Bao giờ thì chúng ta có thể công bằng với quá khứ và khoan dung hơn với nhau?

0
165
Ảnh : báo phunutoday

Song Chi

Đã định không viết không nói về cờ vàng-cờ đỏ, về quá khứ, về ngày 30.4, một phần vì năm nào cũng viết, năm nay cũng vậy. Nhưng trong những ngày tháng Tư năm nay lại có thêm nhiều quan điểm, xu hướng gây tranh cãi từ những nhóm người Việt khác nhau, khiến người viết bài này cảm thấy mình không thể không nói thêm một lần nữa, những suy nghĩ, trăn trở của một người Việt đã rời VN, đã trở thành công dân và có một đời sống bình yên ở nước khác, nhưng chưa bao giờ ngừng đọc, viết, suy nghĩ, quan tâm đến VN, bởi con người ta có thể có vài quốc tịch, có vài nơi khác nhau để sống, nhưng Tổ Quốc thì chỉ có một mà thôi.

Chớp mắt mà đã 46 năm kể từ biến cố ngày 30.4.1975. Gần nửa thế kỷ! 

Thời gian chưa quá dài nhưng cũng đủ để có nhiều thay đổi trong cách nhìn, đánh giá cho tới tình cảm, cảm xúc về biến cố này trong người Việt. 

Ở đây, tôi không muốn nói nhiều đến thành phần quan chức đảng viên cộng sản cán bộ cao cấp, những người nhận được nhiều bổng lộc từ chế độ này, hay những người cho tới bây giờ chủ yếu vẫn chỉ tiếp xúc với luồng thông tin một chiều, nặng tính tuyên truyền từ nhà nước cộng sản, cộng thêm sự giáo dục ở trường và gia đình…Những nhóm người như vậy, vì quyền lợi, hay vì thiếu thông tin, nên vẫn tự hào về “lịch sử” được viết bởi đảng cộng sản, vẫn tích cực tin tưởng, ủng hộ đảng và chế độ, họ ít khi nghĩ khác đi. 

Ngay nhiều thanh niên tuổi 20, sinh ra sau chiến tranh, nhưng cũng do giáo dục, do thiếu thông tin nên vẫn đầy lòng căm ghét chế độ “Mỹ-ngụy”, căm ghét cái “cộng đồng lưu vong, phản động cả lũ” ở nước ngoài, cái “cờ ba que”…như cậu thanh niên 18 tuổi đi du học ở tiểu bang New South Wales, Úc, xé, đạp lên cờ vàng, có những ngôn ngữ hằn học, thù hận, làm “nổi sóng” dư luận trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc và trên mạng những ngày gần đây. 

Tôi muốn nói đến những nhóm người khác. 

+Thế hệ trẻ sinh ra hoặc lớn lên ở nước người, nghĩ gì?

Với những người trẻ sinh ra hoặc lớn lên hoàn toàn ở nước người, đa phần không gắn bó gì lắm với VN trong khi cái quốc gia mà họ đang sống mới là quê hương, là đất nước của họ. Nhiều người trong số họ khá thành đạt ở nước người, và cũng nồng nhiệt tham gia vào những hoạt động xã hội, nhân quyền, đòi hỏi sự bình đẳng tại nước họ, thậm chí cũng lên tiếng trước những bất công sai trái, những chính sách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại VN. Nhưng vì chưa, hoặc có rất ít, kinh nghiệm sống dưới chế độ độc tài độc đảng ở VN, họ cũng khó hiểu nổi tâm tư của các thế hệ đi trước, như tại sao cha mẹ ông bà họ vẫn cứ nhắc đi nhắc lại những nỗi đau, những ám ảnh của chiến tranh và thời hậu chiến, tại sao vẫn cứ gọi đó là “ngày Quốc hận”, “tháng Tư đen”…Tại sao không khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, tại sao không tìm cách “hòa giải hòa hợp” với chế độ VN, cùng đóng góp xây dựng tương lai đất nước thay vì cứ ngồi đó nuối tiếc, chửi rủa, hận thù?

Phải nói rằng đó là một thái độ hết sức ngây thơ do không hiểu gì về chế độ độc tài toàn trị ở VN. 

