BBC
Lần đầu tiên ý tưởng gộp hai vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền và nguyên thủ quốc gia vào làm một được đề nghị công khai tại Việt Nam, kể cả trong khuôn khổ thể chế độc đảng.
Tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa có bài trên trang Tia Sáng đề nghị giải pháp “nhất thể hóa” để lập ra chức Tổng thống, người cũng là lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong bài “Nhất thể hóa theo mô hình tổng thống lưỡng tính” (11/06), ông đề cập đến các nguyên tắc chung về hai thể chế mà quốc tế gọi là tổng thống chế và mô hình đại nghị.
Tuy nhiên, khi nói đến Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Dũng đã đi thẳng vào vấn đề như sau:
“Ở nước ta, với mô hình một đảng cầm quyền, Tổng thống có thể trao đổi thống nhất ý kiến với Đảng đoàn Quốc hội trước khi giới thiệu ứng cử viên giữ chức danh Thủ tướng.”
“Khác với Tổng thống, Thủ tướng trong mô hình tổng thống lưỡng tính sẽ phải tương tác thường xuyên với Quốc hội, giải trình chính sách với Quốc hội và bị Quốc hội giám sát.”
Ông cũng đề cập tới nhu cầu phải sửa đổi Hiến pháp như “một nhu cầu bắt buộc” một khi cơ cấu chính trị này được lựa chọn.
Các chi tiết về thủ tục ra sao một khi Việt Nam đi theo một trong hai mô hình này có lẽ là chuyện của tương lai, nhưng đây là lần đầu tiên, vấn đề “nhất thể hóa” với các chức danh cụ thể được đăng tải ở Việt Nam.
‘Tổng thống’ hay ‘Chủ tịch’?
Chẳng hạn, ông Nguyễn Sĩ Dũng không gọi người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư như hiện nay mà bỏ ngỏ chức danh này, và chỉ gọi là “lãnh đạo Đảng”.
Về chức danh người đứng đầu Nhà nước, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề xuất gọi là Tổng thống.
Điều đáng chú ý là trong các văn bản tiếng Anh, Việt Nam đã công nhận chức danh Tổng thống (president) chứ không gọi là “chairman” (chủ tịch).
Trung Quốc cũng đã bỏ khái niệm “chairman” từ lâu và chỉ còn dùng để nói đến cố Chủ tịch Mao Trạch Đông (Chairman Mao).
‘Nên bầu trực tiếp Tổng thống Việt Nam’
Thêm nữa, lần đầu tiên ông Nguyễn Sĩ Dũng gợi ý nên cho tổ chức bầu tổng thống trực tiếp ở Việt Nam.
Trong phần đầu bài, ông nêu ra cách tổ chức chung của chế độ tổng thống:
“Tổng thống trong mô hình tổng thống lưỡng tính do toàn dân bầu ra nên độc lập với Quốc hội và không chịu trách nhiệm trước Quốc hội.”
Còn về nhân vật thứ ba, ông đề nghị “Trong mô hình này, ngoài Tổng thống, còn có một yếu nhân khác cũng nắm quyền hành pháp là Thủ tướng.”
‘Nhất thể hóa’ để tránh chồng chéo?
Hiện chưa rõ các đề nghị của ông Nguyễn Sĩ Dũng được hưởng ứng ra sao tại Việt Nam sau khi bài ý kiến của ông được đăng trên diễn đàn của một báo nhỏ là trang Tia Sáng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều được nói đến những năm qua là vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam có một bộ máy riêng, bao trùm lên bên hành pháp.
Đảng này nhận vai trò “lãnh đạo” mà không phải một cơ quan lập pháp.
Ngoài việc bộ máy Đảng và chính quyền “chồng chéo”, người ta cũng nói về con số nhân sự tốn kém mà tất cả đều do ngân sách nuôi.
Nhu cầu ‘nhất thể hóa’ trong phạm vi một đảng cộng sản nắm quyền ở Việt Nam đã được tiếp cận công khai dù người ta không dùng các khái niệm như trong bài trên của ông Nguyễn Sỹ Dũng.
Hồi tháng 3/2017 đã có hội thảo do Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 của Đảng Cộng sản tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo đề cương đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Các báo Việt Nam tường thuật về sự kiện này đã chạy tựa là “Khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động của các cơ quan Đảng”.
Các nước có cấu trúc thể chế ra sao?
Ở nhiều nước trên thế giới, lãnh đạo (leader) của đảng cầm quyền không nhất thiết phải là chủ tịch (chairman) của đảng đó.
Đây là các trường hợp “chairman” của đảng Bảo thủ Anh và đảng Cộng hòa ở Mỹ.
Chủ tịch chỉ là người điều hành công việc riêng của đảng này nhưng lãnh đạo đảng hoặc làm Thủ tướng (Anh), hoặc Tổng thống (Hoa Kỳ).
Còn tại Trung Quốc chủ tịch Đảng Cộng sản cũng là Chủ tịch nước, và hiện nay người nắm hai chức vụ này là ông Tập Cận Bình.
Trên thực tế, ở Nhật Bản và Anh Quốc, thủ tướng vừa điều hành chính phủ, vừa là người nắm chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước.
Đó là vì truyền thống của họ giữ lại hoàng gia với hoàng đế (Nhật Bản) hay nữ hoàng (Anh Quốc) là nguyên thủ quốc gia nhưng chỉ có quyền lực tượng trưng, để thủ tướng có thực quyền.
Ở Anh, chính thủ tướng đương quyền lại là người bổ nhiệm chức chủ tịch Đảng.
Chủ tịch Đảng Bảo thủ Anh, ông Patrick McLoughlin được bà Theresa May phong cho chức này hồi tháng 7/2016.
Thủ tướng có quyền rất to cũng là trường hợp của một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Brunei và Malaysia.
Còn tại Pháp, Ba Lan, Đức và nhiều nước châu Âu khác, thủ tướng chỉ là người đứng đầu nội các và điều hành chính phủ, dưới quyền của tổng thống.
Tương tự như thế, ông Nguyễn Sĩ Dũng đề nghị để Thủ tướng Việt Nam là người đứng đầu nội các và điều hành công việc hàng ngày của chính phủ.