Chớ mơ hồ trong quan hệ với 2 siêu cường Hoa Kỳ, Trung Quốc

0
216
   
 GDVN

Javier C. Hernández, phóng viên thường trú của tờ The New York Times tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/5 có bài phân tích đăng trên báo này với nhận định:

Thông điệp mơ hồ của Donald Trump về Biển Đông đang làm các đồng minh, đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á cảm thấy lo lắng.  [1]

Người Mỹ đánh giá về chính sách của Mỹ ở Biển Đông và đồng minh châu Á

Javier C. Hernández tin rằng, các nhà lãnh đạo khắp châu Á đang nỗ lực tìm hiểu xem chính sách của Washington với một loạt các vấn đề đối ngoại cấp bách ở châu Á – Thái Bình Dương thế nào.

Nhưng cách tiếp cận thất thường của Tổng thống Donald Trump trong xây dựng chính sách đối ngoại và việc ông quá tập trung vào Bắc Triều Tiên đang gây hoang mang cho khu vực.

Tại Hàn Quốc, ông Trump đã khiến người dân nước này tức giận vì phát biểu gợi ý đồng minh hơn 6 thập kỷ phải trả cho Mỹ 1 tỉ USD để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết sẽ tìm kiếm cách tiếp cận hòa giải hơn với Bình Nhưỡng, sẵn sàng đi Bắc Triều Tiên. Điều này cho thấy một rạn nứt tiềm năng với chính sách của Hoa Kỳ.

Đối với Philippines, Việt Nam và Đài Loan, ông Trump đã cho thấy sự sẵn sàng thỏa hiệp với Trung Quốc, thúc đẩy sự gia tăng lo ngại Hoa Kỳ sẽ ngừng các nỗ lực cân bằng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Hình ảnh đá Chữ Thập, Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp, ảnh: The New York Times.

Washington là nhà phê phán chủ yếu các nỗ lực của Trung Quốc quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông, nhưng chính quyền Trump gần đây rõ ràng né tránh các hành động có thể khiến Bắc Kinh tức giận.

Giáo sư Carlyle A. Thayer từ Đại học New South Wales ở Australia lo ngại: Biển Đông rồi đây sẽ thành ao tù của Trung Quốc.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio T. Carpio cho biết, ông hiểu trọng tâm chính sách của Trump là Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên ông lo lằng, nếu Trump thường xuyên nhượng bộ Trung Quốc, chính nước Mỹ có nguy cơ bị “bòn rút”.

Ông Carpio lưu ý, chính sách đối ngoại giao dịch mới nổi của Donald Trump khiến các nước châu Á không yên tâm.

Tại Đài Loan, các quan chức hòn đảo này lo ngại Trump sẽ trì hoãn việc bán vũ khí cho Đài Loan vì sợ căng thẳng với Trung Quốc, bao gồm chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Hơn nữa, Trump đã công khai thể hiện rằng, ông sẵn sàng dùng Đài Loan như con bài để ngã giá với Trung Quốc.

Tranh thủ thời gian Trump vừa vào Nhà Trắng, Trung Quốc đã không ngừng củng cố sự hiện diện quân sự (bất hợp pháp) của họ trên Biển Đông. 

Hiện nước này có khả năng triển khai máy bay chiến đấu, bệ phóng tên lửa di động lên một số hòn đảo ở Biển Đông, theo ảnh chụp vệ tinh Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington cung cấp.

Giới quan sát khu vực đã từng hy vọng khi Tổng thống Obama tuyên bố điều động nguồn lực quân sự và kinh tế Mỹ lớn hơn sang châu Á.

Nhưng tất cả đã thất vọng khi thấy Trung Quốc không ngừng bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông.

Những phát biểu hùng hồn của ông Donald Trump, ông Rex Tillerson ban đầu cũng hứa hẹn một khởi đầu mới. Nhưng đến giờ nước Mỹ dưới thời Trump vẫn chẳng làm gì cả.

