Thông tín viên Frédéric Schaeffer của Les Echos tại Bắc Kinh hôm nay có bài viết mang tựa đề « Vì sao Trung Quốc không lấp được khoảng trống do ông Trump tạo ra ».
« Now, China lead ». Đó là nhận định của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong hội nghị thượng đỉnh G7 tại Taormina (Ý). Lãnh đạo các nước giàu có nhất hành tinh đã cố gắng thuyết phục tổng thống Mỹ Donald Trump không rút khỏi hiệp định khí hậu Paris, nhưng chỉ hoài công. Theo biên bản được tờ Der Spiegel tiết lộ, thì Macron nói rằng hiện tượng thay đổi khí hậu là nguy cơ có thực, thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh nếu Hoa Kỳ rút lui sẽ khiến cho Trung Quốc tha hồ tung hoành. Nhưng khi mọi người hiểu được rằng Donald Trump không thay đổi quan điểm, Emmanuel Macron rút ra kết luận : « Bây giờ thì Trung Quốc cầm đầu ».
Trump mở ra những cơ hội bằng vàng cho Bắc Kinh
Donald Trump hy vọng « làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », nhưng ông lại dâng cho Bắc Kinh cơ hội duy nhất để trở thành đại cường số một thế giới. Đây không phải là món quà đầu tiên ông Trump dành cho Tập Cận Bình. Bác bỏ chủ nghĩa đa phương, đẩy nhanh sự co cụm của Mỹ, chính quyền Trump ngay từ tháng Giêng đã rút khỏi hiệp định TPP vốn được thiết kế để cô lập Trung Quốc. Tổng thống Mỹ nhiều lần chỉ trích Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và NATO, thậm chí còn từ chối khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh.
Tất nhiên là các đối tác truyền thống hoang mang. Thủ tướng Đức cay đắng tuyên bố, thời kỳ có thể tin cậy vào Hoa Kỳ đã qua rồi, và vài ngày sau, bên cạnh Lý Khắc Cường, bà nói : « Trung Quốc đã trở thành một đối tác chiến lược và quan trọng hơn ». Thủ tướng Trung Quốc như mở cờ trong bụng.
Trước một Hoa Kỳ từ chối vị trí thống lĩnh thế giới, Trung Quốc bỗng dưng đứng trước một đại lộ thênh thang để trở thành đại cường hàng đầu. Donald Trump hứa hẹn chủ nghĩa bảo hộ ? Tập Cận Bình bèn đóng vai sứ thần rao giảng cho tự do mậu dịch, tại Davos hồi tháng Giêng. Trump ca ngợi sự co cụm lại ? Bắc Kinh tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quy mô vào tháng Năm để xúc tiến « Con đường tơ lụa mới », dự án thương mại và hạ tầng khổng lồ nối liền Á-Âu. Trump rút khỏi TPP ? Tập Cận Bình liền thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch của Trung Quốc là RCEP. Hoa Kỳ tố cáo hiệp định khí hậu Paris ? Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhiều nhất hành tinh vội vã khẳng định sẽ duy trì cam kết.
Mỗi lần như vậy là cơ hội bằng vàng cho chế độ cộng sản Trung Quốc đánh bóng lại hình ảnh của mình với cái giá rẻ rề, mở rộng ảnh hưởng và tự trình diễn như một lực lượng ổn định trước một tổng thống Mỹ bốc đồng và một Hoa Kỳ khép mình lại. Donald Trump chính là nhân tố đẩy nhanh sự hội nhập của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Mô hình trái ngược với thế giới tự do
Nhưng theo Les Echos, nếu tin rằng người khổng lồ châu Á có khả năng đóng vai trò lãnh đạo thế giới mà người Mỹ bỏ lại, có vẻ thiếu thực tế. Nhà nghiên cứu François Godement của think tank European Council on Foreign Relations nhận định : « Mô hình quản lý của Bắc Kinh về cơ bản không tương hợp với trật tự thế giới tự do. Trung Quốc chọn lựa khi nào cam kết, khi nào rút lui », tùy theo lợi ích của mình.
