Will Nguyễn và những ngày trong khám Chí Hòa

0
99
Will Nguyễn Will Nguyễn và gia đình trong chuyến bay rời Sài Gòn sau phiên xử hôm 20/7/2018
Tina Hà Giang BBCvietnamese.com

Hơn hai tháng sau khi trở về Mỹ sau 41 ngày bị chính phủ Việt Nam cầm tù vì biểu tình, Will Nguyễn mới bình tâm kể lại tỉ mỉ những gì xảy ra trong trại giam Chí Hòa trước khi anh bị xử và trục xuất về Mỹ.

Thời gian bị giam cầm từ hôm 10/6 đến 20/7 cũng là lúc người thanh niên vừa tròn 33 tuổi, sinh trưởng ở Hoa Kỳ, cho biết đã giúp anh có cơ hội làm quen với một số bạn tù người nước ngoài, cũng như quan sát, chuyện trò với nhân viên của trại giam, và suy nghĩ thêm về những băn khoăn sẵn có với đất nước.

Will Nguyễn ‘lên máy bay rời Việt Nam’

Công dân Mỹ Will Nguyễn bị khởi tố ‘vì biểu tình’

Dân biểu Mỹ: ‘Trả tự do cho Will ngay lập tức’

Gọi cái ngày anh bị kéo lê trên đường phố và bắt giam ngay sau khi tham gia cuộc biểu tình tháng 6/2018 là một ngày ”định mệnh,” Will Nguyễn chia sẻ với BBC Tiếng Việt tâm tư của anh trước và sau biến cố này, qua những trao đổi kéo dài nhiều ngày, lúc qua điện thư, lúc qua mạng xã hội.

Will Nguyễn là ai? Điều gì khiến anh ”nổi hứng” tham gia cuộc biểu tình vào lúc ấy? Will Nguyễn có thù ghét những người đã giam cầm mình không? Những ngày ở tù có thay đổi cái nhìn của anh về quê hương, và dự tính tương lai của anh là gì?

Mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn dưới đây.

Việt Nam, Hoa Kỳ, Will NguyễnReuters
Will Nguyễn trước phiên xét xử ngày 20/7 tại Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh, với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’

BBC: Xin được hỏi là sau một thời gian khủng hoảng, giờ đã an toàn trở về với thế giới tự do, tâm trạng của bạn lúc này ra sao?

Will Nguyễn: Nếu phải dùng một từ để mô tả tâm trạng hiện giờ, thì tôi chọn từ choáng ngợp. Tôi bị choáng ngợp bởi mọi thứ xảy ra vào cái ngày tháng 6 định mệnh ấy, bị choáng ngợp bởi những gì tôi phải trải qua ở nhà tù Chí Hòa, và đặc biệt bị choáng ngợp trước sự giúp đỡ từ bạn bè, gia đình và những người ủng hộ qua truyền thông xã hội. Không biết bao người đã ra mặt, lên tiếng, lượng thời gian, tiền bạc và năng lượng mà họ dành ra để đòi quyền tự do cho tôi, phải nói là điều đáng kinh ngạc. Tôi không đời nào tỏ bày hết được lòng cảm ơn cho những gì mọi người đã làm.

Hy vọng mọi người hiểu rằng tôi biết ơn tất cả đến mức nào. Nhưng điều mà tôi có lẽ bị choáng ngợp nhất là nỗi hy vọng và phấn khích cho Việt Nam. Những gì tôi quan sát trực tiếp được trên đường phố Sài Gòn, từ việc tương tác với từng cá nhân bên trong guồng máy cộng sản, đến việc nói chuyện với người Việt sau khi tôi ra tù, cho tôi niềm hy vọng rằng sự thay đổi sẽ đến. Tôi đặc biệt kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Họ là những người tôi hy vọng được kết nối nhiều nhất khi tiếp tục viết về Việt Nam.

Will Nguyễn hôm 10/6/2018 trong lúc tìm cách mở đường cho người biểu tình, trước khi bị bắtWill Nguyễn
Will Nguyễn hôm 10/6/2018 trong lúc tìm cách mở đường cho người biểu tình, trước khi bị bắt

BBC: Sự việc xẩy ra ở Việt Nam có khiến bạn giờ đây đánh giá cao hơn thực thể mình may mắn là một công dân Mỹ không?

