Tin trong nước
Biển Đông
RFI có bài: Biển Đông: Việt Nam kêu gọi gia tăng nỗ lực ngoại giao. Hãng tin PTI của Ấn Độ dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại New Delhi, ông Tôn Sinh Thành, tuyên bố: “Dĩ nhiên là chúng tôi phải chuẩn bị. Bất cứ lãnh thổ nào của Việt Nam, chúng tôi đều phải bảo vệ. Chúng tôi phải bảo vệ đảo và vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Tổng thống Philippines Duterte đến Đà Nẵng, sẽ bàn về Biển Đông. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, Tổng thống Duterte tiết lộ, ông sẽ có cuộc họp song phương với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình bên lề hội nghị ở Đà Nẵng và “sẽ làm rõ quan điểm của Philippines về những tranh chấp tại khu vực“. Hôm 7/11, ông Duterte nói: “Tôi sẽ đến APEC vào ngày mai (8.11). Chúng tôi sẽ có cuộc gặp song phương và đó sẽ là thời điểm tôi làm rõ với Trung Quốc (về vấn đề Biển Đông)”.
RFI đưa tin: Biển Đông: Manila bỏ kế hoạch “dựng chòi” vì bị Bắc Kinh phản đối. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines, ông Lorenzana cho biết, tháng 8 vừa qua, quân đội Philippiness đã mang tre, lá đến một trong số ba dải đất nổi, cách đảo Thị Tứ 4,6 cây số, gần một vị trí đóng quân của Phi ở quần đảo Trường Sa, để làm chòi trú ấn cho ngư dân. Nhưng kế hoạch này đã bị Trung Quốc phản đối, nên tổng thống Philippines ra lệnh hủy bỏ.
Trang An Ninh Thủ Đô có đồ họa: Sức mạnh “Tia chớp canh biển Đông” của Hải quân Việt Nam, nói về 4 tàu tên lửa cao tốc Molniya mà Việt Nam đang chuẩn bị mua của Nga.
Mời đọc thêm: Nga tiến hành giao xe tăng T-90 cho Việt Nam (RFA). – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trao đổi về Biển Đông với Ngoại trưởng Nhật Bản (Infonet). – 5 thuyền trưởng người Việt bị Indonesia bắt giữ kêu oan (TT). – Lực lượng Bộ đội Biên phòng: Tiếp tục tìm kiếm người mất tích trên biển (KH). – TT-Huế: Xâm thực nghiêm trọng, mở thêm cửa biển mới (TP).
Quan hệ Việt – Mỹ
RFI có bài: Mậu dịch và an ninh, hai trọng tâm của Trump ở Việt Nam. RFI dẫn nguồn từ báo Asia Times, cho biết: “Tổng thống Trump viếng thăm Trung Quốc trước khi đến Việt Nam, với hy vọng thuyết phục Bắc Kinh mở cửa thị trường hơn nữa cho các nhà đầu tư Mỹ, cũng như yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ thêm trong việc ngăn chận tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cho nên có một số người lo ngại là vì muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, ông Trump sẽ hy sinh các lợi ích của Việt Nam, cũng hy sinh mục tiêu thiết lập vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
VOA đưa tin: Công ty Việt Nam vận động vũ khí ở Mỹ trước thềm APEC. Đó là công ty VTA Telecom Corporation, chi nhánh của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Mỗi tháng công ty này chi khoảng 40.000 Mỹ kim cho việc thuê công ty McDermott Will & Emery vận động về “các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và quốc phòng của Việt Nam”.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, nhận định rằng, “việc Viettel thuê một công ty vận động ở Mỹ là một diễn biến lớn và cho thấy rằng việc hợp tác về công nghệ quốc phòng rất có khả năng xảy ra”.
BBC có clip, ông Trần Việt Thái, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ là “sự kiện đặc biệt” với cả Việt Nam và các nước trong khu vực.
VOA có bài: Chuyên gia VN: Mong dioxin ‘vào’ tuyên bố chung ở APEC. Một chủ đề từng là đề tài cấm kỵ của người Mỹ đó là chất khai quang Dioxin, hay chất độc màu da cam, được một số tác giả viết thành sách và hy vọng trong chuyến thăm Việt Nam tới đây, “hậu quả của chất độc da cam dioxin sẽ là một trong những nội dung cần phải được đề cập đến. Trong tuyên bố chung giữa hai nước, nên có nội dung nói về việc khắc phục hậu quả chất độc da cam dioxin ở Việt Nam”.
Một khảo sát cho thấy những lý do vì sao người Mỹ đã từng không ủng hộ việc giúp đỡ Việt Nam: “50% cho rằng cần phải ưu tiên cho cựu chiến binh Hoa Kỳ trước, 33% nói nước Mỹ còn có những việc ưu tiên khác, 26% không tán thành vì chính quyền Việt Nam tham nhũng, 25% không ủng hộ vì chính quyền Việt Nam là chính quyền Cộng sản, 20% cho rằng Hoa Kỳ không có trách nhiệm gì trong vấn đề này, và 12% nói không có căn cứ khoa học cho vấn đề này“.
VOA cho biết: Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump không đi thăm Việt Nam. Bà Melania viết trên Instagram, rằng bà “rất mong đợi được gặp đệ nhất phu nhân các nước Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng không có nhắc đến bà Nguyễn Thị Hiền, phu nhân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang”. Tòa Bạch Ốc không loan báo lý do vì sao Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ không đi thăm Việt Nam.
Mời đọc thêm: Chủ tịch nước nói về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump (DT). – Dàn siêu xe của Tổng thống Trump lăn bánh ở Đà Nẵng (VNN). – Bật mí những “cốt cán” không theo Tổng thống Trump tới Việt Nam? (TQ).