Về thương mại, Trung Quốc muốn xuất hiện như một tín đồ của tự do mậu dịch, nhưng lại đóng cửa thị trường nội địa với các công ty nước ngoài. Về khí hậu, Bắc Kinh đổi sang thái độ bảo vệ môi trường không phải vì muốn ủng hộ chủ trương của thế giới, mà vì áp lực trong nước : không còn có thể làm ngơ trước sự bất bình ngày càng tăng của dân chúng về đại dịch ô nhiễm.
Tương tự, Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, nhưng lại mắt lấp tai ngơ trước việc giúp đỡ người tị nạn hay can thiệp quân sự vào Libya hay Syria. Chuyên gia François Godement nhấn mạnh, nhất là Bắc Kinh không ngần ngại « bác bỏ thẳng thừng các quy định quốc tế nếu bất lợi cho mình tại khu vực », như đã chứng tỏ vào năm ngoái, khi kiên quyết không chấp nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về Biển Đông.
Bắc Kinh tiếp tục độc hành, từ chối bị trói tay bởi các hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc. Chẳng hạn hiệp định RCEP do Trung Quốc đề nghị thấp hơn hẳn so với TPP, vốn không chỉ giới hạn ở hàng rào thuế quan mà còn cả các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ. Ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc cũng không khiến cho các nước láng giềng lấy làm vui.
Và, phía sau những nụ cười ngoài mặt, việc Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu không thể thỏa thuận được về một thông cáo chung sau hội nghị thượng đỉnh Bruxelles mới đây, đã nói lên rất nhiều về những bất đồng dai dẳng. Viễn cảnh một bộ đôi Châu Âu-Trung Quốc lấp được khoảng trống do Hoa Kỳ bỏ lại, không phải là ngày một ngày hai.
Bắc Kinh còn phải mất một thời gian dài cho tham vọng quốc tế của mình. Ưu tiên hiện nay phải dành cho việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước. Và như vậy, Hoa Kỳ không còn lãnh đạo thế giới không có nghĩa là Trung Quốc bỗng chốc vọt lên thành đại cường số một hành tinh.
Chi phí cho Trump Hotel của các nhà lobby Ả Rập Xê Út
Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ, Les Echos trích dịch bài viết trên tờ Time nói về vấn đề xung đột lợi ích, tuy rành rành như ban ngày nhưng không còn làm ai ngạc nhiên.
Từ khi ông Donald Trump nhậm chức, Trump Hotel đã trở thành nơi các nhà ngoại giao nước ngoài chọn lựa để tìm cách tranh thủ cảm tình của tổng thống, với giá thuê phòng đắt đỏ và những ly cocktail có giá trên 100 đô la. Từ tháng Mười năm ngoái đến tháng Năm năm nay, các nhà vận động hành lang của Ả Rập Xê Út đã chi ra đến 270.000 đô la, cả tiền phòng lẫn chi phí ăn uống, cho đến khi tổng thống Hoa Kỳ dành chuyến công du đầu tiên cho quốc gia Trung Đông này.
Thật ra cũng chẳng cần cất công đến tận Washington để nịnh nọt ông Trump. Sự hiện diện của các Trump Tower, từ Manila đến Panama, đã xóa nhòa giới hạn giữa các mục tiêu của một tổng thống và doanh nhân. Một chuyên gia cho rằng « Khách sạn chỉ là phần nổi của tảng băng ». Chính ông Trump năm 2015 nhìn nhận : « Tôi có chút ít xung đột lợi ích, vì có một tòa nhà hết sức quan trọng ở Istanbul ».
Tuy nhiên luật liên bang về vấn đề này lại không áp dụng cho tổng thống. Time nêu ra một sự mỉa mai của lịch sử : Donald Trump được bầu lên nhờ lời hứa sẽ ra tay dọn dẹp những bất hợp lý ở Washington D.C.
