TRUNG QUỐC VÀ THAM VỌNG BÁ CHỦ (P.4)

0
169

IV. ĐỊNH HƯỚNG THÔNG TIN VÀ LAN TOẢ VĂN HOÁ: TÍCH LUỸ QUYỀN LỰC MỀM

1. Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến truyền thông để dẹp bỏ các chỉ trích và nhân rộng các đánh giá tích cực về mình, truyền bá lối sống văn hoá tư tưởng tạo dựng hình ảnh thân thiện trên toàn thế giới.
Trung Quốc thực hiện nỗ lực này khá kín đáo: mở rộng ảnh hưởng của mình trên báo chí phương Tây. Các công ty truyền thông nhà nước của Trung Quốc đang tích hợp ngày càng nhiều với các hãng truyền thông phương Tây để định hướng dư luận về Trung Quốc. Năm 2018 Tân Hoa Xã tuyên bố mở rộng hợp tác với hãng thông tấn Associated Press (AP) của Mỹ trong các lĩnh vực như phương tiện truyền thông mới, thông tin kinh tế và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Trả lời yêu cầu của quốc hội Mỹ về phạm vi thỏa thuận giữa AP và Tân Hoa Xã, AP tuyên bố rằng Tân Hoa Xã sẽ không tác động đến định hướng của AP và sẽ không có quyền truy cập vào thông tin bí mật của AP. Sau nghi án can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, một số thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ sợ rằng các hoạt động của Bắc Kinh tại Mỹ như với AP sẽ gây ra mối đe dọa tương tự.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực thành lập và mở rộng hoạt động các cơ quan truyền thông thiên hướng thân Bắc Kinh bằng các nguồn đầu tư chính phủ và các doanh nghiệp thân hữu, sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để đào tạo các nhà báo nước ngoài, đặc biệt là từ các nước đang phát triển. Ví dụ, các nhà báo từ Đông Nam Á và Mỹ Latinh thường xuyên được mời đến thăm Trung Quốc để tham gia các hội thảo và khóa học mà họ sẽ được cung cấp quan điểm chính thức về các chính sách kinh tế và đối ngoại của Trung Quốc. Ngoài ra, gần đây các ông trùm kinh doanh thân Trung Quốc đã mua phương tiện truyền thông địa phương ở Nam Phi, nơi mở ra cơ hội để Trung Quốc tiếp cận trực tiếp đến các đối tượng mục tiêu. Việc các doanh nghiệp Trung Quốc đang tích cực thâu tóm các kênh truyền thông là chuyện không hề mới.
Giống như các quốc gia tham vọng toàn cầu khác Trung Quốc sử dụng các chương trình văn hóa và truyền thông nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình trên quy mô lớn thông qua các công cụ truyền thông nhà nước, với đối tượng là hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Mạng lưới truyền hình, các mạng xã hội và nền tảng nhắn tin của Trung Quốc cũng đang chiếm lĩnh không gian thông tin toàn cầu, giúp Bắc Kinh dễ dàng truyền tải các thông điệp qua Tân Hoa Xã và các nền tảng khác cho nhiều người dùng mạng xã hội bên ngoài Trung Quốc.Các hoạt động truyền bá văn hoá thể thao, đặc biệt là phim ảnh, được đẩy ngày càng mạnh. Các hoạt động văn hoá này là một phần quan trọng trong định hướng suy nghĩ một đất nước Trung Quốc mới, một hình ảnh mới về Trung Quốc: mạnh mẽ, không quan tâm, không cần gì ngoài việc sống trong một thế giới hài hoà, thân thiện và bề dày văn hoá lịch sử.
Các think tank, viện nghiên cứu đang được đồng Nhân dân tệ tài trợ trên khắp thế giới để tạo dựng ảnh hưởng. Trung Quốc đạt được thành công lớn nhất trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á. Đặc biệt tại Thái Lan Trung Quốc thành công trong xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác kinh doanh cũng như các viện nghiên cứu trong bối cảnh TT Trump kéo nước Mỹ về với chủ nghĩa dân tộc còn tình hình nội bộ Thái Lan có nhiều bất định. Theo nguồn thông tin tình báo đáng tin cậy chỉ trong thời gian ngắn Thái Lan đã trở thành trung tâm không chính thức để truyền tải ngôn luận, thông tin phục vụ các mục tiêu truyền thông của Bắc Kinh trên toàn khu vực. Myanmar cũng đang bị Trung Quốc lôi kéo ngược trở lại quỹ đạo của mình. Các trung tâm truyền thông như vậy của Trung Quốc không ít trên phạm vi toàn cầu.
