Ngày 17-11-2020
Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đã nín thở theo dõi kết quả đếm phiếu cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ với những cập nhật liên tục trên báo chí, khiến không khí đã hồi hộp càng thêm căng thẳng. Tại sao và từ bao giờ báo chí đóng vai trò quan trọng này?
Kết quả bầu cử tổng thống chỉ thật sự rõ ràng sau khi tất cả lá phiếu hợp pháp được đếm đầy đủ và chứng nhận bởi bộ trưởng bộ nội vụ (secretary of state) tại mỗi tiểu bang. Nhưng vì Hoa Kỳ không có một cơ quan kiểm phiếu cấp liên bang, mỗi tiểu bang phải tự kiểm soát lấy cũng như đặt ra luật bầu bán riêng. Sau khi việc đếm phiếu hoàn tất, số phiếu đại cử tri (electoral vote – EV) của tiểu bang trên nguyên tắc sẽ thuộc về ứng viên được nhiều phiếu phổ thông nhất. Và như đã biết, ứng viên nào cán mốc 270 phiếu EV trước coi như thắng trận. Tất nhiên với 50 tiểu bang từ Maine cho tới Hawaii, cách nhau cả chục múi giờ, nếu phải chờ đến khi đếm không còn sót lá phiếu nào thì có thể sau vài tuần người dân mới biết kết quả.
Theo quy định của liên bang, hạn chót để các tiểu bang tổng kết số phiếu là sáu tuần sau ngày bầu cử toàn quốc. Ngày ấy các đại cử tri tại mỗi bang phải họp để bỏ phiếu cho tổng thống. Năm nay ngày đó là 14 tháng 12. Đại cử tri là những người có uy tín trong cộng đồng, được chọn bởi đảng thắng cử. Chẳng hạn như năm nay Texas sẽ có 38 đại cử tri thuộc đảng Cộng Hoà, California có 55 đại cử tri đảng Dân Chủ v.v. Những lá phiếu của họ sẽ được ghi vào sáu tờ biên bản, sau đó đưa cho thống đốc và bộ trưởng bộ nội vụ chứng nhận. Trong vòng 9 ngày các tờ biên bản đó phải tới tay chủ tịch Thượng Viện và quản thủ Viện lưu trữ Quốc gia. Vào ngày 6 tháng 1, 2021, Quốc Hội sẽ có một buổi họp để kiểm điểm các tờ biên bản ấy và đếm phiếu đại cử tri của 50 tiểu bang. Sau khi đếm xong chủ tịch Thượng Viện, tức Phó Tổng Thống, sẽ tuyên bố người thắng cử cho nhiệm kỳ tới. Ba tuần lễ sau sẽ có buổi lễ nhậm chức cho vị tân tổng thống — hoặc đương kim tổng thống nếu ông/bà ta tái đắc cử.
Tính đến ngày 14-11-2020, ông Joe Biden đã giành được 306 phiếu cử tri đoàn (so với 232 của Donald Trump) – theo gần như tất cả hãng tin, trừ AP. Sở dĩ AP chưa “gọi” Georgia để nâng số phiếu cử tri đoàn lên 306 cho Biden như các hãng tin khác, mà vẫn giữ ở con số 290, là vì – như AP giải thích – theo luật bang Georgia, khoảng cách chênh lệch dưới 0,5 điểm phần trăm sẽ buộc phải đếm lại. Tuy nhiên, số phiếu còn lại chưa đếm là không đáng kể và chắc chắn Biden thắng Georgia. Có năm bang mà Trump chiến thắng năm 2016 đã bị Biden giật lại phiếu trong năm nay: Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin.
Trình tự đó cho thấy muốn xác quyết ai thắng cuộc, dựa theo Hiến Pháp 1789, cần rất nhiều thời gian. Nhưng bắt đầu từ thập niên 1840, với sự phát minh của ngành điện tín, người ta có thể nhận được tin tức từ các bang xa xôi sớm hơn. Các tờ báo lớn có thể báo cáo kết quả đếm phiếu nhanh hơn. Để tránh xảy ra tình trạng kết quả tại một bang có thể ảnh hưởng đến cử tri ở bang khác, năm 1848 Quốc Hội ban hành một đạo luật bắt buộc mọi tiểu bang phải tổ chức bầu cử cùng một ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11. Sở dĩ tháng 11 là vì khi ấy nông dân đã xong việc đồng áng. Còn thứ Ba là ngày tiện nhất cho họ vì thứ Tư là ngày chợ phiên, nhiều nhà nông ở vùng xa phải mất cả ngày thứ Hai để đi đến phòng đầu phiếu, và sẵn tiện mang đồ ra chợ bán ngày hôm sau luôn thể.