Uy tín của Trump trong khu vực đã xuống thấp kể từ khi ông rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương.

Ngược lại, Trung Quốc lại hứa sẽ tăng gấp đôi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xuống khu vực Đông Nam Á.

Giáo sư Alexander L. Vuving từ Honolulu nhận định: Bắc Kinh đã nhìn thấy một cơ hội vàng để bước vào khoảng trống quyền lực trong khu vực.

Những ngày gần đây, ông Donald Trump đã mời các nhà lãnh đạo Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tới Nhà Trắng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Tillerson cố gắng trấn an ASEAN về sự hiện diện của Mỹ ở Đông Nam Á, hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông không có gì thay đổi. [1]

Trung Quốc không từ bỏ tham vọng, Biển Đông vẫn là “của để dành” với Hoa Kỳ

Quinn Marschik, cộng tác viên Trung tâm National Interest, Hoa Kỳ ngày 10/5 bình luận trên The National Interest:

Không có dấu hiệu nào cho thấy Washington đã dùng vấn đề Biển Đông để giao dịch, đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh trong vấn đề ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo. [2]

Mặc dù trên thực tế, Tổng thống Donald Trump đúng là rất mong muốn Trung Quốc giúp đỡ trong việc kiềm chế Triều Tiên, và hiện có thông tin Lầu Năm Góc từ chối đề xuất của Hải quân Mỹ, tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông.

Nhưng các cuộc đàm phán giữa chủ nhân Nhà Trắng với người đứng đầu Trung Nam Hải về Triều Tiên xoay quanh một thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ có lợi hơn cho Bắc Kinh, nếu ông Tập Cận Bình chịu giúp.

Sự giúp đỡ của Trung Quốc là rất quan trọng để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Nhưng sẽ là khôn ngoan nếu Mỹ không dùng đến con bài Biển Đông để mặc cả với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh sẽ không bao giờ làm điều gì khiến chính quyền ông Kim Jong-un bất ổn.

Trong khi quan hệ Mỹ – Trung còn hàng loạt vấn đề nan giải, như sự khó khăn trong việc kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc [3], hay cuộc chiến an ninh mạng [4].

Bên cạnh đó, Washington sẽ mất uy tín với các đồng minh và đối tác và có khả năng tạo rủi ro cho các lợi ích kinh tế của chính nước Mỹ.

Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông bởi mấy lý do chính.

Hình minh họa sức mạnh quân sự Hoa Kỳ, ảnh: The National Interest.

Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc là một trụ cột cho tính chính danh của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Kiểm soát hoặc ít nhất là tăng quyền kiểm soát yêu sách mà Bắc Kinh tuyên bố ở Biển Đông sẽ cho phép Trung Nam Hải sử dụng chủ nghĩa dân tộc củng cố vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chính phủ nước này đã liên tục tuyên truyền cho người dân của họ rằng, Biển Đông là “lãnh thổ cố hữu” của Trung Quốc từ thời cổ đại.

Từ thời Mao Trạch Đông, đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên truyền về “sứ mệnh bảo vệ và mở rộng lãnh thổ Trung Quốc”. [5]

Họ khoét sâu sự thất bại của triều đình Mãn Thanh và Trung Hoa dân quốc trong việc để đất nước bị thực dân đế quốc xâm lược.

Bằng những hoạt động tuyên truyền liên tục, thường xuyên về “thế kỷ bị sỉ nhục”, đảng Cộng sản Trung Quốc đã liên tục củng cố tính chính danh của mình.

Vì vậy, họ thấy cần phải áp dụng điều này vào các tranh chấp trên Biển Đông, nếu không có thể châm ngòi cho những làn sóng chủ nghĩa dân tộc đe dọa đến chế độ.

Thứ hai, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các nguồn lợi kinh tế – an ninh trên Biển Đông. 