Anh : Thất bại cay đắng của Theresa May và chủ nghĩa dân túy
Nhìn sang Anh quốc, đồng minh của Mỹ ở châu Âu, các báo Pháp đều chú ý đến thất bại của thủ tướng Theresa May trong cuộc bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn mới đây. Le Monde nhận định « Therera May bám lấy quyền lực », La Croix cho rằng « Tương lai bất định đối với bà May », Libération dự báo « « Đối với Theresa May, chỉ còn đếm từng ngày », còn Les Echos phân tích về « Thất bại cay đắng của bà May ».
Theo tác giả Dominique Moïsi, cũng như cựu thủ tướng David Cameron đã thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý « Brexit », bà May đã thua cuộc khi muốn củng cố sức mạnh của phe bảo thủ. Đó là một nước Anh chia rẽ hơn bao giờ hết, đang chuẩn bị đối đầu với thực tế của Brexit.
Giáo sư Moïsi cho rằng không nên đùa giỡn với sự tham vấn người dân qua lá phiếu. Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm, một thủ tướng Anh đã gánh lấy rủi ro lớn này và đều thất bại. Ông David Cameron muốn tăng cường sự đoàn kết của đảng bảo thủ qua việc cho trưng cầu dân ý về châu Âu, còn bà Theresa May muốn củng cố đa số tại Quốc Hội để có thể thương lượng các điều kiện Brexit trên thế mạnh.
Cùng với thất bại, David Cameron đã mất ghế, còn bà May vẫn muốn bám lấy quyền lực nhưng cho đến bao giờ ? Thay vì đa số tuyệt đối, nay đảng của bà lại mất cả thế đa số. Tệ hơn nữa, bà May muốn đóng vai phiên bản « thực dụng » của bà đầm thép Thatcher, nhưng người Anh nhanh chóng nhận ra bà « không chạm nổi đến gót chân của kiểu mẫu này, trừ sự độc đoán ».
Tương tự, trong bài « Anh quốc, tác hại của chủ nghĩa dân túy » đăng trên trang ý kiến của Le Figaro, tác giả Nicolas Baverez nhận định, cũng như ông Davie Cameron, bà Theresa May đã bị cháy thành than khi đùa với lửa. Bất ngờ quyết định tổ chức bầu cử trước hạn, bà cố tình làm ngơ trước những bài học gần đây tại các nước phát triển, cho thấy sự bất ổn của dư luận và tính nổi loạn của công dân.
Bầu cử Quốc Hội Pháp : Macron làm nổ tung tất cả
Chân dung tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron chiếm trang nhất hầu như tất cả các báo hôm nay, khi đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc Hội hôm qua. La Croix chạy tựa « Làn sóng Macron », Les Echos nói về « Hiệu ứng Macron », Le Figaro nhận định « Macron tiến bước về một đa số tuyệt đối », còn Libération gọi đây là một « OPA » (việc một doanh nghiệp nuốt chửng một công ty khác). Riêng Le Monde ra từ hôm trước nói về « Tầm quan trọng của một cuộc đổi mới chính trường chưa từng thấy ».
Le Figaro trong bài xã luận mang tựa đề « Macron đã làm nổ tung tất cả », đã kêu lên : « Ai có thể tin được, ai dám nói thế ? Một phong trào chính trị mới cách đây hai năm còn chưa hiện hữu, nay đang ngạo nghễ vơ hết đa số tuyệt đối tại Quốc Hội ». Emmanuel Macron đã thành công trước thử thách, và sáng nay có thể quan sát những hậu quả của vụ đặt chất nổ ngoạn mục này.
Sau cuộc bầu cử tổng thống tệ hại, đảng Những Người Cộng Hòa lại chịu một thất bại mới, gây ảnh hưởng lớn đến tương lai. Còn đảng Xã Hội ? Le Figaro cho rằng tấm bia mộ cho đảng cánh tả lâu đời này sẽ được đặt vào kỳ bầu cử vòng hai Chủ nhật tới. « Tác động Macron » như vậy mang tính tàn phá nặng nề.