Will Nguyễn: Tôi luôn biết ơn cha mẹ đã làm cuộc hành trình gian khổ đến Mỹ. Nhờ sự hy sinh của cha mẹ và của và thế hệ thuyền nhân mà tôi mới có thể tận hưởng sự tự do, thịnh vượng và những cơ hội đi kèm theo việc trở thành công dân của một nước tiên tiến. Tuy nhiên, tôi đồng thời nhận ra rằng mình đã không làm bất cứ điều gì “xứng đáng” với may mắn đó. Nơi chúng ta sinh ra nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Định mệnh quyết định cho bạn.

Ai trong chúng ta cũng thấy rằng, đặc quyền của việc sinh ra trong một gia đình tốt, được hưởng một nền giáo dục tốt, không được phân phối công bằng. Tôi luôn tin rằng nếu có quyền năng thì tôi sẽ “sửa” vũ trụ bằng một cách nào đó. Đó là lý do then chốt khiến tôi quyết định đi đầu trong các cuộc biểu tình vào ngày 10 tháng 6. Do tình cờ của số mệnh mà tôi được sinh ra với chiếc ”vỏ bọc” của quốc tịch Mỹ, và tôi quyết định dùng vỏ bọc ấy để giúp người Việt thực hiện quyền dân chủ của mình. Khi làn sóng người biểu tình chạm phải các rào cản của cảnh sát, tôi quyết định mình là người vượt qua.

Will Nguyễn: ''Do tình cờ của số mệnh mà tôi được sinh ra với chiếc ''vỏ bọc'' của quốc tịch Mỹ...''Will Nguyễn
Will Nguyễn: ”Do tình cờ của số mệnh mà tôi được sinh ra với chiếc ”vỏ bọc” của quốc tịch Mỹ…”

BBC: Việc bị chính quyền Việt Nam bắt giam đã gây tác động lên sức khỏe và tâm trí bạn như thế nào?

Will Nguyễn: Trước hết, trong cả ba phương diện đó, câu trả lời của tôi là: được tăng cường. Kinh nghiệm bị cầm tù dạy tôi rằng ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt và không có sự lựa chọn, tôi vẫn có thể cố gắng duy trì sức khỏe cả tâm thần lẫn thể chất. Bị nhốt trong một nhà tù 24 giờ một ngày, tôi tạo ra những thói quen cụ thể để giữ cho tâm trí và cơ thể được khỏe mạnh. Tôi nhận ra rằng khả năng sống sót được thử thách này trực tiếp phụ thuộc vào điều đó. Sự kiên cường, dưới mọi hình thức, là chìa khóa.

Về thể chất, tôi tạo thói quen tập thể dục gồm hàng trăm cái tập bụng, 150 lần hít đất, 50 lần hít xà trên các thanh sắt của cửa nhà tù, và 50 lần tập tạ bằng những hộp nước lớn. Tôi miệt mài tập luyện như vậy mỗi ngày, thường là vào buổi tối sau khi họ cho chúng tôi ăn bữa ăn thứ hai (và cuối cùng) trong ngày. Mục đích là để tránh bị hao tổn quá nhiều cơ bắp; Tôi biết chế độ ăn uống trong tù, nặng về gạo và rau nhưng nhẹ về bất kỳ loại thịt hoặc chất đạm nào, sẽ làm tôi giảm cân nhanh chóng. Cuối cùng, thì tôi sụt mất khoảng 3-4 kg khi được trả tự do.

Về mặt tinh thần và tình cảm, tôi rất may được bao quanh bởi những người bạn tù tử tế và hào phóng thuộc nhiều giống dân khác nhau. Tôi háo hức nắm lấy mọi cơ hội kích thích tinh thần, và được các bạn tù rất vui vẻ tiếp tay. Tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ cầu nối giữa chúng tôi trong vài tuần cuối cùng ở trại giam Chí Hòa, khi tôi được giam chung với người Việt ở nước ngoài, gồm người Campuchia, người Nigeria, một người Nam Phi, một người Hàn Quốc và một người Philippines. Với kinh nghiệm dậy học sinh trung học trước đây, tôi trở thành giáo viên tiếng Anh, cũng như là người phiên dịch thường trú bất cứ khi nào các cán bộ nhà tù đến phòng giam để thông báo.