Trước hết là an ninh năng lượng. Hiện tại 86% dầu thô và hơn 50% khí đốt Trung Quốc nhập khẩu phải đi qua Biển Đông.

Sự phụ thuộc vào tuyến hàng hải huyết mạch này được dự báo sẽ tăng lên 25% vào năm 2035 khi tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế này sẽ tăng khoảng 50%.

Hơn thế nữa, Biển Đông được cho là có thể chứa đến 125 tỉ thùng dầu và 500 ngàn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên. [6]

Vì vậy, kiểm soát Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc khai thác (bất hợp pháp) nguồn năng lượng dồi dào này, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

Tiếp đến là Bắc Kinh có lợi ích trong việc duy trì, bảo đảm tự do hàng hải cho tàu thương mại của mình trên Biển Đông, với 60% các mặt hàng thương mại xuất nhập khẩu của quốc gia này phải đi qua, trị giá tương đương khoảng 3 ngàn tỉ USD. [7]

An ninh năng lượng và sự thịnh vượng kinh tế của không chỉ Trung Quốc, mà còn Nhật Bản, Hàn Quốc – hai đối tác chính của họ, phụ thuộc rất lớn vào an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông. [8]

Nếu tuyến hàng hải huyết mạch này bị nước ngoài (Hoa Kỳ) ngăn chặn, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và các đối tác Nhật – Hàn có thể bị đe dọa.

Thứ ba là về an ninh, kiểm soát Biển Đông giúp Trung Quốc ngăn chặn cái họ gọi là “thế lực thù địch”, đó là các hàng không mẫu hạm và tàu tuần dương, tàu khu trục mang tên lửa của Hoa Kỳ tiếp cận Trung Hoa lục địa từ hướng Nam.

Hơn nữa, thống trị Biển Đông cũng cho phép Bắc Kinh dễ dàng “thu hồi” đảo Đài Loan thông qua việc ngăn chặn hoạt động trao đổi thương mại hàng hải của Đài Loan với các đối tác qua Biển Đông.

Quinn Marschik kết luận: với tầm quan trọng của Biển Đông lớn như vậy, nếu Hoa Kỳ đánh đổi vấn đề Biển Đông để lấy sự trợ giúp của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên sẽ là  một món hời cho Trung Quốc.

Con bài Biển Đông là vô cùng quý giá, Mỹ nên để dành dùng vào việc khác để có thể thu về các lợi ích lớn hơn. [2]

Ảnh hưởng và sự can thiệp của Trung Quốc với các nước khác ngày càng tăng

Michael Vatikiotis, Giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Đối thoại nhân đạo có trụ sở tại Thụy Sĩ, chuyên hỗ trợ trong hòa giải giữa các bên tranh chấp để ngăn chặn hoặc chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang, ngày 10/5 có bài bình luận đáng chú ý trên Nikkei Asian Review:

Về chiến lược “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình và ảnh hưởng của nó với khu vực. [9]

Tác giả cho rằng, Trung Quốc, một siêu cường mới đang xuất hiện theo đúng cách tương tự Hoa Kỳ.

Trong Chiến tranh Thế giới II, Mỹ là lực lượng mạnh nhất trong khối Đồng minh đánh bại phát xít Đức và Đế quốc Nhật.

Sau chiến tranh, Mỹ sử dụng hàng tỉ USD để giúp châu Âu tái thiết sau những tàn phá khủng khiếp, đồng thời nhằm mục đích kiềm chế sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô.

Nhà nghiên cứu Michael Vatikiotis, ảnh: trang Twitter cá nhân tác giả.

Sự xuất hiện của Trung Quốc với vai trò siêu cường toàn cầu mới chính là một bản sao con đường thành siêu cường số 1 của Washington.

Bằng cách chi tiêu hàng tỉ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trên toàn bộ vùng đất rộng lớn ở châu Á, Bắc Kinh hy vọng sẽ kiểm tra ảnh hưởng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vốn được coi là thách thức sâu sắc với trật tự toàn cầu hiện nay.

