Giống như nhiều nhân vật trong cuốn sách này không còn có thể khóc khi gói xác cha vào những manh chiếu rách. Nước mắt hoàn toàn bất lực khi chạm tới tận cùng nỗi đau. Chữ nghĩa trong GIA ĐÌNH cũng thế, ngồn ngộn các sự kiện ngoài khả năng tưởng tượng của con người, mà cứ được viết ra như không, lặng lẽ…
Chưa có cuốn sách nào nhìn cải cách ruộng đất cận cảnh như thế và chạm sâu vào ký ức từng nạn nhân đến thế. Giá trị quan trọng nhất của GIA ĐÌNH chính là ở chỗ lưu trữ tư liệu lịch sử một cách chân thực nhất chứ không phải hư cấu cho nó hấp dẫn nhất.
Có lẽ rất ít người dám nghi ngờ những tư liệu này. Nhưng chắc chắn có không ít người muốn quay mặt đi trước vết thương muôn đời mưng mủ ấy. Trong sâu xa vết thương ấy vẫn còn làm nhói đau những thế lớn lên trong các khúc tráng ca của hệ thống này.
“Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ”. Cuốn sách có lẽ đã gây tranh cãi trước khi nó được phát hành. Cuốn sách có thể còn gây tranh cãi trong cộng đồng người đọc sau khi nó được phát hành. Việc xuất bản, chắc chắn đã được cân nhắc và rõ ràng là vô cùng hữu ích. Không có vết thương nào bị che đậy, dù lâu đến bao nhiêu, mà lại có thể lành.
Kính phục Phan Thúy Hà.
PS: Hậu duệ của cụ Hoàng Cao Khải đang có trên tay cuốn Gia Đình. Chú thích ảnh của tác giả cuốn sách: “1. Anh cả và cậu út, hai nhân vật tôi trong chuyện gia đình số 18. 2. Cổng dinh cụ Quận – nhà ngang – Lạc đình biệt thự.”