Ngay sau ngày 30.4.1975, bên thắng cuộc là đảng CS, lẽ ra đã có một cơ hội tuyệt vời để làm cái việc “hòa hợp hòa giải” với bên thua cuộc, với nhân dân miền Nam, nhằm thu phục nhân tâm, thu hút nhân tài, vật lực…, và nếu họ làm được như vậy thì đất nước này đã không bị rơi vào bao nhiêu bi kịch, dẫn đến hàng triệu người MN phải bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người chết trong tù, ngoài biển cả…, cho đến tận bây giờ lòng người vẫn chia rẽ, hận thù. Rồi bao nhiêu năm qua nhà cầm quyền cũng cứ kêu gọi “hòa giải hòa hợp” nhưng họ có làm được điều gì cụ thể không? 

Cần phải hiểu rằng bên thắng, nắm trọn quyền lực, nắm cả đất nước trong tay, mới là bên có thể tiến hành những chính sách “hòa giải hòa hợp” chứ bên thua thì làm được gì, không lẽ chạy tới xun xoe xin anh cho tôi được “hòa giải hòa hợp”? Ai mới là bên cần phải “hòa giải hòa hợp” với quá khứ, với nhân dân? Mà cũng chưa cần cái nhà nước cộng sản VN phải làm những việc to tát như vậy đâu, trước hết họ hãy hòa giải hòa hợp với chính người dân trong nước trước đi, họ hãy khoan dung chấp nhận những ý kiến chỉ trích, phản biện ôn hòa, hãy cho người dân được mở miệng, được phép biểu tình, được phép có những quyền tự do tối thiểu như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình v.v…đi, còn vẫn coi đất nước như tài sản riêng, coi dân như kẻ thù, hở tí là bắt, kết án hàng chục năm v.v….thì đừng nói đến chuyện họ khoan dung với bất cứ ai. 

Hòa giải hòa hợp, với cái nhìn của nhà nước cộng sản, chỉ có nghĩa là chấp nhận vô điều kiện chế độ độc tài ở VN và quyền lãnh đạo duy nhất, vĩnh viễn của đảng cộng sản. Và nếu như 95, 96 triệu người dân trong nước không có quyền gì đối với nhà nước ngoài cái quyền đóng thuế, thì người VN ở hải ngoại cũng chỉ có một cái quyền duy nhất là gửi tiền về, hoặc bỏ tiền ra đầu tư làm lợi cho chế độ. Chúng ta có thể chấp nhận điều đó không?

+Người miền Nam lứa tuổi trung niên trở lên với những cái nhìn khác nhau

Một mặt, đa số vẫn giữ nỗi đau về biến cố ngày 30.4.1975, nỗi buồn khi nhớ về VN, về xã hội miền Nam trước 1975.

Nhà thơ  Thận Nhiên từng nói, người Việt dù có trực tiếp dính líu đến cuộc chiến hay không, đều bị hậu chấn tâm lý (Posttraumatic Stress Disorder- PTSD) mà chính GS, Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng thừa nhận. Ông gọi đó là sự ám ảnh về VN.

Ông cũng nói về Ký ức tập thể:

“Biến cố 30 tháng Tư 1975, các trại cải tạo và phong trào vượt biên là ba yếu tố chính góp phần tạo nên ký ức tập thể (collective memory) của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại….Từ ký ức tập thể ấy, nảy sinh ra một sự tưởng tượng tập thể (collective imagination), ở đó người Việt Nam lưu vong hình dung mình như các nạn nhân của chế độ độc tài và là những kẻ khao khát tự do đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả để tìm lối thoát. 

Chính ký ức tập thể và tưởng tượng tập thể ấy là những chất men nối kết giúp hàng triệu người Việt Nam rải rác khắp nơi trên thế giới có một số điểm chung để hình thành nên cộng đồng lưu vong của người Việt. Trong cái cộng đồng ấy, mỗi thành viên, dù sống cách xa nhau và dù rất khác biệt, vẫn thấy mình gần gũi và vẫn chia sẻ với nhau một số phận chung”

Mặt khác, những điều này bây giờ đã trở nên rất khó đồng cảm với một số người miền Nam khác. 

