BẢN ÁN ĐỖ NAM TRUNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CÒN LẠI [2]

0
54
Ngày 24/03/2022, tòa án cấp phúc thẩm tuyên giữ y bản án sơ thẩm với mức hình phạt rất nặng nề đối với ông Đỗ Nam Trung : 10 năm tù và 4 năm quản chế về tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật hình sự.

Ánh Tuyết cùng với Bong Tuyet.

Tiếp theo kỳ trước :

5. GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP:

Giám định viên. Căn cứ điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự, họ được định nghĩa “là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định”. 

Theo đó, giám định viên là một định chế tư pháp rất cần thiết trong thực hiện xét xử, kể cả dân sự, hình sự… Bằng kiến thức chuyên môn, kỹ năng hoặc được hỗ trợ bằng các phương tiện khoa học kỹ thuật … giám định viên giúp đánh giá, đưa ra kết luận về một tình trạng, một sự thật.

Ví dụ :

– Đối với tử thi, thương tích …giám định pháp y có thể chỉ ra nguyên nhân tử vong là tự nhiên, bệnh lý hoặc do bị tác động bởi ngoại nhân. Trong đó, nếu là thương tật, giám định viên có thể chỉ ra mức tỷ lệ thương tật.

– Đối với chữ ký, chữ viết, giọng nói, hình ảnh… thì giám định viên đánh giá thông qua sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học kỹ thuật chuyên dùng.

– Đối với công trình xây dựng cầu đường, công nghiệp, dân dụng … giám định viên chỉ ra các nguyên nhân hư hỏng.

Có rất nhiều lĩnh vực cần giám định tư pháp phục vụ cho pháp đình.

Với ý nghĩa đó, rõ ràng giám định viên có khả năng chuyên môn về lĩnh vực cần giám định mà luật pháp cho rằng, không có ai trong các thành phần tiến hành tố tụng hoặc tham gia tố tụng như điều tra viên, công tố viên, luật sư hoặc thẩm phán có khả năng và có quyền hạn thực hiện việc ấy.

Bên cạnh khả năng chuyên môn, về tư cách pháp lý, họ được Nhà nước chính thức bổ nhiệm chức danh giám định viên.

Thế nhưng, cũng là giám định viên, nhưng giám định viên tham gia giám định trong các vụ án hình sự khởi tố tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo điều 331 hoặc “Tuyên truyền chống Nhà nước…” theo điều 117 Bộ luật hình sự thì thật sự khác thường và khoa học hình sự thế giới không hề ghi nhận danh tính họ trong danh mục các định chế bổ trợ tư pháp ?! Vì lẽ, điều họ làm trong các vụ án hình sự kể trên, là giám định về tư tưởng, nhận thức, quan điểm chính trị của một người. 

Đối với thế giới, nhận thức, tư tưởng và quan điểm chính trị của một người như thế nào là quyền tự do của cá nhân, thế giới không đặt vấn đề cần phải giám định để xác định về chúng theo khuynh hướng nào.

Trong nhiều năm trở lại đây, hầu hết những hành vi bị cho là vi phạm điều 331 hoặc 117 là do các “khổ chủ” biểu đạt quan điểm của mình bằng phát ngôn, bài viết trên không gian mạng xã hội, gồm Facebook, Twitter, YouTube… Thế nên, các cơ quan điều tra chỉ việc tập hợp lại các bài viết, clip nói, clip hội luận … gởi đến các sở : Sở thông tin và truyền thông hoặc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch để nhờ cơ quan này giám định tư pháp xác định nhận thức, tư tưởng và quan điểm chính trị của những người “có vấn đề”.

Nếu giám định viên kết luận những phát ngôn, bài viết của nghi can “có vấn đề” bằng những câu “chết người” như :

– “Tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, 

– “Phỉ báng chính quyền nhân dân”, 

– “Tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”, 

– “Kích động kêu gọi chống đối Nhà nước CHXHCNVN”, 

– “Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm vĩ nhân, lãnh tụ”… 

thì khổ chủ của những phát ngôn, bài viết đó sẽ phải đối diện với luật pháp là điều khó tránh khỏi.

Cho nên, vào thời điểm cơ quan điều tra công bố các quyết định khởi tố bị can, bắt giữ, tạm giam, khám xét là khi đó, tập tài liệu quan trọng nhất, mang tính cách quyết định là tập Kết Luận Giám Định do các giám định viên thực hiện đã có sẵn trong hồ sơ vụ án. 