Hình ảnh Will Nguyễn giúp đỡ người biểu tình và sau đó bị một nhóm thanh niên kéo lê trên đường.

Tyson Lee Coetze, người bạn tù người Nam Phi, dạy tôi cách chơi cờ vua và cờ tướng. Sử dụng các tấm ván và mảnh vụn làm từ các tông và nắp chai, chúng tôi chơi cờ vua hàng ngày. Tôi thường xuyên đánh cờ với Tyson, và một vài lần với một người đàn ông Campuchia gốc Việt trung niên (cả gia đình ông bị sát hại trong vụ diệt chủng Campuchia khi ông mới 12 tuổi). Cả hai đều cực kỳ kiên nhẫn và ân cần trong việc giúp tôi am hiểu môn cờ này, họ cho phép tôi được ”đi lại” mỗi khi tôi bỏ lỡ một số nước đi chiến lược. Đáng buồn thay, gần đây tôi đọc được tin là Tyson bị kết tội buôn bán ma túy và bị kết án tử hình. Vụ án này là một oan sai bi thảm của công lý.

James Han Nguyen – người vừa đây mới có tin là bị kết tội lật đổ nhà nước và bị kết án 14 năm tù – là học trò Anh ngữ chính của tôi. James là người Mỹ gốc Việt, trạc ngũ tuần, và mặc dù tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, ông quyết tâm sẽ dõng dạc phát biểu bằng tiếng Anh khi ra toà. Ông muốn thu hút sự chú ý của lãnh sự quán Mỹ và của thế giới về những bất công ̣đang xảy ra ở Việt Nam.

Chúng tôi bị cấm không được đọc sách báo gì ngoài nhật báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng, vì thế hàng ngày James và tôi cùng nhau dịch nhiều bài báo chính trị sang tiếng Anh để giúp ông ấy cải thiện ngữ pháp và từ vựng. Bản thân tôi cũng đã học được rất nhiều từ tiếng Việt nhờ đọc báo Nhân Dân với ông ấy; lớp học ấy nhanh chóng trở thành một mối quan hệ giáo dục cộng sinh rất tốt cho chúng tôi.

Đọc tờ Nhân Dân hàng ngày, đặc biệt đã củng cố thêm cho tôi khao khát được phục vụ người dân Việt Nam. Người ta có thể đọc thấy giữa các dòng chữ là đất nước đang cần nhiều giúp đỡ. Tờ báo này được xem là một trong những cái loa chính của đảng, nhưng nó yếu kém về mặt báo chí và những bài bình luận được viết để biện minh cho các quyết định về chính sách của chính phủ (như luật an ninh mạng) không đứng vững được trước những tư duy phản biện. Việc đọc báo đảng cho tôi một nhận thức sâu sắc về sự tụt hậu của Việt Nam, về mặt giáo dục, về mặt giao tiếp, và quan trọng nhất là về sự liêm chính của chính phủ.

Việt Nam, Will Nguyễn
Hình ảnh Will Nguyễn tại buổi biểu tình hôm 10/6

BBC: Vâng, quan trọng hơn, biến cố mà bạn gọi là lịch sử này khiến những nhận thức cũng như quan tâm của bạn về những gì đang xảy ra trên quê hương Việt Nam thay đổi như thế nào?

Will Nguyễn:Thật ra biến cố ấy không làm tôi thay đổi, mà nó xác định hộ tôi những gì mình từng cổ động trong thời gian còn học môn Chính Sách Công ở đại học Lee Kuan Yew, rằng, chúng ta, Việt Nam, đang rất cần phải hòa giải và cải cách. Những vết thương của chiến tranh vẫn còn gây nhức nhối – cộng sản, chống cộng, và đại đa số người trong chúng ta mệt mỏi vì phải chọn hoặc bên này hay bên kia.

Đất nước chúng ta hiện đang phải đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng: một Trung Quốc ngày càng hung hăng, và còn những đe dọa thậm chí còn trầm trọng hơn nữa là biến đổi khí hậu và mực nước biển ngày càng dâng cao làm ngập lụt vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long. Chúng ta phải tìm một giải pháp chính trị thế nào để gạt đi những hiềm khích, để cho phép tất cả người Việt trên toàn cầu đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam mà không phải đối diện với sự tức giận hay xấu hổ. Đoàn kết là điều bắt buộc, bởi vì lần này, kẻ xâm lược có thể là đối thủ đáng gờm nhất của chúng ta: Đó chính là Bà mẹ Thiên nhiên.