Thời điểm ông Tập Cận Bình lần đầu tiên phát biểu về sáng kiến Một vành đai, một con đường khi đến thăm Trung Á vào năm 2013, nhiều nhà quan sát đã tỏ ra nghi ngờ.

Nhưng ngày 14/5 tới đây, Bắc Kinh sẽ quy tụ được lãnh đạo từ 28 quốc gia đến tham dự hội nghị quốc tế quảng bá cho ý đồ chiến lược này, trong đó có Tổng thống Hy Lạp, người rất ca ngợi Trung Quốc vì quyết định đầu tư vào cảng chiến lược Piraeus.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc phản đối chính sách can thiệp của nước ngoài bằng trích dẫn một thỏa thuận với Ấn Độ năm 1954 về việc không can thiệp công việc nội bộ của nhau.

Tuy nhiên ngày nay có rất ít nghi ngờ về các hoạt động can thiệp đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Những biện pháp can thiệp của họ khác nhau về chất lượng và hiệu quả.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc tham gia rất sâu vào việc thúc đẩy đàm phán hòa bình giữa chính phủ Myanmar và các nhóm vũ trang dọc biên giới với Trung Quốc.

Đồng thời Bắc Kinh cũng ngày càng khẳng định sự can thiệp của mình trong việc bắt hồi hương công dân của mình từ các nước thứ ba, như đã từng thấy trong trường hợp khoảng 100 người Duy Ngô Nhĩ trốn qua Thái Lan năm 2015.

Việc đầu tư kinh tế theo “sáng kiến Một vành đai, một con đường” thường đi kèm các hoạt động viện trợ quân sự và hợp tác song phương ở Đông Nam Á.

Tại Philippines, Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ nước này chống cướp biển ở biển Sulu.

Ở Campuchia, các nhà quan sát thấy rằng quyết định của Phnom Penh mới đây chấm dứt tập trận chung với Mỹ là hệ quả của việc tăng viện trợ và hợp tác quân sự từ Trung Quốc.

Tất cả điều này làm cho “Một vành đai, một con đường” trông giống như một “chiếc xe thùng” chở lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Mặc dù cũng có người lập luận rằng, “Một vành đai, một con đường” chủ yếu là sáng kiến kinh tế, Bắc Kinh muốn củng cố vị thế của mình trong trung tâm chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Những quan điểm này cho rằng, “Một vành đai, một con đường” là chìa khóa cho nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trong những thập kỷ tới, như nhà nghiên cứu Hugh White người Australia viết gần đây.

Nhưng không ít nhà phê bình khác cảnh báo, có rất nhiều các dự án đầu tư trong khoảng kinh phí Trung Quốc dự tính lên tới 500 tỉ USD có thể sẽ bị lãng phí bởi công suất và hiệu quả thấp.

Các nhà đầu tư và phát triển Trung Quốc cũng phải chấp nhận các khó khăn tương tự như đồng nghiệp của mình từ các nước khác.

Ví dụ như sự không chắc chắn trong chính sách khai khoáng của Indonesia, vấn đề chống phân biệt chủng tộc trong chính sách kinh tế mới của Malaysia;

Hay việc nhà thầu Trung Quốc trong dự án đường sắt ở Thái Lan đã phải vật lộn với các điều khoản đầu tư tài chính và hạn chế với quyền sở hữu đất đai của nước sở tại.

Nhưng dù sao đi nữa, tốc độ và mức độ cam kết của Trung Quốc trong việc triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường” đã khiến nhiều nước trong khu vực lo lắng.

Nhiều người sẽ tự hỏi, quốc gia mình nên liên kết và phối hợp chiến lược phát triển của mình với chiến lược này của Trung Quốc ở mức độ nào? Trong khi trên thực tế, sự thâu tóm của Trung Quốc đã xảy ra.

