RFA
Nhiều vụ việc người dân đồng lòng phản đối các trạm thu phí BOT xảy ra trên khắp cả nước, bất chấp những yếu tố vi phạm pháp luật.
Đụng đến quyền lợi của dân
Vụ việc xảy ra gần đây nhất gây xôn xao dư luận là vụ tài xế gom góp tiền lẻ để mua vé khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Giải thích lý do “làm khó” trạm thu phí, nhiều chủ xe và tài xế cho rằng trạm thu phí đã đặt sai chỗ. Thay vì chỉ thu phí đối với các phương tiện đi qua đường tránh Cai Lậy (vừa mới xây dựng xong), trạm thu phí lại đặt trên QL1.
Không chỉ đặt sai chỗ, một lý do nữa khiến giới chủ xe và tài xế phản đối Trạm thu phí Cai Lậy là vì mức giá thu quá cao, cho dù họ không sử dụng đường tránh. Giới tài xế nói rằng tuyến đường tránh dài chỉ 12 km với 2 làn xe nhưng mức thu phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt là quá cao, bởi tuyến cao tốc Trung Lương – TP.HCM dài 40 km với 6 làn xe mà mức thu phí tương ứng chỉ là 40.000 đồng/lượt.
Đỉnh điểm của vụ việc cho đến thời điểm hiện tại là vào chiều ngày 13/8, quanh trạm thu phí xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài vài km, nguyên nhân là do nhiều tài xế đồng lòng rủ nhau đi qua trạm và dùng tiền lẻ để mua vé khiến thời gian thanh toán kéo dài. Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tới mức trạm này phải hai lần xả cho xe chạy mà không thu phí đến 0h ngày 14/8.
“Chả nhẽ người ta bị đối xử bất công lại bảo người ta im à? Cho nên tôi nghĩ chuyện đó là bình thường trong xã hội”.
– Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm.
Việc người dân nổi dậy phản đối trạm thu phí BOT từ trước đến nay không phải là chuyện hiếm thấy. Đầu năm nay, người dân Nghệ An nhiều tháng ròng rã căng băng rôn, dùng tiền lẻ, hay diễu hành để phản đối trạm thu phí hai đầu cầu Bến Thủy tỉnh Nghệ An vì cho rằng họ không đi trên đường BOT mà vẫn phải trả phí.
Tháng 5 vừa qua, người dân xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng lái xe ô tô đi chậm qua trạm thu phí Cầu Rác và trả tiền mệnh giá nhỏ để phản đối việc thu phí nơi đây. Đây là trạm thu phí cho tuyến đường BOT được xây trên QL1, tránh đi qua thành phố Hà Tĩnh mà những người sử dụng ô tô nói họ không chạy qua QL1 nhưng vẫn phải đóng phí là một sự bắt buộc vô lý.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại trạm thu phí BOT Tam Nông, Phú Thọ, trạm Quán Hàu tại Quảng Bình, trạm Bờ Đậu ở Thái Nguyên,… người dân mang băng rôn, kéo xe dàn hàng ngang trước cửa trạm để phản đối giá phí quá cao.
Nhận định về tình trạng hàng loạt vụ việc người dân phản đối trạm thu phí BOT xảy ra, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng đây là chuyện phản ứng bình thường khi người dân bị đối xử bất công:
Những việc trái ý dân thì bị người ta phản đối cũng là chuyện thông thường. Mình là chế độ dân chủ thì nên khuyến khích chuyện đó. Chứ chả nhẽ người ta bị đối xử bất công lại bảo người ta im à? Cho nên tôi nghĩ chuyện đó là bình thường trong xã hội.
Nói riêng về vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng này nhận xét như sau:
Theo tôi hiểu con đường này người ta vẫn đi bình thường, không mất tiền. Bây giờ có một ông bỏ tiền ra làm con đường tránh ở bên cạnh và được Bộ giao thông cho làm theo kiểu đầu tư rồi thu phí. Nếu anh thu phí con đường ấy thì người ta chả nói. Anh lại thu phí trên con đường chính người ta mới không bằng lòng vì anh không đầu tư trên con đường ấy thì thu phí cái gì?
Từ Đà Nẵng, Kỹ Sư Nguyễn Văn Thạnh, một nhà hoạt động dân sự nói với chúng tôi rằng những cuộc nổi dậy phản đối trạm thu phí BOT này là do quyền lợi của người dân bị đụng chạm tới:
Đa số những vụ như vậy người ta phản đối là do nó xâm phạm đến quyền lợi của họ. Trước khi có những hành vi trả tiền lẻ hay viết những biểu ngữ phản đối lên xe của mình ở trạm Cai Lậy, Tiền Giang thì ở Quảng Bình hay ở phía Bắc tài xế cũng làm như vậy. Cuối cùng nhà chức trách họ lắng nghe và điều chỉnh lại để tài xế thấy hài lòng hơn, không phản đối nữa.
