CIVICUS: Không gian dân sự Việt Nam thuộc nhóm tệ nhất thế giới

0
65
Bản đồ Không gian dân sự thế giới. Ảnh gốc: CIVICUS. Chỉnh sửa: Luật Khoa tạp chí.
   

CIVICUS Monitor điểm danh Việt Nam trong số 20 quốc gia có không gian dân sự tệ nhất thế giới cùng với Bắc Triều Tiên, Lào, Iran và Cuba.

Danh sách này gồm 10 quốc gia ở Châu Á như Lào, Triều Tiên, Iran, Syria, Ả rập Saudi, Uzberkistan; Cuba ở châu Mỹ và nhiều quốc gia châu Phi.Trong báo cáo đầu tiên đưa ra vào ngày 4/4 vừa qua, Mạng lưới nhân quyền quốc tế CIVICUS đã đưa Việt Nam vào nhóm 20 quốc gia có không gian dân sự kém nhất thế giới: “đóng kín”.

CIVICUS nhận xét chung về không gian dân sự của Việt Nam: “Đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát chặt chẽ và hạn chế nghiêm trọng các quyền con người cơ bản. Nhà nước dùng những rào cản pháp lý và quyền lực của mình để cản trở, kiểm soát gắt gao các hội, nhóm độc lập. Việc hội họp liên quan đến các vấn đề nhạy cảm bị cấm, phải xin phép trước hoặc bị sách nhiễu, người tổ chức và người tham gia bị giam giữ”.

CIVICUS là một liên minh thúc đẩy sự tham gia của công dân và xã hội dân sự trên toàn cầu trong hơn 20 năm qua. CIVICUS Mornitor là một nghiên cứu của tổ chức này cùng với các thành viên và đối tác. Nghiên cứu này tạo ra một nền tảng web để liên tục cập nhật và phân tích thông tin về không gian của xã hội dân sự ở các nước.

Báo cáo trên đây dựa trên những dữ liệu được thu thập từ tháng 06/2016 đến 03/2017. Dữ liệu này sẽ được cập nhật và phân tích hàng tuần. Các nhà hoạt động nhân quyền và các cá nhân có thể gửi thông tin qua website.

CIVICUS nhận xét về không gian dân sự Việt Nam

Đánh giá của CIVICUS dựa trên mức độ bảo vệ 3 quyền tự do dân sự cơ bản ở mỗi nước, bao gồm: tự do hiệp hội, tự do hội họp ôn hòa và tự do biểu đạt. Theo đó, từng nước được xếp vào 1 trong 5 nhóm: đóng kín (closed); bị đàn áp (repressed); bị cản trở (obstructed); bị thu hẹp (narrowed); và cởi mở (open).

Các quyền tự do hiệp hội bị kiểm soát chặt chẽ ở Việt Nam. Các tổ chức không thuộc Mặt trận Tổ quốc đều bị cấm, mặc dù có một số nhóm độc lập vẫn được chấp nhận. Các nhóm xã hội dân sự vấp phải những rào cản về thủ tục đăng ký phức tạp và bị hạn chế nhận tài trợ nước ngoài.

Chính phủ can thiệp quá sâu vào chức năng và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Ví dụ, quyết định 97 của Thủ tướng Chính phủ cấm các tổ chức khoa học và công nghệ có hoạt động liên quan đến chính sách kinh tế, chính sách công, chủ trương đường lối của Đảng và các vấn đề nhạy cảm.

Mặc dù quyền tự do hội họp được Hiến pháp bảo vệ, thực tế các quyền này lại bị giới hạn bởi các quy định pháp luật. Chính quyền luôn từ chối cấp phép hội họp cho những chủ đề nhạy cảm như tôn giáo hay chỉ trích hệ thống chính trị.

Chính quyền theo dõi chặt chẽ các cuộc tụ họp và biểu tình, người tham gia bị quấy nhiễu, hăm dọa và giam giữ. Tháng 5/2016, chính quyền Việt Nam bắt bớ, giam giữ và dùng vũ lực quá mức để trấn áp các cuộc biểu tình cá chết ở miền Trung.

Việt Nam không chấp nhận báo chí tư nhân. Chính phủ và đảng Cộng sản kiểm soát quá mức đối với báo in, phát thanh, truyền hình và Internet. Luật Báo chí năm 1999 quy định tất cả các phương tiện truyền thông là “cơ quan phát ngôn của Đảng”. Chính quyền đưa ra các chỉ thị cấm đưa tin về những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động, các phe phái trong đảng Cộng sản và các vấn đề nhân quyền.

Những người bất đồng chính kiến thường bị giám sát, hạn chế đi lại, bị bắt hoặc giam giữ tùy tiện, thậm chí bị đánh.

Chính quyền sử dụng nhưng điều luật mơ hồ để cầm tù các nhà hoạt động ôn hòa. Nổi bật là các điều luật về “lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân” và “tuyên truyền chống nhà nước” (Bộ luật Hình sự 1999).

Tháng 10/2013, nhà nước đã kiểm duyệt mạng xã hội mà mục tiêu là các blogger. Ít nhất 6 người đã phải ngồi tù năm 2015.

Việt Nam và Lào kém nhất ASEAN

Không gian xã hội dân sự tại các nước ASEAN đều từ mức “bị cản trở” trở xuống. Nhóm quốc gia “bị cản trở” bao gồm: Vương quốc Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore.

