Chùa Mậy Sẩy

0
59
Chùa Mậy Sẩy
Quê tôi, bố – mẹ được gọi là thày – mậy. Nhưng cách gọi này đến thế hệ chúng tôi trở về sau thì không dùng nữa, mà gọi theo tiếng phổ thông: bố mẹ.
Phía đông của làng tôi là chân núi. Tại đây, nghe nói xưa kia có một ngôi chùa, dân làng gọi là chùa Mậy Sẩy. Chùa bị phá từ khi nào, có lẽ trong cải cách ruộng đất? Tuy nhiên, ở vị trí này vẫn còn một khối đá hình mẹ bồng con, đứng trông về làng, như nhiều hòn vọng phu quen thuộc trên đất nước Việt Nam. Bố mẹ ông bà tôi kể rằng, khối đá đẹp lắm.
Những năm 80, vì đói khát, có mấy người làng đã mang búa mang nêm lên phá tan bức tượng mẹ bồng con ấy, để lấy đá mang bán. Hòn vọng phu của làng cũng mất đi từ đó. Chùa Mậy Sẩy hết dấu tích.
Người lớn trong làng tôi kể theo kiểu truyền thuyết rằng, người phụ nữ ấy đi lấy chồng xa nhưng vì không giữ tiết hạnh nên bị nhà chồng đuổi đi; phải bồng con trở về, nhưng đến đầu làng thì vì sợ, đành đứng chôn chân ngóng về làng cũ. Cứ đứng như thế mãi, rồi hóa đá. Một chuyện khác lại kể, rằng người phụ nữ ấy tuy đã đi lấy chồng nhưng không sao quên được quê mẹ, một lần nọ quyết định ôm con trở về, đến đầu làng rồi nhưng không dám bước tiếp. Đứng như thế mãi mà hóa đá. Còn vài dị bản khác nữa, lý giải về bức tượng đá tự nhiên ấy.

Chùa Mậy Sẩy
Cách đây khoảng 15 năm, một người làng đi làm ăn xa trở về, giàu có và muốn phục dựng lại di tích xưa. Thợ được thuê về, đục một bức tượng đá phỏng theo hòn vọng phu thủa trước, nhưng tượng chỉ nhỏ bằng vóc người thật, đặt ở vị trí cũ, dưới gốc cây đa cổ thụ. Xung quanh là một số hạng mục khác, cũng nhỏ nhưng khá quy củ.
Điều đáng nói là cái tên Mậy Sẩy đã bị đổi đi, thành Mẹ Sỹ. Chùa Mẹ Sỹ!
Không biết người ta đã căn cứ vào đâu để đổi thành một cái tên mới toanh như thế! Có lẽ họ nghĩ, mậy là mẹ, sẩy là sỹ nên mới đổi bừa đi như thế?
Thiếu những tri thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa đã khiến con người ra những quyết định rất cẩu thả. Cho dù “mậy sẩy” có đồng nghĩa với “mẹ sỹ” đi nữa (mà đã chắc gì?!) thì về mặt địa danh học, anh không được phép dịch ra rồi gắn lên để thay thế như vậy. Cái lối thành thị hóa ngôn ngữ do tự ti vì cho rằng đó là “tiếng quê mùa” nên phải đổi đi, là một kiểu cư xử rất thảm hại.
Về vấn đề này, trước làn sóng đổi tên ồ ạt và tùy tiện trên cả nước đang diễn ra, tôi đã viết nhiều bài trên một số tờ báo, phân tích chi tiết về sự phản khoa học và phản văn hóa, nên không nhắc lại nữa. Chỉ nhấn mạnh rằng, mỗi địa danh lâu đời là một cuốn cổ thư đặc biệt, nó lưu giữ ở đó cả ngôn ngữ lẫn các trầm tích văn hóa vô giá của một vùng đất. Hàm hồ mà đổi tên là một việc làm rất thiếu hiểu biết và đang trực tiếp phá hoại văn hóa.
Chùa và hòn vọng phu của làng đã vĩnh viễn mất đi vì cái đói và sự tối tăm, nhưng cái tên đã có từ ngàn xưa thì không lý gì lại cũng phải gánh lấy số phận bạc mệnh ấy.
Những người phụ trách văn hóa ở địa phương nên khắc lại tên cũ trước cửa “chùa”, trả lại cái tên đã trở thành một phần hồn cốt của làng: chùa Mậy Sẩy. Nếu không làm, chỉ sau một hai thế hệ nữa thôi, khi những người già mất đi, thì con cháu sẽ không còn biết gì đến những trầm tích văn hóa quý giá do ông cha đã kiến tạo trong dằng dặc lịch sử của làng. Đó sẽ là một sự đứt gãy trên nhiều phương diện quan trọng mà không nên được phép xảy ra.
Thái Hạo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here