BBC: Bạn có thấy thù ghét những người đã bắt giữ và giam cầm bạn không? Tại sao?

Will Nguyễn: Tuyệt đối không. Nói chung, cuộc sống quá ngắn để cho chúng ta thù ghét nhau. Tôi tin rằng nhân loại đã phát triển đến giai đoạn con người có thể nhận ra những cảm xúc đen tối của mình và chế ngự chúng bằng lẽ phải, sự đồng cảm và tầm nhìn.

Tôi nhận ra rằng trong bất kỳ một hệ thống áp bức nào, đại đa số người đi làm trong ấy là những người tốt, những người đơn giản chỉ đi làm vì sinh kế. Điều này tôi có thể nói là rất đúng về nhiều quan chức cộng sản Việt Nam mà tôi đã được tương tác trong thời gian ở tù. Ngoài vai trò mà họ phải đảm nhiệm, họ nói chuyện với tôi như nói chuyện với bất kỳ người Việt Nam nào khác, Chúng tôi bàn đến những đề tài như chính trị, Trung Quốc, kinh tế, những quán ăn thật ngon quanh vùng, và nhiều điều thú vị khác về xã hội Việt Nam, ví dụ như thái độ đối với người LGBT.

Tôi đặc biệt nhớ một cuộc trò chuyện với một điều tra viên, và lý thuyết của ông ta về lý do tại sao (ông cảm thấy) người đồng tính nam có xu hướng thành công hơn trong cuộc sống. Ông nói, theo quan điểm của ông, những người đàn ông đồng tính kết hợp các khía cạnh tích cực của cả hai giới, đặc biệt là về trí tuệ cảm xúc, và nhờ vậy, có xu hướng thành công dễ dàng hơn. Tôi nói với ông là mình đã đưa ra một nhận xét tương tự như thế vào đầu năm ngoái trong một trong những khóa của chương trình cao học. Kết thúc câu chuyện, chúng tôi trao đổi nụ cười, và ở thời điểm đó tôi nhận ra một cách rất sâu sắc rằng mặc dù chúng tôi có thể ở hai bên chiến tuyến của ý thức hệ, ông ấy và tôi có nhiều điểm tương đồng hơn là khác biệt.

Duy trì một khuôn khổ “ta và họ” không mang lại lợi ích gì cho bất cứ ai, nhất là cho mọi người Việt. Việc những tuyên bố chống cộng ồn ào của một số người Việt hải ngoại trong vòng 43 năm qua hình như không mang lại hiệu qủa như ý, chứng minh cho điều tôi nghĩ. Hà Nội bị ám ảnh cùng cực đến thành hoang tưởng về những thế lực thù địch bên ngoài luôn tìm cách lật đổ chế độ của họ, và những người duy nhất bị tổn hại là giới bất đồng chính kiến. Họ ngày càng trở thành nạn nhân của cuộc đàn áp khốc liệt của chính phủ, và kết quả là chính người dân Việt Nam phải nuôi một bộ máy an ninh khổng lồ của nhà nước.

Tâm lý con người là vậy: Càng bị ghét bỏ thì người ta càng trở nên bướng bỉnh. Sự bị ghét bỏ, công kích khiến cho người ta luôn ở vào thế phòng thủ, quá nhạy cảm, và không thể bình tĩnh để có những suy nghĩ hợp lý. Điều này trái ngược với những gì chúng ta muốn khi cố gắng thúc đẩy sự thay đổi. Chính phủ Việt Nam xứng đáng bị lên án cho tình trạng khó nghèo của đất nước, nhưng nếu chúng ta khách quan, người Việt Nam ở nước ngoài cũng phần nào phải chịu trách nhiệm trong việc duy trì tình trạng thù địch không mang đến hiệu qủa này.

Cuối cùng, nếu những người chiến thắng không muốn làm hoà, thì điều đó tùy thuộc vào việc chúng ta – những người thua trận – biết nắm lấy tư thế thượng phong và đưa bàn tay của mình ra trước.

Will Nguyễn trong buổi gặp gỡ với các vị dân cử Hoa Kỳ sau khi trở về MỹWill Nguyễn
Will Nguyễn trong buổi gặp gỡ với các vị dân cử Hoa Kỳ sau khi trở về Mỹ

BBC: Với suy nghĩ này, nếu bạn đang ngồi trước mặt một đại diện của chính quyền Việt Nam, bạn sẽ nói gì với họ?