Hội nghị APEC 2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có bài viết trên Facebook Thông tin Chính phủ: Sự trỗi dậy của một số nền kinh tế APEC không nên là sự đe dọa. Bài viết có đoạn: “Trong khuôn khổ APEC, sự trỗi dậy của một số nền kinh tế APEC không nên là sự đe dọa mà nên là những cơ hội cho xây dựng quan hệ đối tác tốt đẹp, là tấm gương sáng, bài học kinh nghiệm hay cho các quốc gia và nền kinh tế khác trên con đường dẫn tới thành công“.
Đài Tàu CRI có bài: “Đêm Trung Quốc” APEC 2017 kêu gọi các nền kinh tế thành viên tăng cường nhất thể hóa kinh tế khu vực. Một quan chức thuộc Ủy ban Xúc tiến Thương mại Quốc tế Trung Quốc, cho biết, năm nay các nhà doanh nghiệp Trung Quốc “sôi nổi đăng ký tham gia Tuần lễ APEC, tổng số người trong đoàn đại biểu vượt qua 300 người, là qui mô lớn nhất từ trước đến nay“. Được biết, các doanh nghiệp này đã tổ chức “Đêm Trung Quốc” vào tối 7/11 tại Đà Nẵng, với hơn 150 người tham dự.
Nhà báo tự do Sương Quỳnh có thư gửi các nguyên thủ các quốc gia tham dự APEC Việt Nam. Việt Nam đang trải qua những thảm họa tàn khốc, nhất là cơn bão số 12 vừa qua, đã giết chết và làm mất tích hơn 100 mạng người, hủy hoại nhiều tài sản của dân, nên tác giả kêu gọi “quý khách hãy từ chối những bữa tiệc sang trọng, những buổi liên hoan đắt tiền mà chủ nhà là những người lãnh đạo đất nước chúng tôi đang dùng tiền thuế của Nhân Dân chúng tôi đãi các vị“.
Tác giả viết tiếp: “Thiết nghĩ với tấm lòng cao cả của quý vị, việc từ chối những bữa tiệc sang trọng trong khi Đất Nước chúng tôi đang gặp thảm họa cũng là trong phép tắc của nghi lễ ngoại giao để tỏ lòng chia sẻ với đất nước chủ nhà. Mong quý vị trước khi khai mạc ngày làm việc tiếp theo của Apec hãy dành ít phút tưởng niệm những nạn nhân vừa thiệt mạng trong trận bão 12 xảy ra trên đất nước chúng tôi vừa qua”.
Báo Người Việt có clip phỏng vấn: APEC 2017: Cựu binh sĩ Hải Quân VNCH ở Đà Nẵng nói về người Mỹ. Ông Văn Đình Thà, cựu binh sĩ Hải Quân VNCH, là cư dân Đà Nẵng từ năm 1956. Ông cho rằng, “quân đội Mỹ đổ bộ vào Red Beach ở Đà Nẵng hồi năm 1965 là để giữ miền Nam Việt Nam, và lính Mỹ rất thân thiện với người dân thành phố này. Ông cũng hy vọng APEC lần này cũng như sự trở lại của người Mỹ sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người dân Đà Nẵng“.
RFI có bài: Việt Nam qua các kỳ APEC. Tác giả nhận định về những khó khăn hiện nay của Việt Nam: “Nền kinh tế ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc tạo ra thêm những cái giá phải trả về xã hội, kinh tế và an ninh khiến Việt Nam luôn phải dè chừng người láng giềng khổng lồ. Lấy lại cân bằng thông qua sự hỗ trợ và liên kết với các nhân tố quốc tế khác như Hoa Kỳ và Châu Âu thì lại phức tạp, và ngay cả quan hệ giữa Việt Nam với các láng giềng ASEAN cũng không hoàn toàn xuôi chèo mát mái”.
VOA có bài: Canada: “Không vội đạt thỏa thuận TPP ở APEC”. Thủ Tướng Canada, Justin Trudeau nói tại một cuộc họp báo ở Hà nội: “Canada sẽ không bị hối thúc để ký vào một thỏa thuận thương mại không phục vụ các lợi ích tốt nhất của Canada và nhân dân Canada”.
BBC có bài về tân thủ tướng trẻ tuổi của New Zealand: Jacinda Ardern khác hẳn các lãnh đạo APEC. Theo tạp chí Forbes, “Ardern có vị trí là người phụ nữ quyền lực thứ 13 trên thế giới. Cô từng lên tiếng về các vấn đề quan trọng với phụ nữ, như quyền phá thai, quyền có thu nhập bình đẳng với nam giới, và quyền”.
Mời đọc thêm: Vladimir Putin sẵn sàng gặp Donald Trump tại Việt Nam(Sputnik). – Điện Krenlin: Tổng thống Putin gặp Tổng thống Trump tại Việt Nam (VOA). – Toàn cảnh APEC (DV). – Hàng nghìn xe chở đại biểu APEC 2017 tại Đà Nẵng — Người Đà Nẵng đổ ra đường xem đoàn xe APEC (VNE). – APEC 2017: Người dân Đà Nẵng đội mưa xem “quái thú”(NLĐ). – APEC 2017: Đà Nẵng thông báo khẩn cho nghỉ học để đảm bảo giao thông (VTV). – Đoàn lãnh đạo thứ hai tới dự APEC 2017 tại Đà Nẵng(PLTP).
