Khai mạc sáng 4-10, hội nghị này rất được chờ đợi bởi trung ương sẽ bàn thảo đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cho thôi 3 ban chỉ đạo?
* Đặc điểm trong hệ thống chính trị của ta hiện nay là một tổ chức có nhiều tổ chức Đảng lãnh đạo, ví dụ một bộ vừa có ban cán sự Đảng vừa có đảng ủy. Như vậy rất dễ chồng chéo, thưa ông?
– Vì thế phải nghiên cứu, tính toán lại. Tôi được biết hội nghị này (trung ương 6) sẽ đưa ra để lấy ý kiến, xem xét. Như Chính phủ có Ban Cán sự Đảng thì được rồi và ở cấp bộ cũng vậy, chính ra chỉ cần ban cán sự thôi, sau này lại “đẻ” thêm ra đảng ủy bộ nữa.
Nghĩa là có hai hình thức (tổ chức Đảng). Và thường thì ông thứ trưởng làm bí thư, còn ông bộ trưởng chỉ trong ban cán sự nên có cái khó trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
* Nên chăng thống nhất lại chỉ còn một đầu mối và khi ấy bí thư đồng thời là thủ trưởng (bộ trưởng) – một bước nhất thể hóa?
– Như tôi nói, cái này cần bàn tính thật kỹ. Làm sao cho gọn lại mà vẫn tăng hiệu lực, hiệu quả.
Tinh thần là như cái này (chỉ tay vào chén uống nước) thì chỉ có một cái này thôi (chỉ cái đĩa lót chén). Đừng có rườm rà nữa. Chứ vừa rồi, còn tổ chức ra mấy cái đảng ủy khối nữa…
* Hiện cũng có ý kiến nên xem lại mô hình đảng ủy khối có còn phù hợp?
– Đúng, nay cũng có ý kiến là bỏ. Cá nhân tôi trước đây từng đề nghị để Đảng ủy ngoài nước vào Bộ Ngoại giao, nhưng các anh ấy lại để riêng ra. Giờ để nằm trong Đảng ủy Bộ Ngoại giao là hay nhất!
Còn hai “ông” Đảng ủy khối doanh nghiệp nhà nước và Đảng ủy khối các cơ quan trung ương mới sinh ra sau này chứ trước đây làm gì có.
* Và các “ông” này chỉ là cấp trung gian…
– Đúng rồi, chỉ là cấp trung gian, ít hiệu quả. Theo tôi, nó rườm rà và không nên tồn tại.
* Đối với mô hình đặc thù như 3 ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, quan điểm của ông ra sao?
– Mình từ đầu đã đề nghị thôi. Bây giờ thì thấy rồi đấy, các anh ấy đang xem xét để thôi rồi.
Bối cảnh đặc biệt trước đây thấy cần thiết ra đời ban chỉ đạo như thế. Đây chỉ là tổ chức tạm thời, chỉ nên tồn tại trong thời gian ngắn, để lâu có khi sinh tiêu cực. Như vừa rồi đã xảy ra tiêu cực (ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ). Nhìn chung, các ban này ít tác dụng.
Sáp nhập cơ quan tương đồng
* Trong tổ chức bộ máy nhà nước, nguyên tắc cơ bản là một việc thì chỉ một đầu mối thực hiện; việc gì mà người dân, doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không làm. Nguyên tắc này không mới và được nhắc đi nhắc lại nhiều, nhưng để thực hiện thì lại là cả một vấn đề, ông nghĩ sao?
– Cái này đúng. Ta thì cứ ôm đồm. Phải làm như thế thì mới mạnh và hiệu quả, chứ cái gì cũng dính tất cả vào thì dở.
Tôi nói bây giờ trách nhiệm người đứng đầu không rõ lắm. Trách nhiệm thuộc cơ quan nào thì cơ quan đó chịu trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Chính phủ phải làm như thế mới được.
* Vậy theo ông, làm thế nào để trách nhiệm của người đứng đầu rõ hơn?