CIVICUS đánh giá Singapore không cởi mở đối với xã hội dân sự, các hoạt động ở nước này này bị hạn chế và kìm kẹp. Phát triển kinh tế là trên hết. Đảng cầm quyền (đảng Hành động Nhân dân của Lý Hiển Long) gắn bó chặt chẽ với nhà nước. Những người bất đồng chính kiến với chính quyền ít có được kết cục tốt đẹp.

Không gian dân sự bị đàn áp ở Campuchia, Myanmar và Thái Lan.

CIVICUS đưa Myanmar vào nhóm 5 quốc gia bị giám sát (watch list), cùng với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Cameroon, và Macedonia. Do không gian dân sự ở các quốc gia này bị đe dọa và sụt giảm nhanh thời gian gần đây, CIVICUS sẽ quan sát và cập nhật thông tin liên tục ở các quốc gia này.

CIVICUS nói rằng những tháng gần đây quyền tự do ngôn luận ở Myanmar đã suy giảm. Các nhà báo hoạt động trong môi trường khắc nghiệt. Chính quyền đã cấm các nhà báo đi đến bang Rakhine để thu thập bằng chứng phân biệt đối xử đối với với hơn một triệu người Hồi giáo Rohingya và các nhóm thiểu số khác.

Việt Nam và Lào là hai nước đứng cuối khu vực ASEAN.

Tại Lào, hiếm có các cuộc biểu tình. Các nhà hoạt động phải chấp nhận nguy hiểm khi đấu tranh bảo vệ nhân quyền hay chống tham nhũng. Một số nhà hoạt động bị giam giữ, cưỡng bức đến mất tích hơn 10 năm qua. Truyền thông bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhà nước đã ra một luật mới để trừng phạt những người đăng thông tin “gây tổn hại đến nhà nước”.

Các tiêu chí xếp loại không gian dân sự của CIVICUSKhông gian dân sự bị đóng kín hoàn toàn trên luật pháp và thực tế. Không khí sợ hãi và bạo lực chiếm ưu thế, những người thực hành các quyền tự do hiệp hội, hội họp ôn hòa và tự do ngôn luận bị giết, bị đánh nặng nề mà không hề được bảo vệ, hay không đòi được công lý. Bất kỳ ai chỉ trích chính quyền nào đều bị trừng phạt và không có tự do báo chí. Internet bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhiều trang web bị chặn.

Không gian dân sự bị hạn chế nghiêm trọng. Những ai chỉ trích chính quyền có thể bị theo dõi, quấy rối, đe dọa, bỏ tù, bị đánh, thậm chí bị giết. Mặc dù có tồn tại các tổ chức xã hội dân sự nhưng công việc liên quan đến vận động (advocacy) thường bị hạn chế. Chính quyền từ chối đăng ký hoặc đóng cửa những tổ chức này. Những người tổ chức hoặc tham gia biểu tình ôn hòa có thể bị chính quyền tấn công, bị bắt và giam giữ hàng loạt. Các phương tiện truyền thông chỉ phản ánh ý kiến của nhà nước, bất kỳ tiếng nói độc lập nào cũng bị trừng phạt. Các trang web và mạng xã hội bị chặn, những chiến dịch dân sự trên Internet bị giám sát chặt chẽ.

Những nhà lập pháp ở các quốc gia này ban hành những quy định hạn chế về các quyền con người. Chính quyền làm suy yếu các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm giám sát bất hợp pháp, quấy rối hành chính và hạ thấp uy tín. Công dân có thể tổ chức và hội họp ôn hòa, đôi khi bị chính quyền sử dụng bạo lực quá mức như đạn cao su, hơi cay. Có không gian cho truyền thông ngoài nhà nước nhưng các nhà báo vẫn có thể bị tấn công và bị cáo buộc tội phỉ báng. Điều này khuyến khích sự kiểm duyệt.

Nhà nước ở những quốc gia này cho phép các cá nhân, các tổ chức xã hội dân sự thực hành các quyền tự do hiệp hội, hội họp ôn hòa và tự do biểu đạt, nhưng các quyền này cũng bị vi phạm. Ai cũng có thể thành lập các hội nhóm nhưng lại bị cản trở bằng cách sách nhiễu, bắt giữ hay hành hung bởi những người có quyền lực. Có thể biểu tình một cách ôn hòa, đôi khi chính quyền sẽ từ chối cấp phép do lo ngại về an ninh hoặc sẽ sử dụng vũ lực để chống lại người biểu tình ôn hòa như hơi cay, đạn cao su. Truyền thông được độc lập để phổ biến thông tin, mặc dù nhà nước có thể kiểm soát bằng những quy định nghiêm ngặt hoặc gây áp lực đối với chủ sở hữu.

Nhà nước cho phép và bảo vệ không gian dân sự cho tất cả mọi người. Công dân được tự do thành lập các hội, nhóm; biểu tình ở nơi công cộng; tiếp nhận và truyền đạt thông tin mà không có bất kỳ hạn chế nào trên luật pháp và thực tế. Chính quyền chấp nhận các chỉ trích từ các nhóm xã hội dân sự và xây dựng không gian đối thoại cởi mở với công chúng. Nguyên tắc là cảnh sát sẽ bảo vệ những người biểu tình và bảo vệ các quyền tự do theo chuẩn mực quốc tế. Truyền thông được tự do, không có kiểm duyệt và công dân có thể tiếp cận thông tin từ chính phủ rất dễ dàng.

Tài liệu tham khảo:

TRACKING CIVIC SPACE – CIVICUS Monitor
CIVICUS Monitor releases first-ever dataset on shrinking civic space worldwide – DefendDefenders

Bình luận

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here