Bị cáo Nguyễn Hải Long đưa đơn kháng nghị phúc tra – Tòa án Liên bang Đức xem xét ra sao?

0
3174
Tòa án Liên bang Đức (Bundesgerichtshof).
08/08/2018
Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại Tòa thượng thẩm Berlin trong đại án bắt cóc TXT

Gần một tuần sau khi tòa ra phán quyết hôm 25.7.2018 với bản án tù 3 năm 10 tháng với tội danh hoạt động gián điệp chống lại nước Đức và hỗ trợ mật vụ VN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bị cáo Nguyễn Hải Long đã đưa đơn kháng nghị phúc tra.

Phiên tòa xét xử Nguyễn Hải Long đã diễn ra trước Tòa Thượng thẩm Berlin (Berliner Kammergericht). Đây là Tòa án hình sự tối cao ở Berlin, tương đương với Tòa án cấp cao ở khác bang khác (Oberlandesgericht).

Vì vậy Nguyễn Hải Long không thể kháng cáo chống lại bản án đã tuyên. Việc kháng cáo (Berufung) chỉ có thể được, nếu phiên tòa được xét xử trước Tòa án địa phương (Amtsgericht) hoặc Tòa án bang (Landgericht).

Bởi vì phiên tòa diễn ra trước Tòa án Thượng thẩm (Kammergericht), nên chỉ có thể kháng nghị phúc tra (Revision). Kháng nghị phúc tra phải được đệ trình lên Tòa án Liên bang (Bundesgerichtshof). Trong một phiên tòa phúc tra, Tòa án Liên bang không xem xét đến các bằng chứng, mà chỉ kiểm tra xem Tòa Thượng thẩm Berlin có phạm phải sai lầm về pháp lý hoặc có sai sót về thủ tục tố tụng hình sự hay không.

Việc kháng nghị  phúc tra phải được đệ trình trong vòng một tuần sau khi tuyên án. Bị cáo Nguyễn Hải Long đã giữ được đúng hạn này.

Nhưng Tòa Thượng thẩm có thời gian cho tới cuối tháng 9 để đệ trình phần viện dẫn lý do kết án (Urteilsbegründung) của mình. Từ thời điểm này, người bị kết án và luật sư có thời gian bốn tuần lễ để đệ trình những lý do cho đơn kháng nghị phúc tra của mình.

Về đơn kháng nghị phúc tra Tòa án Liên bang có thể bác đơn này mà không cần mở phiên tòa phúc tra, nếu những lý do nêu ra cho đơn kháng nghị phúc tra là không chính đáng, không hợp pháp theo luật tố tụng hình sự. Nếu xảy ra như vậy thì bản án sẽ có hiệu lực.

Nếu đơn kháng nghị phúc tra được viện dẫn với những lý do chính đáng và hợp pháp, thì Tòa án Liên bang sẽ mở phiên tòa phúc tra. Với kết quả phiên toà phúc tra, nếu như Tòa án Liên bang đi đến kết luận là Tòa án Thượng thẩm Berlin đã không phạm phải sai lầm về pháp lý hoặc có sai sót về thủ tục tố tụng hình sự, thì bản án của Toà án Thượng thẩm Berlin (3 năm 10 tháng tù) sẽ có hiệu lực. Các chuyên gia về luật cho rằng có thể kết quả sẽ là như thế, vì Tòa Thượng thẩm Berlin đã làm việc rất cẩn thận.

Trong trường hợp Tòa án Liên bang đi đến kết luận là Tòa Thượng thẩm Berlin đã phạm phải sai lầm về pháp lý hoặc có sai sót về thủ tục tố tụng hình sự, thì mức án có thể thay đổi hoặc Tòa án liên bang sẽ yêu cầu Tòa Thượng thẩm tiến hành xét xử lại. Trong trường hợp xét xử lại thì rất có thể phải diễn ra trong trong đầu năm tới. Nhưng khả năng xét xử lại rất ít có khả năng xảy ra.

