zing.vn
- 15:35 25/01/2018
Sau hơn một ngày xét xử, VKS đề nghị mức án chung thân với Trịnh Xuân Thanh. Cùng bị xét xử tội tham ô tài sản, Đinh Mạnh Thắng (em ông Đinh La Thăng) bị đề nghị 11-12 năm tù.
Chiều 25/1, đại diện VKSND Hà Nội thay mặt cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đọc bản luận tội và đề nghị mức án với bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam) và 7 đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản xảy ra Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
VKS lần thứ 2 đề nghị án chung thân với Trịnh Xuân Thanh
Theo đó, VKS đề nghị án chung thân với Trịnh Xuân Thanh; Đinh Mạnh Thắng (em ông Đinh La Thăng) 11-12 năm tù.
Cùng bị xét xử tội Tham ô tài sản, 6 bị cáo khác bị VKSND đề nghị các mức án: Đào Duy Phong: 17-18 năm tù; Nguyễn Ngọc Sinh: 14-15 năm tù; Thái Kiều Hương: 11-12 năm tù; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy: 11-12 năm tù; Lê Hòa Bình: 9-10 năm tù; Nguyễn Thị Kim Thoa: 8-9 năm tù.
Do Thoa và Bình đang phải mang bản án chung thân liên quan đến vụ án khác nên tổng hợp hình phạt chung là chung thân.
3 ngày trước đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng bị TAND Hà Nội đưa ra xét xử do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC). Thanh bị tuyên án chung thân với 2 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội
Theo VKS, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến số tiền đặc biệt lớn (hơn 87 triệu) của Nhà nước, làm cho dự án Nam Đàn Plaza – một dự án có giá trị kinh tế rất lớn – bị đình trệ, không triển khai được từ năm 2010 đến nay, làm cho 9.584 m2 đất của dự án tại đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội không được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí, thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích của xã hội.
Hành vi phạm tội của các bị cáo còn xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính của công tác và trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp Nhà nước nói riêng. Họ đã tạo ra dư luận xấu trong xã hội.
Các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành các doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng là lãnh đạo của doanh nghiệp lớn, là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để đạt thành tích trong công tác, nhưng vì tư lợi của bản thân, không vượt qua sự cám dỗ của lợi ích vật chất, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tiền của Nhà nước, vi phạm pháp luật.
Bị cáo Thái Kiều Hương trả lời câu hỏi của luật sư. Ảnh: TTXVN. |
Đối với Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, trong quá trình hoạt động kinh doanh biết rõ hành vi vi phạm luật của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh nhưng vì lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp nên vẫn đồng tình giúp sức cho hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội của các bị cáo là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, một phần của tệ nạn tham nhũng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân và doanh nghiệp.
Hậu quả của hành vi phạm tội không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động rất xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội, gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. VKS đánh giá, việc đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh đối với các bị cáo, đã thể hiện việc kiên quyết đấu tranh phòng, chống tệ nạn tham nhũng của toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trịnh Xuân Thanh có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội
Về vai trò của các bị cáo trong vụ án, VKS đánh giá Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT PVC là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở cơ quan này, có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng 12.120.000 cổ phần và chỉ đạo Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện. Thanh chiếm hưởng số tiền 14 tỷ đồng.
Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo có thủ đoạn che giấu hành vi phạm tội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo chưa thật thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, xét thấy lời khai của bị cáo cũng đã góp phần làm sáng tỏ một phần nội dung vụ án, làm rõ hành vi của các đồng phạm khác. Số tiền 14 tỷ đồng bị chiếm đoạt đã được bị cáo trả lại khi Thái Kiều Hương yêu cầu, VKS đề nghị cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN. |
Theo VKS, các bị cáo Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy là những người thực hiện hành vi móc nối, tác động để Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land. Các bị cáo đã tích cực thực hiện hành vi giúp sức để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Bị cáo Hương và Duy móc nối, bị cáo Đinh Mạnh Thắng trực tiếp tác động để các bị cáo Thanh, Phong và Sinh quyết định bán cổ phần, chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Đinh Mạnh Thắng chiếm đoạt 5 tỷ đồng nên vài trò bị cáo này cao hơn bị cáo Thái Kiều Hương. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Thắng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình, số tiền 5 tỷ đồng đã được bị cáo trả lại khi Thái Kiều Hương yêu cầu. Quá trình công tác, Thắng có nhiều thành tích được tặng bằng khen nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho Thắng.
Đối với bị cáo Duy, Hương không thật thành khẩn khai nhận hành vi của bản thân, nhưng trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Duy đã nộp lại 1,25 tỷ đồng, bị cáo Thái Kiều Hương chưa được hưởng lợi nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ.
Theo cáo trạng, tháng 3/2010, Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương gồm 5 cổ đông sáng lập, trong đó PVP Land, đã thống nhất ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ 24 triệu cổ phần sở hữu dự án Nam Đàn Plaza (ở đường Phạm Hùng, Hà Nội) cho Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5, với giá tương đương 52 triệu đồng/m2 đất.
Ông Bình tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với từng cổ đông sáng lập của Công ty CP Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông còn lại được ký theo giá thỏa thuận. Riêng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land thể hiện giá chuyển nhượng chỉ tương đương 34 triệu đồng/m2 đất, thấp hơn giá chung hơn 87 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng xác định nhóm mua cổ phần của PVP Land, thông qua Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) và một số người trung gian đã gặp được Trịnh Xuân Thanh.
Sau đó bị cáo Thanh chấp thuận chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land với giá rẻ để hưởng tiền chênh lệch. Phi vụ này, Trịnh Xuân Thanh được nhận 14 tỷ, Đinh Mạnh Thắng nhận 5 tỷ trong tổng số 49 tỷ Lê Hòa Bình “lại quả”.
Trong phần xét hỏi diễn ra trước đó, bị cáo Đinh Mạnh Thắng phủ nhận vai trò đồng phạm và cho rằng bản thân chỉ vô tình giúp phía mua cổ phần gặp Trịnh Xuân Thanh. Về khoản tiền 5 tỷ đồng bị cáo buộc tham ô, em trai ông Đinh La Thăng cho rằng đó là quà cám ơn, khi nhận không biết rõ nguồn gốc. Ngoài ra, bị cáo Thắng thừa nhận đã chuyển vali chứa 14 tỷ đồng cho Trịnh Xuân Thanh.
Tại tòa bị cáo Thanh khai sau khi ăn tối, lái xe của ông nói lái xe của Đinh Mạnh Thắng gửi chiếc vali để trong cốp ôtô. Hai ngày sau, Thanh trả lại khoản tiền trên cho Thắng. Nguyên Chủ tịch HĐQT PVC cho rằng cần thực nghiệm việc để xác định xem số tiền 14 tỷ đồng có thể để trong vali như lời khai các bị cáo khác hay không.
Trước lời gợi ý của luật sư, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX cần cho thực nghiệm việc để 14 tỷ đồng trong vali ngay tại tòa. |
Em trai Đinh La Thăng Adsense Level 20 Đinh Mạnh Thắng Trịnh Xuân ThanhTrịnh Xuân Thanh án chung thân PVP Land PVC VKS đề nghị mức án