CHỦ TỊCH NƯỚC CÓ PHẠM LUẬT?

0
1026
A Nguyen Quang

CHỦ TỊCH NƯỚC CÓ PHẠM LUẬT?
Ngày 17/5/2017 chủ tịch nước ký quyết định tước quốc tịch của Gs Hoàng, một công dân Việt Nam cư trú tại VN (tức là không thuộc điểm 1 Điều 31 dưới đây, cũng chẳng nhập quốc tịch VN tức là không vi phạm điểm 2 của Điều 31 của Luật Quốc tịch).

Nói cách khác Gs Hoàng không thể bị tước quốc tịch theo luật Quốc tịch!

Ông Phạm Minh Hoàng.

Chủ tịch nước đã phạm luật chăng? Ông chủ tịch nước nên làm rõ ngay không thì mất uy tín quá, ai chứ chủ tịch nước mà phạm luật thì còn ra thể thống gì!

—- trích luật QT
Điều 31. Căn cứ tước quốc tịch Việt Nam

1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này

Giang Le:

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sợ bị lộ chữ ký hay sao mà không gửi bản chính có chữ ký mà lại gửi bản copy sao y bản chính này nhỉ?

Liên quan đến việc tước quốc tịch công dân tôi nhớ cách đây 2 năm Úc có một cuộc tranh luận khá gay gắt về vấn đề này. Lúc đó thủ tướng Tony Abbott đề suất luật tước quốc tịch của những công dân Úc tham gia vào các tổ chức khủng bố. Ban đầu định chỉ áp dụng (chủ yếu) với những người nhập cư đạo Hồi bỏ Úc sang Syria tham gia ISIS. Sau đó ông ta định áp dụng cho cả những người chỉ có một quốc tịch Úc nhưng bị phản đối. Cuối cùng Abbott quay về phương án ban đầu (chỉ tước quốc tịch với những ai có dual citizenship) vì nếu không sẽ vi phạm một hiệp ước quốc tế từ năm 1961 Úc đã cam kết không đẩy một cá nhân vào dạng “stateless person”.

Cùng khoảng thời gian đó ở Pháp cũng có một cuộc tranh luận về vấn đề tước quốc tịch nhưng theo chiều ngược lại. Một số người lập luận là nếu chỉ những ai có dual citizenship mới bị tước quốc tịch thì vô hình trung xã hội có 2 loại công dân: những người có thể và những người không thể bị tước quốc tịch. Tất nhiên những người có thể bị tước quốc tịch trở thành một dạng “công dân hạng 2”, vi phạm nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Cá nhân tôi không đồng tình với bất kỳ hình thức tước bỏ quốc tịch nào. Một công dân nếu bị cho là phạm tội thì cứ đem anh/chị ta ra xét xử một cách công khai và công bằng trước pháp luật. Nếu anh/chị ta bị tòa phán xét có tội thì sẽ bị trừng phạt theo pháp luật, bi phạt, bị tù hay thậm chí bị tử hình. Nhưng quyền giữ (hay bỏ) quốc tịch, cũng như quyền được khai sinh/khai tử, quyền đăng ký kết hôn/ly dị là những quyền căn bản của một con người, không thể bị tước bỏ dù người đó là tội phạm.