Giáo dục đại học: Hai điểm cốt lõi Việt Nam có thể học từ Mỹ

0
83
Ảnh: humanities.princeton.ed

By Hoàng Dạ Lan • 15 Mar 2024

Gần đây, cuộc thảo luận xoay quanh vấn đề cải cách giáo dục đại học Việt Nam có tiếng nói rất đáng chú ý từ Neal Koblitz, giáo sư toán tại Đại học Washington. Trong bài viết được đăng trên tạp chí Tia Sáng, giáo sư Neal Koblitz phê phán bộ máy quản trị cồng kềnh, học phí đắt đỏ cũng như tình trạng lạm phát điểm tại các đại học Hoa Kỳ. Từ đó, ông khuyến nghị Việt Nam nên thận trọng trong việc “nhập khẩu” các yếu tố của hệ thống quản trị đại học và quản lý chất lượng từ mô hình Mỹ. [1]

Tôi trân trọng tấm lòng cũng như những lời khuyên chân thành mà giáo sư Koblitz dành cho Việt Nam. Nền giáo dục Mỹ quả thực không thiếu thứ để phê phán. Tuy nhiên, là người có may mắn thụ hưởng môi trường đại học ở cả Việt Nam và Mỹ, tôi cho rằng có ít nhất hai điểm cực kỳ cốt lõi Việt Nam nên học từ quốc gia này.

Học từ Hoa Kỳ vốn dĩ đã là chuyện nhàm tai. Ai mà chẳng học được gì đó từ quốc gia hùng mạnh và phát triển nhất thế giới? Vậy khi nhân tiện có những thảo luận phê phán mô hình Hoa Kỳ, tôi thấy cần phải nói lại về những thứ căn cốt của giáo dục họ có mà chúng ta gần như hoàn toàn không có.

Nhưng trước hết, tôi muốn kể một trải nghiệm đặc biệt của tôi trong thời gian học tập và nghiên cứu ở Mỹ. Đó là thời điểm xảy ra vụ bạo loạn ở Quốc hội ngày 6/1/2021, do nhóm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tiến hành.

Sự việc này gây rúng động không chỉ nền chính trị Hoa Kỳ mà cả trong cộng đồng giảng viên và sinh viên của các trường đại học. Các cuộc thảo luận trong các lớp luật và chính trị tại thời điểm đó đều xoay quanh sự kiện này. Các bài tập hàng tuần cũng nhanh chóng được thay đổi, yêu cầu sinh viên suy nghĩ về “hiện tượng Trump”, nguyên nhân của vụ bạo loạn cũng như tác động của nó đến tương lai của nền dân chủ.

Nghĩ về Việt Nam, tôi hiếm khi thấy những sự kiện được xem là nóng và quan trọng như tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm, thảm họa môi trường Formosa hay gần đây là vụ án ngân hàng SCB được thảo luận trên giảng đường.

Lý do gì các trường đại học của Mỹ làm được điều đó mà Việt Nam không, hay là chưa làm được?

Đây là hai lý do chính mà tôi có thể nghĩ tới.

Tự do học thuật và tự trị đại học

Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình Hoa Kỳ và Việt Nam là những cái tròng trên cổ các trường đại học.

Ở nước ta, Bộ Giáo dục & Đào tạo can thiệp sâu vào công tác quản lý của các trường, từ việc ban hành chương trình khung của các ngành học cho đến việc công nhận hiệu trưởng của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ. [2]

Đó mới chỉ là một tròng. Cái tròng thứ hai là cơ quan chủ quản, vốn cũng thường là các cơ quan nhà nước. Việc trường đại học nằm trong cơ cấu của một cơ quan nhà nước biến họ thành một cơ quan nhà nước khác với đầy đủ các ràng buộc về cơ chế tuyển dụng, chi tiêu, quy trình ra quyết định. Chỉ có các trường tư thục mới thoát được cảnh này.

Nhưng cái tròng thứ ba mới là tròng nặng nhất: cấp ủy. Hay nói cách khác là cơ chế quản lý về mặt đảng với các trường đại học. Cái tròng này dĩ nhiên chi phối cả hai tròng còn lại và chi phối mọi quyết định lớn nhỏ của các trường. Các trường đại học, do đó, bị chính trị hóa cao độ.