Người Việt, như chúng ta thấy, là một dân tộc chia rẽ. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng vậy. Nhưng những năm vừa qua, sự khác nhau trong việc nhận định về chính trị Mỹ, trong việc ủng hộ hay chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến cho sự chia rẽ đó càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Tại Mỹ, trong khá nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Trump, người ta thường thấy có cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, được nhận ra bởi lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đặc biệt trong cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6.1.2021, sự hiện diện của cộng đồng người Việt cũng được chứng minh qua hình ảnh lá cờ vàng, bên cạnh những lá cờ, biểu tượng của các nhóm phân biệt chủng tộc, cực đoan da trắng, tân Quốc xã (neo-Nazi) v.v…

+Ghét một số người đâm ra ghét cả cộng đồng, cả chế độ VNCH, cả lá cờ vàng

Từ những hành động có phần thiếu suy xét đến hậu quả này của một nhóm người VNCH, những người Việt khác cảm thấy mất cảm tình với họ, từ đó đánh đồng tất cả người VNCH, thậm chí cả thể chế VNCH cũ, cả lá cờ vàng, và tuyên bố không muốn dính dáng gì đến cái cộng đồng ấy, đến lá cờ ấy.

Cần phải nói cho rõ, chế độ VNCH đã chết 46 năm rồi, những người lính VNCH đã ngã xuống trong cuộc chiến, hay đã tự kết liễu đời mình trong những ngày cuối cùng, hay phải chết trong trại cải tạo sau ngày 30.4.1975, cái chế độ ấy và những con người chính trực ấy hoàn toàn không có trách nhiệm gì với những việc làm, đúng hay sai, của một nhóm người “cuồng” Trump, hoặc những người nào mang danh nghĩa VNCH sau này. 

Lại có người bảo “46 năm nay rồi than khóc chưa đủ hay sao, một đội quân thua trận, hay ho gì mà cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái điều đó”?!

Lâu ngày nhiều người trong chúng ta dường như quên, cuộc chiến VN kết thúc, với người MN, đó không chỉ là thua một trận chiến mà là mất nước! Trước 1975 VNCH và VNDCCH là hai quốc gia độc lập, giống như Tây Đức- Đông Đức, Nam Hàn-Bắc Hàn, nước mất nhà tan, cộng thêm bao nhiêu bi kịch, thăng trầm, làm sao có thể bảo người khác hay ho gì mà than khóc mãi? Ngay cha ông chúng ta làm dân Chiêm Thành mất nước, vương quốc Chiêm Thành vĩnh viễn bị xóa tên trên bản đồ, dù không nói ra, không dám nói ra (vì đang phải sống trên đất VN), nhưng chắc chắn đa số người Chiêm vẫn đau buồn, kể cả hận người Việt, chúng ta có quyền bảo họ thôi buồn đau, thôi hận được không?

Cậu sinh viên du học ở Úc xé cờ vàng, chửi bới miệt thị cờ vàng và cộng đồng người Việt lưu vong tỵ nạn CS vì bị “nhồi sọ”, bị giáo dục một chiều từ bé đến lớn, lại sống trong một xã hội độc tài không được dạy cho lòng khoan dung, còn chúng ta phải khác.

Nếu cho rằng những ai ép buộc người khác phải tôn trọng cái họ yêu-từ chế độ cho tới màu cờ, là thiếu tinh thần dân chủ, thì ngược lại, chúng ta cũng nên có tinh thần dân chủ là tôn trọng tình cảm, niềm tin, nỗi đau của người khác. 

