Chủ nghĩa dân tộc kinh tế của ông được dựa trên nhiều giả định cơ bản giống như Trump. Và những giả định đó rất sai lầm.
Kevin D. Williamson, ngày 10 tháng 7, 2020
Translated from National Review article Biden: Make America Great Again.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và cựu Phó Tổng thống Joe Biden phát biểu trong một sự kiện vận động tranh cử tại Đại học bang Delaware ở Dover, Del., Ngày 5 tháng 6 năm 2020. (Jim Bourg / Reuters)
Một lời hứa mang lại chủ nghĩa dân tộc kinh tế, một dự luật cơ sở hạ tầng đắt đỏ mà thực chất chỉ là một chương trình tạo việc làm cho có, định kiến chống lại người ngoại quốc, công khai chỉ trích phố Wall – Joe Biden đang dùng những chính sách của Trump vào năm 2016 để đấu với Trump năm 2020.
Joe Biden đã trình bày một bài diễn thuyết lớn tại Pennsylvania ngày hôm qua, và chương trình kinh tế của ông gồm ba phần: 1) một kế hoạch chi tiêu 400 tỷ USD ngân sách liên bang đi kèm với một vài quy định phải “Mua Hàng Mỹ”; 2) một đống tiền viện trợ khiêm-tốn-hơn-một-chút (300 tỷ USD) dành cho những ngành công nghiệp có liên kết chính trị (xe điện, viễn thông), những thứ mà chúng ta sẽ giả vờ coi như là một chương trình nghiên cứu và phát triển; 3) một sự gia tăng thuế rất lớn (một số ước tính cho rằng đây là sự gia tăng lớn nhất được đề ra trong thời hiện đại) để chi trả cho Số 1 và Số 2. Bạn sẽ nhận ra đây là những điều gần như tương tự với những thứ của nợ mà Donald Trump từng rêu rao hồi năm 2016 và Barack Obama vào năm 2008 và 2012. Đó cũng là thứ vớ vẩn mà những người như George Wallace, Ross Perot, Pat Buchanan, và những người kém tiếng hơn như Ted Strickland, đã rêu rao nhiều lần. Nó rất vô nghĩa, nhưng chưa bao giờ hết thời.
Nước Mỹ đúng là có một số nhu cầu cơ sở hạ tầng rất cấp bách. Một chính quyền Biden sẽ gần như chắc chắn không thoả mãn được những nhu cầu đó, bởi vì những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất đang được thi hành hay xem xét bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng tư nhân, đặc biệt là các đường ống dầu khí. Biden, người đang cần phiếu bầu (và quan trọng hơn là tiền ủng hộ) của những kẻ cấp tiến ngoại ô lắm tiền, những người tin rằng đèn của họ được thắp sáng nhờ sự cố gắng bền bỉ của những con kỳ lân, phản đối các dự án này. Khiến cho việc vận chuyển xăng dầu giữa giếng, nhà máy tinh chế, và người tiêu dùng trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn sẽ hạ thấp giá trị hàng nghìn tỷ USD của nước Mỹ, khiến người Mỹ nghèo khổ hơn – “chủ nghĩa dân tộc kinh tế” hài hước như thế.
Trong một thế giới tỉnh táo, cần phải lên danh sách những cơ sở hạ tầng cần xây dựng trước khi tính đến số tiền: nếu nhà nước liên bang cần làm x, y và z (và có rất nhiều thứ cần phải làm) thì nhà nước liên bang nên đấu thầu những dự án này và xin tiền tài trợ từ Quốc hội. Chúng ta đang làm điều ngược lại: Biden đang tuân theo lề thói lâu đời ở Washington DC khi đưa ra vài trăm tỷ USD và đơn giản là hỏi xem ai muốn lấy bao nhiêu. Cứ yên tâm là Washington sẽ tìm ra cách để tiêu hết số tiền đó. Cứ vài năm một lần, chúng ta lại thông qua một dự luật to lớn cho các đường cao tốc liên bang, và các đường cao tốc thì cứ tiếp tục xuống cấp. Và chúng ta thi thoảng cũng thông qua vài dự luật cơ sở hạ tầng lớn khác: Tổng thống Trump muốn một dự luật đáng giá một nghìn tỷ USD mà có lẽ sẽ không được thông qua. Barack Obama ký một dự luật trị giá 800 tỷ USD nhằm kích thích đầu tư hạ tầng vào năm 2009, nhưng cũng không thấy có tác dụng rõ ràng nào với cơ sở hạ tầng liên bang cả. Một dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 305 tỷ USD nữa được thông qua vào năm 2015. Tìm ai đó để tiêu cho hết tiền không phải là một vấn đề – chi tiêu một cách hiệu quả để thật sự cải thiện cơ sở hạ tầng mới là vấn đề nan giải.
Biden nói rằng điều này sẽ mang lại lợi ích tầng lớp lao động Mỹ, vì ông sẽ đính kèm giới hạn chi tiêu ngân sách vào các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Một lần nữa, đây lại là một trò quen thuộc: Tổng thống Trump đã ban hành nhiều quy định buộc mua hàng Mỹ vào năm 2017 và mở rộng những quy định này vào năm 2019.
