Việt Nam chưa phải là một xã hội « trọng pháp ».

0
72
Tù mới lên chờ làm thủ tục nhập trại giam. Ảnh Hoàng Đình Nam
   

Nhân Tuấn Trương

Một trong những lý do khiến người VN « kém văn minh » trong cách ứng xử có lẽ vì xã hội Việt Nam chưa phải là một xã hội « trọng pháp ». (Trọng pháp với ý nghĩa thuợng tôn pháp luật). Nhà nước CSVN hô hào (từ bao nhiêu năm nay) xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh với một nền tảng « pháp quyền xã hội chủ nghĩa ». Kết quả (từ thực tế) cho thấy những người lãnh đạo CSVN đã thất bại toàn diện. Xã hội Việt Nam hôm nay là một xã hội bất công, phi dân chủ và phản văn minh. Còn cái gọi là « pháp quyền xã hội chủ nghĩa » chỉ là một mớ hổ lốn, một « nồi xà bần » về luật pháp.

Xã hội Việt Nam hôm nay được vận hành tương tự tình trạng giao thông trong thành phố lớn. Đó là một xã hội luồng lách ích kỷ, mạnh ai nấy sống, ai cũng cố gắng tìm cho mình một « giải pháp cá nhân ». Những gì liên quan đến « lợi ích chung » thì luôn bị gạt bỏ, phá hoại. Người ta có thể vặt sạch, cả cành lẫn lá và hoa, một vườn hoa (Nhật Bản) trong vòng 15 phút. Người ta có thể thản nhiên xả rác xuống đường, hay tự nhiên đứng đái ở một gốc cây, một bức tường vắng vẻ nào đó… Sĩ diện quốc gia hình như không hiện hữu nơi những công dân Việt.

Giải quyết các việc « phản văn minh » này đâu có gì khó khăn ? Chỉ cần mọi người có chút ít tinh thần « thuợng tôn pháp luật », trật tự giao thông sẽ được thiết lập, cũng như nạn đái bậy, xả rác, khạc nhổ, phá hoại… nơi công cộng sẽ được giảm đi. (Điều nên biết là bên Mỹ, xả rác ngoài xa lộ là bị phạt 1.000 đô).

Mà việc thuợng tôn pháp luật chỉ được thể hiện nếu « quan trên » ý thức rằng thân phận mình cũng ngang hàng như một người dân bất kỳ trước pháp luật. Trong khi quan chức còn có bổn phận phải bảo vệ pháp luật.

Người dân Sài Gòn biểu tình chống luật Đặc khu.

« Xã hội công bằng » chỉ hiện hữu trong lý thuyết, trong mơ. Nhưng một xã hội mà trong đó mọi người công bằng trước pháp luật là điều khả thi. Làm được hay không là do quyết tâm của lãnh đạo mà thôi. (Việc « xử » tờ báo Trí Thức Trẻ vừa rồi của các quan chức VN cho thấy « quan trí » còn thấp lắm !) 

Xã hội Việt Nam hôm nay cũng đang đứng trước mối đe dọa phân hóa trầm trọng, do sự liên đới giữa những người dân trong xã hội không còn. Một người nghèo có thể chết vì đói bên lề xã hội mà không hề có ai ngó ngàng tới. Nạn nhân của những oan trái, bất công… đến từ các chính sách hà khắc, bất công của nhà nước, từ thập niên 50 đến nay, có thể tính hàng chục triệu người. Những nạn nhân này bị lịch sử lãng quên. 

Lịch sử dân tộc Việt Nam chưa bao giờ phân hóa như vậy.

Nạn kỳ thị vùng-miền, bắc-nam, người dân tộc-người kinh, người Việt gốc-người bản địa… cũng đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. 

Sau 1975, mâu thuẩn bắc-nam là việc có thật. Người ta thường lên tiếng trách những người tị nạn ở hải ngoại ghét bỏ, « kỳ thị » đến mức xa lánh dân Bắc Kỳ, mà ít ai thử đặt câu hỏi : vì sao người ta có những hành động như vậy ? Những người Việt ở hải ngoại phần lớn rời bỏ đất nước sau biến cố 1975, vì họ là nạn nhân của các chính sách của nhà nước CSVN. Họ thù ghét « Bắc Kỳ » là phản xạ tự nhiên. Những người Việt lưu vong gốc Bắc Kỳ 54 cũng có phản xạ tương tự. 