Mùa bầu cử 1848, hiệp hội báo chí Associated Press bắt đầu tiên đoán kết quả bầu cử bằng các phương pháp toán học và thống kê. Họ gởi người đến các địa điểm đếm phiếu để báo cáo liên tục về tòa soạn. Tại tổng hành dinh, các nhà toán học tính toán xác suất thắng thua của các ứng cử viên dựa trên những yếu tố như thành phần cử tri, bao nhiêu người đã ghi danh nhưng chưa bỏ phiếu, họ sẽ đến từ vùng nào v.v. Một khi thấy ứng cử viên đang thua không còn đường gỡ, AP sẽ tuyên bố người thắng cử. Nếu thấy cuộc đua quá sát nút, họ sẽ nói “too close to call”; nếu thấy còn quá sớm để xác quyết họ sẽ gọi cuộc đua “too early to call”. Mặc dù tuyên bố của AP không phải là kết quả chính thức, nhưng kinh nghiệm cho thấy xưa nay lúc nào họ cũng đúng.
Qua thời gian, AP ngày càng tinh vi và quy mô hơn trong cách tiên đoán kết quả. Đội ngũ của họ ngày nay lên đến vài ngàn người. Tại mỗi county, AP có ít nhất một nhân viên túc trực để báo cáo trực tiếp. Tại mỗi tiểu bang họ có một chủ biên chịu trách nhiệm tuyên bố người thắng cuộc. Làm việc với người chủ biên là một nhóm phân tích gia đầy kinh nghiệm về tình hình chính trị của tiểu bang đó. Họ nắm rõ các thông số từ các mùa bầu cử trong quá khứ, thành phần cử tri có thay đổi hay không, thói quen đi bầu của họ ra sao – bầu sớm, bầu qua bưu điện, bầu vào ngày đầu phiếu v.v. Đứng đầu các chủ biên cấp tiểu bang này là vị tổng biên tập, đây là người duy nhất được thay mặt AP tuyên bố ai SẼ thắng cử tổng thống, dựa trên các công thức toán học.
Đáng ghi nhận là AP không chỉ gọi các cuộc tranh cử tổng thống. Họ theo dõi luôn cả các cuộc tranh cử cấp thấp hơn như ghế Thượng Viện, Hạ Viện, Thống Đốc, Nghị Viện tiểu bang v.v. Mùa bầu cử 2020 này AP gọi hơn 7.000 cuộc tranh cử khác nhau trên toàn quốc.
Ngày nay AP không còn là cơ quan truyền thông duy nhất làm công việc tiên đoán bầu cử nữa; các tờ báo lớn như New York Times, Chicago Tribune… và những đài TV như Fox hay CNN cũng có những dịch vụ tương tự. Mỗi hãng tin đều có kết nối với những hệ thống kiểm phiếu tại từng tiểu bang và kết quả được cập nhật liên tục đều dựa vào những nguồn này. Do đó, người ta thấy rằng các con số cho thấy kết quả ở từng thời điểm cụ thể của các hãng tin có khi không trùng nhau và với người dân Mỹ thì điều này chẳng có gì bất thường. Sự khác nhau này chỉ là vì các hãng tin cực kỳ thận trọng trong việc xác định việc kiểm đếm. Một khi họ chưa đảm bảo tuyệt đối mức độ chính xác của việc kiểm đếm thì họ chưa “call”.
Với AP, nhờ đội ngũ chuyên gia hùng hậu và bề dày kinh nghiệm, những gì họ công bố liên quan việc kiểm đếm luôn được xem là tiêu chuẩn vàng, được vô số cơ quan truyền thông khác dựa theo để dự phóng (project) kết quả bầu cử. Có thể nói không sai là một khi AP đã tuyên bố ai đó thắng thì trận đấu coi như vãn tuồng. Ngược lại, nếu AP chưa gọi thì người đang thua vẫn còn ít nhiều hy vọng.
Bạn đọc có lẽ thắc mắc, vậy các tờ báo có gọi sai cuộc bầu cử tổng thống nào chưa. Câu trả lời là “Có”, hai lần. Lần đầu là giữa Thomas Dewey và Harry Truman năm 1948. Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Dewey sẽ thắng lớn. Nhật báo Chicago Tribune tung ra ấn bản sớm với tít thật lớn “Dewey hạ thủ Truman”, mặc dù một số tiểu bang quan trọng vẫn chưa ngã ngũ. Kết quả là ngày hôm sau Tribune bị hố nặng — Truman lội ngược dòng để thắng đậm với tỉ số 303-189. Lần thứ nhì là cuộc tỉ thí đầy kịch tính giữa Al Gore và George W. Bush năm 2000. Hầu hết các tờ báo và đài TV đều bắt Al Gore thắng bang Florida dù đang có kiện tụng tơi bời. 37 ngày sau ngày bầu cử, Tối Cao Pháp Viện ra quyết định 5-4 buộc Florida phải ngừng đếm phiếu trước ngày các đại cử tri họp bầu. Khi ấy tại Florida, ông Bush đang dẫn trước ông Gore vỏn vẹn 537 phiếu. Nhờ 25 phiếu đại cử tri của Florida vào phút chót mà ông Bush đoạt được 271 EV, đủ để đắc cử. Trong hai trường hợp nói trên AP đều không cho kết quả sai. Trong vụ Bush vs Gore AP đã không tuyên bố ông Gore thắng Florida mà chỉ gọi nó là “too close to call”.