Lấy ví dụ về thương mại điện tử, cả Malaysia và Thái Lan đã tìm cách quyến rũ Jack Ma, ông chủ tập đoàn thương mại trực tuyến Alibaba với hơn 2 tỉ khách hàng.

Gần đây Jack Ma đã mua cổ phần kiểm soát tập đoàn mua sắm trực tuyến Lazada, Singapore, đồng thời công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm bán lẻ khu vực tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Các nước trong khu vực cũng sẽ rất khó cưỡng lại chiến lược “Một vành đai, một con đường”, khi Liên minh châu Âu – đối tác thương mại lớn của họ cũng phải tập trung tầm nhìn vào Trung Quốc, khớp nối với “Một vành đai, một con đường”.

Nhật Bản có thể tập trung hơn vào khu vực, nhưng lại thiếu nguồn lực tài chính.

Mỹ có khả năng lớn nhất trong việc triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, nhưng thiếu chiều sâu và hạn mức ngân sách quốc phòng để mở rộng sự hiện diện khắp châu Á.

Do đó, chống lại “Một vành đai, một con đường” là vô ích.

Tốt hơn hết là các đối tác trong khu vực nên hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để phát huy tối đa các lợi thế, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro.

Lợi thế chủ yếu nằm ở sự sẵn sàng của Trung Quốc để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như giao thông đường bộ, đường sắt hay sản xuất điện.

Rủi ro chủ yếu là các dự án sử dụng vốn Trung Quốc luôn đi kèm với chuỗi hệ lụy: phải nhận lao động (tay chân) Trung Quốc, gây xáo trộn xã hội và xâm nhập kinh tế (cả công nghệ lạc hậu và ô nhiễm cùng các nhà thầu chuyên đội vốn).

Để quản lý những rủi ro này, chính phủ các nước đối tác của “Một vành đai, một con đường” phải tập trung vào các điều khoản đảm bảo sự minh bạch và công bằng.

Trung Quốc vẫn quảng cáo “Một vành đai, một con đường” là sáng kiến phát triển kinh tế “hài hòa và toàn diện”.

Nhưng cũng giống như Mỹ đã từng dùng các chương trình viện trợ để truyền bá ảnh hưởng chính trị của mình ở Đông Nam Á nửa thế kỷ trước, luôn có lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng “Một vành đai, một con đường” để thúc đẩy tham vọng của ông Tập Cận Bình:

Trở thành người xây dựng trật tự toàn cầu mới, thiết lập các luật chơi mới và các “trạng thái bình thường mới” có lợi cho Trung Quốc. [9]

Không mơ hồ với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ và bài học từ Rodrigo Duterte

Raul Dancel, phóng viên báo The Straits Times, Singapore thường trú tại Philippines ngày 10/5 bình luận về chiến lược ngoại giao khéo léo của Tổng thống Rodrigo Duterte trong quan hệ với 2 siêu cường Trung – Mỹ để tối đa hóa lợi ích cho Philippines.

Có những sự kiện khiến người ta đặt câu hỏi, phải chăng ông Rodrigo Duterte là một “con rối” của Trung Quốc? Raul Dancel trả lời ngắn gọn là: Không!

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 bế mạc tại Manila hôm 29/4, ông Duterte ra tuyên bố của nước Chủ tịch ASEAN mà không nhắc gì đến việc Trung Quốc quân sự hóa 7 đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông, cũng không nhắc đến Phán quyết Trọng tài 12/7/2016.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trải thảm đỏ đón 3 tàu chiến Trung Quốc đến thăm Davao, ảnh: EPA.

Hai hôm sau, ông trải thảm đỏ đón 3 chiếm hạm Trung Quốc đến thăm thành phố quê hương mình, Davao, một vinh dự ông chưa từng dành cho bất kỳ hải quân quốc gia nào, kể cả tàu Nga khi sang thăm.

Một vài tuần trước, ông Duterte hủy bỏ kế hoạch thăm đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Ngày Chủ nhật tới đây, 14/5 ông Duterte sẽ đến Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh Một vành đai, một con đường do ông Tập Cận Bình tổ chức.

