Bộ Tài nguyên & Môi trường quá lớn để quản lý

0
956
Bãi biển Mũi Né, Bình Thuận, nơi có nhiều khu du lịch biển. Ảnh chụp năm 2012. AFP
RFA

Khai thác khoáng sản hay du lịch?

Việc khai thác quặng titan có trong cát ven biển miền Trung đã tạo ra những ảnh hưởng rất xấu đến môi trường trong nhiều năm nay.

Vào tháng 11 năm 2013, bùn đỏ từ các khu vực khai thác titan tại huyện Hàm Thuận Nam đã tràn vào khu vực nhà dân, ruộng đồng, làm thiệt hại rất nhiều hoa màu.

Tháng Ba, năm 2014, một cuộc biểu tình lớn tại khu khai thác titan ven biển tỉnh Ninh Thuận, đã dẫn tới bạo động, đốt nhà xưởng, và vài người bị bắt. Lúc ấy, một người dân Ninh Thuận tại khu vực khai thác titan nói với chúng tôi:

“Cái nguồn nước ở đó bị ảnh hưởng, đó là nguồn nước để mình sinh hoạt mà, đâu có nước máy đâu. Họ khoan xuống đó mấy chục mét để lấy quặng titan, sau rồi cái lòng đất nó bị sụt dần dần, sau này dân lên đó cất nhà ở thì bị sụt làm sao! Rồi ảnh hưởng nguồn nước nữa. Nói chung là ảnh hưởng nhiều mặt lắm, rồi khi lọc quặng titan người ta có bỏ hóa chất gì đó vô nữa.”

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ trong nước, vào tháng Sáu, năm 2016, một hồ chứa bùn đỏ do khai thác quặng titan lại tràn vào một khu du lịch ven biển có diện tích gần 2 hectares, gây ra rất nhiều thiệt hại.

Theo Tiến sĩ địa chất Nguyễn Thanh Giang, quặng titan có trong cát ven biển miền Trung, nhất là tại hai tỉnh Ninh Thuận, và Bình Thuận, rất dễ khai thác, và theo ông, chính điều đó là làm nên những tác động xấu đến môi trường trong nhiều năm qua. Ông nói với chúng tôi vào năm 2014, ngay sau khi xảy ra vụ bạo động tại Ninh Thuận:

“Chính vì việc khai thác dễ dàng như vậy nên nó dễ trở thành vô tổ chức, làm ảnh hưởng cảnh quan sinh thái, tổn hại các rừng cây chắn sóng, làm sụt mực nước ngầm, ô nhiễm trầm trọng cuộc sống của người dân địa phương.”

Các khu vực có quặng titan lại cũng là những khu vực cồn cát ven biển miền Trung rất thuận lợi cho ngành du lịch. Theo báo Tuổi Trẻ, chính việc cấp giấy phép khai thác titan tại Bình Thuận, đã làm ngưng lại các kế hoạch xây khu du lịch tại tỉnh này. Cũng theo báo Tuổi Trẻ trích lời một số nhà khoa học trong nước, không nêu tên, thì chính việc khai thác titan đã kềm chế việc phát triển kinh tế trong mấy năm qua tại Bình Thuận.

Theo tôi thì trước mắt nên chọn du lịch, vì du lịch tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều thu nhập cho người dân hơn.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Theo Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vì giá trị của quặng titan rất lớn nên tỉnh Bình Thuận hy vọng rằng sẽ thu được một nguồn thu lớn từ việc khai thác nó. Nhưng ngay lúc này ông cho rằng tỉnh Bình Thuận nên chọn ngành du lịch để phát triển:

Theo tôi thì trước mắt nên chọn du lịch, vì du lịch tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều thu nhập cho người dân hơn. Sau khi mà Bình Thuận đã giải quyết được rồi thì mới tính đến việc khai thác một cách rất cẩn trọng, theo các qui định về công nghệ chặt chẽ, để khai thác một lượng nhất định titan.”

Tổ chức của chính phủ không quản lý nỗi hoạt động kinh tế

Theo báo chí trong nước, tại tỉnh Bình Thuận có 7 giấy phép khai thác titan do Bộ Tài nguyên & Môi trường ký, nhưng hiện nay bị ngưng lại do tác động xấu đến môi trường. Cách đây vài ngày cũng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giấy phép đổ chất nạo vét xuống biển cũng do Bộ này ký đã bị dừng lại vì sức ép rất lớn của công luận.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi là ông Trần Nhơn nói với chúng tôi:

Tôi nhìn lại 15 năm thành lập Bộ Tài nguyên & Môi trường, tôi thấy vừa rồi các ông ấy có tổ chức kỷ niệm 15 năm, rồi tung hô này khác, nhưng mà tôi thấy 15 năm đó nói chung là thất bại. Cái đám bộ dưới này họ lừa chính phủ, lừa thủ tướng, hễ có gì là cứ lập đề án lên, cứ chạy chọt rồi đưa lên chính phủ quyết. Các anh bộ trưởng này quyền rất lớn nhưng làm ăn rất bê bối.”

Ở mức độ rộng lớn hơn, ông Trần Nhơn nói rằng với cách tổ chức của chính phủ hiện hành, với những bộ rất lớn như Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,… không thể giám sát được những hoạt động kinh tế ngày càng phức tạp. Và cũng theo ông Trần Nhơn, thì với mức độ quyền lực quá lớn của các Bộ to lớn này, chính phủ trung ương không biết được những việc diễn ra bên dưới.

Bộ Tài nguyên & Môi trường nên chỉ làm hai công việc là kiểm soát các vấn đề về môi trường và quản lý đất đai mà thôi.
-Cựu Thứ trưởng Trần Nhơn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng nói đến chuyện ở địa phương không thực hiện đầy đủ những qui định khi tiến hành khai thác khoáng sản:

Đã có hiện tượng là nhà khai thác không tôn trọng những qui định về bảo vệ môi trường, về hoàn thổ, nhưng mà cơ quan địa phương vẫn chưa phát hiện được.”

Trong bài phóng sự ảnh vào ngày 14 tháng Tám, năm 2017, báo Tuổi Trẻ cho biết mặc dù các dự án khai thác titan tại Bình Thuận đã bị dừng lại, nhưng tại nhiều nơi ở Bình Thuận, hoạt động khai thác vẫn diễn ra.

Chúng tôi có liên lạc với ông Hồ Lâm, Giám đốc sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Thuận để hỏi về việc này, nhưng không liên lạc được.

Theo ông Trần Nhơn, Bộ Tài nguyên & Môi trường nên chỉ làm hai công việc là kiểm soát các vấn đề về môi trường và quản lý đất đai mà thôi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here