– Phải phân rõ chức năng nhiệm vụ. Tăng quyền tăng trách nhiệm. Như đã nói ở trên, anh bí thư làm luôn cấp trưởng. Như vậy người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cả mặt Đảng lẫn mặt chính quyền.
* Ông có cho rằng những tổ chức, đơn vị có chức năng tương đồng thì nên tính toán nhập lại?
– Đúng, chứ không nên xé lẻ. Như Bộ Công an, nhiều tổng cục quá, hoàn toàn có thể sắp xếp tổ chức lại. Nếu không sẽ phát sinh tầng nấc trung gian, chồng chéo (chức năng nhiệm vụ).
Kinh nghiệm ở Trung Quốc, họ đã nhập một số cơ quan tương đồng bên đảng với chính quyền, chẳng hạn kiểm tra (đảng) với thanh tra (chính quyền) gộp lại với nhau.
* Có ý kiến cho rằng về lâu dài có thể tính tới việc nhập ngành giao thông vận tải với xây dựng thành ngành chung về hạ tầng; tài chính với kế hoạch đầu tư…, ông thấy thế nào?
– Cái này cũng được chứ sao, nhưng phải nghiên cứu cho kỹ, nếu phù hợp, không rắc rối thì nên làm. Theo tôi, giờ mình cần tổng rà soát lại, vừa có kiến thức khoa học vừa có cả thực tiễn. Phải có truyền thống của Việt Nam và có kinh nghiệm của nước ngoài. Thời đại của khoa học công nghệ, của thông tin thì bộ máy phải khác trước, nếu càng để phình ra thì càng chết.
Không nghiêm thì còn phình ra nữa
* Theo ông, tại sao nhiều năm nay, năm nào cũng nói tinh giản mà biên chế cứ tăng lên, bộ máy cứ phình ra?
– Nói là tinh giản đấy, nhưng thực tế từ khóa XI bộ máy lại tăng lên, nhân sự tăng lên. Cái này phải tự giác kiểm điểm nghiêm.
Nếu không nghiêm thì còn phình ra nữa.
* Phình ra như thế thì ngân sách không chịu nổi, chiếm tới 70% ngân sách cho chi thường xuyên thì lấy đâu chi cho đầu tư phát triển?
– Đúng là không chịu nổi. Mà đã như thế thì lương người giỏi cũng không cao được, không thu hút được người tài vào bộ máy.
Gặp các anh lãnh đạo, tôi nói đổi mới gì thì đổi mới, nhưng các anh cần phải cách mạng bộ máy đi đã. Tôi nói là “cách mạng”, tức là xây dựng lại để cho nó đúng là tinh gọn, hiệu lực hiệu quả.
Tôi nói thế, các anh ấy đồng ý, nhưng làm được hay không là chuyện khác.
Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến thời điểm 15-9-2017 – Đồ họa: N.KH.
* Nhưng thưa ông, với đề án trình Hội nghị trung ương 6 kỳ này thì có thể thấy rất quyết tâm?
– Có quyết tâm thì càng tốt. Cái chính là phải hành động. Chứ tôi nói bộ máy gì mà có chỗ như trước đây chỉ toàn vụ trưởng, vụ phó rồi hàm vụ trưởng, hàm vụ phó, chả có ai nhân viên cả…
* Cho nên cần quy định theo hướng “chốt” bao nhiêu người mới được thành lập phòng, vụ, cục…; mỗi đơn vị có số lượng cấp phó tương ứng là bao nhiêu…?
– Làm như thế thì mới được. Đơn vị mà toàn lãnh đạo thì ngồi nói thế nào được với nhau? Ấy vậy mà vẫn để nó tồn tại được mới tài. Cơ quan đơn vị nào cũng cần có nhân viên, thậm chí phải có những nhân viên chuyên ngành rất giỏi.
ĐÀ TRANG – ĐỨC BÌNH / tuoitre.vn
—