Chuyện hang…Cua

1
51
   

Giang Công Thế

Hồi ở Ninh Bình, mình còn bé, khoảng 5, 6 tuổi chi đó, vẫn còn nhớ Trường Yên đồng chiêm trũng, không có đê quai bao bọc như bây giờ.

Về mùa nước lụt, cả vùng như Hạ Long cạn, đồng trắng nước trong. Cảnh đẹp thơ mộng nhưng nghèo vì chỉ có một vụ lúa, nên nhà thường ăn đói quanh năm. Năm nào mưa bão, sâu bọ nhiều, chim chóc phá hoại mà kém vụ thì càng đói tợn.

Nhưng đổi lại, vùng chiêm trũng lại lắm cua tôm cá. Kể chuyện bắt cá đẻ ở sông có mà đến sáng mai không hết. Cua Times kể chuyện bắt cua vậy.

Lan man về hang và cua

Câu ca “Muốn ăn cua rốc ốc nhồi//Đem con mà gả cho người Trường Yên” đủ nói lên cua là đặc sản của quê mình. Kim Dung đặt tên blog này là Blog Cua quả không sai.

Nước lụt lâu lâu vài tuần thì cua nhiều vô kể. Mang cái dậm với cái mõ, thả xuống ruộng ngập sâu đến ngực, đạp đạp vài cái, nhấc dậm lên, cua bò lổn nhổn. Chỉ chục nhát quăng là đầy giỏ.

Chỗ núi Cắm Gươm và núi Ông Bụt (bây giờ biến mất rồi do nổ mìn lấy đá), ở bên Gia Viễn, nơi mà cụ vua Đinh Tiên Hoàng, sau khi thịt trâu đãi bạn, bị chú đuổi đến đó, bỗng được rồng cứu, thì đúng là thủ đô cua.

Cua nhiều tới mức là đi đánh dậm vài tiếng phải mang thuyền mới chở hết. Nào là cua càng, cua cái, cua con, cua gái, cua trai, đủ loại, chả hiểu sao nhiều thế.

Cả thuyền mấy chum cua đầy ắp mang về, mẹ đem đi chợ bán lấy tiền đong gạo. Hàng thúng cua đi bán bên chợ Hối cũng chỉ được vài bơ gạo là may lắm.

Nước lụt hết, trơ lại đồng cho bà con cầy cấy. Khi nước cạn, trời nóng quá, các cụ cua không chịu nổi, trèo lên các cọng rơm rạ để tránh nóng. Bọn trẻ tha hồ đi bắt cho vào giỏ. Đi nửa tiếng là được nồi canh to đùng.

Các bờ ruộng trâu bò đi lại thành hốc sâu. Cua chạy nước nóng lên đó núp. Bọn trẻ trâu  tranh thủ bắt. Không có giỏ thì giắt vào cạp quần. Thỉnh thoảng lại chạy nhanh về nhà, gọi mẹ, lấy nồi trút cua vào đó, xếch quần ra đi bắt tiếp.

Các bà đi cấy, đi gặt cũng thích giắt cua vào cạp quần. Mà rất lạ, sao cua không cắp vào chỗ hiểm, hình như yên tâm đang ở trong tổ.

Ông già nhà này ra vẻ nho nhã, thấy cua giắt cạp quần đàn bà, chê bẩn, nhất định không ăn, chỉ ăn cua của con trai bắt về. Có lần bắt được nhiều quá, y cởi truồng, lấy hai ống quần túm đầy cua, cụ vẫn chén ngon.

Núi Cắm Gươm.

Kể mãi về cua mà chưa đến hang, quê mình gọi là “mà cua”. Chả hiểu sao gọi là “mà”. Chỉ biết khi lúa đã xanh mởn thì cua cũng làm hang ở bờ ruộng.

Chúng khôn lắm, toàn chọn chỗ có cỏ mọc um tùm, khó phát hiện để đào hang. Nếu cua kềnh thì vết chân to ra vào hang nhìn là biết ngay. Cua nhi đồng thì vết li ti như cái tăm.

Có hang tưởng có cua bên trong, sờ sâu vào thấy một con rắn cuộn tròn. Hang khác lại có chú ếch làm chủ, có chỗ vớ ngay con chuột, có hang lại tóm cả đôi cua đang ngoại tình lặng lẽ trong bóng tối.

Hang cua cũng đa dạng, cái to, cái bé, cái vừa vừa. Có cái tròn tròn, hang khác lại méo, hang sâu, hang nông, hang mát, hang nóng, hang khô, hang rất ướt. Có cái che kín bằng bùn đất, hở một lỗ nhỏ để thông hơi. Có cái lại rộng toang hoác như đã đẻ ra mấy chục thế hệ rồi.