Các chủ doanh nghiệp thân hữu chính quyền Trung Quốc cũng sẵn sàng phân bổ số tiền nhất định để gây ảnh hưởng đến các tổ chức, trường đại học, think-tank ở nước ngoài thông qua dự án Học viện Khổng Tử.
2. Học Viện Khổng Tử (HVKT) có trụ sở đặt tại Bắc Kinh. Cơ quan này, được kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc, tìm kiếm đối tác ở các trường đại học khác trên thế giới và, dưới vỏ bọc giảng dạy ngôn ngữ, truyền bá văn hóa, giảng dạy lịch sử theo cái nhìn của nhà nước Trung Quốc, tuyên truyền các chính sách, tầm nhìn và cuộc sống Trung Quốc.
Chương trình bắt đầu từ năm 2004 và về hình thức do Văn phòng Hội đồng tiếng Hoa Quốc tế (Hán Biện – một tổ chức phi lợi nhuận) liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc chịu trách nhiệm về tài chính.
Các văn phòng của HVKT thường được đặt trong khuôn viên của cơ sở giáo dục địa phương chứ không đặt bên ngoài cơ sở giáo dục. HVKT có chung một mô hình tổ chức và nội dung hoạt động, chịu sự điều hành trực tiếp và nhất quán của Hán Biện. Văn phòng Hán Biện giữ quyền chỉ định một trường đại học Trung Quốc có thứ hạng tương ứng làm đối tác với một trường đại học địa phương và cử một giám đốc người Trung Quốc của đại học này trực tiếp chỉ đạo. Các đồng giám đốc người địa phương do Hán Biện mời tham gia chỉ là đại diện có tính hình thức.
Đó là điều HVKT khác các tổ chức xúc tiến văn hoá và ngôn ngữ hay được mang ra so sánh với HVKT là Viện Goethe (Đức), Viện trao đổi văn hoá Pháp L’Espace (Pháp), hay Hội đồng Anh (Anh).
HVKT không được cho là ngang hàng với các Viện trên vì HVKT bị cho là được dùng để tuyên truyền về các đề tài chính trị.
Chính thống mà nói các nội dung hoạt động chính của HVKT là:
a. Tổ chức các khóa đào tạo tiếng Hoa.
b. Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghiên cứu khoa học và các cuộc thi Hoa ngữ quy mô quốc gia.
c. Tổ chức các cuộc thi đánh giá năng lực Hoa ngữ và cấp bằng (Chinese Language Proficiency Tests (HSK)).
d. Cung cấp thông tin về học bổng, giáo dục, du lịch và văn hóa TQ
e. Quảng bá văn hóa ngôn ngữ Trung Hoa.
Cho tới nay Trung Quốc đã thành lập được trên 480 học viện Khổng Tử ở trên 100 quốc gia trên thế giới.
Đánh giá về dài hạn, thông qua việc giới thiệu và quảng bá ngôn ngữ, nền văn hóa và con người Trung Quốc, Học viện Khổng Tử là nhân tố của “quyền lực mềm” trong đường lối chính trị Trung Quốc. Qua đó, có thể dùng tầm ảnh hưởng, uy tín và sức thu hút để thực hiện những dụng ý của Trung Quốc trên thế giới mà không cần áp dụng sức mạnh quân sự hay kinh tế.
Lý Trường Xuân, ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã từng công khai phát biểu năm 2011: “Học viện Khổng Tử là một thương hiệu tuyệt vời để truyền bá văn hóa của chúng ta ra nước ngoài. HNVKT đã đóng góp đáng kể để tăng sức mạnh mềm của chúng ta. Thương hiệu Khổng Tử hấp dẫn một cách tự nhiên. Nếu bạn sử dụng đào tạo tiếng Trung Quốc như một cái cớ, mọi thứ bắt đầu có vẻ dễ hiểu và hợp lý.”
Các học viện Khổng Tử bị cho là không trung lập trong việc diễn giải những vấn đề nhạy cảm nên sự hiện diện của nó tại một số nước đã gây nhiều tranh cãi.
Cơ quan tình báo một nước Bắc Âu, trong một báo cáo nội bộ, đã lưu ý rằng các hoạt động tình báo của Trung Quốc trong nước họ đã trở nên hung hăng hơn: “Tình báo Trung Quốc truyền thống làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao, sử dụng Viện Khổng Tử, các doanh nghiệp Trung Quốc, các cơ quan thông tấn và sinh viên Trung Quốc du học.”
Không ai nghi ngờ về việc các HVKT là công cụ triển khai quyền lực mềm, kênh xâm nhập văn hoá, tạo sự ảnh hưởng về chính trị.

