The Interpreter
Trong 40 năm, hai nước đã vô tình có một mối quan hệ kinh tế mật thiết.
Thomas L. Friedman, ngày 23 tháng 6, 2020
Translated from New York Times article “China and America are Heading Toward Divorce.”
Câu chuyện mà tôi thích nhất trong cuốn sách của John Bolton về chuyện ngôi Nhà Diễu Dở Trump – xin lỗi, Nhà Trắng – là Tổng thống Trump đã kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc hãy mua nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ để ông lấy phiếu của nông dân giúp ông tái đắc cử.
Donald: Đừng van xin nữa và đừng lo vì cả Tập Cận Bình và Vladimir Putin đều quyết định bỏ phiếu cho ông rồi.
Họ biết rằng chừng nào ông còn là tổng thống thì nước Mỹ vẫn còn hỗn loạn. Đối với Tập, điều đó có nghĩa là chúng ta không còn là một đối thủ kinh tế đáng gờm nữa và đối với Putin, điều đó có nghĩa là Hoa kỳ không còn là một mô hình dân chủ hấp dẫn đối với dân Nga nữa. Cả hai đều biết rằng chừng nào ông còn là tổng thống Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ có thể liên kết với các đồng minh toàn cầu để chống lại họ, sự liên kết là điều Trung Quốc lo ngại nhất cả về thương mại, nhân quyền và Covid-19, Nga lo sợ về Ukraine và Syria.
Đây không phải là những gì tôi nói mà là từ Zhou Xiaoming, cựu phó đại diện trong phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc tại Geneva, nói với Peter Martin của cơ quan truyền thông Bloomberg: Nếu Biden thắng cử, tôi nghĩ điều này nguy hiểm hơn đối với Trung Quốc, bởi vì ông ta sẽ liên kết với các đồng minh để nhắm vào Trung Quốc, trong khi Trump thì phá hoại các liên minh của Hoa Kỳ.
Martin báo cáo, Trung Quốc nhìn thấy một liên minh thống nhất về thương mại hoặc nhân quyền của Hoa Kỳ với các đồng minh là tài sản lớn nhất của Washington để ngăn chận sự bành trướng của Trung Quốc, trong khi hành vi phá vỡ khối liên minh của Trump đảm bảo sự ngăn chận sẽ không bao giờ xảy ra.
Trong khi Trung Quốc nghĩ rằng họ không có gì phải lo sợ và sẽ có lợi nhiều nếu Trump thắng Joe Biden, nhưng câu chuyện thực sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới là nguyên do làm Bắc Kinh đề phòng.
Câu chuyện đó là thế đứng của Trung Quốc ở Mỹ ngày nay thấp hơn bất cứ lúc nào kể từ biến cố Thiên An Môn năm 1989. Câu chuyện là nếu Trung Quốc mua thêm một ít đậu nành và máy bay Boeing của Hoa kỳ, điều đó cũng không khắc phục được các vấn đề mà Bắc Kinh đang có tại đây. Câu hỏi thực sự mà Trung Quốc nên tự đặt ra không phải ai sẽ là Tổng thống tiếp theo của Mỹ, mà là: Ai ở Trung Quốc đã làm mất nước Mỹ?
Vì câu chuyện thực tế là Hoa Kỳ và Trung Quốc đang sắp sửa ly dị.
Nguyên nhân ly dị trên giấy tờ chỉ là sự khác biệt không thể hòa giải. Nhưng người trong cuộc biết rõ hơn. Họ đang ly hôn bời vì sau 40 năm là một cặp đôi với hai hệ thống, Trung Quốc thì quá mưu mẹo còn Hoa kỳ thì quá kém cỏi.
Dù thương hay ghét, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được tạo ra từ năm 1979 đến năm 2019 đã mang lại sự thịnh vượng cho rất nhiều người và sự bình yên tương đối cho toàn thế giới và mọi người sẽ thấy nhớ khi nó không còn nữa.