Có hang nằm tơ hơ giữa bờ ruộng chẳng che đậy gì. Có hang trông như cung điện hoàng gia Anh, xung quanh tỉa tót hàng rào có trồng hoa. Hang khác cỏ dại mọc um tùm, cái thì lún phún cỏ mịn, có hang không có chút cỏ nào, nhẵn lỳ.

Bắt cua phải rất tinh, vạch cỏ lần lượt, thấy cái nào đất bùn đùn ra mơi mới, trông rõ là khéo, miệng hang trơn, đích thị là cua nữ. Mà cũng lạ, nữ giới làm gì cũng giỏi và biết trang điểm, kể cả cua cái.

Cua cái béo và nấu với rau đay, mồng tơi, thêm quả mướp nho nhỏ, ôi cứ gọi là canh cua nhất thế gian. Chan cơm, canh hơi nhơn nhớt, và một phát là trôi đến tận dạ dày, chả cần nhai.

Tổng Cua là chuyên gia bắt cua. Bắt được nhiều nên bu hay mang đi bán. Quê mình cặp thành từng cặp, chục con, 15 con hay nhiều nhất là 20 con. Bọn trẻ được huy động cặp cua từ nửa đêm, phải xong trước khi mẹ đi chợ sáng sớm.

Cặp cua cũng hay. Lấy hai cái que tre dài nhỏ, khá dẻo để cặp. Đi đầu là con cua đực to tướng như lão Xôi Thịt, tiếp đến vài con cua cái lắm điều như Kim Dung, Anh Kiệt, rồi đến bọn trẻ như Sóc, Hoa Hồng ríu rít phía sau, thành một cặp. Con nọ cách con kia một cái lạt, giống như còm trong entry, cách nhau một dòng trống.

Cặp cua dài thế mà bảo chúng bò trốn đi cũng không được. Cua Xôi Thịt đi đầu định tiến thì nàng cua Đức lại muốn phá ngang. 

Lượt anh Tịt Tuốt đòi trèo lên em cua Kim Dung báo Nhân dân thì bỗng anh cua Dove bảo, không thể thế, phải đi đúng lề phải, xếp hàng có thứ tự, tớ phải trèo nàng trước.

Anh Chinook, cụ cua Nhật Lệ lai réo ầm lên, không được, không được, phải dân chủ bàn bạc, tam quyền phân lập. Bác cua Phùng Nhân từ tốn, để tớ thứ phát xem, nhưng phải đợi lão Hà Thiên Hậu thổi thơ cho lãng mạn.

Lúc đó lão triết lý Tịt Toàn Tập nhảy ra, thôi xin các bố, đừng lý luận, hãy cùng dân đi biểu tình chống Trung Quốc. Cua với cáy, nhức cả đầu.

Mấy lão cua già, càng trái to hơn càng phải, như Lão Ăn Mày, Lưu Văn Say nhẩy vào chửi ầm, ôi lũ chúng mày ngu, sao không đoàn kết, cãi nhau thế này làm sao hội nhập với ruộng lúa. Các bố đem rang hết, nhắm rượu bây giờ.

Thế là cặp cua cứ lùng nhùng, chẳng tiến, chẳng lui, không đứng yên một chỗ, suốt ngày cãi nhau, bò ngang, bò dọc.

Sao nó giống cái tạp chí Cua Times khốn khổ này thế. Hang Cua Times đã có tới cả ngàn dân trong đó, già trẻ, gái trai, lề phải, lề trái, lề giữa, ta địch lẫn lộn. Họ ngang tàng từ còm sỹ đến lão chủ blog. Không đồng lòng nhất trí, không thể tiến xa là phải thôi. 

Bây giờ về quê, cua chẳng còn nhiều. Nhưng các cụ bảo, Trường Yên là cố đô, cua trên đồng hết, nhưng có Cua Times  đông như kiến. Thủ đô Cua vẫn còn.

HM. 27-06-2012

PS. Các tên nhắc trong bài là nick của các còm sỹ hang Cua một thời. Giờ chả biết họ ở nơi nào.

Lão chủ blog là Tổng Cua sang Mỹ viết được cuốn sách “Nước Mỹ từ A đến Z” đang bán trên Shopee nhé. Hỡi nhân loại, hãy mua Cua, link mua sách trong comment phía dưới

Advertisement
   

1 COMMENT

  1. Its like you read my mind You appear to know so much about this like you wrote the book in it or something I think that you can do with a few pics to drive the message home a little bit but other than that this is fantastic blog A great read Ill certainly be back

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here