Những hậu quả sau khi Tòa án Liên bang Đức ra phán quyết cuối cùng

Các nghi phạm tham gia bắt cóc TXT tại Berlin: Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Trung tướng Lê Mạnh Cường hiện giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục V) và nhiều nhân viên mật vụ khác.

Điều đầu tiên là bị cáo Nguyễn Hải Long sẽ phải chấp hành bản án 3 năm 10 tháng này (nếu mức án vẫn giữ nguyên như cũ) trong một nhà tù tại Đức, thời gian ngồi tù sẽ được trừ khoảng thời gian bị bắt giữ và tạm giam tại CH Séc và Đức từ tháng 8.2017 đến khi phán quyết có hiệu lực thi hành.

Quan trọng nhất, đây là bản án khẳng định việc ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc tại Berlin đưa về nước là sự thực, trên cơ sở đó Bộ tư pháp Đức sẽ có những bước tiếp theo như có thể đưa ra lệnh truy nã Interpol quốc tế đối với các nghi phạm trong vụ án mà họ thường nêu tên trước tòa như Trung tướng Đường Minh Hưng, ông Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và các nhân vật tòng phạm khác. Hiện nay những đối tượng này đang bị Europol truy nã trong lãnh thổ các nước châu Âu.

Những nhân vật cấp cao khác của đảng cộng sản Việt Nam mà Tòa thượng thẩm cũng nhắc tới trong đại án như TBT Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng bị ghi vào “danh sách không hoan nghênh” khi đến châu Âu và tiếp tục bị tư pháp Đức điều tra kẻ chủ mưu ra lệnh bắt cóc này.

Tiếp theo, Chính phủ Đức, cụ thể là Bộ Ngoại giao sẽ có động thái tiếp theo để nhắc lại với Chính phủ Việt Nam phải thực hiện các yêu cầu đã nêu ra trước đây như „ Trả lại ông Trịnh Xuân Thanh về Đức, xin lỗi nước Đức và hứa không tái phạm“.

Chính phủ các nước khác thuộc Liên minh châu Âu sẽ dùng phán quyết này để đưa ra chính sách đối xử với Chính phủ Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt các Đại sứ quán Việt Nam ở châu Âu sẽ bị đề phòng, những Việt kiều hay có quan hệ mật thiết với các tòa Đại sứ này cũng bị để ý hơn, các đoàn công tác của Chính phủ Việt Nam sang châu Âu sẽ bị hạn chế, đặt biệt đối với của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Nhà đầu tư từ châu Âu khi vào Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi sử dụng dịch vụ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ các nước châu Âu, vì Việt Nam đã trở thành nơi tiềm ẩn rủi ro chính trị.

Luật pháp tại Việt Nam bị quốc tế đánh giá thấp hơn nữa, tác động tiêu cực đến tín chỉ của quốc gia này, nguồn vốn mà Việt Nam muốn đi vay sẽ trở nên khó tiếp cận và phải chịu lãi xuất cao.

Từ lúc đệ đơn kháng nghị phúc tra Nguyễn Hải Long có 2 luật sư mới. Ngoài ra, luật sư Bonell đã xác nhận với thoibao.de hôm 5.8.2018 rằng ông „đã đươc Nguyễn Hải Long tiếp tục thuê để biện hộ trong quá trình kháng nghị phúc tra“.

Cho đến khi bản án có hiệu lực thi hành, nghi phạm Nguyễn Hải Long hiện nay vẫn bị tạm giam trong một phòng nhỏ ở tầng 4, nhà tù Moabis tại Berlin.

Tòa thượng thẩm Berlin cho rằng lệnh bắt cóc ông TXT được người đứng đầu đảng cộng sản VN đưa ra.
Cửa vào Nhà tù Moabis tại Berlin
Nhà tù Moabis tại Berlin, nơi đang tạm giam bị cáo Nguyễn Hải Long.
Bà Regine Grieß ( bên phải), Chánh án chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hải Long trong đại án bắt cóc TXT.

Quốc Phong – Thoibao.de