Một thời kỳ kinh tế kết hợp không có gì sôi nổi, thời gian này (từ 1979) kinh tế Trung Quốc tương đối bình bình và sau đó nhanh chóng phát triển sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, bất kỳ doanh nhân Mỹ nào cũng muốn mua hàng từ công ty Trung Quốc hay muốn chuyển dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc. Bất cứ trường đại học nào ở Mỹ cũng muốn mở một chi nhánh Đại học ở Trung Quốc, và bất kỳ công ty công nghệ nào của Hoa Kỳ cũng muốn mở một trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc hoặc mướn một nhà khoa học Trung Quốc.
Bất kỳ sinh viên Trung Quốc nào cũng muốn đi du học ở Mỹ, bất kỳ công ty nào của Trung Quốc đủ tiêu chuẩn cũng muốn niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York, hoặc đầu tư hoặc mua một công ty Mỹ.
Bốn mươi năm kết hợp vô thức này làm tổn thương một số công nhân, mang lại lợi ích cho nhiều người khác và đặc biệt là người tiêu dùng được hưởng lợi; nó cũng làm mất đi sự cạnh tranh giữa một quốc gia hùng mạnh nhất thế giới và một quốc gia quan trọng đang vươn lên và cho phép họ hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế sau năm 2008.
40 năm kết hợp vô thức này đã qua. Chúng ta vẫn sẽ giao dịch, vẫn quan hệ ngoại giao; khách du lịch vẫn sẽ đến và đi; Các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn sẽ phải buôn bán tại thị trường khổng lồ Trung Quốc, bởi vì họ phải sinh tồn.
Sự kết hợp vô thức đã qua, vì vậy sẽ có nhiều rào cản hơn, cơ hội sẽ bị hạn chế nhiều hơn và quan hệ sẽ có nhiều nghi ngờ và cảnh giác hơn, áp lực cho sự tự lực cánh sinh và mối lo sợ một sự rạn nứt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tình hình so với 40 năm qua thì quan hệ giờ đây có cảm giác như sắp đến hồi ly dị.
Cả hai bên đều nói, “Chúng tôi chịu anh đủ rồi,” nhận xét Jim McGregor, chủ tịch của APCO Worldwide cho Trung Quốc. Và Trump đã tweet vào tuần trước là Hoa Kỳ có quyền chọn lựa là sẽ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc.
Không thể đổ lỗi cho 2 bên như nhau được. Trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, từ năm 2012, bắt đầu thời đại của Tập cận Bình đã khiến mối quan hệ dần xuống dốc. Trung Quốc đã đi quá xa trong một số lớn các vấn đề.
Bắt đầu với kinh doanh. Trong nhiều năm, các công ty Hoa kỳ nghĩ rằng họ có đủ thị thường ở Trung Quốc nên họ dung túng cho việc Trung quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và lạm dụng mậu dịch. Nhưng trong khoảng mười năm vừa rồi, Trung Quốc đã đi quá trớn và Phòng Thương mại Hoa kỳ ở Trung Quốc bắt đầu than phiền ngày càng nhiều hơn. Dần dần, nhiều người trong cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, vốn là nhân tố chính trong mối quan hệ, bắt đầu tán thành chính sách cứng rắn của Donald Trump, (mặc dù họ không thích trả thêm thuế mậu dịch).
Kể từ khi Tập nắm quyền và trở thành tổng thống muôn đời và thắt chặt quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản đối với tất cả các vấn đề thì các nhà báo Hoa Kỳ làm việc tại Trung Quốc đã bị tước mất quyền lui tới rất nhiều; Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong việc phô trương sức mạnh ở Biển Đông; kiên quyết trợ cấp cho các công ty khởi nghiệp về các ngành công nghệ cao để giành vị thế thống trị vào năm 2025; áp đặt luật an ninh quốc gia mới nhằm hạn chế các quyền tự do lâu đời ở Hồng Kông; tăng cường bắt nạt Đài Loan, hung hăng đối với Ấn Độ và tăng cường đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương; bỏ tù hai người Canada vô tội để đổi với một nữ doanh nhân Trung Quốc bị Canada giam giữ; và thậm chí còn đe doạ các quốc gia dám yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về coronavirus đã xuất phát ở Vũ Hán.
Sau khi Thủ tướng Úc yêu cầu điều tra về coronavirus vào tháng Tư, đại sứ Trung Quốc tại Úc đã đe dọa trả đũa kinh tế, và vài tuần sau đó, Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu thịt bò và lúa mạch từ các công ty của Úc với lý do vớ vẩn là Úc vi phạm thương mại và sức khỏe.
