Chip bán dẫn : Phương Tây tìm cách giảm tối đa phụ thuộc vào châu Á

    0
    7
    Công nghiệp xe hơi, niềm tự hào của châu Âu lệ thuộc vào chip điện tử Đài Loan. ANDER GILLENEA AFP/File

    RFI / Thu Hằng

    Thiếu chip bán dẫn khiến ngành sản xuất ô tô thế giới có thể phải giảm 2% sản lượng trong năm 2021. Nhiều nền công nghiệp lớn, từ phương Tây đến châu Á, loay hoay tìm nguồn cung ứng nhưng đành bất lực tạm ngừng dây chuyền sản xuất. Từ đầu năm 2021, nỗi lo thiếu chip bán dẫn trở thành hiện thực và càng cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào châu Á về lĩnh vực này.

    Huyndai buộc phải tạm dừng một phần dây chuyền sản xuất xe hơi tại Hàn Quốc từ ngày 07-14/04/2021. Một số nhà máy ở Trung Quốc đã quyết định đóng cửa hai tuần. Hai tập đoàn Mỹ Ford và General Motors cũng phải giảm mạnh sản xuất. Còn tập đoàn PSA của Pháp cũng buộc phải dừng chuỗi sản xuất xe Peugeot 308 trong vòng 3 tuần, tương đương với 6.000 xe sẽ không được xuất xưởng.

    Covid-19 : Nguyên nhân sâu xa của tình trạng khan hiếm

    Nguyên nhân sâu xa là Covid-19. Khi dịch bùng phát khắp thế giới, số lượng ô tô bán ra bị giảm mạnh khiến các tập đoàn xe hơi giảm sản lượng, còn các nhà sản xuất chip điện tử phải thích ứng theo thị trường. Nhưng sau đó, nhu cầu mua xe cá nhân đã tăng trở lại để tránh phải sử dụng phương giao thông công cộng.

    Lý do thứ hai giải thích cho sự khan hiếm chip bán dẫn là trong suốt mùa dịch, nhu cầu giải trí và làm việc tại nhà cũng khiến số lượng điện thoại, trò chơi điện tử, máy tính hoặc thiết bị điện tử… tăng mạnh. Trước đó, thị trường chip bán dẫn đã chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhiều tập đoàn, như Hoa Vi (Huawei), đã dự trữ khối lượng lớn trong năm 2020 để hạn chế tối đa tác động do trừng phạt của Hoa Kỳ.

    Theo giáo sư kinh tế Pháp Mathilde Aubry, trường Thương mại EM Normandie, được AFP trích dẫn, chip bán dẫn là « lĩnh vực đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, cho nên các doanh nghiệp thường chọn chuyên môn hóa một khâu », như chuyên về nghiên cứu và phát triển hoặc chuyên về sản xuất. Các nhà sản xuất chính tập trung ở Đài Loan (TSMC) và Hàn Quốc (Samsung và SK Hynix) hoặc Hoa Kỳ (Intel), trong khi châu Âu lại thiên về nghiên cứu và có ít khả năng sản xuất.

    « Nhu cầu về chip bán dẫn sẽ chỉ tạm lắng từ giờ đến 9 tháng tới vì hoạt động sản xuất máy tính và ô tô sẽ trở lại nhịp độ bình thường », theo ông Jean-Christophe Eloy, tổng giám đốc văn phòng Yole Developpement, chuyên về thiết bị bán dẫn. Nhưng trước nguy cơ thiếu hụt « sẽ không biến mất », các tập đoàn sản xuất liên tục thông báo đầu tư tăng mức sản xuất, ví dụ tập đoàn Đài Loan TSMC đầu tư thêm 100 tỉ đô la, phía Intel là 20 tỉ đô la.

    Tuy nhiên, những khoản đầu tư khổng lồ đó không thể giải quyết một sớm một chiều tình trạng thiếu hụt. Phải cần ít nhất một năm đến một năm rưỡi để một dây chuyền mới có thể đi vào hoạt động. Ngay cả các nhà sản xuất lớn của thế giới cũng thận trọng dự báo chỉ có thể tăng được sản lượng từ năm 2023-2024.

    Châu Âu và Mỹ lập chiến lược tự chủ công nghệ

    Trong thị trường được thẩm định đến 440 tỉ euro, Liên Hiệp Châu Âu chỉ chiếm khoảng 10%. Phát biểu vào giữa tháng 02/2021, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire tỏ ra bất bình về « sự phụ thuộc quá đáng và không chấp nhận được vào châu Á ». Trường hợp Đức cầu cứu Đài Loan về chip điện tử từng được lấy làm ví dụ cho sự phụ thuộc của châu Âu vào các nhà sản xuất châu Á. Đài Bắc tỏ ý giúp nhưng đổi lại « gợi ý » Berlin giúp đỡ mua vac-xin ngừa Covid-19.

    Bruxelles đặt ra tham vọng tăng gấp đôi thị phần của khối, lên thành 20%, trong lĩnh vực chip điện tử thế giới từ giờ đến năm 2030 để bảo đảm chủ quyền công nghệ. Một giải pháp đang được gợi ý là chuyển về châu Âu một phần sản xuất của các công ty như NXP của Hà Lan, liên doanh Pháp-Ý STMicroelectronics hoặc Infineon của Đức. Theo tổng giám đốc văn phòng Yole Developpement, Jean-Christophe Eloy, « điều này thúc đẩy những nhà sản xuất trên tái đầu tư vào châu Âu, mà từ lâu họ không làm ».

    Hoa Kỳ cũng tính đến việc tăng cường chủ quyền công nghệ, tức là độc lập hơn về công nghệ. Ngày 12/04, Nhà Trắng đã tổ chức họp trực tuyến tổng giám đốc của 19 tập đoàn công nghệ lớn, trong đó có Alphabet, Intel, Ford, General Motors… để xem xét gia tăng sản xuất chip bán dẫn trên lãnh thổ Mỹ. Điểm này cũng nằm trong kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng và năng lượng, được tổng thống Joe Biden trình bày vào giữa tháng 03/2021.