Cả NATO lẫn Ukraine đều không thể phi Putin hoá nước Nga.

0
50

Đó là việc của người Nga chúng ta

Mikhail Shishkin

(Bản dịch từ tiếng Anh của Đỗ Tuyết Khanh)

Không thể có một nước Nga mới, dân chủ, nếu tư duy của dân tộc không thay đổi và tội lỗi chung không được nhìn nhận

Hình ảnh các thành phố Ukraine bị bom tàn phá và xác chết trẻ con không được đưa lên truyền hình Nga.  Những người trẻ dũng cảm phản đối chiến tranh ở Nga bị đánh đập và bắt giam, trong khi đó đa số dân chúng câm lặng – không biểu tình ồ ạt, không đình công. Tôi đau lòng thấy nhiều đồng bào của tôi ủng hộ  cuộc chiến tranh đánh Ukraine: họ dán chữ Z lên xe hơi và cửa sổ nhà.

Truyền hình Nga bây giờ chiếu đi chiếu lại buổi phỏng vấn tài tử nổi tiếng Sergei Bodrov, một nhân vật sùng bái ở Nga. “Trong chiến tranh không được nói xấu về phe ta. Ngay cả nếu phe ta sai. Ngay cả khi nước ta có lỗi trong cuộc chiến, cũng không thể phê phán” Và thiên hạ làm y như thế, sẵn sàng ủng hộ “phe ta” ngay cả khi “phe ta” bắn vào người dân Ukraine.

Giữa thế giới hiện đại và đa số dân chúng Nga là khoảng cách của một cuộc cách mạng, quan trọng nhất của loài người: từ ưu thế của ý thức tập thể chuyển sang ưu tiên cho cá nhân. Trong hàng ngàn năm, dân chúng là một bộ lạc hoàn toàn lệ thuộc vào người trưởng bầy: lãnh tụ, Khan hay Sa hoàng. Chỉ trong những thế kỷ gần đây mới bắt đầu xuất hiện một trật tự xã hội hoàn toàn khác, với tự do của mỗi cá nhân. Cho đến khi văn kiện bất hủ bắt đầu bằng câu “Chúng tôi, những người dân..:” [i] được viết, đã phải xuất hiện một nhân loại mới, nhận thức được nhân phẩm của mình.

cư dân Bucha đã chờ đợi ở phía bên kia của nhà thờ vào thứ Sáu để khai quật thi thể của những người thân yêu của họ

Cái khoảng cách văn minh khổng lồ ấy vẫn chưa được rút ngắn. Đó là thảm kịch của quê hương tôi: một số nhỏ đồng bào tôi đã sẵn sàng cho cuộc sống trong một nước dân chủ nhưng tuyệt đại đa số dân chúng vẫn quì gối trước quyền lực và chấp nhận lối sống gia trưởng này.

Nếu sau vài thế hệ, tất cả những ai có tư duy độc lập đều bị tiêu diệt, những cá tính duy nhất thịnh hành sẽ là im lặng và hài lòng với nhà cầm quyền. Nhưng làm sao trách họ khi đấy là cách duy nhất để sống sót? Những người không im lặng bây giờ ở đâu? Ở tù. Hoặc đã phải bỏ xứ ra đi trước khi quá muộn.

Hai nỗ lực đưa vào Nga một trật tự xã hội dân chủ đều thất bại. Nền dân chủ đầu tiên ở Nga, năm 1917, chỉ tồn tại vài tháng. Lần thứ nhì, trong những năm 1990, kéo dài được vài năm với nhiều gian truân. Mỗi lần đất nước tôi cố gắng xây dựng một xã hội dân chủ với bầu cử, quốc hội và chế độ cộng hoà, đều rơi vào một đế chế toàn trị.

Chế độ độc tài và kẻ độc tài sinh ra dân chúng nô lệ hay dân chúng nô lệ sinh ra chế độ độc tài và kẻ độc tài? Con gà và quả trứng. Làm sao bẻ gẫy cái vòng oan nghiệt này? Làm sao một nước Nga mới có thể nảy sinh?

Nước Đức của Hitler đã tìm được con đường ra khỏi cái vòng oan nghiệt của độc tài. Người Đức đã học được nhiều về đối mặt với quá khứ và đối diện với tội lỗi, và đã xây dựng được một xã hội hướng về dân chủ. Song sự hồi sinh của dân tộc họ đi từ một bại trận toàn diện và vô cùng nặng nề. Nước Nga cũng phải có một giờ-G như thế. Không thể có một khởi đầu mới cho dân chủ ở Nga mà không phải trả giá và nhìn nhận tội lỗi chung của dân tộc.

