Có nên giao lưu với những người không cùng quan điểm chính trị?

0
23
   

NGƯỜI THÔNG DỊCH

Translated from The New York Times Magazine’s article Should I Hang Out With Someone Whose Political Views I Hate?

By Kwame Anthony Appiah, on 22-06-2021

Ký giả của tạp chí Ethicist bàn về vấn đề liệu có giả tạo không khi những người có quan điểm cấp tiến xã giao với những người cực kì bảo thủ  

Tôi là một người cấp tiến sống tại thành phố Dân chủ trong một bang Cộng hoà. Tôi có một người bạn đã lập gia đình. Anh chồng của cô ấy mấy năm trở lại đây càng ngày càng trở nên bảo thủ (phản đối phong trào Black Lives Matter, chống phá thai, và anh ta luôn cho rằng “đảng Dân chủ chỉ toàn là một lũ ngu theo xu hướng chủ nghĩa xã hội đang nắm quyền điều hành đất nước”). Những bài viết trên mạng xã hội của anh ta mỗi ngày một cực đoan hơn. Chúng tôi thỉnh thoảng có gặp nhau. Khi chúng tôi đi chơi chung, tôi rất thân thiện với anh ta và chúng tôi cố gắng tránh bàn về đề tài chính trị. Nhưng những bài đăng của anh ta ngày càng nặng nề hơn và khiến tôi phải đắn đo suy nghĩ xem có nên tiếp tục chấp nhận lời mời đi chơi với họ không. Có giả tạo không nếu tôi vẫn xã giao với họ trong khi quan điểm chính trị của anh ta vô cùng mâu thuẫn với tôi. Người gửi giấu tên 

Năm 15 tuổi tôi đi học ở Anh, tôi quen một người hàng xóm của bà tôi. Ông này cỡ độ 60 tuổi hơn và là thành viên cánh hữu của Quốc hội và ông ấy có những quan điểm hoàn toàn trái ngược với tôi. Chúng tôi rất thích đi chơi với nhau. Chúng tôi đi câu cá hồi và luôn luôn dành thời gian nói chuyện nhiều hơn là câu cá. Mặc dù chính trị không phải là điều duy nhất chúng tôi bàn luận nhưng vấn đề đó không thể tránh khỏi. Một lần, khi ông chở tôi đến thăm trường cao đẳng ông từng học (cũng là trường mà ông hy vọng tôi sẽ theo học), tôi đã dành 2 tiếng cố gắng thuyết phục ông ủng hộ giải pháp sắp tới duy trì việc bãi bỏ án tử hình cho tội nhân giết người. Chúng tôi chắc hẳn là một đôi đũa lệch — ông ấy, một nghị viên bảo thủ vóc dáng vạm vỡ, những gì còn xót lại của một nhà vô địch đấm bốc hạng nặng thời còn học đại học; và tôi, một thanh niên da nâu gầy gò, độc giả trung thành của tạp chí Peking Review (tạp chí của đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản tại Anh, cổ suý phong trào chống chủ nghĩa đế quốc). Lướt qua những đoạn hàng rào với những chú cừu lơ đãng của vùng Cotswolds, chúng tôi mải miết tranh luận về một vấn đề mà cả ai đều vô cùng tâm huyết

Tôi hiểu lý do tại sao mọi người lại chỉ thích giao thiệp với những người cùng chia sẻ thế giới quan với mình, và tránh xa những kẻ có suy nghĩ lệch pha một cách khó chịu. Hiển nhiên trong vài năm qua, nước Mỹ đang định hình lại để thích nghi với xu hướng này.  Với sự trỗi dậy của xu hướng “mây tầng nào gặp gió tầng đó,” giám đốc ngân hàng, nói chung không còn kết hôn với thư kí nữa mà sẽ lập gia đình với chủ của ngân hàng khác. Bác sĩ không còn kết hôn với y tá mà họ sẽ kết hôn với bác sĩ khác. Và còn nhiều trường hợp khác nữa tùy vào tầng lớp xã hội và địa vị khác nhau. (Mặc dù các nhà xã hội học cho rằng xu hướng này khoét sâu sự bất bình đẳng kinh tế. Nhưng nó cũng phản ảnh được những bước tiến đáng kể của khái niệm bình đẳng giới tại nơi làm việc). Hơn nữa, nước Mỹ đang có sự phân hóa chính trị. Các khu dân cư giờ đây đỏ xanh rõ rệt, chứ không còn lẫn lộn như trước. Nếu như nạn phân biệt chủng tộc có phần nào giảm bớt, thì sự phân hóa đảng phái ngày càng tăng lên.  

Và nhân dạng chính trị cũng vậy. Quan điểm chính trị của cái anh chồng của bạn của bạn, phản ánh góc nhìn của nhóm người mà anh ta giao du. Những quan điểm này, cùng với những niềm tin chung khác, có vai trò quan trọng bởi chúng chính là dấu hiệu nhận biết cho thấy anh ta thuộc về nhóm người đó. Có lẽ một vài trong số những góc nhìn của anh ấy được hình thành nhờ vào quá trình suy xét cẩn thận, nhưng anh không thể phản biện một cách hiệu quả phần lớn những quan điểm của mình trước những người có đầu óc cởi mở. Vấn đề là ở chỗ, điều này cũng đúng với chính bản thân bạn. Bạn mang trong mình niềm tin và những cam kết cấp tiến đại diện cho nhóm của bạn. Một loạt các công trình khoa học nghiên cứu xã hội chỉ ra rằng có thể bạn đã không tiếp nhận những thông tin đó thông qua quá trình suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo, bởi bạn cũng giống như phần lớn những người trong chúng ta. Nhân dạng hình thành trước ý thức: Con người bạn là ai sẽ quyết định đức tin của bạn. 

