VOA
Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao sau khi giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “giết người” và “cướp tài sản” đã cũng như đang làm nhiều triệu người căm phẫn. Rất nhiều người hoặc lên tiếng đòi công lý cho Hồ Duy Hải hoặc bày tỏ sự nghi ngờ về cái gọi là “công lý” ở Việt Nam.
Có một điểm đáng lưu ý nhưng chưa được chú ý đúng mức là tại những quốc gia theo thể chế xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, việc duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của các đảng cộng sản để dẫn dắt toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội đã loại bỏ công lý. Nói cách khác, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đừng mơ công lý…
***
Nhiều triệu người chưng hửng, bất bình khi 17 thẩm phán của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao đồng thanh thừa nhận, tiến trình điều tra – truy tố – xét xử Hồ Duy Hải có “thiếu sót” và “sai sót” nhưng “không làm thay đổi bản chất vụ án” thành ra giữ nguyên quyết định “tử hình” mà tòa cấp sơ thẩm và tòa cấp phúc thẩm từng tuyên (1).
Phán quyết vừa kể bị nhiều triệu người lên án là man rợ vì tiếp tục cho phép tước bỏ sinh mạng của Hồ Duy Hải, bất kể tiến trình điều tra – truy tố – xét xử không những phơi bày vô số yếu tố phi lý mà còn vi phạm nghiêm trọng nhiều quy định trong Luật Tố tụng hình sự, bộ luật đặt định các thủ tục, biện pháp nhằm ngăn ngừa oan sai.
Tên tuổi, diện mạo của 17 thẩm phán Tòa án Tối cao tham gia giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải “giết người” và “cướp tài sản” đang được lưu chuyển trên mạng xã hội Việt ngữ như những hung thủ đã thủ tiêu công lý và làm nhiều triệu người băn khoăn về “tư pháp xã hội chủ nghĩa” và công lý.
***
Qua phán quyết về vụ án Hồ Duy Hải, Hội đồng Thẩm phán của Tòa án Tối cao đã trở thành mối bận tâm chung của công chúng về “tư pháp xã hội chủ nghĩa”, thành ra cần nhìn qua đặc điểm của bộ máy xét xử – hệ thống tòa án các cấp – tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cách nay khoảng chín năm, vào ngày 10/3/2011, khi điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là ông Hà Hùng Cường khẳng định: Chất lượng đào tạo thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm sát viên, chấp hành viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ quan sử dụng đề ra. Phần lớn là các cán bộ được cử đi học chứ chưa thực hiện được việc tuyển sinh rộng rãi để chọn được người thật sự có năng lực…
Chánh án Tòa án Tối cao lúc đó là ông Trương Hòa Bình thừa nhận: Sự yếu kém của đội ngũ thẩm phán đang là vấn đề khiến dư luận xã hội bức xúc. Một trong những nguyên nhân là việc đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng xét xử chưa đạt yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Cả Chánh án Tòa án Tối cao lẫn Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao lúc đó là ông Trần Quốc Vượng cùng đòi phải để Tòa án và Viện Kiểm sát tổ chức đào tạo riêng chứ không để Bộ Tư pháp đảm nhận (2).
Sáu năm sau, vào ngày 14/1/2017, tại Hội nghị Triển khai công tác tòa án năm 2017, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án mới của Tòa án Tối cao, thừa nhận, một trong những bất cập của bộ máy xét xử – nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đưa ra các phán quyết – là các bản án có quá nhiều sai sót, từ “viết một đằng, tuyên một nẻo” cho tới… sai chính tả! Do vậy, ngành tòa án hứa sẽ tổ chức tập huấn viết bản án theo mẫu và mời giáo viên đến dạy về chính tả, ngữ pháp, đặt dấu chấm, dấu phẩy (3)!..
Đội ngũ thẩm phán và nhân viên hệ thống tòa án các cấp không chỉ cần được bồi dưỡng thêm về những yếu tố liên quan đến học vấn ở mức… căn bản như chính tả, ngữ pháp, đặt dấu chấm, dấu phẩy để các bản án – những phán quyết nhân danh Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phân xử đủ loại tranh chấp từ hành chính, kinh tế, dân sự đến thực thi pháp luật hình sự – không làm thiên hạ mắc… cười, đội ngũ này còn gây nghi ngại về tư cách.
Tháng 8 năm ngoái, tại một cuộc tọa đàm về phòng – chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp, ông Trần Văn Độ, cựu Phó Chánh án Toà án Tối cao, đồng thời là người đứng đầu Nhóm nghiên cứu về hoàn thiện thể chế pháp luật, phòng – chống tham nhũng trong hệ thống toà án, cho biết: Mỗi năm có khoảng mười cán bộ toà án các cấp bị xử lý kỷ luật vì có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực nhưng số liệu đó chưa phản ánh đúng thực chất về tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của hệ thống toà án.
