Bà Mẹ Da Đen: Cách tôi chuẩn bị cho các con trai mình đối phó với sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ

0
29
Tomiko Shine cầm tấm ảnh của Tamir Rice trong một cuộc biểu tình tại Washington, D.C., ngày 1 tháng 12, 2014. Tamir đã bị cảnh sát giết chết hồi tháng 11 năm 2014 trong khi chơi với một khẩu súng bắn bằng hơi bên ngoài một trung tâm giải trí ở Cleveland.

Chúng ta bảo vệ con cái mình vì nước Mỹ không bao giờ nhận thức được rằng tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng.

Meme Kelly, ngày 9 tháng 7, 2020

Translated from The Christian Science Monitor article A Black mom knows: How I prepared my sons for racism in America

Tomiko Shine cầm tấm ảnh của Tamir Rice trong một cuộc biểu tình tại Washington, D.C., ngày 1 tháng 12, 2014. Tamir đã bị cảnh sát giết chết hồi tháng 11 năm 2014 trong khi chơi với một khẩu súng bắn bằng hơi bên ngoài một trung tâm giải trí ở Cleveland.

Ba con trai của tôi đều cao chót vót so với các bạn học cùng lớp lớp bốn và lớp năm của chúng. Các con tôi được thừa hưởng chiều cao này từ cha mẹ. Cha đã từng chơi bóng rổ cho trường đại học UCLA còn tôi thì cao gần 5 feet 9 inch. Tối trước khi các con tôi đi Los Angeles chơi, tôi quyết định đây là lúc mình cần “nói chuyện” với chúng. 

Các cha mẹ da đen thường có buổi “nói chuyện” này với các con mình lúc chúng còn nhỏ để chỉ những điều chúng phải biết để giữ an toàn khi ra đường. Đó là một cuốn cẩm nang về cách đối xử thế nào khi gặp cảnh sát hoặc các nhà chức trách để họ không cảm thấy bị đe dọa bởi màu da nâu của mình: Đừng phóng qua cửa các hàng quán. Đừng phá phách người lớn. Đừng làm những điều gì trái với pháp luật. Nếu gặp cảnh sát, đừng có những cử chỉ hùng hổ. Giữ hai tay yên, không động đậy. Cho họ biết một cách nhỏ nhẹ mình là một học sinh giỏi và xin phép được gọi điện thoại cho mẹ mình.

Lúc đầu, các con tôi cười nắc nẻ. Chúng cho là tôi nói giỡn chơi. Tại sao mình phải làm những chuyện mà các bạn da trắng của mình không cần làm chỉ vì màu da của mình khác với họ. Khi tôi khẳng định rằng mình cần làm như vậy, chúng đã khóc lên. “Tụi con ngoan ngoãn và học giỏi với điểm cao mà.” Chúng tiếp tục than “Tụi con được nhiều bạn trong trường thích và chơi thể thao hay nửa.” Tụi con không muốn nghĩ ngợi về màu da của mình.

Tôi trấn an các con mình rằng chúng đã không làm gì sai. Rằng chúng là những đứa trẻ tuyệt vời. Rằng tôi rất tự hào khi được làm mẹ của chúng. Tôi ôm các con tôi và thủ thỉ “Làn da nâu của các con là đẹp nhất trên đời này!”

Hết khóc, các con trai của tôi hứa sẽ ngoan ngoãn khi đi Los Angeles chơi. Chúng cam kết sẽ có trật tự, không gây sự chú ý quá đáng cho mình. Chúng cam kết nếu gặp cảnh sát, chúng sẽ bình tĩnh, để hai tay ra cho họ thấy rõ và không làm gì khiến cảnh sát cảm thấy bị đe dọa.Tôi dặn dò kỹ nhất đứa con trai lớn của tôi. Cháu cần phải nói ngay rằng mình bị tự kỷ và cần được hướng dẫn rõ ràng hơn khi bị hỏi chuyện.Tôi tập với cháu cách giữ yên hai tay mình. 