Ở Nga đã không có phi Stalin hoá và không có toà án Nuremberg cho Đảng Cộng sản. Ngày hôm nay số mệnh của nước Nga tuỳ thuộc vào phi Putin hoá. Như dân chúng Đức “không hay biết” đã được cho thấy các trại tập trung năm 1945, dân chúng Nga “không hay biết” cũng phải được cho thấy những thành phố Ukraine bị huỷ diệt và những đứa trẻ nằm phơi xác. Người Nga chúng ta phải công khai và can đảm nhìn nhận tội lỗi của mình và xin được xá tội.

Nhà văn Đức Georg Büchner viết câu này trong thư gửi người vợ mới cưới năm 1834: “Dối trá và sát hại cướp đi những gì ở chúng ta?” Chỉ câu hỏi đó mới có thể thúc đẩy nơi người Nga cuộc cách mạng lớn nhất của loài người: ngộ ra được là trách nhiệm không phải nằm ở cấp trên mà ở ngay chính mình.

Cả NATO lẫn người dân Ukraine đều không thể phi Putin hoá nước Nga. Người Nga chúng ta phải tự mình thanh tẩy đất nước mình. Đồng bào tôi có làm nổi việc ấy? Sau chiến tranh, thế giới sẽ giúp Ukraine xây dựng lại. Nhưng kinh tế Nga sẽ điêu tàn. Đế chế sẽ tiếp tục sụp đổ mãnh liệt. Sau Chechnya những dân tộc khác và khu vực khác sẽ đi đến độc lập. Liên bang Nga sẽ tan rã. Nhưng lực ly tâm của những dân tộc và khu vực của đế chế cuối cùng trên thế giới có thể tẩy uế và phục hồi cũng như có thể huỷ diệt. Người Nga phải tập chấp nhận ý thức là có thể có nhiều quốc gia  dùng tiếng Nga như ngôn ngữ chính thức. Hình ảnh đế chế phải được loại trừ khỏi tim óc như một tế bào ung thư. Chỉ như thế mới có thể có những quốc gia mới nảy sinh từ cải cách.

Nhưng nền dân chủ có thể được thiết lập chăng nếu không có một quần thể công dân đủ lớn, một xã hội dân sự trưởng thành? “Nước Nga lộng lẫy của tương lai” (một khẩu hiệu của Alexei Navalny) phải bắt đầu bằng bầu cử tự do. Nhưng ai sẽ đứng ra tổ chức, và theo qui tắc nào? Vẫn mấy chục ngàn viên chức khiếp sợ đã tổ chức gian lận trong các bầu cử kiểu Putin ở Nga? Và làm sao bảo đảm bầu cử thật sự tự do ở Nga sẽ cho phép một anh “phản quốc” của phe đối lập dân chủ thắng cử thay vì một “nhà ái quốc” đã đi đánh các “phát-xít Ukraine”? Những người dân chỉ mong đợi một Sa hoàng tử tế không thể phút chốc trở thành những cử tri có tinh thần trách nhiệm. Và ai sẽ thực thi những cải cách dân chủ? Không thể giao việc xây dựng một nhà nước mới cho những quan chức tay đã nhúng chàm vì tham nhũng và tội ác trong chế độ Putin. Và tay của tất cả bọn họ đã nhúng chàm.

Thế giới kêu gọi phải có một “Nuremberg Nga”. Nhưng ai ở Nga sẽ tổ chức và thi hành qui trình pháp lý này? Ai sẽ thực hiện công việc qui mô này để xem xét lại quá khứ? Ai sẽ vạch trần tội ác và trừng phạt tội phạm? Chính bọn tội phạm? Putin có thể bị loại bỏ và thay thế, nhưng làm sao một lúc thay thế hàng triệu quan tham, cảnh sát tay sai và quan toà quen phục tùng mệnh lệnh?

Một cuộc hồi sinh kéo dài và đầy gian khổ là con đường duy nhất cho tương lai nước Nga. Tất cả những biện pháp trừng phạt hiện nay, đói nghèo, và sự ruồng bỏ của thế giới sẽ không thấm thía so với những gì chúng ta sẽ gặp trên con đường này. Sẽ còn kinh khủng hơn nữa nếu không có hồi sinh từ trong lòng dân chúng Nga. Putin là triệu chứng, không phải là căn bệnh.

Mikhail Shishkin

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here