Nhân Tuấn Trương
Tàu khu trục của Mỹ USS Curtis Wilbur hôm thứ bảy 30 tháng giêng 2016 đã thực hiện một chuyến tuần tra đi qua khu vực 12 hải lý đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, hiện do TQ chiếm đóng). Theo tin tức của Bộ quốc phòng Mỹ, chuyến tuần tra nằm trong chương trình “Bảo vệ quyền Tự do Hàng hải” (FONOP) của Mỹ, nhằm thách thức đòi hỏi quá lố của ba nước VN, TQ và Đài loan, như hạn chế quyền tự do hàng hải, hay các việc phải thông báo, hoặc phải xin phép, khi đi qua vùng lãnh hải (của các thực thể địa lý ở Biển Đông). Theo Bộ quốc phòng Mỹ, các nước VN, TQ và Đài Loan đều có những yếu sách quá đáng, đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế, điển hình là bộ Luật quốc tế về Biển 1982.
Bộ ngoại giao TQ lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích hành vi của Mỹ. Nước này cho rằng Mỹ đã “cố tình khiêu khích” và “xâm phạm lãnh hải của TQ”. Còn VN, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao cũng đã lên tiếng :
“Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế… Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế..”
Hành vi của Mỹ có “phù hợp với luật quốc tế” hay không? Phản ứng của TQ có chính đáng hay không? và thái độ (chung chung) của VN có chấp nhận được hay không?
Để tìm hiểu ta cần biết thế nào là quyền tự do hàng hải trong khu vực lãnh hải của một quốc gia.
Chỉ nêu một thí dụ: Ngày 13 tháng giêng 2016, trong khu vực biển thuộc lãnh hải của Iran (Vịnh Ba Tư), 10 hải quân Mỹ (9 nam, 1 nữ) trên hai chiến thuyền nhỏ có vũ trang, đã bị hải quân Iran bắt giữ. Lý do đưa ra từ phía Iran: xâm phạm lãnh hải của Iran. Cùng lúc, có mặt cách đó không xa (thuộc hải phận quốc tế) hai chiếc hàng không mẫu hạm Trumann (Mỹ) và Charles de Gaulle (Pháp) cùng nhiều chiến hạm hộ tống khác.
10 người lính Mỹ cùng 2 chiếc tàu sau đó được trả tự do nhưng hình ảnh 10 quân lính Hoa Kỳ bị bắt quì gối trên bong tàu dưới họng súng đe dọa của hải quân Iran đã loan truyền khắp thế giới. Theo tin tức báo chí, bộ ngoại giao Iran đòi Mỹ phải xin lỗi.
Rốt cục, “tai nạn” được dàn xếp ổn thỏa. Các bên tìm được lý do thỏa đáng (để Mỹ không xin lỗi) là hai chiếc tàu của Mỹ “đi lạc” vào vùng lãnh hải của Iran vì lý do kỹ thuật: bộ phận hải hành bị hư.
Trở lại vụ chiến tàu khu trục USS Curtis Wilbur khi đi vào lãnh hải của đảo Tri Tôn, nếu so sánh với sự kiện vừa nói trên trong vịnh Ba Tư, ta thấy hai thái độ mâu thuẩn của Mỹ về khái niệm “qua lại không gây hại” của bộ Luật Biển 1982.
Xét bản đồ dưới đây. Bản đồ vẽ hệ thống đường cơ bản quần đảo Hoàng Sa (đường đỏ vẽ liên tục) cùng với đường giới hạn lãnh hải (đường đỏ gián đoạn), chiếu theo Luật Biển 1996 của TQ.
Đường đen số (1) và (2) là đường giả định tuyến hành trình của chiếc USS Curtis Wilbur.
Nếu tuyến hành trình là đường (2), tàu USS Curtis Wilbur chỉ đi vào “lãnh hải” của đảo Tri Tôn. Nếu là đường (1), tàu này không chỉ đi vào lãnh hải của đảo Tri Tôn mà còn đi vào khu vực “nội thủy” của TQ.
Theo qui định của Luật quốc tế về Biển, tàu bè có quyền “qua lại không gây hại” trong vùng lãnh hải. Ta có thể quan niệm chuyến tuần tra của chiếc khu trục hạm USS Curtis Wilbur khi đi qua vùng lãnh hải của đảo Tri Tôn là “qua lại không gây hại”. Nhưng nếu so sánh với trường hợp 10 lính hải quân của Mỹ bị bắt trong vùng lãnh hải (thuộc đảo Farsi) của Iran, thì quyền “qua lại không gây hại” được giải thích một cách “vô chừng”.
Còn về “nội thủy”, theo Luật Biển 1982, là vùng nước bên trong đường cơ sở để tính lãnh hải, mà trong đó quốc gia có chủ quyền (như trên đất liền).
Ta thấy TQ vẽ các đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa, gồm 29 điểm cơ bản, biến vùng nước bên trong (quần đảo HS) thành vùng “nội thủy”.
Nếu tuyến hải hành của chiếc USS Curtis Wilbur là đường (1), rõ ràng Mỹ đã thách thức đòi hỏi của TQ về hệ thống đường cơ bản (và nội thủy) ở quần đảo HS.
Ngoài ra, chiếu theo Luật Biển 1996 của TQ, việc “qua lại không gây hại trong lãnh hải” phải được sự “chuẩn nhận trước” của nhà cầm quyền TQ. Còn Luật Biển VN 2013, tàu bè qua lại “không gây hại trong lãnh hải” phải “thông báo trước”. Trong hai trường hợp, tuyến hải hành (1) hay (2) đều thách thức luật biển của VN và TQ.
Thái độ của VN như vậy có hợp lý không?
Theo tôi, VN lại bỏ qua môt cơ hội để làm “nóng” lại tranh chấp Hoàng Sa đã bị phía TQ “đông lạnh” từ 42 năm nay, sau khi nước này chiếm quần đảo này trên tay của VNCH qua trận hải chiến đẩm máu ngày 17-1-1974.
Không chỉ vậy, trước dư luận quốc tế, phản ứng của VN là quá yếu ớt và mờ nhạt trước phản ứng của TQ. Trước mắt quan sát viên quốc tế, người ta tưởng rằng sự lên tiếng của VN chỉ là “bên dự thính” trong vấn đề “chủ quyền của TQ bị Mỹ xâm phạm”.
Nếu đọc thêm những ý kiến của các học giả VN trên báo chí, người ta tưởng rằng vấn đề của VN tại HS chỉ tụ quanh các yêu sách của TQ về hiệu lực biển ở các đảo HS.
Không phải vậy. HS thuộc chủ quyền của VN. VN phải lên tiếng (thế nào) để cho quốc tế biết VN là một bên tranh chấp chủ quyền ở HS. Đây mới là điều căn bản để giải quyết mọi tranh chấp, mà VN không bị thiệt hai nhiều, về lãnh thổ, hay do những khác biệt của các bên về cách diễn giải bộ luật Biển 1982.