Chúng ta đang suy nghĩ về việc này theo sai cách. Những nỗ lực kích cầu ở cấp liên bang cũng có vai trò, cũng như những chi tiêu cơ sở hạ tầng liên bang, nhưng hai thứ này không phải là một. Nếu mà nhà nước liên bang cần phải xây một cầu vượt cao tốc, họ nên mua những thứ họ cần từ những nhà cung cấp hiệu quả nhất, những người không thiên vị hàng nội địa và không đặt dự án phụ thuộc vào những ưu tiên chính trị khác. Họ chỉ cứ nên xây một chiếc cầu cao tốc tốt nhất một cách cẩn thận nhất. (Điều này không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc xây một chiếc cầu rẻ nhất có thể). Nhà nước liên bang làm việc vì toàn thể người dân Mỹ, chứ không phải vì nhà thầu bê tông hay vì nhà sản xuất thép. Phát triển cơ sở hạ tầng cần phải thực thi từ dưới lên, các dự án cần được xem xét riêng lẻ dựa vào giá trị của từng dự án; thay vào đó, chúng ta đòi hỏi Quốc hội cứ đổ đầy một chiếc máng lợn to tướng và giả vờ như chúng ta không hay biết rằng mấy ông bà chính trị gia là mấy con lợn.
Nhà nước liên bang có vai trò to lớn trong việc chi trả các món tài trợ cho nghiên cứu cơ bản, nhưng cái mà Biden đang đề ra là tiền viện trợ có chủ đích cho các nhóm ngành công nghiệp liên quan đến chính trị. Ví dụ như ông ấy đã kiến nghị hàng tỷ đô dành cho các trạm sạc xe chạy điện mà gần như chắc chắn không cần thiết – các nhà sản xuất đang xây trạm ở tốc độ rất nhanh rồi, chiếu theo doanh số bán xe điện. (Volkswagen đang xây các trạm này như một phần của vụ kiện gian lận diesel). Biden đề nghị cấp thêm vài tỷ nữa vào đường sắt cao tốc, ở một nước mà mật độ dân số không đủ dày đặc để đường sắt cao tốc có giá trị thực tiễn, kể cả khi chính quyền liên bang đang bỏ bê hệ thống giao thông công cộng sẵn có mà họ phải chịu trách nhiệm. Nếu mà bạn nghĩ giới chính trị Mỹ có thể điều hành được đường ray, thì hãy tự hỏi bản thân tại sao ở Thành phố New York, những tinh tuý của tầng lớp quản lý cấp tiến lại chi trả 5 đến 20 lần nhiều hơn trên một dặm đường ray tàu điện ngầm so với các thành phố khác ở châu Âu. Tesla và BMW có thể xây hệ thống sạc của riêng họ; tốt hơn hết là chúng ta nên đầu tư khoản tiền đó vào nghiên cứu khoa học cơ bản ở các trường đại học. Nhưng mà chúng ta sẽ không làm như thế, vì nó không ngay lập tức tạo ra những việc làm tay chân để Biden và nhiều người khác có thể khoe khoang.
Có rất nhiều chi tiết quen thuộc ở đây. Biden phàn nàn rằng Trump nhầm lẫn thị trường chứng khoán với nền kinh tế thực sự. Trump phàn nàn điều tương tự với Obama. Luật mua đồ Mỹ của Biden chỉ là một phiên bản thêm thắt khác dựa trên luật của Trump, và sự mê tín của cả hai đảng rằng các sản phẩm nhập khẩu là xấu cho người dân Mỹ được dựa trên những định kiến vô lý về người ngoại quốc, một sự thiên vị đã ăn sâu mà các nhà kinh tế học đã và đang nghiên cứu nhiều năm. Biden sẽ xoá đi một số khoản thuế mà Trump đã cắt bỏ và thêm vài thuế mới, nhưng kể cả từ khía cạnh đó thì vẫn có sự tương đồng đáng ngạc nhiên. Trump thì giống một người đảng Cộng hoà được tái sinh bây giờ hơn khi nhắc đến thuế, nhưng năm 2016 ông phàn nàn khá nhiều về việc các tay buôn phố Wall đánh đập người thu thuế, và cả Biden và Trump đều muốn miễn thuế cho tầng lớp trung lưu (Biden định nghĩa những người thuộc tầng lớp này là những người có lương cao tới 400,000 đô la Mỹ một năm!). Đảng Dân chủ thì muốn xây một nhà nước phúc lợi kiểu Bắc Âu, nhưng gần như không ai trong số họ lại xem xét nghiêm túc việc triển khai thuế kiểu Bắc Âu lên tầng lớp trung lưu cả.
Chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Biden dựa vào những giả định cơ bản giống như chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Trump, cũng giống của Barack Obama hay Marco Rubio nốt. Và những giả định đó thật sai lầm. Washington không thể đi đường tắt ra khỏi những thực tại của nền kinh tế.
Bởi vì sự cuồng loạn đang diễn ra ngay bây giờ, các thành viên đảng Dân chủ sẽ rất khó khăn để nhìn ra sự thực này: Joe Biden có nhiều điểm giống với Donald Trump hơn là điểm khác biệt. Ông ta là một Trump bóng bẩy hơn với kiểu cách Washington truyền thống hơn. Tính cách của ông ta chẳng khác gì Trump – ông ta hời hợt, hung hăng và phản xạ thiếu trung thực – và những giả định luật pháp căn bản của ông ta cũng kha khá giống Trump. Nếu mà ông ta được bầu làm Tổng thống, ông ta chắc chắn sẽ thất bại giống cách của Trump vì cùng những lý do giống Trump. Với những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế, 2020 sẽ là năm lựa chọn giữa ung thư tinh hoàn bên trái hoặc ung thư tinh hoàn bên phải.
Kevin D. Williamson là phóng viên lưu động của National Review và tác giả của Người thiểu số nhỏ bé nhất: suy nghĩ độc lập trong thời kì chính trị đám đông.
Translation by Adelia Duong.