Hậu quả của cơn bão số 12
Báo Đảng Cộng sản có bài: Số người chết và mất tích do bão số 12 và mưa lũ đã lên tới 108 người. Bài báo đưa tin, tính đến 7h ngày 8/11, số người chết đã lên tới 82 người, trong đó Thừa Thiên – Huế: 09 người; Quảng Nam: 10 người; Quảng Ngãi: 05 người; Bình Định: 05 người; Phú Yên: 01 người; Khánh Hòa: 37 người; Lâm Đồng: 03 người; Kon Tum: 01 người; Đắk Lắk: 01 người và 10 người do sự cố tàu vận tải tại khu vực biển Bình Định. Số người mất tích: 26 người, trong đó Quảng Trị: 01 người; Quảng Nam: 10 người; Quảng Ngãi: 01 người; Bình Định: 05 người; Phú Yên: 02 người; Khánh Hòa: 04 người và 03 người do sự cố tàu vận tải.
Báo Người Lao Động đưa tin: Người chết do bão ở Khánh Hòa tăng lên không ngừng. Thông tin mới nhất từ Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, cho biết, hiện tỉnh Khánh Hòa có đến 42 người chết, 2 người mất tích và 138 người bị thương do bão số 12.
Blog VOA có bài của tác giả Trân Văn: Thiếu não và không tim. Mặc dù các dự án thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính gia tăng đói nghèo, vì người dân không còn đất để sống. Và những dự án thủy điện này còn là nguyên nhân khiến Việt Nam mất thêm hàng chục ngàn héc ta rừng. Quan trọng nhất là, chuyện xả nước vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn, đã giết chết nhiều người, phá hủy nhiều khu dân cư và hủy hoại tài sản của người dân. Thế nhưng, các quan chức ở đây mê thủy điện tới mức tạo cho công chúng cảm giác họ thiếu cả não lẫn tim.
Báo Lao Động có bài: Có tránh được tai họa ở vịnh Quy Nhơn? Ông Phan Xuân Hải, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, cho biết: “Điều tra là cần thiết. Có địa phương chỉ mất 1 tàu họ còn làm hung. Đằng này cả chục chiếc bị nhấn chìm kèm theo hiểm họa khôn lường“.
Cũng theo ông Hải: “Cảng vụ Quy Nhơn là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn nhưng chúng tôi không nhận được sự hợp tác đầy đủ từ họ. Họ không báo cáo, cập nhật thông tin. Cục Hàng hải Việt Nam cũng không. Cứ giả dụ là khó cứu được tàu, nhưng bảo toàn mạng sống thuyền viên thì đâu đến nỗi bó tay. Nếu được báo cáo, phương án sơ tán khẩn cấp chắc chắn sẽ triển khai. Cá nhân tôi, khi nhận tin tức tàu chìm, mới biết tình hình tuyệt vọng ở ngoài cửa vịnh”!
VTC đưa tin: Thủ tướng biểu dương người hùng dùng ca nô cứu hơn 200 ngư dân trong bão dữ. Trong bức thư gửi anh Nguyễn Bá Luân, Thủ tướng viết: “Tôi rất xúc động được biết trong khi cơn bão số 12 còn đang hoành hành, anh Nguyễn Bá Luân… và một số đồng nghiệp đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao tinh thần nghĩa hiệp, trách nhiệm và tình người sâu sắc của anh Nguyễn Bá Luân và các đồng nghiệp. Hành động cao cả, đáng trân trọng này thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta“.
Báo Dân Trí có bài: Đừng bi quan, bao điều tốt vẫn ở quanh ta! Bài viết kể về những mất mác, đau thương mà người dân phải gánh chịu khi cơn bão số 12 đi qua, cũng như tấm lòng đã chia sẻ với đồng bào gặp nạn, mà cảm động hơn cả là câu chuyện về anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam, cùng 7 đồng nghiệp đã dũng cảm lao mình ra biển, cứu hơn 200 người đang đối mặt giữa sự sống và cái chết trên biển cả.
Anh chia sẻ về chuyện đã cứu hơn 200 nạn nhân của thiên tai như sau: “Chúng tôi dùng đèn pin, đèn pha dò tìm người gặp nạn. Hơn 30 phút sau, chúng tôi đưa được những người đầu tiên bị đuối sức vào bờ. Cứ hết chuyến này đến chuyến khác, chúng tôi tiếp tục quay ra cứu các ngư dân còn lại”
TTXVN đưa tin: Ngày 8/11, tàu Trường Sa 18 của Quân chủng Hải quân, đã đưa 33 ngư dân và 2 người tử vong trên tàu cá QNa 91739 TS, gặp nạn trong cơn bão số 12, về đến quân cảng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Mời đọc thêm: 108 người chết và mất tích do bão lũ (TT). – Hơn 100 người chết do bão số 12 (RFA). – Dự báo bão 12: Trên bảo đúng, dưới nói sai(Soha). – Nga, Nhật hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 12 — Lô hàng cứu trợ thiên tai sau bão số 12 từ Nhật Bản đã đến Đà Nẵng (VTV). – Máy bay Nga chở hàng viện trợ bão lũ đến Cam Ranh (LĐ). – Ngư dân khóc ròng vì không ai mua cá “chạy lũ” (SGGP). – Tây Nguyên: Tình người sau cơn bão (TP).
Khánh Hòa: Nát tan làng bè Vạn Giã nơi tâm bão quét qua (TT). – Tang thương chồng chất sau bão dữ (LĐ). – Diên Khánh nỗ lực khắc phục hậu quả cơn bão số 12 (KH). – Sau bão số 12 ‘Tàu vỡ nát rồi, giờ biết sống sao?’ (TN). – Huy động gần 1.200 người khôi phục điện sau bão số 12 (TT). – Khánh Hòa: 90% phụ tải bị ảnh hưởng do bão số 12 đã được cấp điện trở lại (EVN).