Trong khi đó, các trường đại học ở Mỹ không phải chịu cái tròng cấp ủy. Với các trường công lập, mặc dù hội đồng trường do chính quyền bổ nhiệm, và phần lớn kinh phí đều đến từ ngân sách công, họ có địa vị pháp lý độc lập với chính quyền để có thể tự ra quyết định. Điều này dĩ nhiên không áp dụng với các trường tư thục – vốn chiếm phần lớn trong số các trường đại học Hoa Kỳ.

Bộ Giáo dục Hoa Kỳ nằm trong số những cơ quan liên bang có quy mô và ngân sách nhỏ nhất. Họ không có thẩm quyền điều hành các trường đại học, cấp bằng tốt nghiệp và can thiệp vào chương trình học. Nhiệm vụ chủ yếu của Bộ này đối với giáo dục đại học là quản lý và giám sát các nguồn quỹ liên bang cho các chương trình và sáng kiến giáo dục, thu thập và công bố các dữ liệu về giáo dục, cũng như đảm bảo mọi công dân có quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. [3]

Nhiệm vụ quản lý giáo dục chủ yếu thuộc về chính quyền bang và địa phương. Tính phi tập trung hóa cao độ của hệ thống tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học của Hoa Kỳ có sự tự chủ rất lớn. Mỗi trường có thể tự do phát triển triết lý giáo dục riêng, phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức.

Và đây là một điều tối quan trọng.

Hãy lấy ví dụ – và là một ví dụ tiêu biểu – là Viện Công nghệ California (Caltech), một cơ sở giáo dục được QS World University Rankings xếp hạng 15 và được Times Higher Education xếp hạng 7 toàn cầu trong năm 2024.

Mặc dù là một viện đại học quy mô nhỏ, các giáo sư và cựu sinh viên của trường đã giành tổng cộng 47 giải Nobel trong các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Kinh tế và Hòa bình. [4] Bí quyết của trường là gì?

Caltech nổi tiếng với triết lý giáo dục phối hợp đa ngành. Sinh viên năm nhất thuộc bất kỳ chuyên ngành nào phải tham gia chương trình giáo dục cơ bản (core curriculum) và chọn học các môn trong lĩnh vực khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và nhân văn.

Caltech tin rằng sự hiểu biết bao quát về xã hội và thế giới sẽ mở ra cho sinh viên cơ hội thực hiện các nghiên cứu đòi hỏi kiến thức đa ngành, vốn là một xu hướng chủ đạo trong môi trường học thuật hiện nay. Ngoài ra, trường cung cấp các “khóa học tiên phong” (frontier courses), bao gồm các bài thuyết trình hàng tuần của giảng viên về các công trình nghiên cứu họ đang thực hiện.

Dưới đây là ví dụ về thời khóa biểu học kỳ mùa thu của một sinh viên năm nhất tại Caltech:

Nguồn: Caltech.

Có thể thấy mô hình “trường thành công có lối đi riêng” của Caltech khó mà xuất hiện và tồn tại được trong môi trường giáo dục Việt Nam, nơi mà quyền tự trị đại học và tự do học thuật bị hạn chế nghiêm trọng.

Việc Bộ Giáo dục & Đào tạo áp đặt chương trình khung cũng như bắt buộc sinh viên tất cả các chuyên ngành phải học các môn triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử đảng nằm trong nỗ lực của Đảng Cộng sản nhằm bảo vệ tính chính danh của chế độ và duy trì trật tự chính trị hiện tại chứ không phải nhằm mục đích giáo dục. Giảng viên và sinh viên, đặc biệt là trong các chuyên ngành luật, chính trị học, quản lý nhà nước, lịch sử, triết học, xã hội học, phải tự kiểm duyệt trên giảng đường cũng như trong nghiên cứu khoa học. Trường học giống như một tổ chức chính trị hơn là một cơ sở giáo dục.

