BBC
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận nói với BBC vụ việc tại trạm BOT Cai Lậy là một ví dụ điển hình cho việc quy hoạch không có tầm nhìn, vụ lợi và phản ứng của tài xế là hiệu quả và cần thiết.
Liên quan đến vụ việc tài xế dùng tiền lẻ trả phí để phản đối trạm BOT Cai Lậy, hôm 16/8 Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tiền Giang và chủ đầu tư đã quyết định sẽ giảm sẽ giảm 22-33% phí qua trạm nhưng thời gian thu phí lại tăng gấp đôi.
Vì vậy vụ việc có vẻ vẫn chưa hạ nhiệt.
Tài xế sẽ tiếp tục ‘chiến đấu’
Trao đổi với BBC hôm 17/8, anh Đỗ Cô Ca một tài xế hay đi qua đoạn đường có trạm thu phí Cai Lậy cho biết, dù Bộ GTVT và chính quyền cùng nhà đầu tư đã thống nhất giảm giá, các tài xế sẽ vẫn tiếp tục dùng tiền lẻ phản đối.
“Thứ nhất là vị trí trạm thu phí đã đặt sai chỗ. Trạm thu phí BOT là cho đường tránh mà sao đặt ở Quốc lộ 1A. Hàng năm đã đóng phí cầu đường rồi sao giờ lại thu thêm phí cho quốc lộ.
Thay đổi thu phí ở Cai Lậy: ‘Ít hơn nhưng lâu hơn’
“Thứ hai là mức phí quá cao, người dân họ chở con đi học, đi chợ phải đã tốn 70.000. Một xe bốn chỗ qua trạm 4 lần/ngày là 100.000 rồi. 26 ngày/tháng là 2,6 triệu hơn lương tài xế rồi.
“Mà giờ có đường tránh, xả trạm BOT, người dân vẫn đi Quốc lộ, tại vì đường tránh hẹp lắm, có một làn mỗi chiều. Nhiều xe đi là cũng chậm.
“Những người tài xế phản đối là chẳng qua người ta bảo vệ cái nồi cơm của người ta thôi. Những người tài xế chạy cho doanh nghiệp họ không quan tâm, họ lấy phiếu về đưa cho doanh nghiệp thanh toán, thì doanh nghiệp áp vô mặt hàng đội giá, dân lại chịu thì thôi,” anh Ca nói thêm.
Trước đó trạm thu phí đã lập danh sách 19 tài xế hay trả phí bằng tiền lẻ để “gửi đến ngành công an để điều tra, xử lý theo pháp luật,” theo báo VnExpress.
Phản ứng của tài xế là ‘hiệu quả, cần thiết‘
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận nói với BBC rằng phản ứng của tài xế là hiệu quả và cần thiết.
Ông Thuận cũng cho rằng “chỉ nên thu phí đường mới, đây là đường đã có rồi, tính tiền đã thu rồi thì đó là cái tiêu cực”.
“Nhưng những sự việc này không bể ra vì thanh tra cũng ở trong một bộ cả, cũng cùng một giuộc, cùng một nhóm họ ăn chia. Cơ chế thể chế nó sai cho nên tiêu cực cứ phát triển mãi không bao giờ dừng được.
“Ở phía Bắc, dân họ còn chặn xe lại đây người ta đưa tiền lẻ, tiền đó vẫn có giá trị, vẫn hiện hành, không có lí do gì nói thế này thế kia.
“Nếu không có đấu tranh thì làm gì có giải quyết, đây là cái cách cho người ta thấy đấu tranh là như thế nào, và người dân đã trưởng thành trong việc đấu tranh để thay đổi thể chế này ra sao.”
Nhà đầu tư ‘vay ngân hàng rồi thu phí dân’
Trạm BOT Cai Lậy nằm gần đoạn giao giữa Quốc lộ 1A và đường tránh, và bắt đầu hoạt động từ 1/8/2017.
Theo báo Nông Nghiệp, dự án xây dựng tuyến tránh 12km là theo hợp đồng BOT có vốn đầu tư là 1.395 tỷ vay vốn ngân hàng. Sau đó, đã có thêm 400 tỷ được bỏ ra để “tăng cường mặt đường Quốc lộ 1A”.
Một nhà bình luận từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói ông từng làm việc tại một ngân hàng nhiều năm trước và nhận định:
“Tất cả dự án BOT để huy động nguồn lực của nhà đầu tư gần 80-90% đều đi vay ngân hàng. Thực sự cái vốn đấy cũng là vốn của người dân còn bản thân nhà đầu tư có vốn đâu mà gọi là nhà đầu tư. Đó là lấy mỡ nó rán nó!
“Tôi có thể cam đoan nếu có kiểm toán độc lập nếu chỗ đầu tư gần 1,400 tỷ giỏi lắm được 700 tỷ, và tôi nghĩ họ thu hồi được vốn thật cộng với lãi vừa phải cũng chỉ 3-4 năm.
Vụ các trạm BOT ‘nhắm vào ông Thăng’?
Cũng có cùng quan điểm với ông Trần Quốc Thuận, nhà phê bình Nguyễn Quang A còn góp ý thêm rằng:
“Phải công khai minh bạch hoàn toàn tất cả dự toán đầu thầu tất cả mọi dự án thu phí như thế nào, thời gian bao lâu phải công bố công khai cho dân chúng, chuyên gia biết. Chỉ trên cơ sở đấy thì cơ quan có thẩm quyền mới đứng ra đấu thầu và đấu thầu cũng phải công khai và người dân phải dám sát sự minh bạch đó.
“Rất đáng tiếc những điều tôi vừa nói là những điều không xảy ra ở Việt Nam chính vì thế dẫn đến chuyện rất là không hay ở các dự án BOT và các trạm thu phí BOT,” ông A kết luận.