Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International) gửi thư ngỏ ngày 23/5/2017 kêu gọi Việt Nam thả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Trần Huỳnh Duy Thức, người bị tù cách đây tròn 8 năm với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền.
Cha của ông Thức là ông Trần Văn Huỳnh nói với BBC trong tám năm qua, gia đình ông đã nhiều lần nộp đơn xin xét lại bản án “oan sai” này, nhưng đều bị giới chức khước từ.
Ông Thức là tù nhân duy nhất trong vụ án ‘Lê Công Định và những người khác’ vẫn còn ở lại trong tù, các thành viên khác là các ông Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung đã được trả tự do trong những khoảng thời gian khác nhau.
Tổ chức Ân xá Quốc tế trong những năm qua đã nhiều lần gửi thư cho chính phủ Việt Nam về trường hợp của ông Thức nhưng “chưa nhận được bất cứ phản hồi nào”, đại diện của Amnesty, bà Janice Beanland nói với BBC.
Vì sao ông Thức ‘không muốn sống lưu vong’?
Trần Huỳnh Duy Thức bị ‘lao động cưỡng bức’
Trong thư ngỏ gửi Bộ trưởng Công an Tô Lâm hôm 23/5, Ân xá Quốc tế viết: “Phiên xét xử của Trần Huỳnh Duy Thức không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cho một phiên tòa công bằng, coi nhẹ giả định vô tội và quyền được bào chữa.”
“Việc truy tố không cung cấp được bằng chứng nào để chứng minh cho bản cáo trạng,” nội dung thư nhấn mạnh.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng mà ông Thức đang bị giam giữ và về việc ông bị chuyển trại nhiều lần mà gia đình không được thông báo trước.
‘Đối xử hà khắc’
Đại diện của Ân xá Quốc tế, bà Janice Beanland, nhà vận động cho Việt Nam, Lào và Campuchia, cho BBC biết qua email rằng với việc gửi thư ngỏ, Amnesty hy vọng Việt Nam sẽ “suy xét một cách nghiêm túc việc trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức”.
“Ít nhất họ cũng nên đảm bảo điều kiện giam giữ ông Thức được cải thiện, và ông phải được chăm sóc y tế một cách đúng mức.
“Việc các nhà hoạt động như ông Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt giam rồi phải chịu điều kiện và cách đối xử hà khắc là điều không chấp nhận được, và là trái với luật quốc tế về nhân quyền,” bà viết.
“Việt Nam đang không thực hiện trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền được nêu rõ trong những hiệp định quốc tế mà họ đã ký kết.”
‘Thăm hỏi khó khăn’
Ông Trần Văn Huỳnh cho BBC hay trong chuyến đi thăm nuôi gần đây nhất hồi tháng Tư, do điều kiện ánh sáng trong buồng giam không tốt nên thị lực của con trai ông bị ảnh hưởng.
Việc ông Thức cho biết “có hiện tượng ruồi bay ở mắt” khiến gia đình rất lo ngại sẽ “ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Huỳnh nói.
Được biết ông Thức vẫn còn có thể đọc sách và viết thư về nhà từ trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An, “nên gia đình cũng đỡ lo một phần”.
Ông Huỳnh nói với BBC rằng việc đi thăm nuôi con trai ông trở nên khó khăn hơn nhiều từ khi ông Thức bị chuyển tới Nghệ An hồi tháng 5/2016.
Trước đây, khi ông Thức bị giam ở trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai) và Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu), gia đình có thể đi thăm trong ngày. Nay, khoảng cách lên tới 1.400 km nên gia đình phải đi máy bay với chi phí “rất tốn kém”, ông Huỳnh nói.
Bà Janice cho BBC biết Ân xá Quốc tế chưa nhận được phản hồi từ phía giới chức Việt Nam về thư ngỏ mới nhất này.
“Các bức thư ngỏ chủ yếu là gửi đến giới chức nhưng cũng là để thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền, gia đình và bạn bè của họ cũng như các nhà hoạt động khác đang vật lộn để hành động theo niềm tin của họ trong hoàn cảnh khó khăn.
“Chúng tôi sẽ rất vui nếu chính quyền Việt Nam có phản ứng – nhất là bằng việc thả ông Thức,” bà Janice nói.