Will Nguyễn: Tôi sẽ nói: “Tôi không phải kẻ thù của qúy vị. Tôi không phải là kẻ thù khi tôi tham gia biểu tình, và bây giờ vẫn không phải là kẻ thù. Nhưng đất nước này cần có ngay sự đóng góp của tất cả người Việt Nam – ở trong cũng như ngoài nước – và điều này không thể xẩy ra nếu không có sự hòa giải và cải cách chính trị. Trong hai mục tiêu này, tôi sẵn sàng tìm cách giúp đỡ trong khả năng của mình.”

Tuy nhiên, trước khi chúng ta bắt tay vào các mục tiêu này, đảng Cộng sản Việt Nam phải nâng cao sự khách quan và nhìn nhận sự thật. Kiểm soát truyền thông, đàn áp khắc nghiệt giới bất đồng chính kiến, viết sử một cách thiên vị, guồng máy tuyên truyền, quay phim những “thú nhận” của nghi can – đây là những hành vi của một chính quyền không có được sự an tâm. Một chính quyền thu phục được lòng dân không cần thao túng thông tin kiểu này; không cần phải kiểm soát tư tưởng của mọi người xem họ suy nghĩ như thế nào. Cởi mở và đối mặt với những sự thật khó khăn là điểm nổi bật của sức mạnh.

Một lời khuyên thực tế mà tôi muốn đưa ra cho chính phủ Việt Nam là họ nên đọc cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” của nhà kinh tế học Daron Acemoglu và nhà khoa học chính trị người Anh James A. Robinson. Cuốn sách này mô tả một cách chi tiết, và tuyệt vời tại sao hình thức cai trị độc đảng của Việt Nam gây thiệt hại sâu sắc cho đất nước. Hai chuyên gia này khẳng định rằng thịnh vượng kinh tế phụ thuộc đầu tiên và quan trọng nhất vào tính bao hàm của các thể chế kinh tế và chính trị, sự bao hàm dẫn đến năng suất dồi dào và tư duy sáng tạo.

Việt Nam bị kẹt trong một hệ thống chính trị bòn rút và một vòng luẩn quẩn khiến đất nước không đạt được tiềm năng. Bằng chứng rõ ràng về điều này nằm trong hiện tượng chảy máu chất xám của Việt Nam được công nhận rộng rãi: Có quá nhiều người Việt du học, có học vấn ở lại nước ngoài, khiến đảng phải nài nỉ họ về nhà. Kết quả là, đảng Cộng sản Việt Nam không thu hút được người Việt giỏi nhất và sáng giá nhất. Nếu tình trạng này tiếp diễn, chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục giảm chất lượng và hiệu quả.

Chúng ta sẽ dừng lại ở ngưỡng nào? Chúng ta cùng muốn điều tốt nhất cho người dân, nhưng hệ thống độc đảng hiện tại không có lợi cho việc phát triển một Việt Nam hiện đại, mạnh mẽ và khai sáng. Chúng ta phải có cái nhìn lâu dài, phải đặt ưu tiên vào người dân thay vì vào đảng.

(n tiếp)

Câu chuyện của Will Nguyễn nằm trong loạt bài Global Vietnamese – Người Việt Nam Toàn Cầu của BBC Tiếng Việt.

Độc giả muốn chia sẻ những nét đặc thù, hay những nhân vật nổi trội của cộng đồng mình, xin liên lạc với BBC: vietnamese@bbc.co.uk hay với tác giả: tina.thanhha.vu@bbc.co.uk

Cùng một tác giả:

Carina Hoàng: Diễn viên Việt trên vòm trời Úc

Jenny Đỗ: ‘Ung thư khiến tôi rõ hơn sứ mệnh của mình’

Người Việt ở Ba Lan trong mắt người bản xứ

Cựu thiếu tá Thái Lan: ‘Tôi chỉ là người lính đánh thuê’

Điệp viên Phạm Xuân Ẩn: Ông là ai?

Thăm trung tâm thiền Làng Mai ở Thái Lan

Việt Khang-Trúc Hồ, hai nhạc sĩ, một mối tình thâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here