Trước khi lên giường, tôi tin chắc rằng các con tôi sẽ làm hết khả năng của mình để đi chơi và về nhà bình an ngày hôm sau. Lúc hôn và chúc các con ngủ ngon, tôi cho chúng thêm một niềm hy vọng rằng:”Người Mỹ phần lớn là người tốt và họ sẽ thấy được cái bản chất tốt đẹp trong các con thay vì cái màu da bề ngoài.”

Sau khi cả nhà đi ngủ tôi đã khóc trong màn đêm thanh lặng. Tôi nghe vang vãn giọng nói nhỏ nhẹ của Mẹ Tôi, Big Mama, người chỉ học lên đến lớp bốn thì phải nghỉ để đi làm việc nội trợ cho các gia đình da trắng ở miền Nam. Tôi nhớ lại những dấu hiệu “dành riêng cho người da trắng” mẹ đã phải vượt qua để đến Michigan và lấy được bằng tiến sĩ giáo dục năm thập niên 1960 và trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên làm tổng giám đốc các trường thuộc địa hạt Compton Unified District.

Tôi vẫn nghe thấy giọng nói của mẹ thì thầm trên giường bệnh, “Mẹ mệt lắm” trước khi qua đời lúc 67 tuổi vì căn bệnh ung thư dày vò bà cả chục năm. Tôi khóc khi nghĩ về vụ bạo loạn Rodney King và cái tiệm 7-Eleven gần nhà tôi đã nổ cháy ngay sau khi tôi vừa mua được sữa cho con trai út.

Một bà mẹ da đen biết rằng mình không thể trông cậy xã hội thay đổi về sự phân biệt chủng tộc được. Nhiệm vụ của người mẹ là vừa che chở các con trai mình và vừa cho chúng biết rằng mình vẫn thương yêu làn da nâu của chúng. Mình giải thích cho chúng rằng phân biệt chủng tộc là phi lý và một mặt khuyến khích những đứa con da nâu của mình có thể trở thành bất cứ những gì chúng muốn làm khi lớn lên. Tình thương dành cho các con mình là dạy cho chúng biết sự thật phũ phàng rằng người ta sẽ khinh thường, chà đạp, hạ nhục chúng vì làn da nâu của chúng trên đất nước mà chúng yêu thích này. Dạy cho chúng biết rằng chúng có thể phải đối đầu với sự phân biệt chủng tộc khi đi ngắm chim, nghe nhạc trong xe hơi, đi dạo ngoài đường, hoặc lái xe đi làm. 

Chúng ta bảo vệ con cái mình vì nước Mỹ không bao giờ nhận thức được rằng tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng. Đối với một người mẹ da đen, Mỹ là một đất nước được xây dựng trên mồ hôi và sức mạnh của những người đàn ông nô lệ da đen, những người đã xây dựng Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC. Một đất nước không bao giờ cắt bỏ hoàn toàn xiềng xích nô lệ, không bao giờ đập nát các tượng đài của Liên minh, và không bao giờ trên thực tế, hoàn toàn xóa bỏ hẳn sự phân biệt. Một đất nước đã cố gắng rửa sạch lịch sử đẫm máu của mình, nhưng hậu quả là một đất nước bệnh hoạn với cơn dịch phân biệt chủng tộc. Một đất nước cần được hàn gắn lại.

Nhưng dù khó khăn đến đâu, các bậc cha mẹ da đen vẫn phải có một cuộc “nói chuyện” với con mình. Chúng ta phải sống chung với nghịch lý rằng mình phải bảo vệ con cái khỏi sự phân biệt chủng tộc ở trên đất nước mà chúng ta yêu. Và vì vậy, tôi cầu nguyện đất nước yêu dấu này sẽ cảm nhận được cái tình thương tôi dành cho các con tôi. Những đứa trẻ tuyệt vời xứng đáng với lòng tự hào của mẹ chúng và đất nước của chúng. 

Meme Kelly là một nhà văn và bà có ba người con trai. Người trẻ nhất là phụ tá cho các nhà sản xuất phim ở Hollywood, người thứ hai là một giám đốc cao cấp của ngành tiếp thị, người con lớn với bệnh tự kỷ nhưng rất yêu đời thích làm việc thiện nguyện và làm việc bán thời gian.

Translation by Paul Nguyen

Copy edits by Jessie Le