Triết lý giáo dục lấy người học làm trung tâm

Hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ đặt sinh viên ở vị trí trung tâm của quá trình giáo dục, trong đó việc đáp ứng nhu cầu của người học là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Thời khóa biểu của các môn học được sắp xếp xen kẽ nhằm đảm bảo sinh viên có thể tối ưu hóa lịch học và chọn các môn mình yêu thích nhất. Nhiều trường đại học cho phép sinh viên đăng ký các môn học tự chọn từ các khoa không phải là chuyên ngành của họ. Ví dụ, một sinh viên chuyên ngành sinh học có thể đăng ký các môn học tự chọn trong tâm lý học hoặc văn học để mở rộng kiến thức và kỹ năng.

Các trường đại học Hoa Kỳ cũng nổi tiếng với việc cung cấp nhiều khóa học đa dạng, thú vị, không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ví dụ, Đại học California – Irvine từng có khóa học “Khoa học về siêu anh hùng”.[5] Khóa học này thảo luận về các nguyên lý khoa học đằng sau sức mạnh và quyền năng của các siêu anh hùng, với mục đích tối hậu là thắp lên ngọn lửa yêu khoa học trong sinh viên.

Hầu hết các trường đại học ở Hoa Kỳ cho sinh viên một khoảng thời gian từ một đến hai tuần ở đầu kỳ học, gọi là add/drop period, cho phép sinh viên điều chỉnh lịch học. Trong giai đoạn này, sinh viên có thể tham gia các buổi giảng, đánh giá nội dung môn học và phong cách giảng dạy của giảng viên, từ đó họ có thể thêm hoặc loại bỏ các lớp từ thời khóa biểu của mình.

Thời lượng trung bình cho mỗi buổi học thường dao động từ 50 đến 80 phút, tùy vào nội dung và cấp độ của khóa học. Khoảng thời gian này cho phép giảng viên truyền đạt nội dung một cách hiệu quả, thúc đẩy thảo luận và tương tác cũng như đảm bảo khả năng tập trung của sinh viên. Một môn học thường có từ hai đến bốn buổi giảng mỗi tuần.

Những lớp học không thu hút đủ lượng sinh viên đăng ký có thể bị đóng, tạo áp lực khiến giảng viên phải liên tục cải tiến nội dung bài giảng cũng như phương pháp truyền đạt để thu hút và giữ chân sinh viên. Mô hình này rất linh hoạt, góp phần chuyển một phần quyền quyết định về cơ cấu môn học, ngành học từ nhà quản lý giáo dục sang sinh viên và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành chương trình khung cho tất cả các ngành học. Hầu hết các sinh viên học cùng một ngành sẽ có thời khóa biểu các môn tương tự nhau, có chăng chỉ khác biệt ở một vài môn tự chọn trong giai đoạn chuyên ngành. Một buổi giảng thường kéo dài trong khoảng 3 giờ đến 3 giờ 30 phút, như vậy sinh viên và giảng viên chỉ cần gặp nhau một lần trong tuần.

Cách tổ chức này thoạt nhìn thì thuận tiện cho cả người dạy, người học và người quản lý thời khóa biểu, nhưng thật ra lại rất phản khoa học. Thời gian mỗi buổi giảng quá dài, vượt quá khả năng tập trung và tiếp thu của người học, gây ra hiện tượng mệt mỏi, chán chường ở cả giảng viên và sinh viên. Mỗi buổi giảng kéo dài trong cả buổi sáng hoặc buổi chiều cũng khiến việc tổ chức các lớp học xen kẽ để sinh viên tự do lựa chọn môn học và cá nhân hóa thời khóa biểu theo mô hình Hoa Kỳ trở nên bất khả thi.

Lời kết

Nước Mỹ đã trở nên hùng cường với hệ thống các trường đại học tiên tiến, thu hút rất đông sinh viên quốc tế và học giả xuất sắc đến học tập và nghiên cứu. Một phần lớn của việc đó là nhờ vào không khí tự do, tôn trọng và khuyến khích những tiếng nói phản biện, từ đó thúc đẩy khả năng tự sửa chữa và hoàn thiện của hệ thống. Bài viết của giáo sư Neal Koblitz phê phán những bất cập của hệ thống quản trị đại học Hoa Kỳ là một ví dụ điển hình của truyền thống quý báu đó.

***

Tác giả chân thành cảm ơn một bạn nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt vì đã khơi gợi ý tưởng và đóng góp ý kiến cho bản thảo của bài viết này.

Nguồn : LUẬT KHOA

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here