(tiếp theo)
Cách nay mười năm (tháng 10/2014), trong vai đại biểu Quốc hội, trả lời chất vấn của cử tri về phòng – chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đại ý: Chống tham nhũng là công việc phức tạp và rất khó. Đây là công việc đòi hỏi sự khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Chống tham nhũng không phải là xới tung tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm. Đánh chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình, tức là phải giữ cho được sự ổn định [1].
Thực tế cho thấy, công cuộc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đã diễn ra đúng như thế. Tai tiếng không cản được sự thăng tiến của nhiều cá nhân. Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn tiếp tục biến những cá nhân bị công chúng dè bỉu, chỉ trích, thậm chí kịch liệt thành các nhân vật “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức” [2]. Chuyện một số nhân vật trong nhóm đột nhiên trở thành “chuột” vì những tì vết trong… quá khứ chỉ chứng minh phòng chống tham nhũng tại Việt Nam đúng là… “phức tạp”!
“Bình” hay sự “ổn định chính trị”, chính xác hơn là duy trì toàn trị cộng sản, tạo ra “chuột” rồi chọn chuột để… “đánh”. Vì lẽ gì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đột nhiên “đánh” hàng loạt “chuột”, thậm chí không ít là “chuột” đầu đàn, tạo cảm giác “xới tung tất cả”, không ngại “gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau” và đã cũng như đang “gây rối loạn” trong chính các hệ thống? Dường như cách thức điều hành đảng đã kích thích tham vọng làm… “chủ”, kiểm soát toàn bộ “bình”.
***
Ông Nguyễn Phú Trọng là người giương cao ngọn cờ phòng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, vì sự nghiệp chung bất kể đó là ai” [3] nhưng ông cũng chính là người chủ trương “đánh chuột đừng để vỡ bình” và cam kết sẽ “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” khi điều hành công cuộc phòng chống tham nhũng [4]. Làm sao có thể giúp “quyết liệt, nghiêm minh” sánh duyên với… “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”? Ông Trọng là người duy nhất làm được chuyện vốn dĩ bất khả thi ấy!
Cứ xem lại diễn biến công cuộc phòng chống tham nhũng từ khi ông Trọng giữ vai trò Tổng bí thư ắt sẽ thấy, làm… “chủ”, kiểm soát toàn bộ “bình” đồng nghĩa với việc có quyền định đoạt, biến cá nhân nào trong nhóm “ở một tầm cao đặc biệt, mẫu mực về đạo đức” thành… “chuột”. Dẫu về nguyên tắc, đã cắn phá thì phải xử lý “quyết liệt, nghiêm minh” song nhờ sức sáng tạo của ông Trọng, việc đính kèm “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” giúp một số “chuột” chỉ bị phê bình, hay khiển trách hoặc cảnh cáo, một số “chuột” dù phải tự nguyện từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị hệ thống công quyền nhưng thoát trách nhiệm hình sự. Dường như sự… “uyển chuyển” trong hướng dẫn sử dụng “quyết liệt, nghiêm minh” và “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” đã triệt tiêu khả năng phản kháng của “chuột” trong “bình”.
Theo Khoản 1, Điều 17 trong Điều lệ hiện hành của đảng CSVN, một cá nhân không thể đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư quá hai nhiệm kỳ [5]. Tuy nhiên không có đại biểu nào tham dự Đại hội đảng CSVN thứ 13 “quyết liệt” phản đối việc giới thiệu ông Trọng tham gia Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) khóa 13 để bảo vệ sự “nghiêm minh” của đảng. Việc ông Trọng thản nhiên “gánh vác” vai trò Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba vi phạm điều lệ của tổ chức chính trị do ông lãnh đạo trở thành điều… “bình thường mới”. Vì sao? Có thể do không ai dám từ bỏ “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” của ông Trọng khi… “hữu sự”! Đó không phải lần đầu tiên các thành viên cốt cán của đảng bất chấp các quy định của chính họ, bất kể “kỷ cương”, từ bỏ “quyết liệt, nghiêm minh” để thực thi “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” với ông Trọng.
Ông Trọng trở thành Tổng Bí thư đảng CSVN lần đầu tiên vào năm 2011. Tuy đảng CSVN quy định hết sức chặt chẽ về tuổi trong quy hoạch nhân sự nhưng trước khi mãn nhiệm kỳ, BCH TƯ khóa 11 (2016 – 2016) nhất trí xác định ông Trọng là Ủy viên Bộ Chính trị duy nhất thuộc “trường hợp đặc biệt” (tuổi tác quá quy định cần phải rời chính trường) sẽ tham gia BCH TƯ khóa 12 (2016 – 2021) để làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa [6]. Tương tự, lúc chuẩn bị mãn nhiệm, BCH TƯ khóa 12 lại tiếp tục xác định ông Trọng là “trường hợp đặc biệt” để tham gia BCH TƯ khóa này (khóa 13) và làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba (2021 – 2026). Liệu ông Trọng có đảm nhiệm vai trò Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa chăng? Không thể nói có vì tình trạng sức khỏe của ông không tốt, cũng chẳng thể nói không vì rõ ràng cần giữ cho đảng không… “rối loạn”!
Nhìn một cách tổng quát, ông Trọng vừa… “quyết liệt, nghiêm minh” trong công cuộc phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng, vừa “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình” cả với chính… ông. Thành ra dù liên tục là người phụ trách công tác tuyển chọn, sắp đặt nhân sự của BCH TƯ đảng hai khóa 12 và 13, đồng thời còn là người đứng đầu nhưng ông hoàn toàn vô sự vì vô can trong việc các Ủy viên BCH TƯ đảng, các thành viên trong Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng cả hai khóa bị xử lý kỷ luật vì những sai phạm từ hồi… nẩm! Chuyện các thành viên Bộ Chính trị của BCH TƯ đảng khóa này… tự nguyện từ bỏ tất cả các chức vụ trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vì “nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng, nhà nước và nhân dân” không làm ông ngại, bởi đảng còn cần ông… “nêu gương”! Tấm gương này có không ít ảnh phản chiếu…
(còn tiếp)
Chú thích
[1] https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-diet-chuot-dung-de-vo-binh-200746.html
[6] https://tuoitre.vn/mot-truong-hop-dac-biet-la-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1043203.htm
[7] https://thanhnien.vn/10-truong-hop-dac-biet-trung-cu-ban-chap-hanh-tu-khoa-xiii-1851033967.htm