng “tranh công”.

Quí vị “học giả” này có ý nói rằng việc bỏ tiếng Ngụy, sử dụng VNCH trong bộ sử là do công lao của họ.

Tôi sẽ góp ý với các học giả khác, nếu thấy cần thiết, trong dịp khác.

Điều tôi ghi nhận, báo chí VN trong nước hay hải ngoại, không có thói quen như báo chí nước ngoài, là dành quyền phản biện, hay quyền được trả lời, cho những người có ý kiến khác. Điều này đã thành tập quán.

Viết những giòng này tôi không có ý muốn các báo Tuổi trẻ hay RFA “phỏng vấn” cá nhân tôi. Tôi chỉ có ý nói, và tôi đã từng nói nhiều lần, là báo chí như vậy, thông tin một chiều, chỉ đóng góp tích cực cho việc TQ khẳng định chủ quyền của họ tại HS và TS mà thôi. Và đó đã trở thành sự thật.

Công nhận VNCH vì chủ quyền biển đảo ?

Bài viết “Công nhận VNCH vì biển đảo ngày nay” trên BBC có nhiều điều cần được thảo luận lại.

1/ “Công nhận” VNCH ở cái gì ?

Theo nội dung bài viết, công nhận ở đây là công nhận “VNCH từng là một quốc gia”. Cũng theo các tác giả : Cộng hòa Miền Nam Việt Nam “là một quốc gia”.

Việc “công nhận quốc gia” là quan trọng trong quan hệ quốc tế, vì nó xác định sự hiện hữu (tư cách pháp nhân) một quốc gia trên sân khấu quốc tế. Thủ tục công nhận thể hiện bằng việc “thiết lập bang giao”, qua các việc trao đổi lãnh sự, ký kết các hiệp ước, hay bằng một “tuyên bố đơn phương” giữa các quốc gia. Việc công nhận quốc gia là các bên nhìn nhận hỗ tương các yếu tố đặc thù về công dân, về lãnh thổ và về chính phủ của các bên.

Trên tinh thần này thì nhà nước VNDCCH, tức nhà nước tiền nhiệm của CHXHCNVN, chưa bao giờ “công nhận” VNCH (chưa nói đến việc VNCH có là “quốc gia” hay không). Hai miền Nam, Bắc là hai đối thủ thù nghịch nhau trong cuộc nội chiến 54-75, chưa bao giờ có thiết lập quan hệ ngoại giao mà chỉ có đối đầu bằng súng đạn.

Mặt khác, nước CHXHCNVN cũng không thể bây giờ mới “công nhận” VNCH là một quốc gia.

Đơn giản vì người ta không thể công nhận cái đã không còn hiện hữu.

2/ Vấn đề “lãnh thổ” và “quốc gia” :

Các tác giả cho rằng :

“Chiến lược khả thi hơn cho lập luận pháp lý của Việt Nam cần dựa trên điểm then chốt là từ năm 1958 đến 1976 có hai quốc gia khác nhau trên đất nước Việt Nam.”

Có phải từ 1958 đến 1976 có hai quốc gia khác nhau trên đất nước VN ?

Hiệp định Genève 1954 qui định nước VN là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhứt ba miền bắc, trung, nam và toàn vẹn lãnh thổ. Sông Bến Hải (vĩ tuyến 17°) chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời, không phải là đường ranh giới về lãnh thổ hay chính trị.

Hiệp định Genève qui định một nước VN duy nhứt, phân chia thành hai vùng lãnh thổ, mỗi bên quản lý vùng đất của mình. Hiệp định không hề nói đến “hai quốc gia”.

Hiệp định Paris 1973 tái xác định nội dung Hiệp định Genève 1954, Việt Nam là một “quốc gia” duy nhứt.

Cũng không thấy trong khoản thời gian 54-75, hai bên VNDCCH và VNCH có ý định trở thành “quốc gia độc lập”.

Theo tập quán quốc tế, một vùng lãnh thổ có thể trở thành một “quốc gia”, nếu hội đủ một số điều kiện.

Tiên quyết là ý chí của dân chúng sống trong vùng lãnh thổ này có muốn trở thành một quốc gia độc lập hay không ? (Nguyên tắc dân tộc tự quyết).

