BBC
Một luật sư tại Sài Gòn bình luận với BBC rằng các sếp ngân hàng thường “có quan hệ thân hữu với giới lãnh đạo cấp cao nên xem nhẹ việc tuân thủ quy định” và “rất dễ bị khép tội.”
Sau gần sáu tháng trả hồ sơ, dự kiến hôm 28/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội sẽ mở lại phiên sơ thẩm vụ Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm.
Phiên tòa đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) dự kiến kéo dài 20 ngày.
Trong một diễn biến khác, báo Zing hôm 9/8 cho hay ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng BIDV “từ chối bình luận về mối liên quan của mình tới các sai phạm của ông Trầm Bê và Phạm Công Danh trong đại án làm thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng.”
“Tôi bình thường” và “không muốn nói nhiều chuyện hơn vào lúc này,” Zing dẫn lời ông Hà.
Vụ bắt Trầm Bê ‘thể hiện quyết tâm Tổng Bí thư’
Vụ bắt ông Trầm Bê: Sẽ còn ai nữa?
‘Việc bắt sếp ngân hàng chưa dừng ở ông Bình’
Hồi đầu tháng này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Hôm 9/8, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: “Các sếp ngân hàng dễ bị khép tội. Dễ bị khép tội ở đây không đồng nghĩa với việc nhà nước buộc tội họ một cách vô tội vạ mà là vì quá nhiều quy định khắt khe trong lĩnh vực ngân hàng cần phải được tuân thủ.”
“Hệ thống Ngân hàng được ví như là “huyết mạch” của nền kinh tế. Nếu hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của đất nước.”
“Do đó, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ “huyết mạch” ấy.”
“Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng thường là giới đại gia và có quan hệ thân hữu với lãnh đạo cấp cao trong chính phủ.”
“Có thể vì vậy mà họ có khuynh hướng xem nhẹ việc tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của ngành ngân hàng hơn. Đến khi thiệt hại phát sinh,họ rất dễ bị khép vào các tội như: Vi phạm các quy dịnh về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoặc Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…”
‘Quy luật tất yếu’
BBC: Có ý kiến cho rằng vụ bắt ông Trầm Bê và một số lãnh đạo ngân hàng khác trước đó liên quan đến đấu đá chính trị và lợi ích nhóm. Và rằng phe nào cũng có vấn đề hết nên đơn thuần là ông nào nắm quyền là ông đó quyết định. Ông nghĩ sao?
Luật sư Phùng Thanh Sơn: Về lý thuyết thì không loại trừ khả năng đó. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới, các tập đoàn kinh tế lớn thường có mối liên hệ chính trị nhất định với chính phủ, đảng cầm quyền.
Bê bối của tập đoàn Samsung ở Hàn Quốc là một ví dụ. Mà một khi có mối liên hệ chính trị, việc xử lý sai phạm của những người lãnh đạo trong các tập đoàn đó ít nhiều sẽ bị cản trở, nhất là trong bối cảnh hệ thống chính trị của Việt Nam không theo thiết chế tam quyền phân lập.
Và khi mối quan hệ chính trị không còn hoặc không đủ mạnh, tất yếu các sai phạm của các lãnh đạo tập đoàn đó phải được xử lý.
Không thể để cái sai tồn tại mãi được. Do đó, theo tôi việc bắt ông Trầm Bê mới đây cũng như các lãnh đạo ngân hàng ACB, Đông Á, Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương… trước đó là quy luật tất yếu.
Chỉ khi nào các lãnh đạo ngân hàng này không có sai phạm mà chính quyền với đội ngũ lãnh đạo mới cố tình xử lý hình sự họ để đưa người có mối quan hệ thân hữu lên thay thì đó mới có thể xem là chuyện đấu đá nội bộ.
BBC: Từ góc độ luật sư, trong những phiên tòa xử lãnh đạo ngân hàng vừa qua, ông có thấy vai trò của luật sư bị hạn chế hay gặp trở ngại gì không?
Tôi không được mời tham gia các “đại án” ngân hàng nên tôi không thể trả lời câu hỏi này.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, không loại trừ khả năng các bị cáo có những lời khai “nhạy cảm” về các lãnh đạo của Việt Nam có liên quan hoặc có những thông tin ảnh hưởng đến vấn đề an ninh tiền tệ…
Do đó, theo tôi thì luật sư trong các “đại án” ngân hàng sẽ không được thoải mái như những vụ án hình sự thông thường khác.
BBC: Theo ông, có liên hệ nào giữa các vị lãnh đạo ngân hàng vướng vòng lao lý và nợ xấu?
Chắc chắn phải có mối liên hệ vì để có thể truy tố các lãnh đạo ngân hàng theo các tội danh trên thì đòi hỏi phải có hậu quả [tức nợ xấu] xảy ra.
Nợ xấu vượt mức cho phép là biểu hiện rõ nhất của các sai phạm trong quản lý và điều hành hoạt động của ngân hàng.
Nếu hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật thì chắc chắn sẽ không có xảy ra tình trạng tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, cũng cần phân biệt rõ là không phải mọi khoản nợ xấu của ngân hàng đều xuất phát từ hành vi sai trái của lãnh đạo, cán bộ ngân hàng.
Chỉ những khoản nợ xấu nào phát sinh từ các khoản cho vay không đúng quy định pháp luật dẫn đến không thu hồi được nợ thì mới được xem thiệt hại.
BBC:Vậy thì trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong các vụ đại án này như thế nào?
Một trong những chức năng của Ngân hàng nhà Nước là quản lý và giám sát hoạt động của ngân hàng thương mại.
Do đó, nếu các sai phạm của các ngân hàng này diễn ra trong một thời gian dài mà Ngân hàng Nhà nước không có động thái xử lý hoặc xử lý không thích đáng thì tổ chức này không thể vô can được.
Chí ít các cán bộ ngân hàng nhà nước liên quan cũng có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo Luật Ngân hàng nhà nước năm 2010, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ là một cơ quan ngang bộ trực thuộc chính phủ. Do đó, tính độc lập của tổ chức này là thấp và chịu sự can thiệp hành chính toàn diện từ chính phủ.
Trong khi đó, ngoài chức năng quản lý, giám sát các hoạt động các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn thực hiện chức năng của một ngân hàng trung ương.
Do đó, sự can thiệp của chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng thương mại.
Vì vậy, để hệ thống ngân hàng tại Việt Nam nói chung và Ngân hàng Nhà nước nói riêng hoạt động hiệu quả thì về lâu dài, cần phải tách Ngân hàng Nhà nước ra khỏi chính phủ. Có như vậy, Ngân hàng Nhà nước mới thực hiện được chức năng của một ngân hàng trung ương đúng nghĩa.