Thế thì giám định viên tư tưởng, nhận thức, quan điểm chính trị là ai ? Họ có chuyên môn gì trong giám định để đưa ra những kết luận giám định “chết người” ?

Giám định viên sẽ được bổ nhiệm từ cán bộ của hai sở : Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. 

Trong đó, các vụ án có liên quan đến yếu tố an ninh quốc gia, thì tài liệu giám định sẽ được chuyển đến Sở Thông tin và Truyền thông để nơi này cử giám định. Còn lại sẽ thuộc thẩm quyền của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Các vụ án gần đây xét xử ông bà Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Phạm Thị Đoan Trang, Đỗ Nam Trung, Lê Văn Dũng (Dũng Vova) hoặc ông Trần Văn Bang sau này … thì tài liệu về họ do Sở Thông tin và Truyền thông  cử giám định tư pháp. Với các vụ án không có yếu tố an ninh quốc gia như TTBL hoặc bà NPH bị khởi tố, tài liệu về họ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cử giám định tư pháp. 

Trở lại vụ án xét xử ông Đỗ Nam Trung. Tại tòa, trước cáo buộc của cơ quan truy tố về tội danh theo điều 117 Bộ luật hình sự, ông Đỗ Nam Trung khẳng định mình không phạm tội. Ông cho rằng mình đang thực hiện quyền tự do NGÔN LUẬN theo điều 25 của Hiến pháp quy định. 

Vậy thì ranh giới nào của một bên là quyền tự do ngôn luận theo điều 25 hiến pháp và một bên là vi phạm vào điều 117 BLHS ? Với hồ sơ vụ án cho thấy : Ranh giới ấy được giao cho các giám định viên tư pháp xác định. 

Vậy thì họ đã có khả năng chuyên môn nào ? Phương pháp gì ? để cho ra những kết luận giám định về nhận thức, tư tưởng, quan điểm chính trị của một người ?

Căn cứ vào tập Kết luận giám định, họ ghi phương pháp thực hiện giám định là : Tổng hợp, thống kê, phân tích và đối chiếu các trang tài liệu. Thật ra, đây cũng chính là các phương pháp mà các điều tra viên, kiểm sát viên, luật sư và cả thẩm phán đang thực hiện trong công việc của mình cả. Cho thấy, thật ra cái gọi là “kiến thức chuyên môn” theo điều 68 BLTTHS đối với giám định viên tư tưởng chỉ là tấm thẻ giám định viên được Nhà nước công nhận mà thôi. 

Từ xuất xứ thành lập có so chiếu với học lý khoa học hình sự thế giới, phương pháp làm việc và kết quả  thực tiễn… Cho nên, luật sư thường giữ quan điểm phủ nhận tập Kết luận giám định của các giám định viên về tư tưởng, nhận thức và quan điểm chính trị. 

Không chỉ thế, đồng thời, luật sư đề nghị tòa án không tự hạn chế thẩm quyền của mình là chỉ xét xử vụ án trong phạm vi hồ sơ truy tố của viện kiểm sát, mà đề nghị tham chiếu điều 265 Bộ luật tố tụng hình sự ra văn bản kiến nghị với cơ quan lập pháp để xem xét lại sự tồn tại của các tội danh theo điều luật 331, 117 Bộ luật hình sự và định chế giám định tư pháp thuộc hai sở, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đề nghị của luật sư không có gì nằm ngoài mục tiêu giúp luật pháp về hình sự và tố tụng hình sự của Việt Nam này càng tiệm cận hơn với chuẩn mực của học lý khoa học hình sự quốc tế. Cũng theo đó, pháp đình Việt Nam cũng không còn là nơi để các “thế lực thù địch” có thể chỉa mũi dùi phê phán nữa.

Phần 5 về vấn đề Giám định tư pháp như vừa trình bày trên là một phần trong bài biện hộ của luật sư cho ông Đỗ Nam Trung. Chúng cũng chịu chung số phận bị bác bỏ bởi tòa án cấp phúc thẩm.

Phần phụ : ÁP DỤNG KHÔNG ĐÚNG ĐIỀU LUẬT 

(Điều 88 BLHS năm 1999 hay điều 117 BLHS năm 2015)

Còn nữa

Saigon, tháng 04/2022

LS Đặng Đình Mạnh

——-//——-

Link bài 1 : BẢN ÁN ĐỖ NAM TRUNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CÒN LẠI [1]

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=5678557815494036&id=100000196227302

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here