Đó là kiểu bắt nạt thô lỗ đã làm Trung quốc mất hết đồng minh mà họ có ở Washington – đồng minh cho một chính sách về cơ bản là, Hoa Kỳ có hệ thống khác Trung quốc , nhưng sẽ xây dựng cầu nối với Trung Quốc để hai bên đều có lợi nhưng sẽ cảnh cáo khi bên kia đi quá giới hạn.
Chính sách cân bằng đó luôn có những căng thẳng nghiêm trọng, tệ hại và những bất đồng về đủ mọi vấn đề , nhưng cuối cùng nó cũng mang lại đủ lợi ích chung để duy trì quan hệ trong 40 năm qua. Nhiều người Mỹ quan tâm đã thấy sự cân bằng đó chệch đi khá nhiều và tôi là một trong số đó.
Ông Orville Schell, một trong những người ủng hộ chính sách cân bằng này, đã viết trong một bài tiểu luận vài tuần trước trên mạng TheWireChina: “ Hiện nay Hoa Kỳ đang đối diện với một đối thủ là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong nhiều năm qua, cấu trúc của chính sách quan hệ với Trung quốc quá yếu dẫn đến sự mỏi mệt . Một cuộc thăm dò gần đây của Pew cho thấy chỉ có 26% dân Mỹ có thiện cảm với Trung Quốc , tỷ lệ thấp nhất kể từ khi có các cuộc thăm dò bắt đầu vào năm 2005.
Nhưng nếu Trung Quốc ngày càng mưu mẹo và Hoa kỳ càng ngày càng kém cỏi
Không phải là Trung Quốc báo cáo có ít hơn 5.000 người chết vì Covid-19 và Mỹ có hơn 120.000 người và virus đã bắt đầu từ Trung quốc. Không phải là phải mất khoảng 22 tiếng để đi xe lửa Amtrak từ New York đến Chicago, trong khi chỉ cần 4.5 tiếng cho xe lửa tốc hành từ Bắc Kinh đến Thượng Hải dù rằng khoảng cách xa hơn. Không phải là đại dịch đã đẩy Trung Quốc thành một xã hội nghèo tiền mặt nhưng hiện đại với công nghệ thông tin.
Mà tại vì chúng ta đã giảm đầu tư vào sức mạnh thực sự của mình – cơ sở hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu khoa học từ quỹ chính phủ tài trợ, chính sách nhập cư và các quy tắc đúng đắn để khuyến khích đầu tư sản xuất và ngăn ngừa rủi ro. Và chúng ta đã ngừng tận dụng lợi thế lớn nhất của mình đối với Trung Quốc đó là những đồng minh có cùng nguyên tắc và tiêu chuẩn với chúng ta trong khi Trung Quốc chỉ có những khách hàng lo sợ sự nổi giận của họ.
Nếu chúng ta kết hợp với các đồng minh thì sẽ có uy thế với Trung Quốc để bắt họ chấp nhận các quy tắc mới về thương mại và Covid-19 và một loạt các vấn đề khác. Nhưng Trump đã không làm như vậy, ông biến mọi thứ thành thỏa hiệp song phương hoặc một cuộc chiến với Tập. Vì vậy, bây giờ Trung Quốc đang dụ dỗ các công ty của Hoa Kỳ và các nước khác đến và ở lại Trung Quốc vì thị trường của nó bây giờ quá lớn, khó có công ty nào có thể cưỡng lại.
Tóm tắt mối quan hệ hiện nay, McGregor, thuộc APCO Worldwide, lưu ý: Tôi không biết Trung Quốc có còn coi trọng nước Mỹ nữa không. Họ rất vui khi thấy Hoa kỳ tiếp tục gây tổn thương cho chính mình. Chúng ta phải sớm thức tỉnh và trưởng thành, phải chỉnh đốn lại chính mình cùng với các đồng minh. Trung Quốc chỉ tôn trọng một điều duy nhất: cách tận dụng tối đa.
Ngày nay, chúng ta có quá ít và Trung Quốc có quá nhiều.
Translation courtesy of Mai Nhu Bui