+Từ khen hết lời VNCH đến phủ nhận, xổ toẹt mọi thứ

Trở lại cuộc chiến tranh VN, gần nửa thế kỷ đã đủ độ lùi để chúng ta thấm thía rằng đó là một cuộc chiến thực sự không cần thiết. Không cần thiết là bởi vì đa số người dân MN lúc đó có muốn được “giải phóng” bởi CS không? Và rằng có nhất thiết phải thống nhất bằng con đường bạo lực, chiến tranh không? Thử nhìn lại 3 quốc gia bị chia cắt sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức-dân chủ thắng độc tài không cần phải đổ máu, Nam Hàn-Bắc Hàn mạnh bên nào phát triển theo hướng riêng của bên đó, không kéo dài chiến tranh và sau này nếu muốn thống nhất, khôn ngoan thì có thể học theo tấm gương của người Đức, còn VN-hai mươi năm triền miên nồi da xáo thịt cuối cùng độc tài thắng dân chủ, kết quả như thế nào chúng ta đã rõ. Như vậy con đường nào là ngu xuẩn nhất? Và ai mới là bên quyết chọn lựa con đường đó?

Cuối cùng thắng để làm gì, ai “giải phóng” ai, VN ngày nay là một quốc gia thành công hay thất bại, một dân tộc thành công hay thất bại, chúng ta cũng đã nói quá nhiều rồi. 

Đúng là có một số người đã tự huyễn hoặc mình khi nhớ về quá khứ, tôi cũng không ủng hộ quan điểm cho cái gì của VNCH cũng là tốt cả. VNCH như chúng ta biết, còn xa mới là một quốc gia hoàn hảo. Nhưng nếu nói như ông Trần Ngọc Cư trong bài “Con cá sẩy là con cá to” rằng:  

“Nếu muốn mô tả VNCH, tôi chỉ có thể nói rằng đó chỉ là một quốc gia bán máu mà ăn, và ăn mà không phòng hậu, ăn không trừa cặn…

Một nước mà từ hộp sữa cho con nít bú đến chiếc tàu chiến đều phụ thuộc vào viện trợ Mỹ, thì khi Mỹ chấm dứt việc cung ứng rất hào sảng của mình, nước đó sụp đổ là tất yếu. Một nước không sản xuất được một con bù lon cho ra hồn v.v…” là rất không công bằng.

Ông Trần Ngọc Cư lại bảo: 

“Một người ăn mày có chút trí khôn và liêm sỉ, nếu được kẻ khác cho 10 đô thì nên ăn 5 đô và để dành 5 đô để chuẩn bị cho ngày tự lập của mình. Trên cương vị quốc gia, nhiều nước nhờ viện trợ Mỹ mà hóa rồng hoá cọp, cũng trong thời Chiến tranh Lạnh như VN: tấm gương Đài Loan và Đại Hàn bây giờ ai cũng thấy. Đấy là không kể Tây Đức và Nhật Bản trước đó.”

Sao có thể so sánh những quốc gia không bị chiến tranh, có thời gian để xây dựng đất nước với VNCH? 

VNCH chỉ có 20 năm ngắn ngủi, chiến tranh liên miên không ngừng nghỉ một ngày, thù trong giặc ngoài, hết đám nằm vùng đánh phá, lại đến lực lượng “biệt động thành” của VC ngày nào cũng chơi trò ám sát, đặt mìn, ném bom…toàn vào chỗ đông người như rạp hát, sân vận động, nhà hàng, khách sạn… ở thôn quê thì giựt sập cầu, pháo kích vào trường học… Khó có thể mà đòi hỏi vừa xây dựng kinh tế vừa chiến đấu vừa lo sản xuất vũ khí, đạn dược để tự lực, không phụ thuộc vào bên ngoài, như nhiều người chê trách sao không tự lực, nhất là quân sự, để khỏi phụ thuộc vào Mỹ! 