Ông Độ giải thích: Chuỗi các hoạt động của toà án, từ tiếp nhận đơn khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Xem xét, phân công thẩm phán phụ trách xét xử, giải quyết vụ việc dân sự, giải quyết vụ án quá hạn luật định. Lập hồ sơ, thu thập chứng cứ và xét xử vụ án. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp, tạm thời… đều có nguy cơ cao xảy ra tham nhũng. Tham nhũng vặt, nhận tiền vặt của đương sự thì không thiếu, dù là vặt nhưng đều ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc (4)…
Đến tháng 9 năm ngoái, khi thay mặt Chánh án Tòa án Tối cao giải trình với Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt nam về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành tòa án năm 2019, ông Lê Hồng Quang, Phó Chánh án Tòa án Tối cao, thú nhận: Tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn một số vụ khiếu nại gay gắt, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gây áp lực rất lớn cho các cơ quan nhà nước nói chung và ngành tòa án nói riêng.
Theo giải trình vừa đề cập, chỉ trong mười tháng đầu năm 2019, có tới 20.888 đơn, thư tố cáo, khiếu nại về hoạt động của tòa án các loại. Trong số này, có 6.668 đơn, thư đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (đề nghị xem xét lại những bản án có giá trị chung thẩm, về nguyên tắc chỉ còn thi hành không xem xét nữa). 4.193 đơn, thư khiếu nại các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của các Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán. 48 đơn, thư tố cáo tiêu cực, tham nhũng (5)…
***
Vì sao từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đã nhận ra hệ thống tòa án các cấp tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam yếu kém về năng lực mà vẫn không thể chọn được người thật sự có năng lực? Vì sao tham nhũng vặt, nhận tiền vặt của đương sự không thiếu dù ảnh hưởng đến tính khách quan của quá trình xử lý, giải quyết vụ việc nhưng không thể ngăn chặn hữu hiệu, thành ra vài năm gần đây, tham nhũng trong lĩnh vực tòa án đột nhiên lớn mạnh, càng ngày càng nhiều thẩm phán, viên chức tòa án bị xử lý hình sự?
Những câu hỏi này đã được nhiều cá nhân có liên quan đến hoạt động tòa án trả lời từ lâu: Hệ thống xét xử ở Việt Nam chưa độc lập! Đầu thập niên 2010, hệ thống chính trị Việt Nam tuyên bố sẽ “cải cách tư pháp” để ngành tòa án nói riêng và các ngành khác trong hệ thống “tư pháp xã hội chủ nghĩa” nói chung, có thể độc lập, không lệ thuộc vào đơn vị hành chính. Tuy nhiên làm sao có thể… độc lập khi lựa chọn, bổ nhiệm, xử lý thẩm phán và các viên chức tòa án vẫn do đảng quyết định?
Đảng chọn ông Nguyễn Hòa Bình, Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao – cơ quan từng bác đề nghị kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau đó, đảng chọn ông Bình làm thành viên Ban Bí thư của BCH TƯ, điều chuyển ông Bình làm Chánh án Tòa án Tối cao và ở vị trí này, chính ông là chủ tọa phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Tại sao 16/17 thẩm phán còn lại là thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao tham gia giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải phải nhìn vào tương quan giữa hồ sơ vụ án và các qui định pháp luật hiện hành (?), phải ngẫm nghĩ về công lý (?) khi cả sự an toàn lẫn cơ hội thăng tiến về mặt nghề nghiệp của chính họ phụ thuộc hoàn toàn vào đồng chí Nguyễn Hòa Bình – người đại diện đảng chỉ huy toàn bộ bộ máy xét xử tại Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam?
Khi “tư pháp xã hội chủ nghĩa” vẫn được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng để bảo đảm yêu cầu “xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”, khi đảng vẫn xác định, hệ thống “tư pháp xã hội chủ nghĩa” nói chung, bộ máy xét xử các cấp nói riêng vận hành theo ý chí của đảng là ưu tiên hàng đầu, cho nên vẫn chỉ lựa chọn, bổ nhiệm đảng viên làm thẩm phán, kể cả khi các đảng viên ấy cần được bồi dưỡng về chính tả lẫn ngữ pháp, bày tỏ khát vọng về công lý có khác gì mơ bình minh sẽ đến từ hướng… Tây!
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/hoi-dong-tham-phan-bac-khang-nghi-vu-an-ho-duy-hai-20200508144802024.htm
(2) https://tuoitre.vn/xa-hoi-buc-xuc-vi-tham-phan-yeu-kem-428375.htm
(3) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/nganh-toa-an-se-moi-giao-vien-den-day-cau-chu-chinh-ta-1112444.tpo
(4) https://vov.vn/chinh-tri/co-the-chan-tham-nhung-trong-hoat-dong-tu-phap-943847.vov
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.