Phú Yên: Toàn bộ nhà cửa bị bão cuốn hết ra biển, nhiều cụ già, trẻ nhỏ ở Phú Yên phải đi tá túc đủ nơi (Kênh 14). – Mất tiền tỷ sau bão, ngư dân làng chài Vũng Rô trắng tay (Zing). – Nước mắt tuôn rơi ở đầm tôm hùm lớn nhất Sông Cầu (VNN).
Quảng Nam, Đà Nẵng: Gần 1.000 bộ đội dọn dẹp Hội An sau lũ (PLTP). – Người dân Hội An đội mưa khắc phục hậu quả lũ (VNE). – CSGT Đà Nẵng giúp dọn dẹp chỉnh trang đường phố phục vụ APEC (CAND). – Chủ tịch Đà Nẵng gửi thư cảm ơn sau điều tuyệt vời người dân làm cho APEC(Soha).
Báo South China Morning Post có clip ngập lụt tại Hội An:
Thừa Thiên – Huế: Nước lũ sáng rút, chiều dâng trở lại ở Huế — Lớp bùn dày 30 cm trên đường phố Huế sau lũ (VNE). – Nước sông Hương lại lên, Huế đối mặt đợt lũ thứ 3? (NLĐ). – Lũ lột lớp nhựa đường trên mặt cầu Đập Đá ở Huế (PLTP). – Công an Thừa Thiên – Huế căng mình giúp dân sau bão (CATP).
Nhân quyền ở Việt Nam
Nhà hoạt động Lê Anh Hùng cho biết, tối qua, ông nhận được giấy triệu tập của Cơ quan An ninh Điều tra, Công an Hà Nội, mời ông đúng 8h30 ngày 9/11/2017 đến để “làm việc” về nội dung liên quan đến vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Facebooker Lê Văn Hải có clip công an TP Hà Nội đến phòng trọ dân oan kêu gọi người dân “đừng đi đến thủ tướng để kêu oan vì làm như vậy xấu hổ cho đất nước khi có sự kiện APEC!”
LS Hà Huy Sơn cho biết tin về vụ án của Hoàng Bình: Ngày 07/11/2017, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An ra quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An điều tra bổ sung.
Báo PLTP có bài: Công an chỉ được hỏi cung khi có ghi âm, ghi hình. Bộ Công an vừa công bố dự thảo thông tư cho phép công an chỉ được hỏi cung khi đã có thiết bị ghi âm, ghi hình. Trong trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì cán bộ không được tiến hành hỏi cung.
Một tiếng chuông cổ động nhân quyền hiếm hoi trong dịp APEC: Thủ tướng Trudeau nêu nhân quyền trong cuộc gặp Thủ tướng Phúc. VOA cho biết, sau cuộc họp giữa Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, một tuyên bố chung đã được đưa ra, “ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy nhân quyền tuân theo hiến pháp của mỗi nước và các cam kết quốc tế, bao gồm việc thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc và Tuyên bố phổ quát về nhân quyền”.
VOA có bài: Duterte khuyến cáo Trump chớ nhắc tới nhân quyền. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, ông sẽ nói Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump “đi chỗ khác chơi” nếu Trump nêu vấn đề nhân quyền khi hai ông gặp nhau. Ông Duterte nói với các nhà báo trước khi rời Việt Nam: “Các ông muốn đặt một câu hỏi. Để tôi cho các ông câu trả lời. Hãy đi chỗ khác chơi. Đó không phải là chuyện của ông. Đó là chuyện của tôi. Tôi lo liệu cho đất nước tôi và tôi sẽ nuôi dưỡng và phục hồi đất nước tôi để lấy lại sức mạnh”.
Mời đọc thêm: Nhiều tổ chức lên tiếng về dân chủ ở VN trước APEC (BBC).– Không có tiến bộ trong tự do tôn giáo ở Việt Nam (RFA).
Tình hình Đồng Tâm
Anh Lê Đình Công có clip tường thuật trực tiếp buổi họp hàng tuần của bà con Đồng Tâm:
Tại buổi họp này, ông Lê Đình Kình cũng như những người dân chứng kiến sự việc xảy ra hôm 15/4 ở Đồng Tâm, một lần nữa khẳng định: Ông Trần Thanh Tùng, phó trưởng Công an Mỹ Đức, là người đã đá ông Kình và đánh ông gãy chân. Sau đó công an đã còng tay, nhét giẻ vào miệng ông Kình, quăng ông lên xe như một con vật.
Người dân Đồng Tâm cũng khẳng định, không có ai tham gia “giằng co” với lực lượng công lực. Và từ khi ông Kình bị thương tật phải ngồi xe lăn đến nay, không một cán bộ nào đến làm việc với ông, cũng như dân Đồng Tâm về vụ việc này. Ông Kình và người dân Đồng Tâm phản bác toàn bộ những phát biểu của ông Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Buổi họp hôm 8/11, người dân Đồng Tâm cũng đưa ra thông điệp: Phản đối những phát biểu sai sự thật của ông Đào Thanh Hải và yêu cầu khởi tố vụ án đánh và bắt người trái pháp luật đối với ông Kình và người dân, đồng thời yêu cầu truy tố ông Trần Thanh Tùng và những người có liên quan…
Bài châm biếm trên báo Tuổi Trẻ đã bị gỡ: Cụ Kình tự rụng răng, thề luôn. Bài báo viết: “Kết luận của CA Hà Nội về vụ cụ Kình Đồng Tâm gãy chân là do… không bị ai đánh cả, khiến nhiều người không thuận. Tui thì không bức xúc vì thấy có hai khả năng xẩy ra: Một là, rất có thể, sai sót do bệnh viện. Cụ Kình gãy răng nhưng chỉ định bó bột… háng. (Tham khảo vụ chỉ định bệnh nhân nam khâu âm đạo). Và vô cùng nhiều khả năng răng cụ tự rụng. Hai là, cụ tự đập chân (mông) vào… đất. (Tham khảo vụ đập mặt vào giày và vụ đập mặt vào tay).”