Cứ giả dụ là quan điểm của bạn thì mang tính khai sáng còn của anh chàng kia thì có phần hơi tăm tối đi. Nhưng có khả năng bạn và người này lại có những điểm chung, xét trên một phương diện nào đó – bởi cả hai, với tư cách là những người công dân, đều cùng quyết tâm tham gia gánh vác nền cộng hoà vốn đang rệu rã của chúng ta. Mặc dù có những thứ khiến chúng ta trở nên xa cách về mặt xã hội và địa lý, nhưng mỗi chúng ta đều có lí do để cố gắng hiểu hơn về phía bên kia; hiểu những gì mà đối phương tin vào và (rộng hơn là những tranh luận liên quan) lý do họ làm vậy. Nền dân chủ bị mai một không phải vì chúng ta bất đồng quan điểm mà bởi chúng ta không còn hứng thú hiểu rõ quan điểm của đối phương cũng như thuyết phục họ tin vào tính đúng đắn của những gì chúng ta tin tưởng. 

Nếu bạn không thấy vui khi đi chơi với người này, bạn sẽ không hỏi tôi liệu bạn có nên tiếp tục làm vậy hay không. Thế nhưng bạn nói như thể chỉ có hai lựa chọn – im lặng chấp nhận quan điểm của anh ta hoặc cho anh ta biến mất khỏi cuộc đời bạn. Tôi sẽ đưa cho bạn lựa chọn thứ ba: Vẫn lắng nghe người này nhưng đồng thời chia sẻ quan điểm chính trị của bạn. Khuyến khích anh ấy làm điều tương tự. Khi chúng ta ngừng nói chuyện với những người mà chúng ta biết và quí mến chỉ vì bất đồng chính trị, tức là chúng ta đã từ bỏ con đường thảo luận dân chủ để cùng nhau vận hành nền cộng hoà này. 

Điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta tự huyễn hoặc mình về việc thay đổi đức tin của người khác. Kết thúc chuyến dã ngoại, ông bạn già cục mịch của tôi duỗi chân rời khỏi xe và nói với tôi bằng một giọng gần như là buồn rầu: “Có thể cậu thắng trong cuộc tranh luận ngày hôm nay. Nhưng tôi thì vẫn quyết tâm bỏ phiếu chống nghị quyết.” Chuyện đó dù gì cũng đã trôi qua. Và trong chuyến câu cá lần sau, chúng tôi đã bàn về nhiều chủ đề khác nhau, từ những chuyện tầm phào ở xóm cho tới những vấn đề chính trị vĩ mô. 

Chuyện bên lề: Con gái tôi sắp kết hôn ở sân sau nhà của bố mẹ chồng chưa cưới. Đám cưới diễn ra bên ngoài, dưới một cái lều, và với hơn 100 người tham dự. Chúng tôi lẳng lặng tính xem trong số những người tới dự đám cưới, ai là người đã được tiêm vaccine. 

Gần như toàn bộ khách mời đã được tiêm vaccine, bao gồm cả cô dâu chú rể. Nhưng vợ chồng chủ nhà – tức ông bà thông gia tương lai thì không. Họ không tin vào vaccine; họ nói vẫn chưa tiêm, và đối với tôi, nó chỉ là một cách lấp liếm cho việc họ sẽ chẳng bao giờ làm vậy. Nơi họ sống, vaccine đã sẵn sàng, họ có thể đi tiêm ngay hôm nay mà chẳng cần phải xếp hàng. Và hai người này cũng “kì thị” khẩu trang. 

Thời điểm này trong năm, khu bố mẹ chồng tương lai của con tôi sống khá vắng vẻ bởi dân số vùng này vốn không nhiều nhặn gì. Nhà cửa trong vùng phần lớn là nhà nghỉ mát, và giờ đang là mùa thấp điểm. Nhưng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 sẽ tăng cao hơn khi mà người ta bắt đầu kéo tới. 

Nếu hai ông bà thông gia tương lai của tôi đồng ý tổ chức đám cưới cho hai bọn trẻ ở sân sau nhà, liệu họ có nên đi tiêm chủng cho đầy đủ để giữ an toàn cho khách mời, những người cho thuê lều bạt, phục vụ đồ ăn, nhiếp ảnh gia và những người khác hay không? Người gửi giấu tên. 

Việc đám cưới được tổ chức ngoài trời mang đến sự khác biệt lớn. C.D.C cho biết những người đã tiêm đẩy đủ có thể tham dự những sự kiện đông người mà không cần đeo khẩu trang, miễn là nó được tổ chức ngoài trời. Qui định này không áp dụng cho những người có hệ miễn dịch yếu. Những người này nên có những biện pháp tự bảo vệ bản thân, tuy nhiên, tôi sợ là chính bố mẹ chú rể mới là người có nguy cơ cao nhất. Tất nhiên, nếu biết nghĩ tới những người xung quanh, hai ông bà ấy cần đi tiêm đầy đủ, vừa là để giảm nguy cơ nhiễm và lây lan virus, vừa để đôi vợ chồng mới cưới không phải lo lắng nhỡ trong trường hợp hai ông bà ngã bệnh. Để giữ hoà khí hai họ, bạn cần bày tỏ sự lo lắng của mình, thay vì phán xét. Dù sao thì đám cưới cũng là dịp chúc mừng sự hoà hợp của hai gia đình, chứ không phải chỉ của riêng cá nhân ai cả. 

Người dịch: An Nguyen

Biên tập: Đông Phong & Bảo Trân

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here