CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG ANH TÍCH HỢP: NGAY TỪ ĐẦU ĐÃ NÓI DỐI !

0
61
Học sinh lớp 1/5 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM trong giờ học chương trình tiếng Anh tích hợp - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thái Hạo

Đó là nhận định của TS Vũ Thị Phương Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH và CĐ ngoài công lập Việt Nam. Bà nói trên báo Người Lao Động hồi 2014, trước thềm chương trình tiếng Anh tích hợp được Sở GD-ĐT TPHCM triển khai: “Nghiêm trọng hơn, sở còn nói dối công chúng, đến nỗi Tổng Lãnh sự quán Anh phải ra tuyên bố là DfE không có quan hệ gì với sở về chương trình này. Điều này làm mất thể diện Việt Nam đối với thế giới”.

Tại sao có nhận định này, mời các bạn đọc sự tường thuật của nhiều tờ báo lớn ở thời điểm đó, thì rõ. Ví dụ bài “Chương trình tiếng Anh tích hợp: Chỉ vì lợi nhuận!” (1); 

Hay “Bộ Giáo dục Anh không hề thỏa thuận với Sở GDĐT TP.HCM” (2)

Thật đáng kinh ngạc, một chương trình giáo dục to tát áp dụng cho cả một thành phố lớn nhất nước nhưng ông Giám đốc sở đã nói dối một cách tỉnh bơ. Xin tóm tắt lại từ bài của báo Người Lao Động.

Trong cuộc họp báo ngày 23-6, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết: “Đề án chương trình tiếng Anh tích hợp đã được chuẩn bị từ tháng 1-2011, khi sở làm việc với Bộ Giáo dục Anh (DfE) để bàn về chương trình”. Bên cạnh đó, trong đề án “Đổi mới dạy các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” có khẳng định: “Đề thi do Cơ quan Quản lý và Khảo thí quốc gia Anh (STA) trực thuộc DfE cung cấp thống nhất cho các trường trong và ngoài lãnh thổ Anh. Các đề thi và kiểm tra đều do STA cung cấp cho các trường thông qua đăng ký với DfE”.

Đại sứ quán Anh đã ra thông cáo báo chí nêu rõ: “Không hề có bất cứ thỏa thuận nào giữa DfE hoặc STA với Sở GD-ĐT TP HCM hoặc EMG

Tuy nhiên, ngay sau khi biết thông tin này, trong ngày 30-6, Đại sứ quán Anh đã ra thông cáo báo chí nêu rõ: “Không hề có bất cứ thỏa thuận nào giữa DfE hoặc STA với Sở GD-ĐT TP HCM hoặc EMG (EMG Education – thường gọi là EMG – đối tác của Sở GD-ĐT TP HCM trong việc triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp) về việc cung cấp chương trình học, tài liệu hoặc bảo đảm chất lượng liên quan tới chương trình giảng dạy được thực hiện tại TP HCM”.

Còn nhiều điều lắt léo đáng xấu hổ và cười ra nước mắt nữa về những cố gắng chữa cháy trong vụ này, mời các bạn đọc những bài báo đã dẫn để biết chi tiết.

TS Vũ Thị Phương Anh  khẳng định: “Sở GD-ĐT TP đã sử dụng các chương trình Cambridge hoặc chương trình tích hợp (nói chung là chương trình chất lượng cao của nước ngoài, học bằng tiếng Anh) như một cơ hội để kiếm tiền cho sở hoặc cho một “công ty thân hữu” nào đó. Điều này thật đáng lên án”. “Cách làm của sở cho thấy chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp những rủi ro, bất lợi cho người học và phụ huynh”.

Báo VietnamNet ngay sau đó có bài, nêu: “Sự không thống nhất, bưng bít thông tin từ phía Sở GD-ĐT TP. HCM, quan hệ không bình thường giữa Sở GD-ĐT và công ty EMG cũng đã rõ”. (3)

Mãi đến năm 2019, báo Tuổi trẻ có bài “Vỡ mộng tiếng Anh tích hợp vì đuối sức”, trong đó nêu: “Con không muốn ăn, con không muốn đi học”. (4)

Hãy nhớ lại, trước khi chương trình tiếng Anh tích hợp này được triển khai vào năm 2015 thì trước đó TPHCM đã có nhiều năm thực hiện chương trình tiếng Anh Cambridge nhưng “bị ngưng do không làm đúng yêu cầu của CIE (Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge)”. TS Phương Anh nói “lẽ ra phải thông báo rõ cho nhà trường, gia đình học sinh và rút kinh nghiệm trong cách quản lý của mình, Sở GD-ĐT TP lại tiếp tục đối phó với dư luận và vội vã đưa ra một chương trình khác với tên gọi là chương trình tích hợp”.

Từ những ngày đầu “nói dối một cách đáng hổ thẹn”, đến nay đã gần 10 năm, chương trình này vẫn được triển khai và ngày càng mở rộng, phớt lờ những hệ quả mà nó gây ra, ít nhất là từ phía dưa luận là cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, không ít cha mẹ vẫn ủng hộ, nhưng vì những lý do khác như chính một chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 3 chia sẻ với báo chí: “có một số phụ huynh vì tâm lý đầu vào, muốn vào lớp “VIP”, muốn con học lớp chương trình chất lượng cao”. Bi hài thay “có phụ huynh xin ra khi hết học kỳ, hết năm học nhưng cũng có phụ huynh đợi trống chỗ để xin chuyển con vào cho được lớp tích hợp”.

Xin nhắc lại, tôi không phản đối “dạy thêm – học thêm”, nhưng phải đúng nơi, đúng chỗ, không thể biến trường công thành nơi cho tư nhân kinh doanh và từ đó tạo ra rất nhiều hệ lụy cả về chính sách, chất lượng giáo dục, an sinh và bình đẳng trong thụ hưởng giáo dục và các vấn đề xã hội nói chung.

Xin sẽ tiếp tục chủ đề này ở những khía cạnh khác của nó.

Thái Hạo

————

1- https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuong-trinh-tieng-anh-tich-hop-chi-vi-loi-nhuan-20140702002520582.htm

2- https://tuoitre.vn/bo-giao-duc-anh-khong-he-thoa-thuan-voi-so-gddt-tphcm-615475.htm

3- https://vietnamnet.vn/chuong-trinh-tich-hop-so-gd-dt-tphcm-co-di-qua-gioi-han-184094.html

4- https://tuoitre.vn/vo-mong-tieng-anh-tich-hop-vi-duoi-suc-20190226224744965.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here