Việc người dân phản đối thu phí BOT cũng mang lại một số kết quả đáng mừng, chẳng hạn như tháng 4 vừa qua UBND tỉnh Nghệ An và Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định miễn phí vé cho người dân sống hai bên Trạm Bến Thủy 1, Nghệ An và các loại xe buýt lưu thông qua trạm này cũng được miễn giá vé hoàn toàn.
Một trong những nhà hoạt động dân sự nổi bật ở Hà Nôi, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định rằng hành động của người dân là hoàn toàn hợp pháp, vì người dân vẫn trả phí và chỉ phản đối một cách ôn hòa chứ không có những hành động đập phá hay đánh lộn. Ông cũng đồng tình với quan điểm rằng nhiều trạm thu phí BOT đã đụng đến quyền lợi của người dân. Ông phân tích thêm:
Đại bộ phận người dân nếu thu phí một cách hợp lý thì người ta cũng sẵn sàng trả thôi chả ai mè nheo gì chuyện thu phí cả. Đằng này làm thì qua quýt, thu phí thì thu tràn lan, lấn sang cả chỗ người ta không đi qua, cũng thu của người ta. Tức là một sự bất công rành rành thì hiển nhiên người ta phải phản ứng.
Ngày 11/8 vừa qua, khi trả lời báo chí liên quan đến vụ việc ở trạm thu phí Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nói rằng bộ này sẽ không di dời trạm, không giảm phí và sẽ tiếp tục thu phí theo đúng quy định.
Ngay sau khi được biết tin tài xế bỏ tiền lẻ vào chai để mua vé BOT qua trạm Cai Lây, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói rằng việc bỏ tiền lẻ vào chai khi qua trạm thu phí cho thấy văn hoá ứng xử đang có vấn đề.
Cả ba người chúng tôi được tiếp xúc đều bày tỏ sự không bằng lòng với nhận định này của ông Kiên. Họ nói rằng trước khi đánh giá cách hành xử của người dân cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao họ phản ứng như vậy, bởi lẽ “không có lửa làm sao có khói!”
“Làm thì qua quýt, thu phí thì thu tràn lan, lấn sang cả chỗ người ta không đi qua, cũng thu của người ta.”
-Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Lợi ích nhóm?
Hàng loạt các vụ người dân nổi dậy phản đối phí BOT khắp mọi nơi trên đất nước làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của các của Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng. Trả lời thắc mắc này của chúng tôi, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm cho rằng cần giải quyết vấn đề “lợi ích nhóm” trong các dự án BOT:
Tôi có thể nói, chứ không khẳng định, là có lợi ích nhóm ở trong đó. Người cho phép người ta thu phí trên con đường không đáng thu thì không phải cho miễn phí đâu. Phải có lợi gì thì mới cho phép. Muốn ngăn chặn việc này thì phải minh bạch ra. Và các dự án phải hỏi ý kiến dân, phải điều tra xã hội học. Đằng này các ông lại tự quyết với nhau, Đây là chuyện không đếm xỉa gì đến ý của dân cả, quan có ý kiến quan cứ làm. Dân mà phản đối thì nói dân ngu, dân hỗn,…
Còn Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh lại bày tỏ lo ngại rằng trong tương lai Nhà nước sẽ thấy việc phản đối BOT trở thành một tiền lệ gây khó khăn cho các dự án kinh tế của họ. Để ngăn chặn tình trạng này, ông đưa ra ý kiến rằng phải minh bạch tài chính ở tất cả các dự án để người dân hiểu và cảm thấy họ không đang bị lợi dụng cho lợi ích của bất cứ ai:
Theo tôi, Nhà nước một mặt phải khắc phục những chỗ mà người dân có ý kiến. Mặt khác phải có một quy trình chặt chẽ, thỏa mãn các quyền lợi ngay từ đầu. Người dân không phải thể hiện ý kiến như vậy nữa, dẫn đến báo chí và cả xã hội lên tiếng. Nếu khắp nơi đều như vậy thì xã hội bất bình thường. Cho nên tất cả các dự án BOT Nhà nước nên thực hiện công khai cho dân biết đây người ta có làm từng đây tiền, đấu thầu như thế này và cần thu hồi ngần đây tiền để hồi vốn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bổ sung thêm rằng người dân không ai “rỗi hơi” mà đứng lên phản đối. Họ chỉ làm như vậy khi không còn sự lựa chọn nào khác. Vì vậy ông mong Nhà nước hãy lắng nghe ý dân và thay đổi cho phù hợp.