Bài báo viết tiếp: “Cái này vật chứng là đất vẫn còn y nguyên. Còn nói cụ bị đánh là không có lý, truyền thống và đạo lý của người Việt Nam không ai đánh cụ già 82 tuổi cả! Thề luôn!”
Mời đọc thêm: Câu chuyện Đồng Tâm ‘nóng’ hội trường Quốc hội (TN). – Đồng Tâm: Dân họp, phản bác công an Hà Nội (BBC). – Ngày 14.11, xét xử phúc thẩm vụ sai phạm đất đai ở Đồng Tâm (TN). Lưu ý, đây là vụ án khác với vụ tranh chấp đất Đồng Sênh của dân Đồng Tâm.
Về dự thảo luật An ninh mạng
RFA có bài của tác giả Trương Duy Nhất: Dự luật an ninh mạng: “bức tường Ba Đình” & chiến thuật dọn đường cho những cuộc xâm lăng mới. Tác giả viết: “Chưa biết Google, Facebook… sẽ phản đòn sao, trước ‘bức tường Ba Đình’ vừa hăm he dựng lên bởi dự luật An ninh mạng. Với Google, Facebook… có thể chỉ thuần đơn về lợi nhuận. Nhưng với gần 100 triệu công dân Việt, đó là bức tường giam hãm tự do tư tưởng, biểu đạt và giao tiếp“.
Tác giả lưu ý về bài viết trên Luật Khoa: “Dự luật an ninh mạng: hàng Việt Nam made in China?” để cảnh báo: “Từ những điểm ‘giống’ kỳ lạ này, cộng với cuộc rước đón ông chủ Jack Ma một cách rầm rộ đến khác thường vừa qua, nhiều người đang đặt dấu hỏi về một nguy cơ lớn ở các cuộc ‘xâm lăng mới’ của người Trung Hoa mang tên Baidu, Renren, Youku, Tudou, Weibo, Baidu, Alibaba…”
Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: Hạn chế, cấm đoán người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ là kìm hãm sức phát triển của dân tộc. Bài viết có đoạn: “Hạn chế, cấm đoán người dân tiếp cận thông tin là hạn chế cấm đoán người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học công nghệ của loài người. Đó là chính sách ngu dân. Đó là kìm hãm sức phát triển của dân tộc. Chính sách đó không chỉ là đại trọng tội với một dân tộc mà còn là trọng tội với tiến bộ nhân loại“.
Liên quan đến việc báo Dân Việt gỡ bỏ bài: Nếu Facebook, Google ra đi, sự thụt lùi sẽ ở lại, nhằm ủng hộ VN làm theo cách của Trung Quốc và Bắc Hàn, khi cho đăng bài: Facebook, Google tuân thủ quy định đặt máy chủ, tại sao không? Nhà báo Huy Đức viết: “Nếu mục tiêu tối thượng của những người có học không phải là để hướng con người tới tự do, làm tất cả vì tự do thì sự học đấy chỉ biến họ thành những cỗ máy tất nhiên là không thể thông tuệ như google. Nếu trong một quốc gia mà những người có học không, trong khả năng của mình, giúp dân chúng giành giật tự do từ chính quyền lại đi tiếp tay cho chính quyền hạn chế tự do của người dân thì quốc gia đó xứng đáng ở trong vòng nô lệ“.
Cách mạng tháng 10 Nga
Facebooker Phạm Nguyên Trường tiếp tục chỉ ra ba sai lầm chết người và một lời hứa vô trách nhiệm của Karl Marx. Lần này ông nêu thiếu sót “cực kỳ quan trọng” trong công thức tính giá trị thặng dư m= GT – (C+V), đó là “Tiền lãi trả cho C và kĩ năng quản lí của người chủ hay của giám đốc điều hành doanh nghiệp“.
Theo ông Trường: “Không những Marx không thông minh hơn người mà công thức đó còn tố cáo rằng, Marx không có hiểu biết trung bình về kinh tế học, cũng như chưa từng làm gì hay buôn bán bất cứ thứ gì. Ông ta chỉ là con mọt sách tự sướng mà thôi. Không cần bất cứ công thức nào, có thể nói ngay rằng người ta chỉ bị bóc lột hay bị coi là bị bóc lột khi không được tự do hợp đồng”.
Facebooker Từ Thức có bài: Lê Nin, trí thức hay đồ tể. Tác giả điểm cuốn sách mới ra “Lénine, người sáng tạo chủ nghĩa toàn trị” cho thấy: “Lénine là người sẵn sàng gây nội chiến để chiếm chính quyền, sẵn sàng và đã thủ tiêu tất cả những đối thủ trên đường đi, bắt đầu là những đồng chí không tuyệt đối trung thành” và rằng “Lénine chỉ tin một số tay chân thân tín, những tay cách mạnh nhà nghề. Cái gọi là cuộc cách mạng tháng Mười, thực sự chỉ là một cuộc đảo chánh của phe Lénine. Sau đó, Lénine đã cho soạn kịch, dựng phim, tuyên truyền như một cuộc cách mạng được toàn dân Nga ủng hộ“.
Đánh dấu 100 năm ngày Cách mạng Tháng 10 Nga, Mỹ công bố 7/11 Ngày Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản. VOA dẫn thông cáo của Tòa Bạch Ốc nói, “ngày hôm nay, chúng ta tưởng nhớ những người đã thiệt mạng và tất cả những người tiếp tục phải chịu đựng dưới chế độ cộng sản. Trong sự tưởng nhớ và vinh danh tinh thần của những ai đã tranh đấu dũng cảm giúp làm lan tỏa tự do và cơ hội trên khắp thế giới, nước Mỹ tái khẳng định quyết tâm không lay chuyển mang ánh sáng tự do tới với tất cả những ai khao khát một tương lai tươi sáng, tự do hơn”.
