Thổi phồng sức mạnh một cách thái quá đôi khi nhận lãnh một kết quả rất tai hại.

0
77

Một trong những mặt trái của toàn cầu hóa, như được cảnh báo từ cách đây chừng 20 năm khi nhiều nhà quan sát lên tiếng về khả năng lây lan bệnh dịch, giờ đã có thể nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, gần như không nhà quan sát nào dự báo về việc đất nước nào được hưởng lợi nhiều nhất từ toàn cầu hóa sẽ thiệt hại nặng nhất bởi chính yếu tố này.

Chẳng quốc gia nào làm giàu với tốc độ cực nhanh nhờ toàn cầu hóa bằng Trung Quốc. Tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc lớn đến mức nhà cầm quyền Trung Quốc “đồng hóa” nó với sức mạnh chính trị của họ. Ngạo mạn, lố bịch, kẻ cả, ngồi xổm lên luật pháp quốc tế…, Trung Quốc chà đạp mọi thứ và dùng mọi thủ đoạn để vừa làm giàu vừa xây dựng sức mạnh chính trị từ tầm quan trọng thị trường của đất nước mình. Có lẽ chẳng phát ngôn viên ngoại giao nào trên thế giới bị ghét nhiều bằng các phát ngôn viên Trung Quốc, dù họ chỉ lặp lại quan điểm theo yêu cầu của chính phủ họ.

Có lẽ cũng không quốc gia nào trên con đường trở thành cường quốc lại tạo ra ít giá trị cho thế giới bằng Trung Quốc. Thực dân Anh và Pháp còn mang lại ít nhiều giá trị văn hóa và dân chủ. Trung Quốc chỉ mang đến thảm họa, từ văn hóa, dân chủ đến ngoại giao. Có lẽ cũng chẳng quốc gia nào đi lên bằng cách đánh đổi sự tổn thất môi trường bằng Trung Quốc. Ngay cả người dân của họ còn bị tước đoạt những quyền căn bản huống hồ môi trường.

Thế giới dường như bắt đầu trở nên quá bé trước sức mạnh không có gì có thể cản nổi của Trung Quốc. Tuy nhiên, thế giới toàn cầu hóa không có nghĩa tất cả quốc gia còn lại trên thế giới đều cần Trung Quốc, còn Trung Quốc thì không. Vô số đại công ty đa quốc gia phải cúi đầu và vô số nước nhỏ phải chìu lòng trước sức ép Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh tin rằng họ đã ngồi lên ngai vàng của thế giới toàn cầu và phần còn lại thế giới phải chầu phục dưới trướng. Sự ngạo mạn quá lố lấn át lý trí đến mức Trung Quốc không thèm nghĩ rằng thế giới toàn cầu hóa là một thế giới mà trong đó tất cả các bên đều cùng chia sẻ lợi ích và đều cùng gánh chịu thiệt hại.

Vấn đề ở chỗ người ta luôn dễ dàng chia sẻ lợi ích trong khi thường tránh né việc cùng gánh vác tổn thất, và sự san sẻ càng khó xảy ra khi người ta tin rằng ai hưởng lợi nhiều nhất thì người đó phải tự biết lo và càng phải tự biết lo một khi anh ta lâu nay tin rằng mình luôn đủ khả năng tự lo. Thổi phồng sức mạnh một cách thái quá đôi khi nhận lãnh một kết quả rất tai hại. Sự thổi phồng sức mạnh tạo ra tâm lý thù ghét sẽ mang lại một kết quả thậm chí còn tệ hơn tai hại. Nói như vậy không có nghĩa Trung Quốc có thể rút được gì từ bài học này. Họ đã quen xấc xược, trong khi dễ tự ái. “Đông Á bệnh phu” là căn bệnh nghiêm trọng hơn cả trận dịch đang hoành hành. Để Bắc Kinh tỉnh ra, Trung Quốc cần nhiều hơn một trận dịch, chẳng hạn một cuộc biến động từ sự “vỡ mộng” của chính người dân. Dù gì, từ sự kiện dịch bệnh này, Trung Quốc tất nhiên không thể không thấy đâu mới thật sự là căn bệnh nguy hiểm hơn và khó chữa trị hơn. Nguồn gốc xuất phát của nó không nằm ở Vũ Hán. Nó ở ngay Bắc Kinh.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here