Vậy mà cái chính phủ VNCH “tệ hại” ấy vẫn cố gắng giữ được cho đời sống của người dân được no đủ, tinh thần được thoải mái với một nền giáo dục tiến bộ, tự do, nhân bản, trẻ em học sinh được sống hồn nhiên với lứa tuổi mà không bị nhồi nhét lòng căm thù từ rất sớm, đại học thì được tự trị, âm nhạc, văn chương nghệ thuật tự do, vô cùng phong phú, suốt mấy chục năm qua dù từng bị đốt phá, từng bị cấm đoán, bỉ bôi, nhưng vẫn tồn tại trong lòng người, kinh tế vẫn có được một số thương hiệu Việt lừng danh một thời (từ kem đánh răng Hynos, xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, nước ngọt xá xị Chương Dương, dầu cù là Mac Phsu, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, Pin Con Ó, hãng sơn Nam Á, Hãng sơn Đồng Nai, Nhà máy giày Bata,.. cho tới xe hơi La Dalat, một loại xe hơi giá rẻ do hãng chế tạo xe hơi của Pháp Citroën thông qua công ty con là Công ty xe hơi Sài Gòn sản xuất trong giai đoạn 1970-1975 với tỷ lệ các bộ phận nội địa hóa đến năm 1975 đạt 40% v.v…, các khu kỹ nghệ như Thủ Đức, Bình Dương, Long Bình, Biên Hòa v.v…) 

Nếu muốn so sánh thì hãy so sánh miền Nam với miền Bắc vào thời điểm đó, hoặc so sánh với các nước láng giềng để thấy chúng ta thua ai bằng ai hơn ai-trong hoàn cảnh của một nước đang có chiến tranh. Trong khi đến bây giờ sau 46 năm, khoảng cách giữa VN với Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã rộng ra hàng chục, thậm chí hàng trăm năm như thế nào. 

VNCH sụp đổ, chúng ta cũng mất cả cơ hội để vượt qua giai đoạn chưa hoàn chỉnh, tiến đến một quốc gia tự do dân chủ cường thịnh, khẳng định mình trên bản đồ thế giới. 

Các nước châu Á trong khu vực ít nhiều đều phải đi qua những giai đoạn chưa hoàn thiện, những nền dân chủ khiếm khuyết, thậm chí có giai đoạn độc tài, để rồi vững mạnh, chứng tỏ được mình như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc v.v…Cái khác là họ không phải trải qua một cuộc chiến khốc liệt kéo dài và có thời gian, còn VNCH không có được, dù chỉ thêm một ngày, một tháng chứ đừng nói đến vài chục năm như vậy. 

Một khi đã chọn được mô hình đúng là đa nguyên đa đảng tam quyền pháp trị, dù nhanh hay chậm, dù hơn hay kém, một quốc gia cũng sẽ phát triển đúng hướng. Còn một khi đã chọn sai đường, sai mô hình thể chế, như VN dưới sự cai trị của đảng CS, thì nếu có phát triển cũng chỉ lệch lạc, méo mó, và nhân dân không bao giờ có thể tự do, hạnh phúc. 

+Hãy công bằng với quá khứ và hãy khoan dung với nhau

Bao nhiêu năm nay đảng và nhà nước cộng sản VN đã bóp méo, đã viết lại lịch sử theo cái nhìn của họ, còn chúng ta, những con người không chấp nhận mọi thể chế độc tài và mong muốn VN có một tương lai tốt đẹp hơn, trước hết chúng ta phải bắt đầu từ hai điều đơn giản nhất: 1. Công bằng với quá khứ. Không tụng ca cũng không phủ nhận, xổ toẹt mọi thứ. 2. Tất cả chúng ta dù đang sống ở đâu, dù có mang quốc tịch Việt hay không, dù có muốn quên hết về lịch sử, quá khứ VN, hãy khoan dung với nhau, thương yêu nhau hơn vì chúng ta là một dân tộc đã quá bất hạnh. 

Dẫm đạp lên quá khứ, bỉ bôi nỗi đau của nhau, chỉ có thể là một trong vô số những chỉ dấu về trạng thái tâm lý của một dân tộc chưa bao giờ trưởng thành.

Thật lạ lùng, CS bao nhiêu năm nay luôn bao che cho mọi cái sai trái, tội ác của nhau trước lịch sử, trước nhân dân, còn người miền Nam bao nhiêu năm nay đánh nhau, mạt sát nhau, chì chiết cả nỗi đau của nhau, bao giờ thì đủ?

Hãy khoan nói đến đảng và nhà nước cộng sản, giữa người dân với nhau, chưa sòng phẳng, công bằng với quá khứ, chưa khoan dung rộng lượng với nhau thì khó mà nói đến chuyện cùng nhau góp phần thay đổi hiện tại, hướng tới tương lai. 

SC.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here