BBC đưa tin: Trump chọn 7/11 là ngày ‘Tưởng niệm nạn nhân CS’. “Hôm 7/11, trong lúc ông Trump đang dừng chân ở Nam Hàn trong chuyến công du châu Á và sắp sửa thăm Việt Nam, Nhà Trắng phát đi thông cáo tuyên bố, chọn 7/11 là ngày ‘Tưởng niệm nạn nhân Cộng sản‘.” Chứ không phải là ngày kỷ niệm 100 năm CM tháng 10 Nga “mãi mãi ngời sáng” như ai kia đang mê sảng.
Thông báo có đoạn: “Trong thế kỷ qua, các chế độ cộng sản toàn trị trên thế giới đã giết chết hơn 100 triệu người và biến vô số người khác thành nạn nhân của tình trạng bóc lột, bạo động, và những hủy diệt chưa thể kể hết“.
Nhà văn Nguyễn Viện cho biết: “Tuy những ngày qua ở Việt Nam đang xảy ra bão lụt với thiệt hại nặng nề, chính quyền Hà Nội vẫn tổ chức kỷ niệm linh đình Cách mạng Tháng Mười trong lúc ở Nga thì người ta còn không muốn nhắc tới sự kiện này”.
Tác giả Lê Minh Nguyên viết về cái khổ của CSVN. Ông Nguyên viết: “Cái khổ của CSVN là không tin Mác-Lê nhưng không bỏ được Mác-Lê! Bởi lẽ nếu tin Mác-Lê thì sao lại phản bội Mác-Lê trong kinh tế? Cốt lõi của Mác-Lê là vô sản chuyên chính, là kinh tế tập trung, là giai cấp tranh đấu, trong khi CSVN đang là hữu sản chuyên chính, kinh tế tư bản, lợi ích nhóm, phát xít trong bản chất.
Nhưng nếu bỏ Mác-Lê thì lấy gì làm chính đáng tính để độc tôn quyền lực? Bỏ Mác-Lê thì phải trả quyền lực lại cho dân, nhưng quyền lực mang đến cho họ quyền lợi (qua tham nhũng) nên họ tiếp tục sinh sôi nẩy nở như ký sinh trùng sống trên cơ thể Việt Nam, chẳng là TBT CSVN Nguyễn Phú Trọng đã từng nói chống tham nhũng là ta đánh vào ta hay sao?”
Mời đọc thêm: Trump chọn Cách Mạng Tháng Mười của Nga để Tưởng Niệm Nạn Nhân Cộng Sản (SBS). – Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố chính thức liên quan đến kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng 10 (Sputnik). – Bí thư Thành uỷ Voronezh: Đảng Cộng sản sẽ trở lại lãnh đạo nước Nga (VTC). – Hoa Kỳ công bố ngày tưởng niện nạn nhân cộng sản (RFA).
Chống tham nhũng ở Việt Nam
Báo Người Việt đưa tin: Phân nửa đơn thư khiếu nại, tố cáo ở Việt Nam bị ném vào thùng rác. Báo cáo tại Quốc hội hôm 7/11, bà Nguyễn Thanh Hải, trưởng Ban Dân Nguyện của QH, cho biết: “Trong thời gian từ Tháng Tám, 2016, đến Tháng Tám, 2017, Quốc Hội nhận được 42,855 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (tăng 167 đơn so với cùng kỳ), trong đó có 28,023 đơn trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung… (chiếm 65.9%). Sau khi nghiên cứu xem xét, đã có 7,121 đơn đủ điều kiện được chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, Quốc Hội chỉ nhận được 3,591/7,121 văn bản trả lời, tỷ lệ chỉ đạt 50.43%”.
Thậm chí, ông Nguyễn Minh Sơn, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế của QH từng kêu rằng: “Có những người đã bán hết tài sản mà khiếu kiện chưa xong, có trường hợp họ đã chết chuyển sang cho đời con đi kiện tiếp”. Được biết, đa số các đơn thư khiếu nại liên quan đến vấn đề đất đai.
Facebooker Ngô Trường An viết: Đường nào cũng chết. “Tình trạng tham nhũng, bòn rút ngân sách, thâu tóm tài nguyên + đất đai… Của các quan chức từ thấp đến cao hiện nay đã hết thuốc chữa. Cả một hệ thống chính trị nhưng chẳng có một minh quân nào đủ sức mạnh để đứng ra chống tham nhũng, cứu nguy chế độ!
Cứ nhìn vào cái biệt phủ xa hoa, hiên ngang, sừng sững tọa lạc ngay trên 13ha đất nông nghiệp của quan tép riu cấp tỉnh, mà cả hệ thống chống tham nhũng của trung ương cũng bó tay thì đủ biết sức mạnh kết bè, kết phái của bọn tham nhũng nó mạnh đến cỡ nào. Bởi vậy, thà rằng, thôi thì để nó ăn, chứ mà thẳng tay tóm nó thì cả cái đống ‘dây mơ rễ má’ kia hè nhau tạo phản hoặc tố ngược lại thì chế độ này cũng toi. Bởi, có quan chức nào mà tay không nhúng chàm?”
BBC có cuộc phỏng vấn: Chính phủ kiến tạo ‘cần minh bạch’. Luật sư Lê Nết từ hãng luật LNT & Partners, cho biết: “Để hiện thực hóa ‘công khai và minh bạch, các chuyên gia chấm thầu phải là chuyên gia quốc tế để tránh lợi ích nhóm hay bị tác động bởi các yếu tố khác”.