Nhưng tờ báo cánh hữu cảnh báo, hôm qua chỉ có phân nửa cử tri Pháp đi bầu. Và đa số tuyệt đối đạt được, buộc Macron phải cố thành công trong việc thay đổi mô hình đã cũ của nước Pháp, giải quyết được tình trạng thuế khóa nặng và nợ công cao. Bên cạnh đó là tình trạng di dân ồ ạt và hiện tượng co cụm lại trong cộng đồng thiểu số. Đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN) đã phát triển mạnh nhờ thất bại của cả cánh hữu lẫn cánh tả trong lãnh vực này. Giờ đây tập hợp được cả hai phía, nếu Emmanuel cũng thất bại, thì có thể hình dung được lực lượng nào sắp tới sẽ « tiến bước ».
« Nhát chổi lông gà » nhẹ nhàng của Macron
Trong bài xã luận « Nhát chổi lông gà », Libération nhận xét, là khuôn mặt mới trên chính trường, Emmanuel Macron sắp sửa thắng được giải Grand Chelem quan trọng nhất trong nền Đệ ngũ Cộng Hòa nước Pháp. Sau khi chiếm được điện Elysée, phong trào Cộng Hòa Tiến Bước non trẻ của ông sắp tràn ngập Quốc Hội.
Libération cho rằng Emmanuel Macron gặp may khi từ một nhận định bình thường – nhu cầu đổi mới – đã biến được thành một trận cuồng phong. Nhưng khác với thủ lãnh cực hữu Marine Le Pen hay cực tả Jean-Luc Mélenchon, Macron chẳng cần phải cao giọng. Ông không hét : « Cút đi ! » mà chỉ thầm thì : « Dễ thương tí nào, hãy nhường chỗ lại cho tôi ». Không phải là một nhát chổi chà, mà chỉ phẩy nhẹ chiếc chổi lông gà, những hạt bụi đối phương đã rơi rụng lả tả.
Về phía cử tri, cho rằng mọi việc đã an bài, nên đến phân nửa không tới phòng phiếu. Tỉ lệ vắng mặt kỷ lục này là bóng mờ trên bức tranh của người thắng trận, tuy đè bẹp các đối thủ nhưng lại kém phần vẻ vang. Dù sao thì chiến thắng này làm Quốc Hội khóa tới sẽ đơn điệu. Còn cánh tả đang vỡ vụn : đảng Xã Hội có tỉ lệ phiếu tệ hại nhất từ trước đến nay, đảng Nước Pháp Bất Khuất rơi xuống mức trước đây – tóm lại, một cánh tả bắt đầu từ số không.
Thắng được trận đánh, nhưng chưa chắc cả cuộc chiến
Lý giải « Tỉ lệ vắng mặt đã giúp ích cho Macron như thế nào », Les Echos nhận định, từ khi đắc cử, Emmanuel Macron nỗ lực huy động cử tri phe mình và ngược lại, làm cử tri các phe khác không muốn đi bầu. Ông bổ nhiệm một thủ tướng cánh hữu, và gởi các ứng cử viên giỏi nhất đối đầu các lãnh tụ đảng Xã Hội. Macron mở ra các hồ sơ dễ đạt đồng thuận, và mơ hồ trước những hồ sơ khác. Thế thì chống đối làm gì ?
Số cử tri vắng mặt đã làm Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) mạnh thêm, và bốn đảng còn lại – Những Người Cộng Hòa (LR), Xã Hội (PS), Mặt Trận Quốc Gia (FN), Nước Pháp Bất Khuất (FI) – bị yếu đi. Tuy nhiên tờ báo nhắc nhở, người ta có thể thắng một trận đánh, nhưng chưa chắc thắng được cả cuộc chiến.