Trong khi chính sách nhà nước, với những số liệu thống kê rõ rệt, từ năm 1975 đến cuối thập niên 90, chính sách « ngu dân » ở miền Nam là có thật, chứng minh được. Từ đầu tư vào giáo dục, trường ốc, học bỗng xuất ngoại, xây dựng hạ tầng cơ sở… miền Nam đều thua kém miền Bắc. Bài viết vừa rồi trên báo Trí thức trẻ là một sự sỉ nhục chung cho dân miền Nam (lục tỉnh), đồng thời nó cũng khơi dậy đống tro tàn (đáng lẽ không cần phải nhắc) từ quá khứ đau thuơng. Điều nên biết, dân miền Nam có thể đứng lên đòi quyền « dân tộc tự quyết » và « ly khai » để trở thành một nước độc lập, nếu họ muốn (theo qui định của các hiệp ước quốc tế như Hiệp định Paris 1973). 

Mâu thuẩn giữa dân Khmer Khrom cũng là một vấn đề đau nhức. Lập luận của nhiều người Việt hôm nay là đất miền Nam không phải của Kampuchia, nhưng không ai trong những người này chứng minh được rằng đất đó từ nào giờ là của Việt Nam. Người Khmer Khrom không thể sử dụng quyền « dân tộc tự quyết » để « ly khai », vì không luật lệ nào cho phép họ làm việc đó. Nhưng những « bức xúc » của người dân Việt này (họ cũng là người Việt) vì họ cũng bị phân biệt đối xử. Họ là nạn nhân của các chính sách chính trị hơn là do việc phân biệt chủng tộc. 

Người ta không thể hô hào một « xã hội văn minh » mà có những chính sách phản văn minh, như đàn áp các dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo, đồng hóa văn hóa…. Người ta không thể thuyết phục được người dân Việt (gốc Khmer) bằng cách che dấu sự thật lịch sử. 

Ngoài dân Khmer, còn có dân Thuợng, dân Chăm, dân Hmong… 

Chính sách của nhà nước CSVN là phân biệt nguồn gốc, chủng tộc, tôn giáo, vùng miền… Hệ quả của nó là đất nước VN đang đứng trên bờ vực của sự tan rã.

Để cứu vãn, những người Việt (cảm thấy mình có trách nhiệm) có thể làm những việc gì ?  

Tranh đấu cho dân chủ ? Đúng. Là một chọn lựa đúng. Nếu vậy là mọi hành vi cũng như tư cách của các nhà dân chủ phải nằm trong vòng cho phép của pháp luật. Tôi thấy nhiều nhà dân chủ mà tiếng nói của họ như một nhà « cách mạng ». Những nhà dân chủ phải là người có thể giải thích luật lệ, là tấm gương trong việc « thuợng tôn pháp luật », để mọi người nhìn vào, nhất là phía nhà cầm quyền. Dân chủ chỉ có thể xây dựng trong một xã hội pháp trị mà thôi. Vì vậy, trước khi xây dựng dân chủ, thì phải xây dựng nền tảng pháp trị. Mà pháp trị là mọi người, kể cả quan chức, đều phải « thuợng tôn pháp luật ».

« Thoát Trung » ? Cũng đúng. Nhưng một nước Việt Nam « thoát Trung » mà xã hội vẫn như hôm nay thì cũng như không ! Tôi nghĩ rằng, để việc thoát Trung thành công viên mãn, điều trước tiên cũng là việc xây dựng một xã hội trọng pháp. 

Còn tôi, không làm chính trị, tôi chỉ muốn đất nước tôi ngày càng tươi đẹp, giàu mạnh hơn, dân tộc tôi được hạnh phúc, văn minh hơn. Những ý kiến, hay chỉ trích (xây dựng) của tôi nhằm góp phần để thể hiện công việc đó. Điều tôi cho là cần thiết hôm nay, ngoài việc xây dựng xã hội trọng pháp, là vấn đề hòa giải dân tộc. Nếu không nhanh chóng có một bộ luật về hòa giải dân tộc, khi có một cuộc khủng hoảng lớn (về kinh tế hay chính trị), đất nước VN có thể bị phân liệt.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here