Có nhiều thí dụ về sự thành hình quốc gia từ một vùng lãnh thổ. Trường hợp quốc gia ly khai thành quốc gia mới (Tiệp và Khắc), hay trường hợp các nước trong Liên Xô cũ, là các vùng lãnh thổ được độc lập do ý nguyện của người dân. Đài Loan, vùng lãnh thổ này cũng muốn trở thành quốc gia độc lập dưới thời Trần Thủy Biển nhưng không thành. (Việc này khiến TQ đặt ra luật “chống ly khai”). Hay dân tộc Palestine hiện nay đang tranh đấu để được nhìn nhận là một quốc gia v.v… là các thí dụ cụ thể về sự thành hình của quốc gia.

Dân chúng hai miền Nam, Bắc VN chưa bao giờ bày tỏ ý muốn để trở thành một “quốc gia” độc lập. Thái độ của hai chính phủ luôn tôn trọng nguyên tắc “một quốc gia”.

Thí dụ : VNDCCH không gia nhập các định chế quốc tế thuộc LHQ mà phía VNCH đã gia nhập. Cộng đồng quốc tế cũng tôn trọng nguyên tắc này : quốc gia công nhận miền này thì không công nhận miền kia tại LHQ.

Các tác giả dẫn trường hợp Nam và Bắc Hàn, cho rằng hai nước này là hai “quốc gia”. Điều này không đúng.

Hai miền Nam và Bắc Triều Tiên cùng gia nhập LHQ cuối năm 1991, theo đề nghị của Gorbachev, vì cục diện thế giới thay đổi. Cộng đồng quốc tế có thói quen xem hai miền là hai “quốc gia”, nhưng thực tế không phải vậy. Hai xứ này cùng gia nhập LHQ trên tinh thần của Kết ước « Hòa giải và hợp tác » ký giữa hai miền ngày 13-12-1991. Lời mở đầu của kết ước khẳng định các quan hệ hai bên không phải là quan hệ giữa “quốc gia”, mà chỉ là một quan hệ tạm thời trong tiến trình thống nhứt đất nước.

Việc có phải là “quốc gia” hay không là một vấn đề thuộc về pháp lý. Trước hết là “nguyện vọng” của dân chúng sinh sống trong vùng lãnh thổ cũng như sự “nhìn nhận” của cộng đồng quốc tế.

Thực tế chỉ có một quốc gia VN nhưng có hai cách nhìn: cách nhìn cộng sản VNDCCH là nhà nước chính thống. Cách nhìn tư bản tự do VNCH là nhà nước chính thống.

Không thể có “hai quốc gia VN” bằng việc “tự lựa chọn” hay tự “công nhận” lẫn nhau như các tác giả nhận định.

Một vấn đề nhỏ khác về từ ngữ : Các tác giả cho rằng hiệp định Genève đã tạo nên “một lãnh thổ, hai quốc gia”.

Người ta sử dụng từ “lãnh thổ” để chỉ một cộng đồng dân tộc sinh sống trên một vùng đất (lãnh thổ), có nền kinh tế riêng, có “chính phủ” riêng nhưng không được công nhận là “quốc gia”. Trường hợp Palestine hoặc Đài Loan, Hồng Kông trong Tổ chức APEC, là các thí dụ.

Không ai nói “một lãnh thổ, hai quốc gia” mà chỉ nói “một quốc gia, hai vùng lãnh thổ”.

3/ Phải chăng “Hà Nội đã công nhận rằng Cộng hòa miền Nam Việt Nam là một “quốc gia” ?

Không có bằng chứng nào cho thấy việc “công nhận” này đã thể hiện.

Nhưng có thể quốc tế đã nhìn nhận VNDCCH và CHMNVN “như là hai quốc gia”. Việc này có thể kiểm chứng qua việc cả hai bên VNDCCH và CHMNVN cùng được chấp nhận gia nhập Tổ chức Y tế Quốc tế (OMS). Các định chế quốc tế thuộc LHQ, như OMS, chỉ nhận thành viên có tư cách pháp nhân là “quốc gia”.

VNDCCH “công nhận” CHMNVN là một “quốc gia”, với những thủ tục ngoại giao cần thiết bắt buộc, với việc quốc tế có thể nhìn nhận hai bên “như là quốc gia”, là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt.