3. Tuy nhiên hoạt động tuyên truyền và truyền bá văn hoá tư tưởng của Trung Quốc đang làm chưa đạt như mong muốn của họ. Hình ảnh đất nước Trung Quốc cho đến nay vẫn không được thân thiện cho lắm trong mắt nhiều khu vực trên thế giới.
Kết quả của các cuộc thăm dò của Pew Research Center về thái độ của người dân các quốc gia trên thế giới về Trung Quốc – hầu hết là tiêu cực.
60% số người được hỏi từ Hoa Kỳ và 67% dân số Canada coi Trung Quốc là không thân thiện, thấp nhất kể từ năm 2007. Hầu hết các nước Tây và Bắc Âu, điển hình là 70% cư dân Thụy Điển và 53% Tây Ban Nha cũng không thích Trung Quốc: bình quân không thích 57% và thích là 37%.
Ở Trung và Đông Âu, nơi Trung Quốc đã chi những khoản đầu tư lớn thì không có quy tắc chung. Bulgaria, Ba Lan, Litva thái độ với Trung Quốc khá tích cực hơn là tiêu cực. Nhưng Cộng hòa Séc và Slovakia nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực. Bình quân không thích là 36% và thích là 43%. Tuy nhiên tình hình có vẻ đang xấu dần đi.
Ở châu Á tình hình tệ hơn: 85% người Nhật, 63% dân số Hàn Quốc, 57% người Úc, 54% người Philippines không thích Trung Quốc. Bình quân không thích là 57% và thích là 36%.
Vùng còn lại: Mỹ Latin, Middle East và châu Phi thì thái độ với Trung Quốc khá tích cực. Điều này cũng dễ hiểu.
Đặc biệt yêu quý Trung Quốc là Nga (71%), Nigieria (70%) và Lebanon (68%).
Lý do chính có lẽ người Trung Quốc phải tự trách mình chứ không nên đổ lỗi cho các thế lực thù địch. Một phần bởi sự khác biệt văn hoá, lối sống cũng như phong tục tập quán… trong khi người Trung Quốc giàu lên quá nhanh đã ào ra thế giới mà không ai, kể cả người Trung Quốc lẫn phần còn lại của thế giới, được chuẩn bị. Một phần bởi các lý do rất chủ quan: Trung Quốc rõ ràng đã sai lầm khi quá tích cực áp đặt “tình yêu” từ các đối tác, đồng minh và người nhận hỗ trợ tài chính là điều không ai thích. Trung Quốc cũng đã sai trong việc tự định vị mình trong thế giới: tin rằng cả thế giới đều vui mừng chào đón các sáng kiến ​​của Trung Quốc, thể hiện tham vọng của mình hơi sớm và quá đột ngột khi bỏ qua chính sách “ngoạ hổ tàng long”, niềm tin rằng có thể dùng sức mạnh tài chính và quân sự có thể khuất phục tất cả bất chấp các yếu tố văn hoá, phớt lờ ý kiến và quyền lợi ​​của các quốc gia khác, bỏ qua và vi phạm các quy tắc ứng xử (nói đi cũng phải nói lại: vi phạm quy tắc ứng xử là điều các cường quốc vẫn làm nhưng không thể phải ở mọi nơi, không quá thô thiển và không bất kỳ lúc nào).
Và tất nhiên chắc còn bởi bộ máy tuyên truyền, truyền bá tư tưởng của Trung Quốc hoạt động không được hiệu quả như họ mong muốn.

Thách thức hiện nay đối với nhiều quốc gia là phân biệt giữa phát triển văn hóa – chính trị lành mạnh và ảnh hưởng – can thiệp nguy hiểm tiềm tàng từ các công cụ truyền thông. Trong khi các cơ quan tình báo phương Tây hiện chủ yếu tập trung vào cuộc chiến thông tin với Nga và phân bổ tương đối ít nguồn lực cho cuộc chiến thông tin với Trung Quốc thì họ âm thầm núp sau hậu trường cố gắng vẽ ra một trật tự thế giới mới.
Rất nhiều trong chúng ta nhận được tin tức hàng ngày từ khắp nơi trên thế giới không biết rằng nguồn gốc thông tin ấy được chính Trung Quốc tạo ra. Kỹ thuật xào nấu thông tin và truyền tải thông điệp được Trung Quốc thực hiện rất khéo léo không kém các bậc “đàn anh” đi trước Mỹ, Nga chút nào.
Cuộc chiến truyền thông, hiện khuất trong hậu trường, do Bắc Kinh chủ xướng đang gia tăng hàng ngày và sớm hay muộn sẽ trở nên công khai.
Hy vọng chúng ta đủ thông tin, đủ tỉnh táo… để có cái nhìn khách quan, đúng đắn về trật tự thế giới chứ không dễ dàng, tệ hơn cả là buộc phải, chấp nhận bức tranh do Bắc Kinh hay ai đó vẽ ra./.

Lý Xuân Hải

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here