Tất cả những động thái này khiến một số người cho rằng, ông Rodrigo Duterte đang “khấu đầu” trước Trung Nam Hải. Nhưng điều này không đúng.

Rodrigo Duterte đã mang về được nhiều thứ từ Trung Quốc trong khi ông cũng phải cho đi.

Tổng thống Philippines đã giành được những nhượng bộ của Bắc Kinh mà người tiền nhiệm Benigno Aquino III không thể có, sau khi khởi xướng vụ kiện trọng tài quật ngã yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Sau 5 năm ngư dân Philippines lại có thể quay trở lại đánh bắt trên bãi cạn Scarborough mà không bị xua đuổi bởi vòi rồng, đâm húc, thậm chí là uy hiếp bằng súng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Trong vài tuần tới, quân đội Philippines sẽ bắt đầu cải tạo đường băng và xây dựng cầu cảng mới, cảng cá và doanh trại trên đảo Thị Tứ, trong khi Trung Quốc đã và cho đến giờ vẫn thường quấy rối Philippines trên cung đường ra các điểm nước này đóng quân ở Trường Sa.

Ông Duterte mang về từ Trung Quốc cam kết đầu tư và viện trợ tổng trị giá hơn 24 tỉ USD sau chuyến thăm năm ngoái.

Rodrigo Duterte đã rất kiên định với chính sách đối ngoại của mình khi tin rằng, Philippines đã dạt về phía Mỹ quá nhiều, và cần phải đưa đất nước mình trở về trung điểm, giữ đều khoảng cách với cả Bắc Kinh và Washington.

Mặc dù Duterte phát triển quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc, nhưng không có bất kỳ thay đổi căn bản nào trong quan hệ với Hoa Kỳ.

Ông có thể nhiếc móc Mỹ là “quốc gia của bọn đạo đức giả” hay phàn nàn về sự hiện diện của quân đội Mỹ trên lãnh thổ nước mình, nhưng ông không đả động gì đến thỏa thuận quốc phòng song phương.

Đây lá lỳ do tại sao Washington không mất ngủ vì ông Duterte, hoặc ít nhất là chưa.

Thậm chí ông Duterte có thể chỉnh đốn mối quan hệ này mà không sợ một cuộc tranh cãi nảy lửa ở Thượng viện, nơi sự kiểm soát của ông rất mong manh.

Duterte cũng không khiến dân chúng bị kích động vì cải thiện quan hệ với Trung Quốc, mặc dù chủ yếu dân Philippines ủng hộ Mỹ.

Đó là lý do tại sao, cho dù Rodrigo Duterte nói nhiều điều gay gắt, thậm chí rất khó nghe về Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng và các tướng lĩnh dưới quyền ông, ngay sau đó sẽ giải thích lại những gì ông vừa nói.

Cả Donald Trump lẫn Tập Cận Bình đều đã điện đàm với ông để trao đổi về bế tắc trên bán đảo Triều Tiên, nơi Philippines chưa bao giờ từng có vai trò quan trọng.

Đây là thước đo về hiệu quả trong chính sách đối ngoại của ông.

Bất chấp những tiếng nói chỉ trích ông về chiến dịch chống ma túy từ chính giới Hoa Kỳ, sự thừa nhận của Nhà Trắng với phát biểu ủng hộ Duterte trong cuộc chiến này từ Donald Trump hay Rex Tillerson đang là một chiến thắng với ông chủ Điện Manacanang. [10]

Cá nhân người viết cho rằng, trên đây là những góc nhìn khá đa chiều và sắc sảo, phản ánh những nhận thức đa dạng, đánh giá phân tích khách quan và bám sát hiện thực, về cạnh tranh chiến lược giữa 2 siêu cường Trung – Mỹ cũng như tác động, ảnh hưởng tới các nước nhỏ.