4/ Về việc VNCH không chấp nhận thực hiện tổng tuyển cử vào năm 1956 :

Sau hiệp định Genève 1954, VN chia hai đất nước. Tháng 3 năm 1956 phía CS miền Bắc lên tiếng, qua đài phát thanh Bắc Kinh, yêu cầu thực thi việc “thống nhứt đất nước” qua một cuộc trưng cầu dân ý.

Cùng khoản thời gian, hai nước Triều Tiên và Đức cũng đặt vấn đề “thống nhứt đất nước”. Phía Tây Đức và Nam Hàn lên tiếng đề nghị “thống nhứt đất nước” bằng một cuộc đầu phiếu tự do.

Các nước thuộc khối cộng sản bác bỏ các đề nghị này ở Nam Hàn và Tây Đức nhưng lại ủng hộ ở Việt Nam.

Cuối cùng không có nước nào thực hiện việc “thống nhứt đất nước” theo đường lối trưng cầu dân ý.

Bởi vì, khi VN chia hai đất nước, dân số miền Bắc là 13 triệu, miền Nam là 11 triệu. Chính quyền ông Diệm từ chối vì thấy chắc thua (mặt khác chính quyền này không chỉ không ký mà còn phản đối hiệp định Genève, do đó không bị nội dung hiệp định này ràng buộc). Còn ở Đông Đức và Bắc Hàn, dân số phía CS kiểm soát ít hơn, do đó họ phản đối.

Việc “trưng cầu dân ý” trở thành một “dấu ngoặc” của lịch sử, không thể dẫn ra đây để kết tội vì phía miền Nam mà việc chia đôi đất nước kéo dài. Người ta cũng có thể đặt lại vấn đề vì sao miền Bắc đồng ý chia đôi đất nước ?

5/ Về hiệu công hàm 1953 của tiểu quốc Johor trong vụ án tranh chấp chủ quyền các đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge giữa hai nước Mã Lai và Singapour :

Tại tòa, việc giải thích hiệu lực công hàm 1953 của Johor chiếm một thời lượng lớn, từ đoạn 192 đến đoạn 230 trong bản ghi chép về phiên xử. Cần phải có một bài viết riêng mới có thể nói hết các ý nghĩa pháp lý của công hàm. Vài đoạn quan trọng :

Đoạn 223 : “La Cour en conclut que la réponse du Johor montre que, en 1953, celui-ci considérait que la souveraineté sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh ne lui appartenait pas” – Tòa kết luận, văn bản trả lời của Johor năm 1953 cho thấy chủ quyền đảo Pedra Branca không thuộc về nước này.

Đây là yếu tố pháp lý quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định của Tòa.

Đoạn 275 : Kết luận của Tòa. Tòa cho rằng công hàm “có tầm quan trọng quyết định”.

Các tác giả viết :

“Công hàm 1953 không có hệ quả pháp lý mang tính quyết định và không có tính chất ràng buộc cho Johor”

Là không đúng với thực tế của phán quyết.

Có ba ý kiến khác nhau về một vấn đề trước Tòa : bên bị, bên nguyên và ý kiến của tòa. Không thể trích dẫn ý kiến bên này mà bỏ qua các ý kiến khác như các tác giả đã làm. Nếu muốn trích dẫn như vậy, hợp lý là trích dẫn ý kiến chung cuộc của Tòa.

7/ Công nhận VNCH hay kế thừa di sản VNCH ?

Thái độ nhìn nhận VNCH là một quốc gia của các tác giả là một thiện ý cần được đón nhận. Đề nghị không nên thay đổi tên nước trở lại VNDCCH cũng là một ý kiến đúng, trước đây nhiều người đã nói. Nhưng các thực thể chính trị VNDCCH, VNCH, CHMNVH không phải là “quốc gia”, như qui định của Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973, cũng như lập trường của các bên và thái độ của quốc tế thể hiện trong quá khứ.

Gượng ép nhìn nhận VNCH và VNDCCH là hai quốc gia sẽ làm thay đổi bản chất lịch sử của cuộc chiến. Cuộc nội chiến của VN sẽ trở thành chiến tranh xâm lược của VNDCCH.

Người ta không thể thay đổi quá khứ nhưng tương lai tùy thuộc vào việc làm của mình hôm nay.

Nước VN hiện nay không thể “công nhận” VNCH, nhưng có thể “kế thừa” di sản của nó. Vấn đề là “kế thừa” như thế nào ? Bài viết ở đây là một đề nghị.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here