Mời đọc thêm: Tổng Thanh tra Chính phủ kêu khó nếu mở rộng hình thức tố cáo (Zing). Vừa ngồi ghế Tổng thanh tra CP đã kêu khó rồi. – Chống tham nhũng theo cách của Tướng Cò (LĐ). – Phát phiếu thăm dò cán bộ tham nhũng: Có thực hiện được? (NĐT). – Cho phép tố cáo cán bộ công chức nghỉ hưu sẽ khiến tình hình phức tạp? (TN). – Các quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng ở Việt Nam hiện nay (Thanh Tra).
Boxit Tây Nguyên
Thanh Niên đưa tin: Lỗ nghìn tỉ, 11 bộ báo cáo về 2 dự án bauxite Tây nguyên. Về Tổ hợp bauxite – nhôm Tân Rai, Lâm Đồng, sau 3 năm đi vào hoạt động, từ tháng 10/2013 đến hết tháng 9/2016, đã lỗ 3.696 tỉ đồng. Đào tài nguyên lên bán mà cũng bị lỗ, không biết lãnh đạo nước này biết làm gì để có ăn đây? Hay là suốt ngày chỉ biết xòe tay xin tiền nước ngoài để ngồi ăn mà không bị lỗ?
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Hậu quả ngày hôm nay, lịch sử phải ghi tên ông Nguyễn Tấn Dũng và Nông Đức Mạnh là những tội đồ đối với dân tộc khi bất chấp mọi thứ, tạo hậu quả khôn lường cho đất nước. Tạm gác lại những lời bình khác không liên quan, riêng việc nhà báo Huy Đức tấn công liên tục vào ông Nguyễn Tấn Dũng, vạch mặt những sai lầm của ông ta, là cũng có lý do.
Quả là trong giai đoạn cầm quyền của ông Dũng, Việt Nam cũng có một thời kỳ kinh tế lấp lánh. Nhưng đó là loại lấp lánh của thứ phồn vinh giả tạo, mà sau đó nợ nần và thảm họa thì chồng chất lên đầu nhiều thế hệ Việt Nam“.
Tin quốc tế
Chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ
VOA có bài: Trung Quốc nghinh đón TT Trump vào ngày đầu tiên thăm Bắc Kinh. Hôm thứ Tư, 8/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã long trọng tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ở Tử Cấm Thành, nơi trước đây là cung điện của các vị hoàng đế Trung Hoa.
Tân Hoa Xã đưa tin, trong buổi trà đàm, “ông Trump đã cho ông Tập xem một đoạn video của cháu ngoại ông, bé Arabella Kushner hát nhạc Hoa và đọc thơ tiếng Hoa cổ điển, khiến cho ông Tập khen ngợi tài diễn xuất của cháu gái xứng đáng với điểm ‘A +’.”. Ông Tập liền đáp: “Ông hy vọng bé Arabella sẽ sớm tới thăm Trung Quốc, và nói thêm rằng cháu gái nhà ông Trump đã trở thành một ‘ngôi sao thiếu nhi’ ở Trung Quốc”.
BBC có bài so sánh: Trump-Tập: Khi ‘Trung Hoa mộng’ gặp ‘Nước Mỹ vĩ đại’. Tác giả nhận xét: “Không có gì ngạc nhiên khi có sự khác biệt về phong cách giữa hai ông. Ông Tập hiếm khi bắt đầu một câu bằng từ ‘Tôi’, hàm ý phẩm giá quốc gia bao trùm vai trò lãnh đạo của ông. Ông muốn thể hiện điều gì đó thiêng liêng, như ‘Giấc mộng Trung Hoa’. Vì vậy ông Tập luôn luôn xuất hiện với phong thái tỉnh táo, ổn định, bất khả chiến bại. Ngược lại, ông Trump luôn mở miệng với đại từ nhân xưng ‘Tôi’. Khi ông công du châu Á, ông bỏ lại đằng sau một nước Mỹ mà truyền thông Trung Quốc gọi là ‘khủng hoảng và hỗn loạn’.”
Về thương mại, ngày đầu Donald Trump thăm Trung Quốc: 9 tỉ đô la hợp đồng được ký. RFI cho biết, trong buổi lễ ký kết, phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đánh giá các hợp đồng này đã ‘sưởi ấm quan hệ’, trước cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ vào ngày mai. Được biết, về sự mất cân bằng thương mại, “trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất siêu qua Hoa Kỳ 223 tỉ đô la, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái”.
BBC có bài: Ông Trump ‘còn chưa có chính sách về TQ’. Dẫn lời cựu Đại sứ Hoa Kỳ, ông Max Baucus cho biết: “Chính quyền Trump không biết xử lý quan hệ với Bắc Kinh ra sao, họ còn chưa có một nhóm chuyên về Trung Quốc, để tính toán xem cách giải quyết vấn đề thương mại, như tiếp cận thị trường Trung Quốc, bảo vệ sở hữu trí tuệ”.
BBC có bài: Trump cảnh báo Bắc Hàn: ‘Đừng thử thách chúng tôi’. Trong bài diễn văn trước Quốc hội Nam Hàn, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra lời cảnh báo gay gắt tới lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un: “Thế giới không thể nhân nhượng mối đe dọa từ một thể chế xấu xa muốn hăm dọa bằng sức phá hủy hạt nhân. Tất cả các quốc gia có trách nhiệm cần phải cùng nhau cô lập chế độ bạo tàn ở Bắc Hàn, không trao cho họ bất kỳ hình thức hỗ trợ, ủng hộ, hay chấp nhận nào”.
