RFI
Lệnh cấm đánh cá tại các khu vực Biển Đông mà Trung Quốc cho là của họ sẽ hết hạn vào tháng 8 tới đây. Cho đến nay, có rất ít báo cáo về các sự cố liên quan đến việc Bắc Kinh thực thi lệnh này, nhưng trong bản báo cáo công bố ngày 07/07/2017, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á – AMTI – thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế – CSIS – tại Washington cho rằng cần phải theo dõi sát sao tình hình vì Trung Quốc thường có biện pháp thô bạo để áp đặt lệnh cấm đơn phương của họ.
Theo ghi nhận của bản báo cáo, từ năm 1995 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh cá trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông đối với cả ngư dân Trung Quốc lẫn ngoại quốc, kể cả tại các vùng biển của nước khác, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Lệnh cấm năm 2017 kéo dài từ 01/05 vừa qua, cho đến tháng Tám.
Sau khi điểm lại các sự cố từ năm 2012 đến năm 2017, bản báo cáo đã kết luận rằng lệnh cấm của Trung Quốc năm nào cũng « làm bùng lên nỗi tức giận giữa Bắc Kinh với các láng giềng, tạo nên tình trạng căng thẳng giữa việc thực thi pháp luật khu vực và các đội tàu đánh cá ».
Các sự cố, đôi khi dữ dội, là một vấn đề quanh năm giữa ngư dân Trung Quốc và các nước láng giềng từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan xuống đến Đông Nam Á, nhưng lệnh cấm đánh bắt cá là một yếu tố thúc đẩy sự gia tăng các sự cố này.
Với lệnh cấm, phần lớn ngư dân Trung Quốc quay trở lại cảng, nhưng nhiều tàu cũng hướng về phía nam vĩ tuyến 12, làm gia tăng các vụ đụng độ với lực lượng cảnh sát biển các nước Đông Nam Á tại vùng Trường Sa hay ngoài khơi Indonesia.
AMTI đặc biệt ghi nhận tính chất « thưa thớt » của các báo cáo liên quan đến các sự cố do việc Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đơn phương gây ra. Đối với các chuyên gia Mỹ, chưa rõ là tình trạng đó bắt nguồn từ việc Bắc Kinh đang nhẹ tay để chiêu dụ các láng giềng, hay là vì các nước nạn nhân của Trung Quốc như Philippines và Việt Nam lưỡng lự, không muốn báo cáo về các sự cố.
Có điều, theo cơ quan nghiên cứu và tham vấn này, « xu hướng lịch sử cho thấy rằng lệnh cấm cần phải được theo dõi chặt chẽ ». Nhất là khi các nguồn tin báo chí nêu bật vấn đề là lệnh cấm đánh bắt cá năm nay « chặt chẽ hơn » so với những lần trước vì thời gian áp dụng dài hơn, và diện bị cấm được mở rộng thêm.
Trung Quốc lại có tiền án về các hành vi thô bạo trong việc áp dụng lệnh cấm đánh cá.
Tác động đáng chú ý nhất của lệnh cấm mỗi năm là các vụ va chạm tăng vọt giữa lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc và ngư dân Việt Nam ở vùng biển Hoàng Sa và chung quanh Hoàng Sa. Chính quyền Hà Nội đã lên án lệnh cấm của Trung Quốc, coi đó là việc vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm thỏa thuận nghề cá tại vùng Vịnh Bắc Bộ mà hai nước đã đạt được vào năm 2000.
Các ngư dân Việt Nam và các quan chức chính quyền địa phương đã từng báo cáo về tình trạng gia tăng các hành vi sách nhiễu, bắt bớ và thậm chí bắt cóc mà lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc tiến hành, trong bối cảnh ngư dân Việt Nam, được chính quyền hỗ trợ ngầm, đã coi thường lệnh cấm của Trung Quốc.
Đối với Philippines, trước khi lệnh cấm đánh bắt có hiệu lực vào tháng Năm vừa qua, đã có tin là ngày 27/05, một tàu công vụ của Trung Quốc đã bắn cảnh báo vào các ngư dân Philippine để đưa họ ra khỏi khu vực Cụm Sinh Tồn (tên quốc tế là Union Banks), một ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines nằm gần một rạn san hô do Trung Quốc kiểm soát.
Với các tiền lệ như kể trên, AMTI cảnh báo cần phải thận trọng theo dõi việc Trung Quốc thực thi lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông năm nay.