Thương chiến Mỹ-Trung vượt tầm kiểm soát?

    0
    331
    Ảnh : Reuters
    VOA

    Những bước đi mới nhất của Mỹ và Trung Quốc những ngày qua khiến các nhà quan sát và phân tích lo sợ rằng cuộc chiến thương mại giữa hai nước đang leo thang đến một mức nguy hiểm có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.

    Trung Quốc hôm thứ Hai khiến thế giới choáng váng khi để cho đồng nhân dân tệ trượt xuống mức yếu nhất trong hơn một thập niên và cũng loan báo dừng mua nông sản của Mỹ.

    Chính quyền Trump sau đó đáp lại bằng một cách định danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Bước đi này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hồi tuần trước rằng ông sẽ áp thuế quan 10% lên thêm 300 tỉ đôla giá trị hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 1 tháng 9, trừ phi Trung Quốc bắt đầu đáp ứng những đòi hỏi của Mỹ.

    Diễn tiến dồn dập này cho thấy các cuộc đàm phán thương mại trong hơn một năm qua đã không thế giải quyết được những bất đồng căn bản giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ít nhất là tới thời điểm này, và khơi ra lo sợ về những hệ quả khả dĩ trầm trọng hơn vì tình trạng bế tắc này.

    “Bằng việc cố thủ lập trường của mình, cả Mỹ và Trung Quốc làm tăng nguy cơ phá vỡ một nền kinh tế đang bắt đầu rạn nứt. Mỗi đợt leo thang đẩy hai nước tiến gần hơn đến chỗ suy thoái — và tới điểm không thể quay đầu lại,” một bài phân tích của CNN viết.

    Art Hogan, trưởng chiến lược gia thị trường tại công ty tài chính National Securities Corporation, được CNN dẫn lời rằng chiến tranh thương mại càng trầm trọng thì suy thoái đến Mỹ càng nhanh.

    “Trong lịch sử, các cuộc suy thoái xảy ra như là phản ứng trước sai lầm về chính sách tiền tệ. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể phải đối phó với tính toán sai lầm về chính sách thương mại,” ông nói.

    Nhiều nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp đồng ý với mong muốn của chính quyền Trump buộc Trung Quốc phải theo đuổi những tập tục thương mại công bằng hơn. Những hàng rào phi thuế quan của Bắc Kinh, bao gồm việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ, từ lâu đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp Mỹ.

    Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc ông Trump sử dụng thuế quan để giành được những nhượng bộ.

    “Nếu Mỹ tập trung vào việc thuyết phục Trung Quốc đưa ra những cam kết chặt chẽ nhất có thể, hai bên đã có thể đạt được tiến bộ thực sự,” bài xã luận của trang tin Bloomberg nhận định. “Đưa ra những đòi hỏi không thực tế và mô tả bất cứ sự thỏa hiệp tiềm năng nào như là sự đầu hàng của Trung Quốc sẽ chỉ làm sự kháng cự thêm kiên quyết.”

    Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giám đốc tài chính của Asurity Technologies và là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, nói rằng những đặc điểm mang tính cơ cấu của nền Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến nước này khó lòng đạt được một thỏa thuận với Mỹ trong ngắn hạn.

    “[Chủ tịch Trung Quốc] Tập Cận Bình đi ngược lại đường lối của Đặng Tiểu Bình hồi xưa, có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng nhúng tay vào việc điều hành nền kinh tế quốc gia, họ đầu tư nhiều và ảnh hưởng nhiều,” ông nói.

    “Thứ nhì, ngành sản xuất của Trung Quốc phát triển là nhờ nguồn nhân công rẻ trong ba chục năm nay, nhưng mà bây giờ nhân công không còn rẻ nữa. Và công nghệ của Trung Quốc cũng cao nhưng phân nửa là đánh cắp của nước ngoài và biến chế thêm.Thành ra bây giờ cấm hết những thứ đó giống như là gạt đi mất lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong tương lai.”

    Tiến sĩ Lộc nhận định việc Trung Quốc làm suy yếu tiền tệ của mình là một bước leo thang dựa trên tính toàn rằng nước này có thể chịu được những hệ quả chính trị từ một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.

    [Trung Quốc không trải qua mùa bầu cử như Hoa Kỳ, Tập Cận Bình là chủ tịch muôn năm. Hiện giờ ông chỉ bị áp lực duy nhất từ khối bảo thủ của bộ chính trị và khối đó nói rằng ‘chúng ta không thể để mất thể diện quốc gia’ [bằng việc nhượng bộ Mỹ],” ông nói.

    Giữa bối cảnh chính trị như vậy, Tiến sĩ Lộc cho rằng trong thời gian tới, hai nước sẽ khó lòng đạt được một thỏa thuận đình chiến lâu dài mà có thể chỉ có những đợt hưu chiến ngắn hạn.

    Trong một chỉ dấu cho thấy mức độ trầm trọng của cuộc tranh chấp, cuộc khảo sát của báo Wall Street Journal thăm dò các nhà kinh tế cho thấy 87% những người được hỏi dùng thuật ngữ “chiến tranh thương mại” để mô tả tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc, tăng mạnh từ tỉ lệ gần như 50-50 trong cuộc khảo sát cách đây một năm.

    “Không may là thuật ngữ này giờ là thuật ngữ phù hợp,” Russell Price, nhà kinh tế cao cấp tại Ameriprise Financial Services, được tờ Journal dẫn lời. “Trước đây, chúng tôi dùng thuật ngữ ‘tranh cãi thương mại’.”

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here