Bầu cử giữa kỳ Quốc Hội Mỹ có làm thay đổi chính sách Ukraina của Joe Biden ?

0
9
Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ giao cho Ukraina. Ảnh ngày 31/05/2022. AFP - FAYEZ NURELDINE

RFI

28/10/2022 – 16:05

Hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ giao cho Ukraina. Ảnh ngày 31/05/2022. AFP – FAYEZ NURELDINE

Nếu như phe Cộng Hòa giành quyền kiểm soát cả hai viện Quốc Hội, như các thăm dò dư luận gần nhất dự báo, nhiều nhà quan sát lo ngại chính sách đối ngoại của chính quyền Washington sẽ có thể rơi vào những rắc rối, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ theo đuổi đối đầu trực tiếp với các cường quốc như Trung Quốc và Nga. Câu hỏi được đặt ra liệu chính quyền Joe Biden có thay đổi chính sách Ukraina ?

Cuộc chiến tranh tại Ukraina đang là hồ sơ đối ngoại lớn của chính quyền Mỹ. Ủng hộ toàn diện cho Ukraina chống lại cuộc xâm lược của Nga đến giờ là vấn đề hiếm hoi đạt được đồng thuận trong chính giới Mỹ. Nhưng khi kỳ bầu cử Quốc Hội tới gần, hậu thuẫn cho Kiev bỗng trở thành chủ đề gây tranh cãi ở cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

Dấu hiệu mới nhất khiến các đồng minh của Mỹ không khỏi lo ngại đó là tuần trước lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Hạ Viện, ông Kevin McCarthy đã cảnh báo, đại ý rằng đảng của ông nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tới sẽ không để chính quyền Joe Biden chi bao nhiêu cho Kiev cũng được.

Nhiều tiếng nói khác, vẫn từ các nghị sĩ đối lập cũng đã bắt đầu lên tiếng tố cáo tổng thống Biden lấy tiền thuế của người dân Mỹ đem giúp một nước tiến hành cuộc chiến tranh mà họ không có cơ may nào thắng.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập tại Thượng Viện, Mitch McConnell thì lại cam kết muốn làm nhiều hơn tổng thống Joe Biden trong việc chuyển vũ khí cho Kiev, kể cả những tên lửa tầm xa có khả năng tấn công những mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Về phần đảng Dân Chủ, chính sách của Joe Biden được ủng hộ rộng rãi nhưng trong những ngày gần đây cũng bắt đầu xuất hiện các tiếng nói của một số thành phần cấp tiến trong đảng tỏ lo lắng về nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO. Trong một bức thư ngỏ gửi tổng thống Biden, công bố hôm thứ Hai (24/10), ba chục nghị sĩ Dân Chủ đã kêu gọi tổng thống Mỹ thực hiện các nỗ lực ngoại giao để hướng tới ngừng bắn và thương lượng trực tiếp với Nga, thay vì cứ đổ tiền ồ ạt viện trợ quân sự cho Kiev. Tuy nhiên chỉ một ngày sau, các dân biểu trên đã rút bức thư ngỏ và tỏ ý lấy làm tiếc sáng kiến của họ tạo cảm giác đồng quan điểm với một số người thuộc đảng Cộng Hòa.

Theo một thăm dò của cơ quan tư vấn về vấn đề quốc tế, Chicago Council on Global Affairs, đại đa số người Mỹ vẫn ủng hộ hậu thuẫn cho Ukraina và 2/3 phe Cộng Hòa vẫn chủ trương gửi vũ khí cho Kiev.

Có thể thấy trong chính sách Ukraina hiện nay của chính quyền Mỹ, hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ về cơ bản là đồng thuận. Từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina, chính quyền Joe Biden đã giải ngân được 17,6 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraina trong sự đồng thuận của cả hai đảng, dù vẫn có một vài chống đối bên đảng Cộng Hòa.

Một số nhà phân tích nhận định, các phát ngôn của nghị sĩ McCarthy nêu trên chỉ nhằm mục đích lôi kéo bộ phận cấp tiến trong đảng mà ông ta cần để được bầu làm chủ tịch Hạ Viện trong trường hợp phe Cộng Hòa thắng.

Phần đông các chuyên gia về chính trị Mỹ đều nhất trí cho rằng trong kỳ bầu cử tới, ngay cả khi xảy ra kịch bản phe Cộng Hòa nắm đa số ở hai viện Quốc Hội thì chính sách Ukraina của Washington khó có thể quay ngoắt sang một hướng khác, nhất là khi nước Mỹ đã đổ hàng chục tỷ đô la vào cuộc chiến tranh trong vòng 8 tháng qua. Đó chắc hẳn không phải Mỹ muốn ném tiền qua cửa sổ.