Mời đọc thêm: Từ Seoul, tổng thống Trump cảnh cáo Bắc Triều Tiên (RFI). – Trump: Trung Quốc cần nỗ lực hơn về vấn đề Triều Tiên — TT Trump thăm Bắc Kinh, nhấn mạnh vấn đề thương mại và Triều Tiên (VOA). – Trump là ‘thượng khách’ tại Bắc Kinh (BBC). – Đón Trump, Trung Quốc ngưng các tour du lịch Triều Tiên (VOA).
Tình hình châu Á
VOA có bài: Mỹ-Nhật-Ấn tập trận tại Biển Nhật Bản. Hải quân Nhật Bản loan báo hôm 7/11: “Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tập trận 3 ngày với một khu trục hạm Nhật Bản và hai chiến hạm Ấn Độ tại Biển Nhật Bản”.
Về khủng hoảng Rohingya: Miến Điện: Áp lực Liên Hiệp Quốc bất lợi cho việc hồi hương người Rohingya. RFI dẫn cảnh báo của chính phủ Miến Điện: “Áp lực của Liên Hiệp Quốc lên Miến Điện trong cuộc khủng hoảng Rohingya có thể làm phương hại đến việc hồi hương hàng trăm ngàn người thiểu số theo đạo Hồi đang tị nạn tại Bangladesh”.
VOA đưa tin: Máy bay chiến đấu của Đài Loan mất tích trên Biển Hoa Đông. Theo tin từ không lực Đài Loan, “chiếc Mirage-2000 biến mất khỏi màn ảnh ra-đa chỉ nửa giờ sau khi cất cánh vào tối ngày 7/11 từ một căn cứ không quân ở Tân Trúc, phía nam thủ đô Đài Bắc”.
Mời đọc thêm: Nhật sắp phong tỏa tài sản 35 cá nhân, thực thể Triều Tiên(VOA). – Đảng Puea Thái kêu gọi Bangkok bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị (RFA). – Myanmar cảnh báo LHQ liên quan đến khủng hoảng Rohingya (RFA).
Tin nước Mỹ
VOA đưa tin: Đảng Dân chủ Mỹ thắng lớn trong các cuộc bầu cử ngày 7/11. Trong cuộc bầu cử tại các tiểu bang hôm thứ Ba 7/11, Đảng Dân chủ đã giành được chức thống đốc tiểu bang tại New Jersey và Virginia cũng như một loạt các chức vụ dân cử trong tiểu bang. Điều này “cung cấp một dấu hiệu sớm về quan điểm của cử tri đối với Tổng thống Trump, giữa lúc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tìm cách lấy đà trước các cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới”.
Cũng về bầu cử, Bầu cử: Đảng Dân chủ mừng đại thắng trên khắp nước Mỹ. VOA cho biết, ngoài việc giành được chức thống đốc 2 tiểu bang Virginia và New Jersey, các đảng viên Đảng Dân chủ cũng giành được nhiều vị trí dân cử tại các tiểu bang khác. Điển hình ở tiểu bang Washington, “bà Manka Dhingra đắc cử trong một cuộc bầu cử đặc biệt, dành chiếc ghế thượng viện bang Washington ở vùng Tây Bắc nước Mỹ, giúp cho Đảng Dân chủ chiếm toàn bộ quyền kiểm soát lưỡng viện tiểu bang và cả Văn phòng Thống đốc, giúp bang Washington trở thành 1 trong 3 tiểu bang đạt thành tích này, bên cạnh Oregon và California”.
VOA đưa tin: Hãng Uber sẽ tung ra ‘taxi bay’ trước năm 2020. Công ty Uber cho biết họ ký thỏa thuận với Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) để chế tạo xe taxi bay. Công ty dự kiến sẽ có chuyến “chở những hành khách đầu tiên trên những chiếc xe bay này vào năm 2023”.
Mời đọc thêm: Mỹ: Đảng Dân Chủ thắng cử tại 3 tiểu bang (RFI). – Bầu cử: Đảng Dân chủ mừng đại thắng trên khắp nước Mỹ (VOA). – Donald Trump, năm thứ nhất (RFI).
Châu Âu
RFI đưa tin: Châu Âu lại muốn lập danh sách đen các thiên đường thuế. Bộ trưởng kinh tế và tài chính các nước Liên hiệp châu Âu đã họp định kỳ hôm qua, tại Bruxelles, và phần lớn cuộc thảo luận tập trung vào việc lập ra một danh sách đen các thiên đường thuế.
Nước Mỹ trên hết trở thành nước Mỹ một mình: Hoa Kỳ trở thành nước duy nhất đứng ngoài hiệp định khí hậu Paris. RFI cho biết: “Hôm 07/11/2017 tại hội nghị COP23 ở Bonn, Đức, Syria đã loan báo ý định tham gia thỏa thuận khí hậu Paris. Như vậy nay chỉ còn lại Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất trên thế giới đứng bên lề hiệp định toàn cầu chống biến đổi khí hậu”.
VOA có bài: ÐGH Phanxicô bảo các cha cố: hãy nâng tâm hồn, chứ đừng nâng điện thoại lên. Trích lời Đức Giáo Hoàng Phanxico trong buổi tiếp kiến giáo dân hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô: “Điều đó làm tôi thật buồn khi tôi dâng lễ tại đây, ở quảng trường hay trong thánh đường. Tôi thấy có quá nhiều điện thoại giơ lên. Không chỉ các tín đồ, mà cả những linh mục, thậm chí cả các giám mục! Thánh lễ không phải là một buổi biểu diễn… Xin nhớ là không dùng điện thoại di động!”
Mời đọc thêm: Cựu chủ tịch Catalunya tố cáo châu Âu ủng hộ « đảo chính » — NATO họp về Bắc Triều Tiên, Afghanistan, và thời kỳ hậu Daech(RFI). – Mỹ tố cáo Iran trang bị vũ khí cho phiến quân ở Yemen (VOA).