Người viết nhận thấy rằng, ngay trong lòng nước Mỹ, người Mỹ cũng chưa chắc hiểu hết được ý đồ thực sự của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại, thể hiện rõ qua sự lo lắng của phóng viên Javier C. Hernández báo The New York Times. [1]

Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, Tổng thống Rodrigo Duterte lại cho thấy ông thực sự hiểu rất rõ Hoa Kỳ và Trung Quốc, khó khăn, vị thế cũng như cơ hội của đất nước mình trong bối cảnh 2 siêu cường cạnh tranh gay gắt ảnh hưởng của họ trên Biển Đông nói chung, với Philippines nói riêng. [10]

Ở hai đầu Nam – Bắc khu vực Đông Á, Rodrigo Duterte và Kim Jong-un là hai nhà lãnh đạo được nhiều người xem là “bất thường”, là đối tượng thường bị truyền thông nước ngoài chỉ trích. 

Nhưng chính hai vị này đang cho thấy bản lĩnh và nhận định sắc sảo của mình, cũng như những phản ứng chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc để bảo vệ, tối đa hóa lợi ích quốc gia, giảm thiểu hết khả năng có thể các tác động tiêu cực trên bàn cờ địa chính trị của các siêu cường với đất nước mình.

Người viết cũng rất tâm đắc và chia sẻ bình luận của học giả Michael Vatikiotis đặc biệt có ý nghĩa với Việt Nam chúng ta.

Lưu ý của ông về mặt trái của Một vành đai, một con đường không thể không nghiên cứu kỹ, nếu muốn tránh những chuyện buồn liên miên về nhà thầu Trung Quốc. [11]

Michael Vatikiotis không né tránh hiện thực về sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, một xu thế rất khó, nếu không muốn nói là không thể đảo ngược, ngay cả với Hoa Kỳ.

Nhưng đồng thời ông cũng chỉ ra những cơ hội và cách các nước nhỏ vượt qua thách thức, đó là tự mình phải xây dựng được hàng rào bảo vệ mình bằng sự minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quan hệ với các siêu cường, nhất là Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nytimes.com/2017/05/10/world/asia/trump-south-china-sea-allies.html?_r=0

[2]https://nationalinterest.org/feature/pressure-cooker-how-the-south-china-sea-can-help-america-20603

[3]https://www.nytimes.com/2017/04/19/business/china-companies-complain.html

[4]https://fortune.com/2016/12/01/china-cybersecurity-law-business/

[5]https://books.google.com.vn/books?id=JS63DAAAQBAJ&pg=PA84&lpg=PA84&dq=ccp+legitimacy+defend+chinese+territory&source=bl&ots=PSOJSUMbfp&sig=SVcOAyvbKckqVC4UlB2MYtE87-g&hl=en&sa=X&redir_esc=y#v=onepage&q=ccp%20legitimacy%20defend%20chinese%20territory&f=false

[6]https://www.eia.gov/beta/international/regions-topics.cfm?RegionTopicID=SCS

[7]https://books.google.com.vn/books?id=7UlZBwAAQBAJ&pg=PA22&lpg=PA22&dq=%2260+percent%22+of+south+china+sea+trade+is+chinese&source=bl&ots=zLpaMyBESK&sig=5jyC6o_Y1XxleLml5HozhSJ7B0Q&hl=en&sa=X&redir_esc=y#v=onepage&q=%2260%20percent%22%20of%20south%20china%20sea%20trade%20is%20chinese&f=false

[8]https://amti.csis.org/atlas/

[9]https://asia.nikkei.com/Viewpoints/Michael-Vatikiotis/Riding-Xi-s-Belt-and-Road-bonanza?page=1

[10]https://www.straitstimes.com/opinion/the-3-way-link-up-that-just-keeps-on-giving-for-duterte

[11]https://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20170510/hop-dong-dong-tau-bang-thep-nhat-nhung-dung-thep-trung-quoc/1312146.html

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here